Tắc đường

Thằng Chí nín nhịn cơn tức. Kéo cái khóa túi máy tính lấy ra tờ báo, vò cho mềm và xốp rồi đút vào bên trong cái khẩu trang. Cái việc ấy đã khiến cơn giận của nó tăng lên gấp bội. Đàn ông mà đeo khẩu trang đi đường trông chẳng ra thể thống gì.


Nhưng hơn một tháng nay nó bị viêm họng, phế quản xưng, ngực tấy. Bác sĩ bảo nó hít phải khói độc chì. Khẩu trang hôm nay cũng không ăn thua, mùi xăng vẫn xộc vào mũi, vào họng. Quãng đường từ đầu đường Trường Chinh đến giữa đường Giải Phóng có một đoạn thôi mà tắc nghẽn. Đã hơn 1 giờ, cứ di chuyển từng bước trong đám khói mù mịt. Không ai chịu tắt máy. Ai cũng sẵn sàng để vù. Nhưng không vù được.

Minh họa: BOP


- Như nêm cối thế này mà còn nổ  máy làm gì bà con ơi, tắt máy đi cho đỡ khói.

Tiếng thằng Chí mất hút vào đám đông. Nó tắt máy. Chẳng ai tắt thì mình tắt, làm gương, đỡ tốn xăng, đỡ sốt ruột. Vừa tắt được một giây thì nghe tiếng đằng sau: "Đi đi ông ơi. Muốn ăn cỗ ở đây đến mai à?". Không hiểu đứa nào nói. Có đi được đâu mà nói. Thằng Chí kiên nhẫn, ngoái lại giải thích.


Đằng sau không ai trả lời. Thằng Chí lại nói: “Tắt máy đi bà con ơi, khói quá rồi”. Thằng Chí không biết quãng nó đứng chỉ toàn bọn trẻ, phổi chưa bị nhiễm, họng chưa bị xưng. Bọn ấy đang hung hăng lắm. Câu hô hào của thằng Chí lại mất hút vào đám đông. Thằng Chí vẫn ngồi trên yên, một chân đẩy đẩy xe và mình di chuyển. Xung quanh đèn xi nhan đã bắt đầu đỏ. Đêm đã bắt đầu buông.


Thằng Chí ho sặc sụa. Muốn đi ra khỏi chỗ kẹt để nếu có chết cũng không chết ngạt thê thảm thế này. Gì mà chết. Đừng bi quan thế. Chưa gì đã nghĩ đến chết. Nhưng mà ngạt quá. Chết thật chứ chẳng chơi. Nhìn bên trái, đông nghịt. Nhìn bên phải, không thừa một chỗ để lách. Có tiếng kêu khóc của đứa trẻ lên hai.


Một bà mẹ giơ đứa con lên cao khoẳng giữa lòng đường. Đứa bé lúc la lúc hét. Thằng Chí ước có chiếc xe cứu thương để đưa đứa bé và cả nó nữa đến nhà thương. Tiếng còi xe đang vang ở đâu đó. Nó định nghển cổ để xem vị trí chiếc xe cứu thương. Vừa lúc ấy, xe thằng Chí bị đẩy chúi về phía trước:

- Cái thằng này, có gì mà xem.

Thằng Chí nén một quả đấm. Những quả đấm nén lại như thế này vẫn thi thoảng khiến thằng Chí tự hào, coi mình là dân có học.

Tiếng chửi ở đâu đó. Rồi tiếng la: Mẹ ơi. Mẹ ơi. Tiếng thét: “Công an, gọi công an thôi”. “Mẹ nó, đường của nó đâu mà nó giữ”. “Thằng cha mày.

Đường bên này là của ông. Mày có mù không?”.

Thằng Chí ho sặc sụa. Nó lết từng bước theo dòng người. Thi thoảng lại thấy có người đứng cao hẳn lên giữa lòng đường nghển cổ nhìn. Thằng Chí nhìn cái giải phân cách bằng bê tông dùng để ngăn đôi lòng đường giờ lọt thỏm trong biển người. Xuôi ngược lẫn lộn. Tiếng chửi. Tiếng nhận đường của bố mày, của tổ sư nhà tao tràn ngập như khói xăng. Thằng Chí mơ hồ nhận thấy tiếng chửi như từ tiền kiếp vọng về.

                                                      *

                                                *           *

Mất 1 giờ 49 phút, thằng Chí mới thoát ra khỏi con đường Trường Chinh. Tới đầu Ngã Tư Khổ (Sở) nó thấy đầu óc bắt đầu hồi lại. Lúc đó nó chưa nhận ra là mấy giờ, chìm trong biển khói mấy tiếng. Chỉ biết hít một hơi rõ sâu vào lồng ngực. Ưỡn ngực ho lên mấy hồi cho thỏa. Rồi mới nhìn đồng hồ: “Giờ này “mẹ nó” chắc đã đón thằng Tú, đã nấu xong xuôi bữa tối và trong khi chờ đợi đã tắm cho con thay bố. “Mẹ nó” chắc cũng đoán ra bố đây bị tắc đường.


Đây đâu phải lần đầu. Mấy năm rồi, chẳng mấy ngày thoát tắc nghẽn, bố đã tìm nhiều con đường khác mà đâu có tránh được, nhiều khi còn kinh khủng hơn. “Nhàn, anh yêu em. Anh biết em vẫn trung thành với anh từ bao đời nay. Em không bao giờ nghi ngờ lòng chung thủy của anh. Không mảy may. Mặc dù đôi khi… Em ơi, chân dài ngày nay nhiều lắm…”.

Thằng Chí hơi tức ngực nhưng chẳng thấm gì. So với lúc nãy thì lúc này đáng gọi là thiên đường. Thằng Chí thả phanh chạy. Vừa chạy, vừa mắng yêu vợ, vừa nựng con trai trong tưởng tượng. Mát ga, thằng Chí nhiều khi chạy xe trông giống như bọn trẻ ranh đánh võng.

“Ối giời ơi, thằng điên”. Thằng Chí suýt đâm vào một chị đi ngược chiều cũng đang phóng hết tốc lực. “Xin lỗi. Sory chị”. Thằng Chí cười phởn, vừa chạy xe vừa ngoái lại hét to lời xin lỗi bằng tiếng Anh.


Rồi nó cười một mình: “Nếu thường ra, tớ cũng lịch sự phết. Nhưng tớ bận quá, chúi đầu chúi mũi trong xưởng 8 giờ vàng ngọc. Bây giờ cổ phần hóa rồi, năng suất mới có lương có thưởng chứ ngày xưa đâu mà kệ mẹ thằng nào con nào, đến kỳ lương là lĩnh. Làm mệt rồi, cũng có bằng kỹ sư rồi. Định học thêm “tiếng Anh tiếng em một tí” nhưng 5 ngày học thì 3 ngày đường tắc, đến chậm không học được. Nhưng... xin chào và xin lỗi thì dễ, nói được ngay…”.

Mải nghĩ, thằng Chí chợt đã về đến cửa nhà. Quái sao cửa chưa mở, đèn chưa bật. Thằng Chí nhìn quanh một lát rồi mở cửa đi vào. Bếp nước nguội tanh. Kiểu này “mẹ nó” chưa về. Thằng Chí tiếc đã không đồng ý cho vợ mua di động để lúc này gọi xem xem đang ở đâu. Định cho gạo vào nồi cắm phích điện rồi đi tắm.


Mùi khói xăng bám riết lấy áo quần, lấy tóc, thi thoảng làm thằng Chí muốn ói. Nhưng nhớ lời thầy thuốc dặn:“Bệnh của anh không được tắm lúc đói”. Thằng Chí mở tủ lạnh xem có thức ăn gì không trước khi cắm cơm. Biết đâu như lần trước nấu xong vợ lại mua bún lòng lợn đổi bữa thì cơm mai lại thừa. Con mực khô cuốn trong giấy nilon trong suốt ở ngay cánh cửa bên phải.


Cơn đói nổi lên cồn cào. Đã gần 8 giờ tối. “Chắc mẹ con nó có việc xuống nhà bà ngoại. Xuống đấy thế nào chẳng ăn?”. Thằng Chí nướng mực. Mùi mực nướng xua đi mùi xăng khét trên đầu. Thằng Chí mơ hồ nhớ lại tổ tiên của mình ngày xưa không phân biệt nổi đâu là mùi bà Ba, đâu là mùi cháo hành, mùi gốc cây bụi chuối.

Thằng Chí xé mực uống với rượu. Chai rượu hôm nọ “mẹ nó” mang về, khoe rằng bây giờ rượu nấu bằng công nghệ cao không còn chất ung thư như trước. Thằng Chí vừa uống, vừa gật gù, tự thưởng cho sự điềm đạm của mình lúc trước. Nếu không phải “dân có học” và “có đạo đức” thì lúc ấy đã “tông” cho thằng kia mấy quả. Dân có học mới nhịn nhục giỏi.

 
Đã ngà ngà, thằng Chí bắt đầu nhớ con. Cơn nhớ cồn cào. Không hiểu sao vợ vẫn chưa về. Thằng bé ở đâu? Tai nạn giao thông không chừa một ai, nhà đài chẳng ra rả thế là gì. Thằng Chí sốt ruột quá. Con mực hết, chai rượu cũng hết. Phim trong tivi nhạt hoét. Thằng Chí đi ra đi vào. Đi vào đi ra. Lúc này, thằng Chí không tự cắt nghĩa được vì sao mình không chửi bậy văng tục như lúc ở ngoài đường. 

                                                      *

                                                *           *

Trong lúc thằng Chí đang ăn mực thì con Nhàn cũng trôi trong dòng người tắc nghẽn ở đường Trung Tự. Cứ tưởng đường này thoát hơn đường Kim Liên nên mới rẽ vào đây. Con Nhàn không thương mình mà thương thằng Tây to béo đi chiếc xe Wes màu xanh phía trước. Mồ hôi ròng ròng chảy trên cái má nhiều râu của nó.


Lúc trước nó lừng lững phóng vượt qua Nhàn ở đầu Phương Mai, giờ thì nó chỉ ở trước Nhàn một quãng ngắn, cũng kẹt cứng trong đám người-khói. Thương thằng Tây một thì Nhàn thương con gà kẹp ở giỏ xe hai. Con gà mái tơ ngon cực kỳ. Vừa mới mua lúc sáng nhưng đề phòng tắc đường Nhàn đã gửi vào ngăn đá. Con gà lúc để vào giỏ xe còn đông cứng lại trong gói nilon. Giờ thì nước đá đã tan, chảy ròng ròng. Nhàn nhìn con gà, thương thằng Tây da trắng.


Trên phim ảnh bọn ấy sung sướng, thơm phức phẳng phiu từ nhà đến đường đến phố. Vậy mà ở đây thằng ấy cứ kiên nhẫn trôi trong dòng sông người. Khói mù mịt. Mồ hôi chảy trên mang tai. Đầu bỗng dưng ngứa khủng khiếp. Nhàn muốn dỗi hờn. Muốn nằm lăn ra ăn vạ. Đi mới đứng thế này thì bao giờ mới về đến nhà. 5 giờ đã qua từ lâu. 5 giờ là lúc thằng Tú phải ra ngoài cửa lớp đứng.


Cô giáo luôn cằn nhằn vì thằng Tú bao giờ cũng là đứa về muộn nhất. Những đứa khác bố mẹ nó không bị tắc đường, hay có ông bà đi đón? Nhàn vội nhờ chị bán vé số ngồi nép vào gốc cây. Đưa cho chị tờ 5 ngàn. Nói khó nói khăn mãi chị mới gọi giúp. 6 giờ rồi. Chắc ông bà ngoại đã đi đón cháu… Lo xong việc đón con, Nhàn lại muốn nằm lăn ra. Chết đi cho rảnh. Mệt hết sức.


Lại thêm tiếng còi xe của bọn người xung quanh. Ầm ĩ kinh khủng. Còn gì mà còi, có ai mù đâu, có ai muốn đứng im tại chỗ thế đâu. Bên phải bên trái lẫn lộn mạnh ai người nấy xấn đến. Tiếng chửi văng ra tóe tung.

Mãi cho đến gần 8 giờ tối, theo dòng người Nhàn mới nhích đến gần ngã ba Nam Đồng. Lúc này Nhàn mới nhìn thấy bên phải một ông xe thồ, cồng kềnh hai bên là cái 2 sọt to đầy rác. Ông là nguyên nhân của cả đoạn tắc vừa rồi ư? Chẳng lẽ ngày nào, con đường nào cũng có một ông xe thồ thồ 2 cái sọt cồng kềnh…?

                                                      *

                                                *           *

8 rưỡi. Nhàn về đến nhà. Mở cửa. Chưa kịp trông thấy chồng thì đã bị một cái tát nổ đom đóm mắt. Con gà văng vào gầm giường.

- Thằng Tú đâu?

 
Nhàn điên tiết. Lẽ ra tôi phải hỏi anh câu đó/ Anh về trước tôi cơ mà. Cơn giận sau lúc tắc đường như ném cả hai vào lửa. Bỗng “phập”. Con dao chém ngang đầu giường.

Nhàn sợ quá: U ơi, thầy ơi.

- Thằng Tú đâu?

Nhàn run lẩy bẩy ra gọi điện thoại. Đầu giây bên kia không ai trả lời.

- Cô đi với thằng nào không biết đường về. Đi với…?

Nhàn định chửi, định móc: “Đi với cụ tổ nhà Chí” nhưng nhìn lưỡi dao cắm ngập trong thanh gỗ đầu giường, Nhàn im lặng. Nhàn tự rủa thầm, tại mình mua ruợu cho nó nên nó mới say. “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”, Nhàn gạt nước mắt khóc thầm. “Giời ơi, lúc nào cũng là lỗi tại con cả thôi, còn nó lúc nào cũng vĩ đại”.

Đang chưa biết làm thế nào thì thấy bà ngoại đẩy cửa bế thằng Tú vào: “Ôi ông giời ơi, chỗ nào đường cũng tắc con ạ. Mẹ đón thằng Tú từ lúc 6 giờ mà đi mãi chẳng tới nhà…Thếvề lúc nào hả con? Nghe người ta gọi, người ta đoán già đoán non, phải vài giờ nữa chỗ ấy mới hết tắc. Mẹ đi đường khác, cũng tắc mà đỡ hơn…”.

Nhàn nấc nghẹn.

Thằng Tú kêu: “Mẹ ơi, con đói”. Thằng Chí ngước con mắt đỏ sọc nhìn con trai, nhìn bà ngoại. “Anh làm cái gì thế. Anh lại rượu chè từ bao giờ thế. Tôi đã tưởng anh không bao giờ lặp lại chuyện 70 năm trước…“.

Nhàn hét: Mẹ. Mẹ nói gì thế. Thôi. Đừng nhắc. Anh ấy đã… nhưng mà… nhưng... anh ấy… làm sao có thể khác được?

Chí rút con dao khỏi thanh gỗ đầu giường. Mãi mới được. Nó ho khan, lùi lũi đi vo gạo, cắm phích điện.

Nhàn chui vào gầm giường nhặt con gà. Bà ngoại đứng như trời trồng. Một lát thì hiểu… Ôi, điên hết cả rồi. Tú! Ra đây bà mua cho cái xúc xích nướng. 

Truyện ngắn của Trần Thị Trường    

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN