Tiếng chuông ngoài cổng

Phụ nữ ngoài bốn mươi như Ánh Nguyệt, là một mệnh phụ đẹp. Dáng người cao và gọn, chiếc cổ cao quí phái, mái tóc dày và đen càng tôn vẻ mặt nàng thêm sang trọng.

Chiến tranh, hồi còn ở rừng phụ nữ đẹp là một của hiếm. Đôi khi còn là tai họa cho cánh nam giới. Đã có hai, ba chàng hiệp sĩ đầy năng lực ngấp nghé ngỏ lời cùng mỹ nhân đã phải ngậm ngùi nhận quyết định đi tiền phương, khi nào có lệnh mới được về cứ.

Thời gian này cả cơ quan tăng cường cho phía trước. Ánh Nguyệt được phân công ở lại trực văn thư cùng vài chị em. Nam giới có Năm Hùng, dân gốc Vĩnh Long theo cha đi tập kết. Hùng là kỹ sư cơ khí vừa tốt nghiệp loại ưu ở Liên Xô về, tăng cường cho R. Anh thuộc diện con cưng, lót ổ sẵn cho tiếp quản. Có bữa cơm hai người cùng chủ động nán lại bên chiếc bàn nứa thô sơ để nhìn nhau. Năm Hùng đã lọt vào tầm ngắm của Tư Ánh Nguyệt từ lúc nào… Chiến tranh sắp kết thúc, đây là chàng kỹ sư tạo nguồn, nàng cần phải giành lấy.

*
* *

- Báo cáo chú Chín, tụi cháu yêu nhau…

- Yêu nhau! Yêu nhau từ bao giờ? Yêu nhau phải có quá trình, phải báo cáo tổ chức. Mới chân ướt chân ráo từ Bắc vô, chưa có gì cống hiến, đã yêu gấp vậy? Ông Chín, thủ trưởng cơ quan nghiêm khắc cảnh cáo.


- Tụi cháu yêu nhau, còn quá trình là sao tụi cháu cũng hổng biết. Trước sau gì tụi cháu cũng báo cáo tổ chức.

Những ngày giải phóng ập đến dồn dập. Vụ việc cũng được chìm dần theo yêu cầu nhiệm vụ mới. Ánh Nguyệt kiên quyết "bám trụ" không để vuột mất chàng kỹ sư thứ thiệt. Nhưng Năm Hùng bắt đầu chần chừ. Sau cái "đêm ấy" ở trong cứ…

Nhưng Ánh Nguyệt thật lão luyện trong việc vận dụng hình thức mặt trận nhân dân vun vào cho hai người. Rằng chuyện cũ ai mà không có, rằng một người đã đi Tây học như anh, không nên câu chấp chuyện cũ… lại còn chuyện nếu Năm Hùng xây dựng với Ánh Nguyệt, hai người ổn định gia đình thì anh sẽ là một cán bộ còn tiến xa của Ty Công nghiệp, chưa kể hai vợ chồng còn được cấp một căn nhà, gần như là biệt thự của một công chức cũ đã bỏ trốn ra nước ngoài từ trước 1975. Năm Hùng từng chui rúc trong những khu tập thể ngoài Bắc, căn nhà để được tự do thở, với anh cũng là một hấp dẫn không thể bỏ lỡ…

Ngay sau đám cưới, Ánh Nguyệt đã về gia đình tại Bình Dương sắm cho Năm Hùng một chiếc 67 mới khui trong thùng ra, nước sơn soi gương được. Họ gần như không thiếu một thứ gì của thế giới thời thượng sau 1975. Năm Hùng được Ánh Nguyệt cưng chiều. Phụ nữ Nam bộ đã chiều chồng thì hết ý. Nụ hôn của họ cứ nghĩ trong cải lương, song không phải cải lương mà rất đời. Đàn ông dễ mềm lòng bởi những nụ hôn ấy. Cuộc đời của họ lên hương. Năm Hùng vui vẻ đồng ý cho Ánh Nguyệt đón cu Tuấn, con riêng của nàng về. Thằng bé mang họ anh từ đó.

Con đường công danh của họ trải ra bằng tấm thảm nhung thời cuộc. Ánh Nguyệt cấp tốc học hết cấp ba bổ túc để còn tiến vào đại học, vì nàng đã lọt vào cơ cấu của Thường vụ… Có một thầy giáo trẻ ở bộ đội về vì muốn cho Ánh Nguyệt dễ nhớ đến nguyên tố đồng trong bảng tuần hoàn Mendeleev đã bảo: "Chị chỉ cần nhớ đến Cu, là đủ". Về sau có một thầy dùi nào đấy đã làm cho đồng chí giáo viên nghiệp dư này khốn khổ về chuyện đề bạt, lên lương vì dám ngạo mạn, báng bổ lãnh đạo…
Hôm nay, 28 Tết. Gần chục năm nay cứ giáp Tết là Năm Hùng khổ sở về chuyện ra mở cổng, tiếp khách nhận quà và phong bì của các cá nhân và cơ quan… Anh đã hục hặc, căng thẳng với vợ về chuyện này. Bởi những năm gần đây sự hiếu hỉ diễn ra quá trắng trợn khiến Năm Hùng bất nhẫn. Lại có tiếng chuông reo một cách kiên nhẫn như trêu ngươi ngoài cổng. Không cần đóng bộ, cứ quần đùi áo lót, Năm Hùng ra mở hé cánh cổng:

- Mấy người thông cảm. Nhà tôi bả đi họp ở thường vụ rồi! Chắc lại chúc tết chớ gì? Ờ, lời chúc thì tôi nhận cho, ngoài ra không nhận gì hết đâu. Cám ơn nha. Nói rồi anh đóng cửa rầm một cái.

Rất nhiều đoàn đi chúc Tết nhà bà Tư đã đem lòng ai oán Năm Hùng, rằng anh là con người không lịch sự, gàn dở. Cả năm có một cái tết, anh em người ta đi chúc lãnh đạo mà chồng con gì thô lỗ trong lời nói, cộc cằn trong đón tiếp. Năm Hùng dửng dưng bỏ ngoài tai hết.

Sau bữa cơm tối, cả hai cùng im lặng. Trong căn phòng khách thênh thang chỉ nghe tiếng quạt gió phát ra từ chiếc quạt đứng hiệu National. Cuối cùng, không chịu được sự im lặng này, Ánh Nguyệt phải mở miệng:

- Anh làm gì kỳ vậy anh Năm? Cả năm trời có một cái tết, các cơ quan người ta đến chúc tết lãnh đạo… Anh còn coi em ra gì nữa không?

- Không phải khách của tôi! Khách của bà thì bà tiếp ở cơ quan. Sao cứ phải đưa về nhà?

- Ai cũng vậy, chứ mình nhà mình đâu. Mà sao anh không nói tình cảm anh em với em được sao? Đụng chuyện là bà nọ, bà kia… bả không có nhà… bả đi họp thường vụ. Riết rồi không biết anh sao nữa.

- Ai sao kệ người ta. Mình không nên như thế. Trong phường này nhiều hộ còn không mua nổi cặp dưa hấu, đòn bánh tét cho con. Trong khi đó nhiều thằng cha… còn chở lén ban đêm dưa với giò lụa để thối đổ xuống sông. Thối đến nỗi heo nó còn chê, bà biết không?

- Đó. Lại bà, lại bà… Em già lắm rồi sao? Ánh Nguyệt ôm mặt khóc rấm rứt, những tiếng khóc rất đàn bà. Tại sao anh ấy lại thay đổi đến nỗi không ưa mình làm chính trị nhỉ?

Trong căn nhà này, từ lâu hai vợ chồng chỉ còn ở mức xã giao như hai người bạn, chừng mực, khô khan và lạnh lẽo. Tiếng chuông báo lại có khách đến. Năm Hùng đi một nước lên lầu. Ánh Nguyệt sắm lại bộ mặt tươi tỉnh để ra mở cổng cho đám khách đã thậm thụt ở đây từ sáng đến giờ.

*
* *

- Anh đọc đi, tôi đã cho điều tra, chính anh đã thảo tờ đơn kiến nghị này, thực chất là vu cáo tỉnh chớ gì? Ánh Nguyệt đã thay đổi cách xưng hô từ em, sang tôi với Năm Hùng.

- Đúng, tôi đã viết giúp họ, lấy chữ ký giúp họ để kêu cứu đến các cơ quan… Bà làm sao mà chứng kiến cảnh vợ chồng con cái họ đang ăn phải bưng mâm cơm lên giường, khi nước mấp mé giường họ phải đứng lên mà ăn. Bà vừa phải thôi, để còn chừa chỗ cho mình khi hết thời làm quan, trở về làm dân nữa chớ.

- Đây là luận điệu của những người gây rối, muốn hạ uy tín lãnh đạo. Báo chí mà đăng là còn lớn chuyện nữa.

- Nếu các chủ chương của bà hợp lòng dân thì bà sợ gì nào? Lãnh đạo như bà ở nhà cao cửa rộng, làm sao bà hiểu cả cái khu tập thể này chui rúc trong các căn nhà ổ chuột.

- Làm lãnh đạo không có nghĩa là làm ngay được mọi việc trong cùng một lúc. Cách tốt nhất là giao cho cơ quan kinh doanh, xây nhà bán theo quy định. Ai chưa có thì trả góp.

- Thôi… thôi. Tôi thua bà. Chân lý bao giờ chả thuộc về người nắm quyền lực.

Phàm ở đời cái gì lên cao rồi cũng phải xuống thấp. Ánh Nguyệt đã vận động ở lại làm khóa nữa mà không xong. Nàng được nghỉ theo chế độ cán bộ cao cấp, thời gian không xác định để chờ làm sổ hưu. Riêng quan hệ vợ chồng với Năm Hùng, nàng không có đứa con nào. Hai người ly thân. Ánh Nguyệt về ở hẳn với con riêng trong một biệt thự sang trọng tại Sài Gòn.

Tư Ánh Nguyệt mặc dù có hai nhà song cơ quan vẫn "tình nghĩa" cấp một suất. Dư luận cho rằng bà Tư sẽ không nhận. Dư luận bị hố, Ánh Nguyệt chẳng những vẫn nhận mà còn lồng lên khi biết lái xe Vĩnh không có tên trong danh sách. Bởi như bao người khác, anh này đã có nhà. Thế là người ta phải cấp đất cho tài xế Vĩnh.

Như thường lệ, sáng nay Vĩnh chở Ánh Nguyệt đi thăm Tuấn ở Sài Gòn. Nhưng Tuấn đi thực tập, khu biệt thự chỉ còn hai người…

Những tháng ngày ly thân với Năm Hùng, Ánh Nguyệt phải sống ép xác. Sau rồi cũng chẳng cao siêu gì, bản năng vốn có của con người trỗi dậy như lửa gần với rơm, Ánh Nguyệt chủ động đến với Vĩnh trong cuộc đời trần thế.

Sau bữa cơm đã ngà ngà vài ly Hennessi, Vĩnh nằm ở phôtơi đọc báo thì Ánh Nguyệt đã nhẹ nhàng, phảng phất mùi nước hoa Colonhơ trong bộ đồ mát tiến lại:

- Tính nằm đây mà đọc báo sao? Đi lên lầu… Ánh Nguyệt kéo tay Vĩnh.

Ánh Nguyệt dướn người hôn Vĩnh, song anh ta thì không. Vĩnh chỉ hôn chiếu lệ. Ánh Nguyệt thoáng nhận ra điều đó. Chả sao, họ đã chìm vào hoan lạc trong căn phòng máy lạnh 19 độ C.

Lát sau, khi hai người hồi tỉnh, trong khi uống nước lọc, Ánh Nguyệt hỏi:

- Bao giờ Vĩnh tính xây nhà? Cho Vĩnh luôn suất của người ta nữa đó.

- Giỡn hoài. Năm Hùng để yên cho à?

- Hai người bây giờ không còn gì. Ổng cứ ở căn nhà cũ. Đất này tỉnh cấp cho Nguyệt mà.

Chính Vĩnh cũng ngạc nhiên. Sao bảo Ánh Nguyệt là con người lạnh lùng nhỉ? Trong quan hệ tình dục nàng đâu có lạnh. Lại còn cho Vĩnh luôn suất đất, chuyện như mơ ấy. Hay tại nàng đã quá đủ rồi. Hay tại nàng hận Năm Hùng..?

Một lát, đã thấy Vĩnh ngáy đều đều. Ánh Nguyệt có thể vì hưng phấn, có thể còn suy nghĩ về nhiều lẽ mà chưa ngủ được cũng nên…

*
* *

Theo chân cô hộ lý, Năm Hùng tìm đến phòng săn sóc đặc biệt của khoa ngoại. Ánh Nguyệt đây ư? Khuôn mặt nàng xanh nhợt như được đắp bởi nước da của người mắc bệnh gan. Ánh Nguyệt định ráng sức ngồi dậy, nhưng Năm Hùng giơ tay ngăn lại:

- Em đừng có ngồi dậy, chóng mặt. Năm Hùng ngồi xuống chiếc ghế cạnh giường.

- Em… em không nghĩ anh đến thăm em… giọng Ánh Nguyệt nhòe đi.

Những ngày đầu Vĩnh còn đến, mấy bữa nay chả thấy tăm hơi. Những người trước đây suốt ngày săn đón chốn công đường hay ở tư gia một điều: “Bà Tư” hai điều “Chị Tư”... dạ, vâng giả lả nay hầu như chả còn ai. Năm Hùng cảm thấy vụng về trong việc tìm lời động viên Ánh Nguyệt. Hai người rơi vào im lặng.

- Ai nấu cho anh ăn? Ánh Nguyệt ngập ngừng hỏi.

- Ai nấu mà chả được. Chuyện nhỏ mà. Năm Hùng gật đầu nhìn Ánh Nguyệt như muốn bảo nàng hãy an tâm để chuẩn bị tinh thần cho ca phẫu sắp tới.

Bàn tay Ánh Nguyệt đã bớt run. Nàng vẫn để yên tay mình trong đôi tay rắn rỏi và bướng bỉnh của Năm Hùng. Nhận ra Ánh Nguyệt có vẻ mệt, Năm Hùng đỡ nàng nằm xuống. Phòng bệnh yên tĩnh. Xa xa, nghe vẳng tiếng còi xe từ ngoài đường phố. Ánh Nguyệt lén nhìn Năm Hùng. Hai dòng nước mắt chảy dài trên gò má xanh xao, tự nhiên nàng thèm nghe một hồi chuông từ cổng nhà mình những năm nào...

Lê Đăng Kháng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN