Điều đầu tiên các giáo viên dạy môn Văn lưu ý: Khi nhận đề, thí sinh nên dành 5 – 10 phút đọc đi đọc lại đề; chú ý phần yêu cầu của đề. Phần đọc hiểu, đề hỏi gì trả lời nấy, không "dài dòng văn tự". Phần nghị luận xã hội thường viết đoạn; đoạn văn và bài văn khác nhau.
Theo đó, cấu trúc của đề thi THPT Quốc gia 2019 gồm có 2 phần: Phần đọc hiểu văn bản (4 câu hỏi nhỏ ở mức nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp) và phần làm văn (2 câu hỏi ở mức vận dụng cao).
Thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Ngữ Văn một trường THPT ở quận Tân Bình cho biết, ở phần đọc hiểu đề thường cho một đoạn, bài thơ hoặc một đoạn văn xuôi không nằm trong chương trình Ngữ Văn THPT hiện hành. Ở câu hỏi 1 và 2, thí sinh chỉ ra được ngắn gọn một vấn đề có sẵn trong văn bản. Câu hỏi 3 thường có dạng như “Việc tác giả trích dẫn ý kiến của (ai đó) có tác dụng gì?”. Với câu hỏi này, thí sinh cần ghi ra ý kiến được đề cập đến, sau đó dựa vào nội dung của ý kiến đó để trả lời từ 5-7 dòng ngắn gọn, có trọng tâm.
Câu 4, kiểm tra khả năng vận dụng thấp của thí sinh thông qua một số câu hỏi kiểu như: “Anh/chị có đồng tình với ý kiến… không”? Vì sao? Hoặc là: “Thông điệp nào có ý nghĩa nhất với anh/chị”? Với những câu hỏi dạng này, thí sinh cần trình bày qua một đoạn văn ngắn từ 5-7 dòng, lập luận chặt chẽ, có chính kiến rõ ràng. Thí sinh có thể đồng tình, không đồng tình hoặc kết hợp cả hai, miễn sao hợp lí và không vi phạm pháp luật, thuần phong mĩ tục của người Việt.
Phần thứ 2, phần làm văn (7 điểm) gồm phần Nghị luận xã hội (2 điểm) và phần Nghị luận văn học (5 điểm).
Câu 1, phần Nghị luận xã hội: Đề thi yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn khoảng 200 chữ bày tỏ suy nghĩ của bản thân về một vấn đề được nêu ra từ phần Đọc hiểu. Thí sinh cần chú ý những yêu cầu sau: Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Có thể trình bày đoạn văn (không xống dòng) theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận, tập trung bàn luận duy nhất vào vấn đề đó hay nói cách khác, không viết sa đà, lan man… có thể dẫn đến lạc đề.
Triển khai vấn đề nghị luận: Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ yêu cầu đề ra. Tuyệt đối không viết đoạn văn nghị lận xã hội thành bài văn thu nhỏ (có bố cục 3 phần). Cần viết chân thực, tránh sáo rỗng theo khuôn mẫu, cần thể hiện quan niệm, suy nghĩ độc lập của chính mình.
Câu 2, phần Nghị luận văn học, thí sinh cần đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài giới thiệu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề và kết bài khái quát được vấn đề. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (tránh lạc đề).
Triển khai vấn đề nghị luận: Theo đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT năm nay, câu nghị luận văn học có thể yêu cầu phân tích các chi tiết nhỏ của tác phẩm để làm rõ một vấn đề của nội dung tác phẩm. Cho nên, thí sinh cần tránh phân tích toàn bộ chi tiết trong tác phẩm hoặc chỉ phân tích những chi tiết được yêu cầu. Cần đặt các chi tiết trong mối quan hệ với những chi tiết, sự việc khác trong tác phẩm để phát triển được ý.
Các chuyên gia tuyển sinh cũng lưu ý thêm: Khi đã làm bài tới trang thứ 3 thì nên giơ tay xin thêm tờ giấy khác liền để tránh đợi đến khi làm hết 4 trang xin tờ khác mạch văn sẽ bị tắc khi phải ghi lại những thông cá nhân. Đừng thấy bạn bè nộp bài sớm cũng tranh thủ nộp bài, nên ngồi lại đến hết giờ, bình tĩnh đọc dò lại lỗi chính tả. Chỉ được dùng một màu mực duy nhất trong bài làm và nên dùng một loại bút.
Để có một tinh thần thoải mái cho môn thi đầu tiên, tối nay (24/6) thí sinh nên hệ thống lại kiến thức rồi đóng hết tập sách đi ngủ sớm trước 11 giờ đêm và đặt báo thức để tránh bị ngủ quên.