Săng lẻ

Mây có một tuần để đi chào khắp lượt họ hàng trước khi sang Úc với mẹ. Thực ra cũng có ai đâu. Bên ngoại chỉ có mỗi dì Huyền, mà Mây hiện tại đang ở với dì rồi. Mây quyết định sẽ dành ba ngày cho bên nội, miền quê mà từ bé đến giờ, khi đã 25 tuổi, số lần Mây về chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có lẽ vì bố Mây mất sớm quá.

 

Va li nhỏ cũ kỹ, quần áo lấm bụi, tóc buông xõa, Mây xuống tàu trong tư thế chẳng lấy gì phấn khởi. “Bà giao cho thằng Trọng đi đón con”- bà nội đã nói rồi. Trọng là con của bác Lân, anh trai của bố Mây, ngược với Mây, Trọng mất mẹ từ nhỏ. Trọng là một người khá kỳ lạ, tốt nghiệp đại học, về quê trồng rừng đã bốn năm nay. Hồi mới nghe tin, bà Nga - mẹ Mây cười khẩy: “Đúng là điên! Rừng với rú. Rặt một lũ điên”. Rồi không hiểu cớ gì, nước mắt bà chảy dài trên gương mặt.

 

“Mây!”. Mây ngẩng mặt hướng về tiếng gọi. Dưới ánh nắng hãy còn gắt của buổi chiều mùa hè, Trọng nhảy xuống khỏi thùng xe bò. Anh đội một lúc hai chiếc mũ tai bèo. Lột một cái, anh cẩn thận đội lên đầu cho Mây. Thay vì ngồi trong thùng xe, bên cạnh những bao tải phân gio giống má của Trọng, Mây ngồi nghiêng trên một càng xe còn lại, giống như anh. Những giọt nắng cuối chiều bịn rịn trên những tàng cây vượt lên khỏi cánh rừng. Một dải màu hoa tím rực rỡ kéo dài suốt thung lũng. Hình như ký ức của Mây đã từng lưu lại màu hoa này, nhưng không nhớ nổi tên. “Cái gì đấy, anh Trọng?”. Trọng nhìn theo hướng Mây chỉ, mỉm cười, khẽ nói: “Săng lẻ”. “À! Săng lẻ”, Mây lẩm nhẩm.

 

“Nhìn em tiều tụy thế? Em không ốm đấy chứ?”, Mây hơi bất ngờ khi nghe Trọng hỏi đầy lo lắng. Từ khi Hải mất đi, cách đây gần một năm, bất cứ gã trai nào gặp Mây cũng nức lời ca ngợi sắc đẹp của cô. Chỉ có Trọng là nói ngược lại. Không đợi Mây trả lời, Trọng trấn an: “Không sao cả! Về đây mấy ngày em sẽ khỏe lại ngay”. Mây không biết mình có khỏe lại thật không, nhưng khi rửa mặt bằng nước bể ngầm và uống hết một cốc nước dừa bà nội mang cho, Mây thấy phấn chấn hẳn. Lúc Mây đã thay quần áo và nằm gối đầu lên chân bà nội để bà phe phẩy quạt cho, Trọng bê ra một bát ô tô cơm với cà muối, vặn nước bể vào rồi ăn ngon lành. Mây nhíu mày: “Ngon không anh Trọng?”. Trọng cười: “Ngon chứ. Em muốn thử không?”.

 

Gỡ hoa khế rơi trên tóc Mây, bà nội nói chậm rãi: “Cả ngày hôm qua nó lăn trên rừng. Trưa nay về dưới hợp tác xã huyện mua giống, mua phân, tranh thủ đi đón con luôn đấy”.“Lăn trên rừng để làm gì hả bà?”, Mây hơi nhổm dậy, hỏi. “Đào hố trồng cây. Thằng này nghiện rừng lắm”. Mây phì cười, rồi bỗng thoáng buồn.

 

“Anh nghiện em mất rồi”. Hải thường nói câu đó mỗi khi ôm lấy mái tóc dài óng ả của Mây. Khi tai nạn giao thông cướp mất Hải đi, Mây cũng cắt phăng mái tóc mình từng mất bao nhiêu công gìn giữ. Bây giờ, tóc chỉ dài ngang vai, Mây chẳng mấy khi ngó tới. Vài người dè bỉu sau lưng: “Số sát chồng, cả mẹ lẫn con. Thế mà nhiều thằng ngu vẫn đâm vào. Nhan sắc là cái gì chứ?”. Nhan sắc không là cái gì nhưng là thứ mọi người đàn bà đều ao ước. Nhan sắc giúp mẹ Mây dù đã có con gái lớn vẫn được một người đàn ông người Úc thành đạt yêu thương và cưới làm vợ. Nhan sắc giúp thêm cho Mây có được vị trí trợ lý tổng giám đốc của một tập đoàn lớn. Nhưng còn ý nghĩa gì đâu khi mất Hải, còn ý nghĩa gì đâu khi Mây sắp bỏ lại tất cả để chạy trốn khỏi những tháng ngày này, huống hồ như lời nói thật của Trọng, Mây giờ đây đã trở nên tiều tụy và xuống sắc.

 

Trăng lên cao, Trọng rủ Mây đi dạo, dưới ánh trăng sáng rõ, Mây nhìn rõ nước sông dềnh lên mênh mang. Bỏ dép, Mây ngồi xuống mép cầu, khỏa bàn chân trong dòng nước mát lạnh. “Đợi anh một lúc nhé”, Trọng nói rồi cởi áo, nhảy tùm xuống sông. Nước lấp lánh như có ai thả ngàn sao. Trọng lặn hụp hồi lâu, đội cả một đám rêu, bất ngờ trồi lên dọa Mây. Lúc nắm tay Mây băng qua quãng đồng trơ gốc rạ lồng lộng gió, Trọng hỏi nhỏ: “Em có muốn đến thung lũng hoa tím không?”. “Thung lũng hoa tím nào?”, Mây lặng đi mất một lúc “À! Săng lẻ. Bây giờ đi luôn hả anh?”. “Không! Ngày mai”, Trọng nhìn sững vào mắt Mây, đôi mắt cười thật hiền từ.

 

      *

*          *

 

Buổi sáng khi nắng còn đâu đó ở trong mây, Mây đã nai nịt gọn gàng, mang giày vải cao cổ kiểu bộ đội, rót đầy hai bi đông nước, xếp những thức ăn bà chuẩn bị sẵn vào giỏ. “Có thể chúng con sẽ không về kịp tối nay”, Trọng nói với bà khi đã buộc ách vào cổ bò. “Nếu muộn quá thì tá túc một đêm ở chòi ông Khâu vậy”, mang cho Mây chiếc vỏ chăn hoa cũ, mắt bà nhìn Mây rất lạ.

 

Rừng Gám không nhiều muỗi như Mây vẫn tưởng. Những tán cây cổ thụ tạo thành một vòm trời mát mẻ, lao xao trên đầu. Trọng chỉ tay về một khoảnh rừng trọc với những hố nhỏ đào đều tăm tắp, giọng tiếc nuối: “Trước kia đó là chỗ của những cây cổ thụ với bóng mát đủ để che cả một làng”. Trọng tiếp: “Bây giờ anh sẽ bón lót và trồng cây. Em có muốn giúp anh một tay không?”. Rồi không đợi Mây trả lời, anh xăm xăm bê những rổ cây con đi trước.

 

Mây đếm mình trồng được 23 cây con thì mệt lử, không thèm sạch sẽ nữa, ngồi bệt xuống đất. Mặc kệ mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt, Trọng vẫn cười tươi. “Em kiếm bóng râm nghỉ một lúc đi”. “Em không trồng nữa đâu?”, Mây phụng phịu. “Được”, Trọng vui vẻ, nhưng Mây chưa kịp mừng thì anh tiếp: “Đêm qua có gió lớn, thể nào củi khô ở bên kia cũng rụng rất nhiều, em chịu khó đi nhặt về cho bà đun bếp nhé”. Trông mặt Mây lúc ấy ỉu xìu như cái bánh đa nhúng nước.

 

Hóa ra nhặt củi khô cũng có cái thú của nó. Dưới những tán cây che chở, Mây say sưa nhặt, bẻ đều và sắp gọn những cành củi khô nhặt được. Tiếng răng rắc của cành khô, tiếng gió thổi vi vu trên đầu nghe thật dễ chịu. Mây còn hái được cả một bó hoa của những nhành e ấp mọc dưới những gốc cây già. Mải làm, Mây không để ý Trọng đã dừng tay trồng cây từ lúc nào. Anh xốc lại bó củi khô Mây nhặt được thành hai bó lớn. “Nắng lên cao rồi. Chiều mát anh lại trồng tiếp. Em có thích tắm suối không”.

 

Nước suối mát nhưng Mây không dám xuống tắm, mặc Trọng năn nỉ, động viên. Người ta nói lòng suối cạn nhưng luôn chứa đựng những mối hiểm nguy. “Trọng! Lên lúc nào đấy?”. Hai anh em đang tạt nước trêu nhau thì giật mình quay lại bởi một giọng nói rất vang. Chưa kịp định thần thì người đàn ông đã nhảy ùm xuống dòng nước. “Bác Khâu đấy”, Trọng nhìn Mây, hồ hởi. “Cháu lên từ sáng. Bác vừa đi đâu về đấy ạ?”. Từ từ trồi lên khỏi dòng nước, người đàn ông có gương mặt sạm nắng từ tốn: “Giâm thêm mấy cây non vào góc rừng thưa”. Nói rồi ông đưa mắt sang nhìn Mây. Trọng nửa đùa nửa thật: “À! Là Mây của cháu. Tối nay có khi chúng cháu lại xin tá túc ở chòi của bác”. “Cứ tự nhiên”, người đàn ông nói, mắt vẫn nhìn sững Mây.

 

Kể từ ngày Hải mất, chưa bao giờ Mây được ăn và ngủ ngon lành như trưa hôm ấy. Có cánh tay Trọng làm gối, lớp lá tươi kê êm mát dưới lưng, thành phố bỗng trở nên xa lắc.

 

*

*             *

 

Chẳng mấy khi bố cho Mây đi chơi xa, về quê lại càng ít. Mây là con một nhưng từ bé tuyệt nhiên không bao giờ bố cho Mây ngủ chung với bố mẹ. Lại càng không bao giờ làm ngựa cho Mây cưỡi hoặc tắm táp cho Mây như bố chúng bạn thường làm. Mẹ bảo bố bận lắm, bận nghiên cứu, họp hành, hội nghị, đủ thứ. Với lại, bố cũng chẳng bao giờ đánh mắng Mây lấy một lần. Mây thích gì bố sẽ cho tiền đi mua và sẽ chẳng quát tháo ầm ĩ khi Mây bị điểm kém như bố những đứa khác. Thành ra, Mây vẫn rất yêu bố.

 

Mùa hè năm lớp ba, giỗ đầu ông nội, cả nhà Mây tay xách nách mang về quê. Đó là lần đầu tiên Mây nhìn thấy hoa săng lẻ. Hoa nở thành một vạt tím mê hồn như những đám mây lửng lơ theo sườn của cánh rừng tít tắp. Mẹ Mây mải mê nhìn theo những đám mây phiêu lãng ấy. Hình như mắt bà còn đọng nước.

 

Hồi ấy mẹ anh Trọng chưa mất. Ăn cỗ xong, anh Trọng vứt cặp sách lên chõng, dắt tay Mây chạy ra ngõ rủ đi bắt chuồn chuồn ở bìa rừng. “Trọng! Bỏ tay nó ra”, bác gái Lân- mẹ Trọng đang rửa bát ở giếng quát to. “Em Mây mà mẹ”, Trọng lí nhí. Mẹ Mây đang dọn mâm bát, ngưng tay: “Chúng nó đi chơi, cho rảnh, quẩn chân lắm”. “Thím biết gì mà nói. Vào nhà ngay”, mẹ Trọng trợn ngược mắt. “Chuyện gì đấy?”, bố Mây, lúc này đã ngà ngà, đi ra hỏi, giọng lè nhè. “Chú xem! Hai đứa nó định ra bìa rừng đấy. Thế mà thím ấy vẫn cho đi được”. Sự việc sau đó diễn ra rất nhanh và bất ngờ. Bố giáng một cái tát nảy lửa vào mặt mẹ. Đó là lần đầu tiên Mây thấy bố đánh mẹ. Điều ám ảnh nhất có lẽ là sự can ngăn chừng mực của những người trong gia đình đằng nội, tiếng khóc ai oán của bà nội, đôi mắt hằn lên những tia tủi nhục của mẹ...

 

*

*                *

 

Buổi chiều qua đi rất nhanh, xẩm tối, đám cây non mới được trồng xong. Nhìn thành quả của một ngày làm việc, Mây không giấu được niềm vui. Khi Mây trở về sau nhiều năm dài, có khi những cây non đã phủ tán lá dày trên đầu. Nghĩ đến đấy, Mây bỗng thấy tiếc nuối. Nỗi tiếc nuối của một người hằng ngày không được chứng kiến và săn sóc những cây cối mình gieo trồng lớn lên.

 

Trọng và Mây về chòi bác Khâu khi trăng đã lên. Dưới chân chòi, người gác rừng có gương mặt sạm nắng đang cẩn thận nướng gà trên than hồng. Biết hai người đến gần, ông vẫn không thèm ngẩng đầu lên. “Tối nay bác cho chúng cháu thưởng thức đặc sản gì đây?”, Mây thầm phục sự khéo léo của Trọng khi anh cất tiếng chào. “Có gì đâu! Gà tôi tự thả lấy, mấy thứ rau rừng linh tinh. Cháu đừng chê...”, vẫn không ngẩng đầu lên, ông cố gắng diễn đạt một cách thân thiện nhất có thể.

 

Làm sao Mây có thể chê được những thức ăn ngon lành của người gác rừng có vẻ ngoài cục mịch và ít nói ấy. “Bác Khâu là một người rất giỏi. Bác ấy từng ở thành phố trước khi về rừng Gám nhận chân gác rừng. Gần 20 năm rồi đấy”. Cùng ngồi bên bếp lửa dưới chân chòi, Trọng kể khi mát xa chân cho Mây trong chậu nước ấm. “Cũng giống anh. Bỏ trường đại học, bỏ thành phố để về trồng rừng”, Mây ví von. “Mây này! Anh nhớ mãi hình ảnh của em hồi nhỏ. Em cao từng này này. Mắt như hai hạt nhãn. Lần đầu tiên em về quê ấy Anh đã ước rằng giá như em không là em gái của anh. Ôi! Cái ước mơ của một cậu nhóc, nó vẫn luôn cháy trong anh đến tận bây giờ”, Trọng hồi tưởng. “Thôi! Anh đừng nhắc lại nữa. Có gì đáng nhớ đâu”. Mây bỏ chân ra khỏi chậu. Đi ra gốc săng lẻ ngồi một mình. Ngồi ở đây, ngước mắt lên nhìn những đám hoa tím lơ lửng của rừng săng lẻ, nước mắt không biết từ đâu đến, chảy ướt đầm trên gương mặt Mây.

 

*

*               *

 

“Mây có quyền được biết. Không thể vì cú sốc mất chồng chưa cưới mà giấu giếm không cho Mây biết bố đẻ của mình. Sau này, khi Mây đi xa rồi, cơ hội trở về không nhiều, chẳng lẽ chúng ta cứ im lặng mãi”.

 

Trăng sáng soi gương mặt băn khoăn, lo nghĩ mà đứng sau lưng Trọng, Mây vẫn có thể mường tượng được. Lưng bà nội gầy và như còng xuống thêm sau mỗi lời nói. “Bà cũng nghĩ vậy. Cho nên lần này nó về định bảo con dẫn vào rừng Gám để gặp mặt bố đẻ của nó. Con bé không phải là cháu ruột của bà, không cùng máu mủ với con nhưng nó không có tội gì cả. Con hãy thật khéo léo, đừng để con bé phải quá sốc... Tội nghiệp!”.

 

*

*             *

 

Khi Mây trở về chòi, cả bác Khâu và Trọng đều chưa ngủ. Cả hai ngồi lặng lẽ bên cánh cửa chòi chống lên bởi một thanh nứa khô, trông ra dải rừng săng lẻ. Mây lặng lẽ ngồi giữa hai người. “Mây! Anh có chuyện muốn nói với em...”. “Anh không phải nói gì cả”, Mây ngắt lời Trọng, nghẹn ngào. “Hãy kể cho con nghe tất cả đi”.

*

*                *

 

- Tại sao anh đày Khâu về trạm kiểm lâm rừng Gám?

Nga lạnh lùng.

 

Ngọc bỏ đôi đũa xuống mâm.

 

- Cái thằng khố rách áo ôm ấy, nó làm em mê muội mất rồi. Em nên nhớ em là gái đã có chồng.

 

- Có chồng hờ hững cũng như không.

 

- Em còn muốn gì nữa. Cả cơ ngơi này chưa làm em thỏa mãn à?

 

Nga nhìn trân trân gương mặt lạnh băng không cảm xúc của chồng.

 

- Anh muốn trừng phạt tôi phải không?

 

Ngọc chậm rãi:

 

- Chuyện không thể có con, là lỗi của anh. Nhưng anh đã làm ngơ để em qua lại với hắn. Anh đã coi và hứa suốt đời coi con Mây như chính con ruột. Em và hắn còn dã tâm gì nữa.

 

- Anh thừa biết là tôi và Khâu đã cắt đứt từ lâu. Không cớ gì mà anh phải ghen tuông tiểu nhân như thế cả.

 

Nga nghẹn ngào.

 

- Về trạm kiểm lâm rừng Gám là Khâu tự nguyện. Anh không có tác động gì trong quyết định này cả. Nếu không tin, em hãy đọc lá thư này, Khâu nhờ anh chuyển cho em.

 

Nga giật lá thư từ tay chồng.

 

“Nga! Em đừng trách Ngọc trong chuyện này. Đó là quyết định của anh. Hai người hãy chăm sóc tốt cho bé Mây. Anh chỉ mong có thế. Ngọc là người tốt, em có thể nương tựa được. Hãy quên đi những kỷ niệm thời quá khứ...”.

 

*

*         *

 

Mây nằm bên cánh cửa kết bằng lá cọ của căn chòi nhỏ. Trăng lên cao đậu trên ngọn săng lẻ, sáng soi những dải hoa li ti lặng lẽ giữa trời. Từ đây, Mây nhìn thấy một chiếc máy bay di chuyển trên bầu trời đêm. “Băng qua bầu trời xa lạ kia hay được chở che dưới bóng của vạt rừng săng lẻ thanh bình và huyền bí này”, Mây quay sang hỏi Trọng. “Em bảo cái gì cơ?”, Trọng siết lấy bàn tay đã có những vết chai non của Mây. Đôi mắt Trọng thật đẹp. Đôi mắt như chứa cả một thung lũng xanh rực trời hoa tím. “Ước mơ của anh thế nào rồi?”, Mây dùng ngón tay nhẹ phác những nét mơ hồ lên gương mặt Trọng. “Ước mơ nào cơ?”, Trọng nhíu mày, ôm gọn Mây vào lòng “À! Ước mơ đã thành hiện thực. Em có đồng ý như thế không?”.

 

“Em sẽ ở lại”, Mây trả lời một câu chẳng ăn khớp gì cả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN