Nhớ quê ngày Tết

Đợt bắn pháo hoa cuối cùng của đêm giao thừa đã kết thúc. Trên dòng sông rộng mênh mông, ánh sáng từ những tia chiếu rực rỡ đang tắt dần rồi biến mất trong đêm trừ tịch. Tiếng ì đùng, bùm bụp từ những trái pháo hoa đã im hẳn. Dòng người đông đảo lũ lượt kéo về trong cái lạnh se se của đêm giao thừa. Tiếng Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết cũng vừa xong.


Kéo lại cái cổ áo gió bạc màu nồng nặc mùi dầu nhớt khen khét lên tận cổ, chú tư Hương dốc cạn một ly rượu đế rồi nhai ngấu nghiến ổ bánh mì kẹp thịt. Món quà xuân duy nhất của người đón Tết xa quê. Bằng cái giọng khề khà của người say rượu, chú ê a nghêu ngao ca một khúc dân ca đất Quảng Trị - quê chú. Cái bài đồng dao này chú đã thuộc từ tấm bé khi còn chăn trâu, cắt lúa mướn ở quê nhà. Đang hát chú bỗng lặng im. Hai dòng nước mắt lăn dài xuống gò má của một người khắc khổ xa quê.

Minh họa: Trần Thắng


Tiếng rao lanh lảnh trong đêm giao thừa của chiếc xe hủ tiếu gõ, đưa chú về thực tại. Trước xe là thằng bé đang gõ lách cách hai thanh gỗ trông thật điệu nghệ. Đằng sau xe là thằng Quang, dân Quảng Ngãi và là người ở phòng trọ cạnh chú. Tiếng rao đêm nay của cha con nó sao buồn quá, ngậm ngùi làm sao.


- Quang, vô đây làm một ly cho ấm rồi đi mày.


- Thôi chú ơi, buồn và nhớ quê muốn chết, lòng dạ vui sướng chi mô mà “en” với “nhạo” chú ơi. Mạ nó và “mé”đứa nhỏ giờ ăn Tết ra sao nữa?


Rủ cho có rủ chớ lòng dạ chú cũng vui vẻ gì đâu. Có lẽ trong cuộc đời mỗi con người đau buồn nhất là giờ phút phải sinh ly tử biệt, thì cái đau tiếp theo là phải đón Tết ở xứ lạ quê người.


Tiếng hát thằng Cường, sinh viên thuê phòng đối diện vang lên thật buồn và não nề làm sao “...thằng làm quán cơm, tối về một gói mì tôm…”, “… chúng tôi vào đại học, niềm vui chưa dứt, dáng mẹ gầy hơn trước, tóc cha thêm sợi bạc…” “… con chưa về, chưa về lòng xót xa đau…”. Đang hát bỗng nó dừng giữa chừng, có lẽ nỗi nhớ quê cồn cào làm nó không còn sức để hát nữa.


Nghe nói quê nó đâu tận miệt Ba Tri, Bến Tre gì đó. Chiều nay thấy mắt nó đỏ hoe, chú gặng hỏi:


- Bộ mày khóc hả? Sao mắt mày đỏ chạch vậy?


- Đâu có chú, tại bụi vô mắt -Cường trả lời lí nhí.


- Xạo, thấy mặt mày là tao biết rồi, có gì buồn kể tao nghe cho khuây khỏa.


Cường nín lặng giây lâu, đôi mắt thơ thẩn nhìn về khoảng trời đêm tối mịt mờ. Chắc nó đang nhớ quê trong giây phút giao thừa. Trái cấm nơi cổ nó cứ nhảy bần bật không tài nào kiềm chế được.


- Buồn lắm chú ơi, ba con vác lúa mướn mới té gãy xương đòn cách nay mấy hôm, giờ không biết sao nữa?


- Sao mày không về quê thăm “ổng”?


- Mỗi lần về tốn cả trăm ngàn. Thôi, số tiền ấy để lo liệu cho ba con, vả lại con phải tranh thủ chạy bàn quán ăn mấy ngày Tết để lo tiền đóng học phí nữa, tại số con nghèo nên đành chịu.


Nghe nó nói mà lòng chú đau như cắt. Gia đình nó nghèo nhưng đông con, ruộng vườn không có, cha mẹ nó làm thuê làm mướn quanh năm. Vậy mà bảy anh em nó không đứa nào nghỉ học. Khi Cường trúng tuyển đại học thì gánh nặng càng thêm chồng chất. Để đỡ nỗi lo cho gia đình, mới đây Cường theo chúng bạn xin làm một chân chạy bàn ở một quán ăn sang trọng. Mỗi chiều nó phải có mặt từ năm giờ đến nửa đêm mới về đến phòng trọ. Nói phòng cho sang chớ thật ra đây chỉ là cái xó chất củi chật hẹp của chủ nhà giờ dọn dẹp gọn lại mà thôi. Mỗi tháng nó kiếm được năm trăm ngàn để trang trải chi phí học tập. Nghĩ đến nó rồi chú Hương lại nghĩ đến mình. Nghĩ đến cái buồn tủi, cay đắng của những người đón Tết xa quê như cha con thằng Quang, thằng Cường và cả chú.


Làm sao quên được cái ngày lên đường vào Nam tìm việc mưu sinh. Vợ và ba đứa con chú khóc như mưa khi đoàn xe lửa rùng rùng chuyển bánh bắt đầu cho một cuộc chia tay. Qua khung cửa sổ, những hình bóng thân yêu cứ nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hẳn. Bất giác những giọt nước mắt đàn ông của chú cũng chảy dài trên má lúc nào chú cũng không hay biết. Cũng chẳng có cách nào khác hơn, ở quê mấy sào ruộng liên tiếp thất mùa, vợ con lại đau ốm thường xuyên, thêm thằng út bị di chứng chất độc da cam. Tài sản gia đình phải bán hết nhưng nợ vẫn chưa trả xong. Chú làm đủ nghề bất kể ngày đêm nhưng lực bất tòng tâm. Nghe lời khuyên của thằng bạn lúc còn đi bộ đội hiện đang sống ở Cần Thơ, chú khăn gói lên đường vào đó với hy vọng mỏng manh sẽ có tiền lo việc gia đình. Vậy mà vận may chưa mỉm cười với một mảnh đời phiêu bạt từ đất Quảng Trị xa xôi. Chú thay đổi nghề như cơm bữa, khi thì chạy xe đạp ôm, lúc thì bốc xếp ở các cảng, lúc làm phụ hồ… Thời gian làm chú chóng già trước tuổi và những bao gạo, bao phân bón ngày càng nặng nề hơn trên đôi vai lam lũ. Sáu tháng trước, khi đang vác gạo từ cảng xuống ghe, bất ngờ người chủ nhà máy gọi chú đến nói:


- Chú đã già rồi, sức khỏe không đảm bảo nữa, từ ngày mai tôi cho chú nghỉ việc, đây tiền công của chú, nhớ là đừng đến nũa.


- Ông cố gắng giúp tôi, vợ con tôi khổ lắm, tôi phải vô đây xin việc, nếu cho tôi nghỉ, nhà tôi sẽ chết mất.


- Không là không - Người chủ ấy đứng bật dậy và quẳng phong bì tiền công lên bàn rồi đi ra vội vàng. Tiếng cánh cửa đóng lại nghe cái rầm như gáo nước lạnh đang tạt vào mặt chú.


Vậy là sáu tháng qua chú chuyển sang nghề vá xe trên con đường rộng lớn của thành phố này. Tiền kiếm được càng hiếm hoi hơn. Ước mơ xuân này sẽ về quê đón Tết cùng vợ con tan biến như một giấc mơ, sáu năm rồi chứ có phải ít ỏi gì đâu. Thôi phải chịu xa quê ngày Tết để dành dụm một ít gửi về quê. Chú tự an ủi mình.
Chiếc đồng hồ điện tử trên tay chú đã chỉ một giờ khuya. Đang loay hoay dọn dẹp đồ nghề trở về phòng trọ với tâm trạng ngổn ngang thì một tiếng quát vang lên:


- Ê, ông già vá giùm chiếc xe coi, lẹ lẹ nghe “cha”.


Bước xuống chiếc xe tay ga sang trọng là một thanh niên trạc tuổi con chú đang lè nhè say. Mùi bia rượu bay xộc vào mặt chú. Phía sau là một cô gái non choẹt đầy son phấn, đang phì phà rất điệu nghệ điếu thuốc lá tạo thành những đốm sáng thỉnh thoảng lại đỏ rực lên. Chú bỗng cười một mình. À, hóa ra cũng có người giàu có đón Tết ngoài đường như chú. Mười lăm phút sau, chiếc xe được vá ruột xong. Cô gái ném xuống chiếc thau cáu bẩn đầy nước tờ giấy năm mươi ngàn với cái giọng ban ơn:


- Khỏi thối, “boa” cho bố già ngày Tết, “gút bay”.


Chiếc xe lắc lư, lảo đảo phóng vút trong màn đêm. Xách thùng đồ nghề lỉnh kỉnh về xóm trọ, chú thấy đèn phòng của cha con thằng Quang, thằng Cường còn sáng. Nghe tiếng chân bước, Quang nhận ra ngay, nó bước ra nói:


- Còn ế mấy tô mì gõ, đãi chú và thằng Cường luôn thể. Tết mà chú.


Bốn tô mì đem ra, nhưng không một ai cầm đũa. Những đôi mắt buồn, lạc lõng nhìn nhau đồng cảm sẻ chia. Mắt ai cũng ươn ướt.


Thành phố đang chuẩn bị cho một ngày khởi đầu năm mới. Ở dãy nhà trọ tối tăm chật hẹp này đêm nay có những người không ngủ, đang thổn thức đau đáu nhớ quê ngày Tết.



Thanh Liêm

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN