Bà Thìn nằm co cuộn mình trong hai tấm chăn, một chăn len, một chăn bông lồng lên nhau, song vẫn rét run. Tại trời lạnh, song chủ yếu là tại cơ thể bà không còn đâu sức nóng, tấm thân gày gò, tong teo làm sao có thể chống lại được cái lạnh mùa đông. Còn đâu sự trẻ trung luôn nóng bừng sức sống. Đã qua rồi cái thời xuân sắc, tấm thân ngồn ngộn phồn thực của cô Thìn làm mê mẩn, cuồng nhiệt dục tình của bao người đàn ông. Mấy năm nay bà Thìn chỉ những ốm lên, ốm xuống, sau Tết lại càng ốm hơn. Tuổi Thìn, năm Thìn, ốm nặng, cái hạn bốn mươi chín tuổi với bà Thìn thực đáng để bà lo về sinh mệnh.
Nhưng thực tình, nếu chỉ là sự sống cho bản thân thì bà Thìn đã chẳng quá buồn lo làm gì. Bởi bà nghĩ, đời bà, cho đến bây giờ có gì để tiếc khi chết đi đâu, trái lại, càng sống thêm, càng khổ. Buồn khổ, ốm đau dài dằng dặc như bà, chết đi càng nhẹ mình, rảnh nợ. Với nữa, giá như có muốn chạy chữa cho khỏi bệnh, bà cũng không biết trông ai. Cha mẹ cũng như anh chị em ruột thịt, thân thiết đều đã thành người thiên cổ cả rồi. Tuy bà cũng đã có chồng, nhưng chồng đã chết, hơn thế nữa còn ly hôn trước khi chết cả gần chục năm. Chỉ có duy nhất một đứa con, là con gái, thì nó dạt vòm từ mấy năm nay rồi, mẹ ốm làm sao nó biết, muốn báo tin cho con, bà còn biết tìm nó ở đâu. Ấy, mỗi khi nghĩ đến con thì không phải là nghĩ đến sự được nó trông nom săn sóc khi ốm đau, lúc về già, mà lại chỉ trào dâng lên sự nhớ nhung cùng thương xót con, lòng quặn đau thấy sự sớm hư hỏng, rồi bỏ nhà đi giang hồ của đứa con gái, có lỗi của nó, song trách nhiệm của người làm cha làm mẹ cũng đâu có nhỏ.
Bà Thìn mãi nhớ cái con Ly, tên rất hay là Cẩm Ly, gần như là bà lấy tên dòng thác Cam Ly thơ đẹp, mộng mơ của thành phố Đà Lạt, mà đặt tên cho con, là kết quả tình yêu giữa bà với bố của nó là ông Tần. Ngày đó cô thanh nữ có tên là Thìn, tức là bà, gặp anh Tần khi anh đang là người yêu ở mức chồng sắp cưới của cái Mai, bạn đồng nghiệp mới quen của Thìn. Vì là đồng nghiệp lại thuộc một ngành nghề nghệ thuật, tâm hồn đầy chất nghệ sĩ, vừa lãng mạn, vừa nông nổi, ít kiên định, nhất là trong lĩnh vực ái tình, nên anh Tần đang từ tình yêu với Mai, đã chuyển nhanh sự phải lòng rồi si mê sang Thìn. Có thể vì anh thấy Thìn gương mặt đẹp và thân hình nở nang, bốc lửa, gợi dục hơn Mai, người thấp bé, gương mặt trông cũng được, song da lại hơi đen, ngực nở, nhưng mông lép.
Nhưng cũng có lẽ vì Tần thích đi tìm sự mới lạ, trong khi Tần lại đã yêu và tuy chưa cưới song đã sống như vợ chồng với Mai đến những ba năm có lẻ rồi. Thìn khi đó vừa chia tay với người yêu, đang cô đơn, tính lãng mạn, đa tình, chỉ cần gặp một người đàn ông mặt mũi sáng sủa, sức vóc khoẻ mạnh tỏ tình với cô là cô sẵn sàng đáp ứng ngay, huống nữa lại là gặp một người đàn ông còn trẻ, khá đẹp trai, hào hoa, đa tình như Tần. Thoạt đầu tình ái giữa họ còn ít nhiều kín đáo vì cả Tần cả Thìn chưa nghĩ đến chuyện lấy nhau, thêm nữa giữa Thìn và Mai, ngoài mặt vẫn còn là quan hệ bạn bè, chẳng lẽ lại công khai sự cướp tình nhân của nhau.
Dịp ấy, Mai bận việc công ty giao, phải cùng bà giám đốc đi giao thương ở một tỉnh miền núi phía Bắc, Thìn và Tần lẻn đi du lịch Đà Lạt với nhau, buổi trưa trải áo mưa nằm khuất trong rừng cây bên thác Cam Ly để ân ái cùng nhau. Thìn tính lãng mạn, nên mặc dù họ đã nhiều lần với nhau trong phòng ở của Thìn, hoặc đi thuê phòng khách sạn, song cô vẫn thích mỗi khi tiện dịp thì lại cùng tình nhân khỏa thân ôm ấp, giao hoan trong ruộng ngô, nương dâu, bên bờ sông vắng, hay trong rừng cây cạnh thác nước đổ, dòng suối reo. Về Hà Nội, Thìn thấy có thai, lại đang rất thích nhau, thế là họ quyết định công khai sự việc. Tần cắt đứt tình với Mai. Mai cũng đã đến lúc chán Tần, lại đang thích Tây, trong chuyến đi với bà giám đốc doanh nghiệp làm việc giao thương, Mai đã gặp một ông Tây tại khách sạn, ông ta tỏ tình và Mai đã ưng thuận, sau đó về dưới Hà Nội tiếp tục là tình nhân của nhau. Khi Tần công khai quan hệ tình ái với Thìn, Mai thừa dịp chia tay êm thấm kiểu nghệ sĩ với Tần, rồi theo gã Tây kia sang Tây sống.
Tần và Thìn đăng ký kết hôn, không làm đám cưới vì cũng chưa biết chạy đâu ra đủ tiền trong khi cái bụng không chờ đủ tiền làm đám cưới mà cứ to ra, với nữa chắc gì đôi bên gia đình đã ưng thuận. Chỉ là một mâm cơm mời mấy người bạn. Nhưng một mối tình như vậy cũng mong manh trong sự thủy chung. Thìn chưa kịp chê chán Tần, thì trong thời gian cô chửa bụng to nặng nề, rồi sinh con, Tần đã bập vào cuộc tình dễ dãi của một cô nhân viên cơ quan. Cô này mặt không đẹp, trán dô, hàm răng trên hơi lộ, song thân hình vâm váp, rất máu, hồi mới học xong trung cấp hành chính, về cơ quan này làm nhân viên, đã gạ tình ông phó thủ trưởng cơ quan, bảo chú yêu cháu đi. Ông sếp phó vừa vì giữ gìn theo kiểu tránh con thầy, vợ bạn, gái cơ quan, vừa thấy cô này không đẹp, so sao được với cô bồ xinh cực kỳ của ông, nên ông chỉ cười cười lắc đầu. Cô ta đành nhận lời cầu hôn của một người nhờ mai mối, không tìm hiểu kỹ, về nhà chồng độ một tuần lễ sau mới biết là anh ta nghiện hút. Vậy là vừa vì nhu cầu tình dục, vừa vì cần tiền để nuôi mình, nuôi con cộng với đồng lương ít ỏi, cô nhân viên này đã đi săn bắt đàn ông. Săn bắt được Tần, rồi giữ rịt lấy, công khai tranh giành với Thìn. Thìn đành ly hôn. Đi thuê nhà ở và nuôi con, dành hết tình yêu thương cho đứa con gái có tên đẹp như tên dòng thác Cam Ly kia, con càng được yêu chiều, càng dễ sinh hư. Mỗi khi mẹ không chiều được hết ý nó, kể cả khi mẹ không đủ tiền đưa cho nó ăn chơi, nó lại chạy sang với bố. Bố cũng nể chiều con. Con càng lớn lên càng hư hỏng rồi bỏ học. Mẹ khuyên nhủ con, con cãi lại, rằng mẹ không hết lòng với nó. Đúng là Thìn không thể đủ tiền cho con tùy thích tiêu pha, lại nữa là người đàn bà trẻ tuổi đa tình, lãng mạn, Thìn không thể kìm mình sống thiếu đàn ông. Một lần con Ly về bắt gặp mẹ với tình nhân trên giường, nó hét to lên, sao mẹ hư thế, rồi chạy ra khỏi nhà. Thìn hất vội người bạn tình xuống, vớ lấy chiếc vỏ chăn che tấm thân lõa lồ, đuổi theo con, nhưng không kịp giữ con lại vì nó đã nhảy lên một chiếc xe máy của một gã con trai, chắc là bạn nó, phóng mất hút vào phố đông.
Trong khi đó bố nó lây qua cô tình nhân có chồng nghiện hút, mắc bệnh aids, cô kia chết trước, Tần chết sau. Con bé Ly rời bỏ mẹ, bố chết, đi sống bụi đời, chắc là nó đã dạt vào những vòm động hư hỏng, để bọn chăn dắt gái dùng nó bán thân khai thác tiền nhà giàu. Thìn đã đi tìm song làm sao tìm được con. Buồn bã, hối hận năm này qua năm khác, thêm sự suy yếu đi của cơ thể phụ nữ đến độ tàn xuân, bà Thìn sinh ra ốm đau, rồi ngã bệnh nặng. Hàng xóm có ông đạp xích lô tốt tính đã chở bà Thìn vào bệnh viện. Bà Thìn cám ơn, song nói thêm, là cần hơn cả việc được chữa bệnh, bà muốn tìm được con. Ông xích lô nhận đi tìm hộ vì ông đạp xích lô chở khách có điều kiện rong ruổi khắp phố lớn ngõ nhỏ, cũng đã từng chở những cô gái làm tiền, trẻ bụi đời, nên có thể dò tìm con gái cho bà Thìn. Có người mách cho ông xích lô biết, cái Cẩm Ly đã bị công an bắt vì tội vừa bán dâm, vừa môi giới mại dâm. Nó được đưa đi giáo dục tại một trại phục hồi nhân phẩm vùng thượng du. Ở nơi ấy, thông qua các đoàn thể như Mặt trận, Phụ nữ, nhiều người tốt bụng đã vào trại thăm hỏi khuyên nhủ đám trẻ vị thành niên hư hỏng kia. Trong số này có bà Thu.
Thời tuổi trẻ, con nhà nghèo, nhưng có nhan sắc, cô Thu được một cậu con nhà giàu si mê, tha thiết yêu, cô xúc động trước tấm tình yêu sâu nặng ấy, đã yêu lại. Nhưng gia đình cậu kia không đồng ý cho con lấy vợ nhà nghèo, đã ra sức phá tình của con, khiến cậu con quá đau khổ, thất vọng, đã lao đầu vào một chiếc ô tô đang chạy trên đường phố để tự tử. Cảm thương người yêu, buồn khổ với nỗi đau đầu đời, chán cho thân phận nghèo túng nên bất hạnh giữa phố phường giàu có, hoa lệ, cô Thu bỏ nhà, bỏ thành phố, tìm lên vùng thượng du gửi mình vào một am tu tiên hiếm hoi còn sót lại cạnh rừng già do một tiên cô có tuổi trông nom. Đã tưởng rằng sẽ như tiểu thuyết xưa từng viết, năm qua, ngày tháng qua… Nào ngờ duyên phận buổi sớm mai kia có một người đàn ông trung tuổi tìm đến am tu tiên mà ông ấy lầm là cõi thờ Phật để thắp hương. Gặp cô tu tiên trẻ tuổi đẹp như tiên nữ, ông ấy phải lòng luôn, liền qua bà tu già mà hỏi về cô tu trẻ. Càng nghe, càng cảm, càng thương. Lòng càng xốn xang ý muốn cô tu tiên trẻ tuổi hồi tục về lại Hà thành làm vợ ông. Ông là chủ một doanh nghiệp lớn, chuyến lên vùng rừng thượng du này cũng là để thăm thú việc lập nhà máy, khai thác nguyên liệu từ rừng để làm giấy. Nhờ thế mà gặp được mỹ nhân do sớm lỡ dở tình duyên mà định suốt đời gửi tấm thân mỹ miều và vô cùng khả ái vào chốn tu hành. Thực đúng là duyên trời dẫn dắt cho ông vì ông cũng đang cô đơn sau khi vợ ốm chết cách đây ba năm, mà mãi chưa chọn được ai ưng ý để yêu và cưới làm kế thất. Bà cụ tu tiên ủng hộ ý muốn của ông chủ doanh nghiệp vì bà cũng rất cảm thương nông nỗi của cô gái trẻ tu tiên. Ông cầu hôn cô tu tiên còn trở đi trở lại nhiều lần, khiến Thu từ chỗ cảm động mà sinh yêu, thêm lời khuyên bảo, đặt đàng cắt nhẽ của bà tu tiên cao tuổi, cuối cùng cô tạm cởi bộ quần áo tu hành màu đen, mặc lại bộ quần áo đời thường do ông kia đem từ Hà Nội lên để về làm vợ ông. Cô đã sống với ông gần hai chục năm hạnh phúc, sinh cho ông hai cô con gái. Khi ông chồng mất do ốm lúc tuổi già, cô Thu lại quay về am tu. Sẵn tài sản thừa kế, cô Thu nhờ người em chồng trông nom, lấy tiền thuê nhà và lãi tiền góp vốn kinh doanh, có sự trông xem, giúp đỡ ý kiến của luật sư, để chi phí vào việc gửi hai đứa con gái cô Thu sang Pháp du học. Ở bên ấy, chúng nó có một bà cô ruột, em bố, đang dạy đại học, sẽ trông nom, giúp đỡ các cháu thêm.
Trở lại đời sống tu hành, thay bà cụ già đã mất để trông nom am tu, bà Thu luôn thấy lòng thanh thản. Bà tự trồng trọt, chăn nuôi để sống, không muốn và cũng không cần phải chi tiêu vào số tiền, của, bà được thừa kế cùng con từ chồng, số tiền, của này bà đã chuyển hết quyền sở hữu trên cơ sở pháp luật sang cho hai con. Chúng nó học hành thành đạt, đứa theo nghề kinh doanh, đứa làm chuyên gia nghiên cứu khoa học, đều đã lấy chồng, có con, mỗi lần về nước thăm mẹ, là mỗi lần chúng nó mời, giục mẹ sang Pháp ở cùng con cháu, song bà đều từ chối vì bà đã quen với cảnh sống nửa thế tục, nửa tiên cảnh rồi. Tiền các con biếu mẹ, bà Thu dùng vào việc làm từ thiện, nuôi nấng những đứa trẻ vì lý do này, lý do do khác không nhận được sự nuôi nấng chăm sóc của cha mẹ. Bà Thu vào trại phục hồi nhân phẩm thăm các cháu, thấy cái Ly còn có thể ngoan, tốt trở lại, nghe cháu tâm sự càng thương, bà xin trại đón nhận nó về nuôi nấng dạy bảo, con bé tốt hẳn lên. Ông xích lô đã tìm đến, xin phép bà Thu cho cái Ly về thăm mẹ nó ốm.
Khi khỏi bệnh, bà Thìn đã tưởng từ nay con gái sẽ ở lại nhà sống với mẹ. Nhưng nó lại đi. Để xa môi trường đô thị nhiều sa đọa, cạm bẫy, trở về với người nó xem như mẹ, như bà, đã cứu vớt và nuôi dạy nó nên người. Bà Thìn nhớ lại những sai lỗi của mình đối với con, chẳng biết nói cùng con sao, đành đứng tựa cửa nhìn theo con cho đến hút tầm mắt. Dù sao, bà buồn lòng tự nhủ, trên biển đời đa đoan, giông bão, con gái mình cũng đã gặp được sự chở che, bến bờ…
Hà Nội tháng 2 năm 2012.
Vũ Huy Anh