Thương quá... Nhồng ơi…

Ngày ông xách cái lồng có nó về nhà, bà đã tỏ ý không vừa lòng. Đó đến giờ bà vốn không ưa động vật. Bà dị ứng với lông mèo, hít vào là hắt hơi sổ mũi. Bà ghét nuôi chó, chúng nó bừa bãi - “đi vệ sinh- “ lung tung, nhơ nhuốc, bẩn thỉu không chịu được. Ông nghe lời bà, từ lâu chẳng nuôi chó mèo, chim chóc cũng không.


Một hôm, già rồi lẩn thẩn hay sao đùng cái ông lại vác ở đâu về ngay một con nhồng – giống chim quý hẳn hoi.


Con nhồng đen thui như con quạ. Bà gườm nó, làu bàu. Ông chỉ phần sau ót của nó: Đen thui đâu mà đen thui, đen ánh tím, không thấy nó có cái - “ướm- “ vàng hoe đây à…

Minh họa: Trần Thắng


Nhà mỗi hai vợ chồng già về hưu, có thêm con nhồng thì vui cửa vui nhà chứ sao. Vui cái gì mà vui, rồi cũng đến tay tôi hầu như… hầu bố con ông thôi…


Mặt ông đột nhiên sa sầm, rũ rượi. Bà thốt xong, chợt lặng đi, biết lỡ lời, bà lủi vào trong bếp.


- “Nhồng ơi! Hế lô… Nhồng ơi! Hế lô… Ài lớp diu...".


Băng cátxét ông bật phát ra rả, loa hướng ra khoảng hiên nhà chỗ cái lồng có con chim quý đang rỉa lông. Bà hét lên: Ông có bị khùng không!


Ông trộn cơm nóng với ớt tươi, bón cho nhồng ăn. Bà để đấy cho tôi, tôi đang dạy nhồng của tôi nói.


- “Ài lớp diu, nhồng ơi. Ài lớp diu...".


Sớm nào đi tập thể dục về ông cũng tạt qua cửa hàng chim cảnh gần nhà mua hai nghìn sâu tươi bổ sung dưỡng chất cho con nhồng ở nhà.


Thắc mắc lắm, một bận ông hỏi người bán:


- “Cái băng cátxét anh bán cho bác ấy mà, nó cứ nói ài lớp ái lớp mãi điếc cả tai… cái gì mà bác nghe mãi không ra ấy nhỉ?".


Ông chủ lắc đầu: Dạ, cháu cũng không hiểu. Đứa con gái học lớp mười đang ngồi bón cho lũ chim nghe được, bảo:


- “Là ài lớp diu. Tiếng Anh đấy ông ạ. Nghĩa là anh yêu em, tôi thương bạn!”.


Ôi trời đất! Con nhồng thì nó biết yêu ai, thương ai…


- “Ừ… còn hế lô là xin chào phải không cháu”.


- “Dạ, gặp ông thì hế lô, còn tạm biệt là bái bai...".


Nó đưa bịch sâu tươi cho ông xong, áp dụng ngay: Bái bai ông!


Về nhà, ông mở cửa chuồng thò tay đổ sâu vào cóng, thay nước, dọn phân. Con nhồng túc tắc túc tắc, thấy tay người liền nhảy loạng choạng. Yên nào, ngoan nào nhồng. Thời buổi này đến dạy nhồng nói cũng phải toàn tiếng Anh tiếng Tây mới gọi là  “chuẩn". Bọn trẻ con chúng nó tới lớp lá bố mẹ đã cho đi học ngoại ngữ cả rồi.


- “Hôm qua thằng Thắng nó lại về, ông ạ...".


Ông ngồi yên đọc báo, vờ không nghe thấy. Đã từ lâu, cứ cách vài ba tuần hay khoảng một tháng, đang nằm đu võng, buột miệng bà lại báo ông nghe một giấc mộng như thế.


Hai ông bà về hưu nên cũng chẳng mấy việc để làm. Buổi sáng hai vợ chồng dắt díu nhau ra công viên, ông chạy bộ, bà tập dưỡng sinh, hít ra thở vào với mấy bạn già khác, có hội có hè cũng vui. Xong bà xách giỏ đi chợ, về bếp núc, cho ông đi đâu thì đi, làm gì thì làm, trưa nhớ cơm nước. Thời gian còn lại bà ru rú trong nhà. Đi ra đi vào, xem ti vi, mỏi lưng thì vào nhà bật quạt đi nằm. Có khi trưa đang ngủ ngồi bật dậy.


- “Nó bảo tôi con nhồng của ông khôn lắm, dạy câu nào là thuộc ngay câu ấy...".


Con nhồng từ bấy đến nay đã nói được câu nào đâu, ông toan cãi lại. Nhưng ngậm ngùi, ông chỉ ngồi yên đọc báo như thế.


- “Ế lô, ế lô...".


Ông giật mình, bỏ báo chạy ra xem con nhồng. Nó gân cổ lên, ngọng nghịu như đứa trẻ lên ba tập nói:


- “Ồng ơi… Ài lớp...".


Nó nói được, tài thật. Ông mừng lắm, cắt ớt hiểm trộn với thức ăn khô bỏ vào khay cho nó.


- “Ăn ớt nhiều cho sung, nhồng ơi, nhồng ơi...".


Lâu lâu có người mách cho là bà lại đi, lắm khi đến hai ba ngày. Đi đâu? Tôi phải đi ông ạ, lần này chắc là được…


Ông ở nhà một mình may có con nhồng cũng đỡ buồn. Từ độ thằng Thắng mất, bà thường tìm chỗ cúng kiếng, bói toán, gọi hồn… Hễ vừa có ai rỉ tai bà chỗ này chỗ kia “thầy“ hay, phép giỏi, dẫu xa xôi bà cũng lặn lội đến. Biết mỗi lần bà nhắc ông buồn lắm, lảng đi không muốn nghe, nhưng bà tin con “về“ thật. Bà tin linh hồn con quanh quẩn đâu đây, gần lắm, thỉnh thoảng báo mộng cho mẹ mà chưa nói hết lời trời đã sáng, mộng đã tàn.


Bà phải “gặp“ bằng được. Tìm nhiều “thầy“ rồi nhưng chưa ai “gọi“ thành công. Bà cứ đi, nhất quyết đi…


Lắm lúc ông bực mình, muốn vứt phăng tờ báo xuống đất, nạt cho bà một trận ra hồn. Mê tín dị đoan, tối ngày! Nhưng rồi ông chỉ lặng đi, rưng rưng, ngồi một mình ngó ra thềm treo cái chuồng có con nhồng đang bập bẹ ngọng líu ngọng lô.


Ông già tóc bạc vẫn ngồi đấy, mặc buổi chiều trôi qua lặng lẽ. Có khi im thin thít như tượng, không động đậy, hơi thở khe khẽ như gió lay nhẹ cành cây sau vườn.
Thấp thoáng vậy mà đã hơn hai chục năm đằng đẵng… Thắng mất lúc đang ôn thi tốt nghiệp phổ thông. Ngày ấy ông hay la rầy, cốt mong con chuyên tâm cố gắng học hành cho nên người, lo lắng cũng vì sợ nó bị lôi kéo tập tành đua đòi theo bạn xấu mà sinh tật. Lúc bé nó ngoan thế mà sao càng ngày lớn thêm tính khí lại càng chướng. Ông không bảo được, nhiều bận cha con cãi nhau to, nộ khí xung thiên, có lúc suýt tát vỡ mặt thằng con trai duy nhất.


Rồi vào cái đêm định mệnh, ông nhớ mãi, nhớ mãi… Câu nói ấy đến tận bây giờ vẫn còn nghe văng vẳng:


- “Cút! Mày cút! Mày không phải con tao! Cút đi đâu cho khuất mắt!”.


Nó cắn môi, gật đầu, cút thật.


Một ngày. Hai ngày. Đến ngày thứ ba thì chuông điện thoại reo inh ỏi.


Bà ngất, lúc tỉnh dậy khóc sưng húp đỏ lòm hai con mắt. Ông khuỵu xuống, ôm ngực, tưởng đã vỡ tim mà chết.


Con “bồ” nó phụ ông bà thu xếp chuyện tang ma.


- “Con khóc hết nước mắt mà anh Thắng vẫn nhất quyết đua mẹ ạ. Con khổ quá mẹ ơi, con khổ quá...".


Đứa con gái chưa kịp làm dâu của bà ngày nào ấy thỉnh thoảng vẫn mang trái cây qua nhà, thăm ông bà và thắp cho Thắng nén nhang.


Bà thương nó như con ruột, thương như là đã làm dâu trong nhà hai chục năm nay. Nhiều đêm bà nằm quay lưng vào tường, ông biết bà rưng rức, nước mắt chảy xuống ướt đẫm cả áo gối.


- “Nó nhất quyết không lấy chồng ông ạ… Bố mẹ nó khổ tâm lắm...".


Ông bà thêm đau đớn, tim như bị ai đâm một lúc hai mũi dao liền. Mấy ngày sau tang lễ, tóc ông bạc trắng cho đến tận hôm nay.


- “Ế lô! Ài lớp… Ài… lớp...".


Con nhồng ngắc ngứ rướn họng, cố lắm cũng không nhớ nổi câu tiếng Anh lạ hoắc lạ huơ dài ngoằng kia. Ông đứng bên lồng nhìn nó. Nó qua song sắt cũng tròn xoe mắt nhìn ông. Đôi mắt người và chim hắt hiu buồn bã.


- “Khổ thân… Tiếng Việt không thạo đi quàng tiếng Anh. Thôi để ta dạy mày này: Thương quá, thương quá… Nhồng ơi, nhồng ơi...".


Không mở băng nữa, sớm chiều cho ăn ông chỉ dạy nó mỗi hai câu ấy.


Nhồng mê tắm lắm. Tuần nào ông cũng chuyển nó sang một cái lồng khác, nhúng vào thau lớn đổ nước xâm xấp, cứ thế cậu chàng nhoi nhoi nhảy lên vục xuống tha hồ rỉa lông rỉa cánh.


Tắm xong nó phấn chấn gân cổ lên đủ thứ tiếng chim gà mèo chó không biết nghe lỏm ở đâu.


*
* *


Bà gặp “thầy“ về. Nghe bảo “thầy“ ở nơi xa xôi cách trở cả đi cả về mất những một tuần. Con nhồng quen bà, trông thấy mừng bập bẹ:


- “Ế lô… Ồng ơi...".


- “Ông ơi, lần này được rồi ông… Thầy gọi được con rồi!”.


Ông đang đổ thức ăn khô vào cóng cho nhồng, nghe thế đánh rơi “choang“ xuống đất, vỡ tan tành. Con chim đang líu ríu hoảng quá nhảy loạng choạng.


- “Thật không… Nói có đúng không, biết kỹ không… Không thì… thì là bọn buôn thần… bán thánh...".


Ông mấp máy, câu chữ không lọt nổi cuống họng. Dù không tin, ông vẫn cho bà đi, vì trong sâu thẳm thâm tâm cũng mong, mong sao bà “gặp“ được thật.


Đúng. Đúng hết, ông. Đúng từ chuyện ông mắng nó, uất quá nó mới đi nhậu say. Rồi tụ tập nghe lời rủ rê của bọn đua xe cá độ. Cả chuyện con Liên… cái biển số xe nó lái… điệu bộ, giọng nói không chệch vào đâu được. Tôi là mẹ, tôi biết chứ. Không sai, không sai… ông ơi! – bà nấc lên.


Những nếp nhăn trên trán ông bỗng đội lên, dúm dó.


Đã bao lần trong đêm ông tự hành hạ, dằn vặt trách móc mình. Tại ông, tại ông cả. Nếu khi ấy ông tỉnh táo, bình tĩnh hơn, dành hết tình thương của người cha để cảm thông, bao dung với những nghĩ suy bồng bột, thiếu chín chắn của con trẻ. Thì có lẽ, có lẽ… đã khác nhiều…


Vẫn thường ngồi một mình, ông tự hình dung ra cảnh vợ chồng thằng Thắng, con Liên chủ nhật nào cũng chở cháu nội về thăm ông bà. Ông đang đọc báo, nghe nhồng líu ríu, chợt tiếng chuông vang, vội vàng ra mở cửa. Và thằng cháu trai đã ở đó, béo tròn mũm mĩm, sà vào lòng ông trìu mến, thương yêu: Cháu chào ông ạ!

Ai cũng cần thời gian để lớn lên. Ai cũng cần thời gian để trưởng thành cơ mà. Sao chẳng khi nào ông chịu ngồi cùng con tâm sự, không cố gắng lắng nghe tìm hiểu con ông đang thực sự cần gì, thiếu gì…


… Mà lại chỉ toàn là sự im lặng ghét bỏ và lớn dần nỗi tức giận khôn nguôi.


- “Nó không trách ông đâu. Chẳng bao giờ nó oán trách ông. Nó bảo tôi rằng dù ông không cần, lúc nào nó cũng vẫn là con ông...".


Ông hức lên một cái, đầu gối không còn vững. Ngần ấy năm đã trôi bẵng khỏi bàn tay già nua này rồi. Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, ôi!


Từ đuôi mắt đậm hằn dấu chân chim ứa hoen hai dòng lệ cay nồng.


Bà vẫn biết, biết chứ, hiểu chứ, rằng ông buồn khổ lắm, dẫu lúc nào cũng giả vờ im lặng làm thinh. Có mẹ cha nào mà chẳng thương con. Dứt ruột đẻ ra cơ mà.


Không thích nuôi động vật, nào phải đâu vì bà vô cảm. Bà chỉ hay nơm nớp sợ hãi một ngày vật nuôi mình đang thương yêu chăm sóc từng ly từng tý bỗng dưng rời bỏ mình ra đi, đi thật xa, xa mãi. Còn mình phải ở lại, tiếc thương. Vậy thì đau đớn lắm. Vậy thì thôi, đừng! Bà đã từng trải qua cơn đau cùng cực ấy một lần rồi, không chịu nổi nữa đâu.


- “Thế… thế còn chuyện của Liên?".


Con nó bảo tôi bao nhiêu năm nay vẫn về báo mộng cho Liên. Khuyên Liên dựng vợ gả chồng đi, đừng phí hoài tuổi xuân nữa.


Nhưng lần nào Liên cũng gạt, bảo không là không.


Nếu lấy được người như Liên, thì con đã chẳng còn gì phải hối hận nữa, và…


*
* *


Đang ngồi đọc báo, chợt ông nghe con nhồng nói sõi một câu rõ ràng:


- “Thương quá… Nhồng ơi...".


Trông ra, thấy con nhồng chăm chú nhìn ông. Lạ lùng, tự dưng ông cảm nhận rõ ràng một nỗi thân thương da diết. Ông đặt tờ báo xuống, môi mấp máy:


- “Thắng… có phải là… con không?".


Con nhồng vẫn chăm chú nhìn ông, vẫn đôi mắt buồn bã, u uất ấy. Nó rướn cổ:


“Thương quá… Thương quá...".


Ông tháo gọng kính, bước ra chỗ cái lồng.


- “Thắng… con đấy à, con về đấy à...".


Nó vẫn nhìn ông, dịu dàng lặp lại:


- “Thương quá...".


Chạm tay lên thành lồng, ông bật từng tiếng run run:


- “Bố… bố xin lỗi con… tha thứ cho bố...".


Ánh mắt vẫn soi vào gương mặt người cha già đã in hằn bao nhiêu vết dấu của thời gian.


- “Thương quá...".


Ông quan sát đôi mắt nhỏ đen láy ấy một lúc lâu, lâu lắm. Rồi như hiểu ra tất cả, ông khẽ khàng:


“Bố tha thứ cho con...".


“...".


Và diệu kỳ thay, ngay lúc này, chính tại đây, chỗ khoảng hiên nhỏ nhắn nơi căn nhà quạnh quẽ.


Đôi mắt của nhồng đang ngấn lệ, trong vắt như pha lê...

Lưu Quang Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN