Thời gian lặng lẽ...

Truyện ngắn: Nguyễn Xuân Diệu

Heo may hun hút. Gió đuổi nhau trên đường làm bụi đỏ cuộn lên như có những đàn ngựa hoang chạy qua, tung mù mịt. Mấy vạt sắn thân bạc thếch, lá tơ tướp ven đồi run rẩy trong cái lạnh tái tê. Thìn xách cặp đi ngược chiều gió về thôn Cây Mít. Hơn hai mươi năm Thìn mới trở lại nơi này, nơi có một người con gái mà trái tim anh đã loạn nhịp đập với tình yêu đầu đời. Bây giờ cũng như Thìn, em đã vào tuổi tứ tuần. Liệu em có xua đuổi anh không? Chính nơi này tình yêu đã đến với anh bên dòng suối trạm phẫu tiền phương, đầy tiếng bom gào, đạn réo. Nghe nói một giọt máu của anh để lại đã sinh nở thành một hình hài. Nếu đúng thế, năm nay đứa con anh cũng hơn hai mươi tuổi rồi...!

Thằng bé chăn trâu ven đường nghe Thìn hỏi, cười toe toét phô hàm răng trắng bóng trên bộ mặt đen nhẻm, te tái chạy trước rồi chỉ vào một cái ngõ. Hai cánh cổng đan bằng những thanh tre vót nhọn phía trên, đã xỉn màu. Ngập ngừng một lúc lâu, Thìn mới khe khẽ đẩy cánh cổng lách vào. Trong ngực anh, trái tim lồng lên như chực nhảy ra ngoài khi thoáng thấy một người đàn bà hiện ra nơi khung cửa mở. Nhác thấy anh, người đàn bà khựng lại, hai tay buông thõng, gương mặt trắng ngần tái nhợt.Thương! Đúng em rồi, Thương ơi...! Sau thoáng bối rối, nhận ra chắc chắn là anh, Thương run lẩy bẩy:

- Trời ơi, eng Thìn! Có thật eng đó không?

Rồi Thương nhào đến, gục đầu vào ngực anh thổn thức. Thìn cúi xuống ghì chặt em vào người mình. Mái tóc Thương xõa tung ngay trước mặt, anh nhìn mà đau nhói. Mái tóc đen mượt mà, mềm như những sợi nắng của người con gái đẹp nổi tiếng ngày xưa, nay đã chen nhiều sợi bạc. Tiếng Thương thổn thức, anh nghe như vọng từ cõi xa xăm nào:

- Hơn 20 năm rồi, eng ơi! Hơn 20 năm ni eng đi mô mà nỏ về với mạ con em?

Thìn bàng hoàng vuốt mái tóc nhuốm màu mưa nắng thời gian của em, cổ tắc nghẹn. Tiếng Thương bồng bềnh:

- Eng Thìn ơi, eng biết không, sau ngày miền Nam giải phóng, suốt cả năm trời cứ thấy ai đội mũ tai bèo, mang ba lô đi về hướng làng là em ôm con tất tả chạy ra. Em nỏ còn nhớ đã bao nhiêu lần như rứa, em lại ôm con lui cui trở vô nhà, khi người lính rẽ sang hướng khác. Cơ cực chi hết eng ơi!

Thìn bồi hồi đưa hai bàn tay ôm lấy đôi má Thương nâng lên. Đôi mắt em nhòe ướt, nước mắt đẫm cả ngực áo anh. Thìn nghẹn lời:

- Anh về để xin em tha thứ đây mà. Anh mang tội với em và con suốt hơn 20 năm qua. Dẫu được em và con tha thứ ngàn lần, cũng làm sao hết tội của anh được! Thương ơi...!

Vai Thìn bỗng bị lắc mạnh. Anh ú ớ rồi bừng tỉnh. Ánh sáng chiếc đèn ngủ tỏa nhợt nhạt khắp căn phòng. Bà Dần, mẹ anh đang ngồi bên cạnh giường:

- Lâu nay về, sao đêm nào con cũng nói mê thế? Con cứ gọi Thương ơi, mặt mũi thì phờ phạc chả còn thần sắc. Hay Thương là người yêu của con thì con đưa về cho mẹ! Con Dung, vợ con bỏ đi lấy chồng hơn 10 năm rồi còn gì...!

Thìn ngồi dậy, tha thiết nhìn mẹ. Cũng như mẹ, anh không biết vì sao lâu nay cứ ngủ là lại mơ về với Thương. Người ta bảo “mơ là kết quả của ước” mà! Nhớ lại cái năm 1973, lần đầu tiên sau 5 năm đời lính anh được về phép. Mang ba lô vào sân, mẹ run rẩy bước mấy lần mới qua được cái bậc cửa bằng gỗ xoan, ngã dúi vào lòng anh. Hết với tay xoa đầu, mẹ lại nắn đôi tay anh như thể Thìn còn bé bỏng lắm. Đêm đó, nằm cuộn tròn bên mẹ, Thìn dụi đầu vào ngực mẹ như ngày còn bú tí, ngủ ngon lành. Sáng ra, vừa bỏm bẻm nhai trầu, mẹ vừa rủ rỉ:

- Về phép đận này, con cưới cho mẹ đứa vợ. Bố mất sớm, mẹ chỉ có hai anh em con. Thằng Dũng còn nhỏ dại, con thì đang phải đi đánh giặc, có thêm đứa dâu cũng vui cửa, vui nhà, mà mẹ cũng đỡ nhớ. Mẹ đã nhắm cho con một đám con nhà tử tế. Tên con bé là Dung, bán hàng xén ở chợ huyện.

Thìn giật bắn người. Cưới vợ! Đã đành gia cảnh thế này nếu anh cưới vợ cũng hợp lẽ đời. Mẹ anh có bàn tay con dâu chăm sóc, anh cũng an tâm đi đánh giặc. Nhưng làm sao anh có thể cưới Dung? Mặt mũi nhau còn chưa biết, nói chi đến tình yêu! Không có tình yêu thì làm sao thành vợ chồng được? Với lại, mẹ còn chưa biết anh đã yêu Thương, một người con gái Quảng Trị. Thương đẹp người, đẹp nết. Trong đội du kích Do - Cam, em nổi lên như một đóa hoa lộng lẫy. Không ít chàng lính giải phóng trên đường hành quân thấy Thương chân cứ ríu lại, bước không nổi nữa. Vậy mà em đã nhận lời yêu anh. Hai người đã nặng tình trao thân gửi phận. Từ ngày anh vào chiến trường Nam Trung bộ, hai đứa bặt tin nhau. Nhưng anh tin nơi Quảng Trị xa xôi ấy, Thương vẫn đợi anh từng ngày. Về phép lần này, anh cũng định xin phép mẹ vào trong đó tìm Thương. Thìn lắp bắp:

- Thưa mẹ, thật lòng con chưa có ý định cưới vợ. Nhưng nếu phải cưới bây giờ, thì mẹ ơi, ngày con đánh nhau với tụi Mỹ ở Quảng Trị con đã yêu một người con gái. Chúng con thật lòng yêu thương nhau. Xin mẹ cho con vào trong đó, đưa em ra thưa với mẹ...?

Bà Dần ngồi lặng nghe con nói. Nụ cười giãn nở trên gương mặt bà:

- Nếu thế thì mẹ chiều ý con. Hai đứa đã thương nhau thì con vào tìm nó đưa về đây cho mẹ. Con người ta quý nhất là sống phải có thủy, có chung. Con nghĩ thế là phải lắm. Đi ngay đi con, 15 ngày phép ngắn tun ngủn, con ạ!

Nhưng ai mà lường hết sự đời! - Lòng bà Dần se lại khi thấy con trai vẫn ngồi bất động, nhìn trân trân vào chiếc đèn ngủ - Là mẹ, bà hiểu tính nết con mình. Chẳng phải con hát, mẹ khen, nhưng nó là con người đứng đắn. Không thế làm sao là hiệu trưởng một trường dạy nghề, nghe anh em cùng trường nói, nó chẳng có nhân tình, nhân ngãi gì sất. Thì đấy, hơn 10 năm vợ bỏ theo trai, đâu ít những cô gái mởn mơ đến thăm bà. Cũng là đàn bà, lòng vả như lòng sung, bà hiểu những cuộc thăm viếng ấy. Trong số các cô gái đó có không ít những người tử tế, nhưng cũng chẳng ít những nàng đỏng đảnh. Các ả áo xống hở hang, tênh hênh cả vú, cả rốn ra, ngồn ngộn những mông, những đùi mơn mởn thế kia, đàn ông chẳng sa bẫy mới là chuyện lạ. Càng nghĩ, bà càng thương con. Bà cố nén tiếng thở dài. Nhìn mẹ, lòng Thìn bỗng nôn nao...

... Cái lần Thìn về phép ấy, được mẹ đồng ý, anh tức tốc vào Quảng Trị tìm Thương. Non trưa thì xe đến Đông Hà. Thìn xuống xe, đang nghiêng ngó tìm quán nước, bất ngờ có ai vỗ vào vai:

- Thìn phải không? Đúng cậu rồi! Trời đất, trung úy rồi cơ à? Mà mi lang thang ở đây mần chi rứa?

Thìn quay lại, nhận ra “Bá chột”, ngày trước vốn là xã đội trưởng du kích của Thương. Ngày đó, tất cả thanh niên, trai tráng lành lặn đều tòng quân diệt giặc. Bá to con, đẹp trai, nhưng vì một tai nạn khi đi lấy củi trong rừng, bị cành cây đâm hỏng một con mắt, nên đã không được nhập ngũ còn phải mang cái biệt danh không lấy gì làm đẹp đó. Bá từng nhiều lần đến hiệp đồng chiến đấu cùng đơn vị, nên Thìn có quen. Mừng quá, Thìn buột miệng:

- Tớ vào tìm Thương, cậu ạ. Cái cô Thương người thôn Cây Mít đó!

Nụ cười đang nở trên môi Bá chợt tắt. Nét mặt Bá trở nên nhợt nhạt. Một tia sáng lành lạnh lóe lên trong con mắt còn lại của anh ta. Đang vui vì gặp được người quen, Thìn không nhận ra. Bá thì thào như sợ ai nghe thấy:
- Đơn vị mi đi được 3 tháng thì tau nghe nói nàng phải lòng một tay giáo viên. Cưới rồi! Nàng sinh con gái rồi. Nghe đâu nàng đã theo chồng ra thành phố, đời lên hương lắm!

Nghe Bá nói, chân tay Thìn bủn rủn. Anh nhìn Bá như cầu cứu, cố vớt vát:

- Có cách nào gặp được Thương không cậu?

- Gặp mần chi nữa, mi! Người ta sang ngang rồi, có nơi có chốn rồi, tìm gặp mần chi nữa cho khổ người ta, khổ cả mình. Là trung úy lại đẹp trai, mi không nghe các o vẫn hát “tình tang tình em đi tìm trung úy...” đó à? Thiếu chi nơi...!

Thìn gượng cười chào Bá, mang ba lô trở về. Con đường trước mặt Thìn sao mà diệu vợi. Thìn cứ đi như về nơi vô định, đầu óc tưởng chừng vỡ tung ra. Nửa đêm ấy, Thìn về đến nhà, lòng đầy u uất của một kẻ bị phản bội. Cái sự bị phản bội của thằng lính trận nó khác người lắm. Nó giống cái cảm giác trên chiến tuyến, hai bên đang giằng nhau từng mét hào, có thằng bạn thân thiết từng chia ngọt, sẻ bùi; từng thề cùng nhau sống chết, bỗng dưng vứt súng tháo lui hay chạy sang phía giặc. Ngay trong đêm ấy, Thìn nói với mẹ đồng ý cưới Dung!

Công bằng mà nói, Dung không đẹp bằng Thương, không dịu dàng như Thương, nhưng nàng sắc sảo, “hiện đại” hơn Thương nhiều. Đêm đầu tiên hẹn hò, Dung cứ ôm lấy eo lưng Thìn cười xoe xóe. Khi Thìn ngập ngừng hỏi: “Em đồng ý... lấy anh không?”. Dung ôm choàng ngay lấy cổ anh mà hôn chùn chụt.

Hết tuần trăng mật, Thìn trở về đơn vị. Tiểu đoàn đặc công của anh hành quân vào mặt trận Nam Trung bộ. Lạ! Dù biết Thương đã phản bội, dù đã hưởng ở Dung những đêm cháy bỏng, Thìn vẫn không sao quên được Thương, như thể hình ảnh em đã ghim vào trái tim mình. Còn Dung... người vợ mới cưới nồng nàn ấy chỉ như là ảo ảnh khi mờ, khi tỏ, nhạt nhòa như sương, như khói.

Miền Nam giải phóng, đơn vị Thìn về đóng quân chỉ cách quê anh hơn 100 cây số. Nhưng là tiểu đoàn trưởng, anh phải lo toan công việc, mỗi năm chỉ tạt qua nhà được vài lần. Những lần ấy, những khi đến nhà bà con, anh đã nghe mọi người xì xầm về vợ anh, toàn chuyện lăng nhăng cả. Một hôm ngồi uống rượu với một anh bạn đồng ngũ, rượu ngà ngà say, anh ta trợn mắt quát:

- Mày là tiểu đoàn trưởng đặc công phỏng? Đồ ngu lâu! Đẹp trai, khỏe mạnh, đại úy như mày mà để con vợ nó cắm sừng! Ngu! Mày đến chợ huyện dỏng tai lên mà nghe. Họ lại không nói cho thối cái lỗ tai ngu của mày ra đấy à!

Mặt Thìn trơ khấc, tái mét. Anh chia tay bạn, lên thẳng bưu điện huyện “đánh” một bức điện khẩn: “Đồng chí Thìn về đơn vị nhận nhiệm vụ gấp!” rồi mới trở về nhà. Chiều ấy, anh nhận được bức điện từ tay vợ. Thìn vội vàng giục Dung nấu cơm để anh kịp lên đường. Dung nét mặt không ra buồn, chẳng ra vui vừa nấu cơm vừa thở dài. Ăn xong, Thìn chia tay mẹ và vợ hối hả đạp xe đi. Được vài cây số, anh tạt vào quán bên đường gọi đĩa lạc rang, ngồi uống tì tì hết cả chai “quốc lủi”. Khoảng 9 giờ đêm anh quay xe trở lại, không về nhà mà đến thẳng kiốt vợ bán hàng ngoài chợ. Vừa đến trước cửa, anh run bắn người khi nghe trong kiốt tù mù ánh đèn ngủ, tiếng cười rinh rích, tiếng vật huỳnh huỵch, tiếng thở hổn hển và tiếng rên rưng rức. Cố ghìm mình lại, hai bàn tay bóp chặt đau cả ngón, anh nín thở nghe cho rõ. Tiếng Dung đứt nối vọng ra, rên xiết:

- Ái!...Bữa ni răng mà khỏe khiếp rứa? Trời ơi...! Nhàu nhò...người ta như ri... chết... chết... mất! Anh ơi... anh... anh...!

Không kiềm chế được, Thìn co chân đạp tung cánh cửa. Dưới ánh đèn, vợ anh và gã thuế vụ trần như nhộng, nhầy nhụa mồ hôi quấn riết lấy nhau, không kịp buông ra. Thìn nghiến răng kèn kẹt, chẳng nói, chẳng rằng, chỉ cười gằn một tiếng. Gã thuế vụ lấm lét nhìn Thìn, lấm lét vơ vội quần áo, lấm lét bò giật lùi ra khỏi cửa, ù té chạy. Còn cô ả thì cứ ngồi lõa lồ trên giường, trơ tráo nhìn Thìn như không có chuyện gì xảy ra.
Sáng ra, Thìn đang ngồi uống rượu một mình, thì thấy vợ nét mặt câng câng, vênh vênh, váo váo đi vào. Ả chìa cho Thìn cái đơn ly dị đã ký sẵn, tỉnh queo: “Làm thằng đàn ông mà hai, ba năm trời, chọc không ra được đứa con nít, gái này phải tự đi mà kiếm lấy thôi!”, rồi nguýt một cái sắc lẹm, bỏ đi...

Về đơn vị, Thìn làm đơn xin ra quân, trở lại trường đại học. Ra trường anh được phân công về trường cao đẳng dạy nghề tỉnh. Thìn thăng tiến vùn vụt. Chỉ sau ba năm làm giáo viên, Thìn được đề bạt thẳng lên hiệu phó. Ba năm sau nữa Thìn đã là hiệu trưởng của trường...

- Thôi ngủ đi con kẻo mệt, khuya lắm rồi đấy! - Tiếng giục của mẹ cắt đứt hồi ức của Thìn. Anh quay sang mẹ, hỏi như một người nóng ruột:

- Mẹ ơi, em Dũng bảo mấy giờ thì về hở mẹ?

- Em nói 5 giờ sáng xe mới rời Quảng Trị. Chắc non chiều mai em mới về đến nhà, con ạ. Lần nào về nó cũng nhắc anh, ở với mẹ được vài ba bữa là nhót đến anh ngay. Đợt này, hai anh em cùng về phép một lần, chắc em nó mừng lắm đó.

***

Đêm đầu tháng, trời đổ mưa. Mưa nắng gì mà thất thường như tính tình con gái thế không biết? Trong phòng mình, chắc Thìn khó ngủ. Bà Dần chắc mẩm thế, bởi bà biết, hễ không ngủ được con trai lại mở cái bài mà đến giọng người hát, bà đã nghe quen tiếng. Lời hát cũng rỉ rả, buồn buồn như mưa rơi: “Đời xin có nhau... Áo xưa dù nhầu. Cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau...”. Nghe lời ca, bà Dần lại nhớ đến cái tên Thương, con trai vẫn thường gọi trong mơ. Lòng bà chợt thắc thỏm...

- Mẹ lại nghĩ về anh Thìn phải không? - Dũng đi đến khẽ khàng hỏi.

- Phải, con ạ! Chẳng hiểu sao cứ nghĩ đến nó là mẹ không sao ngủ được. Mẹ hỏi nhỏ con điều này: Lâu nay cứ ngủ mê anh con vẫn hay gọi “Thương ơi”. Con có biết Thương là ai không? Mẹ cứ linh cảm như anh con đang giấu mẹ điều gì đó?

Dũng ngồi xuống, quàng tay ôm lấy mẹ. Hơn ai hết, anh hiểu nỗi lòng của mẹ. Mẹ sinh hạ chỉ được hai anh em Dũng. Một đời tần tảo, khi tuổi xế chiều, mẹ mong biết mấy được thấy con mình có tổ ấm, được nhìn thấy con mình hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc của đứa con trai đầu lòng của mẹ cứ như mưa bóng mây. Mẹ buồn, mẹ nghĩ ngợi cũng phải. Phải chi anh làm được điều gì đó cho mẹ!

- Con nghĩ gì mà thừ người ra thế?

- Dạ! Con nghĩ về mẹ, về anh Thìn, về chị Thương đấy, mẹ ạ!

- Chị Thương? Thế ra... Thương là con gái? Thế ra... con có biết Thương?

- Dạ, con biết! Mẹ còn nhớ cái lần về phép, anh Thìn xin mẹ vào Quảng Trị tìm người yêu không? Đó là chị Thương, cô gái anh định hỏi làm vợ đấy!

- Thế ra... Thương là cái cô du kích Quảng Trị ngày xưa? Mẹ nhớ ra rồi. Nhưng ngày ấy, nghe anh con nói cô ta đã đi lấy chồng?

- Dạ, chẳng phải đâu, mẹ ạ. Đó chẳng qua là một âm mưu của tình yêu. Cái anh chàng tên là Bá lập ra âm mưu đó, thực tình cũng chỉ vì quá yêu chị ấy. Vì thế mà anh Thìn hiểu nhầm chị Thương. Ngày ấy, Bá là xã đội trưởng kiêm bí thư chi bộ của chị Thương. Chị Thương đẹp lắm, mẹ ạ. Nghe người dân thôn Cây Mít bảo chị ấy xinh đẹp nhất vùng. Bá đem lòng yêu chị, nhưng chị cứ dửng dưng. Rồi chị Thương bỗng sinh một đứa con gái. Chẳng phải thấy chị có “con hoang” mà Bá hết theo đuổi, trái lại anh ta càng lao vào như thiêu thân. Cũng bởi sinh con rồi, chị Thương càng đẹp. Ngày đó chị đã là đảng viên. Vì không nhận lời yêu anh ta, những cuộc họp chi bộ, Bá bắt chị phải khai ra cha đứa bé. Cha nó là anh Thìn nhà ta đó mẹ! Nhưng ngày ấy, để giữ uy tín cho anh Thìn, năm lần, bảy lượt chị chỉ ngồi im lặng, đôi môi mím chặt. Nhưng hễ cứ họp là Bá lại đem ra hỏi. Chịu không nổi, chị đứng phắt dậy: “Ba con Hà là người yêu của tui. Eng nớ đang đi đánh Mỹ. Khi mô hết giặc eng về, mấy người khắc biết!”. Chị bị khai trừ ra khỏi Đảng vì tội hủ hóa. Khi nghe Bá đọc quyết định, chị ngồi như hóa đá. Vậy mà tan họp, chị chạy một mạch về nhà ôm lấy con gái khóc tức tưởi. Bây giờ cháu Hà đã là giáo viên cấp 3 rồi.

- Tội nghiệp! - Bà Dần bất giác thở dài.

- Tội chị Thương quá, mẹ ạ - Dũng tỉ tê - Chị ấy chờ anh Thìn mãi. Đến khi nghe tin anh đã có vợ, hai mẹ con chị ấy liền xin đi vùng kinh tế mới ở Cùa. Ngày gặp con, chị bảo rằng thời gian đã làm con tim mình chai sạn, chị chẳng còn mong anh Thìn nữa. Nhưng nhìn vào mắt chị, con không nghĩ thế!

- Đúng thế con ạ. Chuyện anh con với cái Thương, đó là mối tình đầu, lại đã từng trao xương, gửi thịt cho nhau, thời gian nào phai được. Thế ra... làm sao con lại biết cô Thương, biết rành rẽ chuyện cô ấy đến vậy?

- Mẹ ơi! Chuyện bắt đầu từ những lời nói trong mơ của anh Thìn đấy. Những lần cùng anh ấy về nhà, nghe anh gọi tên Thương trong giấc mơ, con cứ ngờ ngợ. Anh Thìn đâu có mê nhạc Trịnh, vậy mà đêm nào khó ngủ là anh cứ mở cái khúc “Áo xưa dù nhầu...”. Vì thế con chợt nhớ lại câu chuyện cái năm anh Thìn xin phép vào Do Linh, Quảng Trị tìm người yêu. Ngày ấy con còn nhỏ, chỉ nhớ mang máng anh hay nhắc đến thôn Cây Mít, đến một người con gái tên Thương. Thế là tốt nghiệp sĩ quan, con liền xin về Sư đoàn 968 đóng quân ở Quảng Trị. Tranh thủ những ngày nghỉ con đi dò tìm tung tích chị Thương. Té ra nhà chị chỉ cách đơn vị con hơn 5 cây số. Ngay lần gặp đầu tiên, như có linh cảm gì đó mà chị Thương cứ trân trân nhìn con. Con cũng không sao rời mắt khỏi cháu Hà được. Chị đặt tên cháu là Hà, để nhớ về Hà Tĩnh, về anh Thìn đó mẹ. Cháu giống anh Thìn nhà ta, giống lạ, giống lùng. Biết con bấy lâu đi tìm mình, chị Thương cứ ôm lấy cháu Hà khóc nức nở. Bà con chòm xóm kể, hơn 20 năm nay, không ít người si mê, kiếm cớ đến với chị, nhưng đều bị chị khước từ. Chị âm thầm sống, âm thầm nuôi con, âm thầm đợi chờ, nên ai cũng cảm phục, quý mến. Con người như chị Thương không thể bị phụ bạc. Chị ấy xứng đáng được hưởng hạnh phúc, mẹ ạ!

***

Sáng nay hanh hao nắng. Da trời thăm thẳm xanh đến ngợp mắt. Những cành đào trước sân hôm qua còn trụi lá giờ đã chơm chớm nụ. Thìn ngồi thu lu trong xa lông, vớ bật lửa châm lại điếu thuốc cắm trên môi đã tắt từ khi nào. Chiếc bật ga trên tay Thìn nhoáng lên rồi lại tắt, làm anh không sao châm nổi điếu thuốc. Thìn nhấp nhổm nhìn mẹ, nhìn em, ho khan mấy lần mới cất tiếng:

- Con biết, trước sau gì con cũng phải kể chuyện này với mẹ, với em. Bởi mẹ ơi, con biết mình mắc nợ Thương nhiều quá. Chuyện bắt đầu từ một ngày đầu xuân 1971. Tổ trinh sát đặc công của chúng con về “điều nghiên” căn cứ Động Tranh. Ba chúng con được giấu trong căn hầm bí mật của mạ Mừng. Nhà mạ chỉ có hai mẹ con, mạ và Thương. Căn hầm của mẹ con mạ, được đào dưới bụi tre gai, chia làm hai ngách. Ngách trong rộng, con phân công hai chiến sĩ ở. Ngách ngoài hẹp, chỉ mình con. Hôm cuối cùng của đợt trinh sát, mới tảng sáng, Thương đang đưa cơm vắt xuống tiếp tế cho chúng con thì địch càn vào làng. Bọn địch vừa la ó vừa dùng thuốn sắt xăm tìm hầm bí mật. Tiếng thuốn sắt xiên xuống đất lạnh người. Thương nép sát vào người con, thì thào: “Nếu... lộ, eng cứ để một mình em lên. Mấy eng phải sống để đánh Động Tranh, giải phóng cho dân miềng. Em sẽ tung lựu đạn, nổ súng kéo giặc ra xa hầm. Lúc đó mấy eng...!”. Con đưa tay bịt miệng em không cho nói tiếp. Chỉ mấy chục phút quân địch càn qua làng mà con thấy dài dằng dặc như cả đời người... Khi trên mặt đất đã im ắng, con run run cầm tay Thương, ngập ngừng: “Thương ơi... anh... anh... yêu em! Khi nào hết giặc... cho anh được... thưa với mạ đón em về Hà Tĩnh với anh... em nhé!”. Thương chỉ bẽn lẽn cười không nói. Động Tranh bị tiêu diệt. Lúc rút ra, pháo địch bắn chặn làm con bị thương. Nghe tin, Thương tất tả chạy đến trạm phẫu thuật tiền phương với con. Thấy con nằm ngất lịm, em ôm chầm lấy con khóc nức nở. Con mất máu nhiều quá, mà máu của con là loại máu Rh, cực hiếm. Cứ tưởng con không thế sống nổi, vì trạm phẫu chẳng có máu dự phòng, mà loại máu hiếm này không ai có mà tiếp. Thấy thế em hốt hoảng xin được thử máu. Như định mệnh, mẹ ạ, em trùng nhóm máu với con. Con được cứu sống... và chúng con yêu nhau...!

- Thế ra... là thế! Cái tình thế là sâu nặng lắm đó con ạ! Giờ thì con tính sao?

- Con phải vào Quảng Trị, mẹ ạ. Con biết, vào bây giờ là đã quá muộn rồi. Thật sự đã muộn quá rồi! Nhưng con phải vào để gặp được Thương, gặp được đứa con mình đã bỏ rơi suốt hơn 20 năm trời... Mẹ ơi, con phải chuộc lại lỗi lầm...!

- Đúng thế! Con phải chuộc lỗi lầm của mình! Dòng máu đang chảy trong con có máu của cô ấy. Với lại, dù chưa cưới, hai đứa cũng đã là đạo vợ chồng rồi, con ạ. Mẹ chưa gặp mặt, nhưng nghe em Dũng kể, mẹ thấy trên thế gian này người như cô ấy đâu có nhiều. Nhưng thực lòng, mẹ vẫn không hiểu sao suốt ngần ấy năm con vẫn không đi tìm cô ấy, không đi tìm đứa con tội nghiệp của con?

Thìn húng hắng ho, vẻ bối rối hiện rõ trên nét mặt:

- Sau lần gặp Bá, giận Thương thì ít mà hận thì nhiều, con cố quên cô ấy đi. Nhưng lạ, càng cố quên, con càng không sao quên được. Sau vụ vợ theo trai, một lần con đánh bạo về xóm Cây Mít để tìm. Gặp mấy người, ai cũng bảo xóm này làm gì có ai tên Thương. Con càng tin lời Bá. Con có biết đâu, con đi tìm người mà như cưỡi ngựa xem hoa. Những người con gặp ngoài đường đều là dân các xã miền biển mới lên đó làm kinh tế mới mấy năm nay. Thương cũng bỏ làng đến Cùa mấy năm rồi, họ làm sao biết em được! Mấy năm sau, con gặp một đồng đội cũ, mới biết Thương chưa lấy chồng và em đã sinh cho con một đứa con. Lúc đó con đã là hiệu phó trường cao đẳng dạy nghề. Cái chức hiệu trưởng đang ở trong tầm tay, đang thiếu gì kẻ nhòm ngó. Nếu biết con có vợ con ngoài giá thú, chúng sẽ làm om sòm lên. Đường công danh của con coi như đi đứt. Con không dám tìm đến với Thương. Con không đủ can đảm, con... con quá hèn, mẹ ạ!

- Thế ra... là thế! - Bà Dần chép miệng thở dài.

Dũng cũng thở hắt ra, lâu sau anh mới cất tiếng:

- Em xin nói thẳng, bằng cách nói của những thằng đàn ông với nhau, xin anh đừng giận. Cứ nhìn chị Thương cun cút cùng đứa con trong căn nhà nhỏ bên sườn núi, em không sao cầm lòng được. Ngày đó, hạnh phúc cũng ở trong tầm tay anh mà vì cái tham vọng chức tước, anh đã không dám đưa tay đón nhận. Chả trách, bây giờ nhiều kẻ đến khi về hưu, khi có những đứa “con rai” tìm về nhận cha, họ mới dám nhận đứa con ruột rà, máu mủ bị bỏ rơi của mình. Những đứa con lớn khôn nhờ vào đôi bàn tay tảo tần của những người con gái mang tiếng làm đĩ, chửa hoang, chỉ vì họ nhẹ dạ, cả tin vào tình yêu mà dâng hiến cho người mình yêu! Còn những kẻ từng thề non, hẹn biển với những cô gái ấy để lợi dụng họ, thì suốt cả thời trai trẻ vừa vênh vang, lớn tiếng rao giảng đạo đức, vừa lo trốn chạy họ, vì sợ mất chức, mất quyền...!

Thìn cúi xuống hí húi bật lửa, nét mặt già khọm đi. Hình như anh định nói điều gì với em trai nhưng lại lắc đầu im lặng. Dũng ái ngại nhìn anh, rồi mở cúc áo ngực, rút ra một lá thư, ngập ngừng:

- Nếu anh không nói những lời ban nãy, em đã không đưa cho anh lá thư này. Chị Thương trao cho em, nhờ em về trao tận tay cho anh. Em chưa trao, bởi mấy ngày nay, thú thực, em đang đợi ở anh... một lời sám hối!
Thìn run run bóc phong bì. Bức thư nhòe trong mắt anh:

Anh Thìn ơi!

Không chỉ bây giờ mà đã hơn 20 năm qua, hàng ngàn lần em cầm bút lên định viết thư cho anh, lại thẫn thờ đặt bút xuống. Có còn chi nữa không mà viết? Em và anh chỉ còn ít năm nữa thôi là đã chạm đến tuổi già. Mưa nắng thời gian đã phai màu mái tóc, đã hằn nếp nhăn lên nét mặt. Mưa nắng thời gian có phai màu được con tim không anh?

Chúng mình đã có kỷ niệm của một thời đạn lửa. Em đã trao anh tình yêu đầu đời và cả cuộc đời con gái, mà chẳng ân hận gì. Thôi anh ạ, chúng mình hãy để cái kỷ niệm ngọt ngào và đắng chát ấy vẹn nguyên trong trái tim anh và em, để trái tim mình mãi mãi có nhau.

Em biết, lần này Dũng về phép, thế nào chú ấy cũng sẽ kể về em, về Hà và thế nào anh cũng vào Quảng Trị. Hơn 20 năm biền biệt, ai chẳng mong ngày gặp gỡ. Em đã chờ cái ngày này hơn nửa đời người rồi. Nhưng, nếu có gặp lại, chúng mình hãy coi nhau như những người bạn, những người đồng đội cũ. Vương vấn làm chi nữa cho anh thêm bận lòng!

Anh ơi! Nếu còn thương em, anh hãy đi tìm tình yêu, hạnh phúc cho mình. Đừng nghĩ gì về em nữa và anh cũng đừng lo cho em! Buồn khổ, hờn tủi, cô đơn... em đã quen rồi!

Những năm đầu không thấy anh đến tìm em, không có tin gì của anh, em trách anh nhiều lắm. Trái tim em tan nát khi nghĩ rằng mình đã trao nhầm cuộc đời con gái cho một kẻ bội bạc. Mãi đến khi anh Bá xã đội trưởng ngày đó, đi làm nương cuốc phải một quả bom bi sót lại. Trước lúc nhắm mắt, Bá đã nhờ người gọi em đến, kể cho em nghe tất cả chuyện gặp anh. Anh ấy đã ứa nước mắt xin em tha thứ và dặn em nếu có gặp anh thì xin anh tha thứ để anh ấy đi được thanh thản. Trong tình yêu ai chẳng lỗi lầm, phải không anh?

Hơn 20 năm, chúng ta không đủ dũng cảm vượt qua số phận để đến với nhau. Bé Hà hơn 20 năm cũng phải chịu khổ đau cùng mẹ. Đó là giọt máu của anh, của chúng ta mà em đã nuôi nấng, dạy dỗ nên người. Em thì đã đành phận em! Còn con, nó chẳng tội tình gì. Quãng đời còn lại, em mong anh hãy yêu thương lấy con... Cái nó cần là tình cảm của người cha. Anh đừng để nó mang mặc cảm là đứa con không cha suốt cuộc đời!

Thìn run run đặt lá thư xuống bàn, khúc khắc ho khan mấy tiếng. Anh trân trối nhìn mẹ lại nhìn em trai. Thật khó cắt nghĩa được cái nhìn của anh lúc đó. Quay sang mẹ, tiếng Thìn như hụt hẫng:

- Con nhờ mẹ tạt ra chợ mua giùm con bao thuốc. Hồi đêm không ngủ được, con hút hết cả bao mẹ mua cho hôm qua rồi!

Bà Dần vừa “hút ít thuốc thôi con ạ”, vừa xách nón te tát đi ra. Dũng lặng lẽ đến quàng tay qua cổ Thìn, dụi dụi đầu vào mái tóc nhuốm màu thời gian của anh trai mình, thầm thì: “Đi đi anh! Vào nhanh lên mà xin lỗi chị ấy. Em không tin mưa nắng thời gian phai được trái tim của một người như chị Thương đâu! Đừng để cho tình yêu hóa đá, anh ạ!”.

Bên ngoài, không muộn màng như mọi năm, hình như năm nay mùa xuân đến sớm. Trời rưng rửng nắng và những cơn gió đã bắt đầu hây hẩy ấm. Thời gian lặng lẽ chuyển mùa...!
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN