Mùa xuân ở chót Mũi Cà Mau...

“Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam, ngại chi đường xa không tới, về để nói với nhau mấy lời”. Tác giả Thanh Sơn trong một lần đến Cà Mau đã viết về Cà Mau như vậy. Bài “Áo mới Cà Mau” tuy ngắn nhưng đã nói lên được nhiều điều về Cà Mau, vùng chót cùng của đất nước Việt Nam.

Vâng, Cà Mau quê hương anh là nơi của những con sông ngoằn nghoèo, là những nhánh sông chở nước về biển cả. Là những cánh đồng lúa vàng ươm, là những cánh rừng ngút ngàn mút mắt


Là những ao đầm nuôi tôm đã trở thành bệ phóng cho nhiều nhà nông vươn lên trở thành triệu phú. Là những cánh đồng bất tận gắn liền với cuộc đời của người nông dân đầu đội trời, chân bám đất mà sống, mà lớn lên. Dù ai chỉ một lần đặt chân đến mũi đất Cà Mau, đều cảm nhận về một vùng đất trẻ trung, nhưng dạn dày mưa nắng này.

Tôi trở lại Đất Mũi, nơi chót cùng của bản đồ đất nước trong những ngày cuối năm. Thời gian đi qua thật nhanh, mới đó mà Tết Nguyên đán gần kề, nhưng khi đến đây trong tôi lại ngạc nhiên, vì sao bà con ở đây chưa thấy chuẩn bị gì cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc, dù một năm đến có một lần. Ngày xưa, những ngày cận Tết như thế này bà con vô cùng tất bật, không khí nhộn nhịp hẳn lên.


Người thì lo làm tôm khô, cá khô, mực khô để bán lấy tiền xài Tết. Người thì lo phơi gạo để nấu rượu, nếp để quết bánh phồng, nấu bánh tét. Đất Mũi có những món ăn đặc sản có một không hai, đó là ba khía và mắm tôm. Tết bạn bè đến nhà nhậu lai rai mà không có món mắm tôm xem như thiếu Tết. Ba khía là món ăn dân dã nhưng lại là món khoái khẩu của người Nam bộ từ bao đời.

Tôi hỏi chị Thùy Linh, một phụ nữ ở xã Đất Mũi, tại sao Tết sắp đến mà không khí ở đây “trầm” quá. Chị cười tươi cho biết: “Thời cuộc thay đổi, phong tục tập quán cũng dần thay đổi theo. Ngày xưa, còn hai ba tháng nữa tới Tết là chị em phụ nữ chúng tôi rất cực nhọc.


Chỉ lo mồi cho ông xã nhậu đã là đủ cực rồi. Kế đến là lo may quần áo cho con cái, chuẩn bị đủ thứ cho gia đình. Nhưng bây giờ thì khác, chị em tôi đã được giải phóng sức lao động”. Chị giải thích thêm, bây giờ ngoài chợ thứ gì chẳng có. Chỉ cần có tiền là có tất cả. Cần gì phải bỏ công sức làm chi cho mệt.

Tôi cảm thấy tiếc, câu chuyện quết bánh phồng ăn Tết không còn là câu chuyện, mà là phong tục tập quán, nó trở thành ký ức trong tôi không thể phai nhòa. Thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm cho người ta có cuộc sống tốt hơn xưa, nhưng nếu không khéo thì cái gì “xưa” cũng sẽ mất dần. Câu chuyện quết bánh phồng, làm mắm tôm trở thành sản phẩm đặc sản của Đất Mũi Cà Mau bây giờ cũng bị con tàu công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm thành quá khứ, thành chuyện cổ tích. Chắc chắc vài ba chục năm sau, lớp trẻ lớn lên, không ai hiểu quết bánh phồng, làm mắm tôm là gì?

Tôi tiếp tục cuộc hành trình của mình bằng một chuyến thăm Bãi Bồi cũng thuộc huyện Ngọc Hiển. Còn nhớ nơi đây một thời là điểm “nóng”. Bãi Bồi là “mỏ” của các loài thủy sản có một không hai ở Việt Nam. Do lúc bấy giờ chưa có cơ chế quản lý chặt chẽ nên mạnh ai nấy săn bắt với nhiều phương tiện, dụng cụ từ hiện đại cho tới thô sơ, từ đó có lúc Bãi Bồi như bãi chiến trường.


Hằng ngày có hàng ngàn người quy tụ bắt tôm bắt cá khiến cho ngư trường bị hủy hoại. Thế nhưng 10 năm trở lại đây, Bãi Bồi trở thành môi trường xanh, sạch, đẹp. Người dân đã ý thức tốt hơn nên đã tự giác bảo vệ ngư trường, không còn xâm chiếm như trước đây. Bãi Bồi mỗi năm lấn ra biển từ 80 – 100 m, đất lấn biển tới đâu cây rừng mọc theo đến đó, trở thành câu chuyện Cà Mau “lấn biển thêm rừng”, làm cho đất nước ngày một dài thêm.

Cuộc sống có quy luật bù trừ, trong tự nhiên hình như cũng không nằm ngoài quy luật này. Nếu như Bãi Bồi ngày đêm cần cù lấn biển, những cây mắm, cây đước đứng thẳng như người lính gác thì ở đâu đó không xa, tình trạng sạt lở gây nhức nhối lòng người đã xảy ra.


Có những ngôi nhà nửa đêm bỗng trôi xuống sông mất hút. Những cây mắm làm rừng phòng hộ cũng bị tróc gốc, cuốn trôi. Nhưng đối với người dân Cà Mau, “bên lở bên bồi” là chuyện thường tình. Tháng chạp là tháng nước dâng cao, dù vui Xuân đón Tết nhưng người dân cũng không bao giờ mất cảnh giác với thảm họa sạt lở ven sông, ven biển, vì nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Cuộc sống của người dân tận cùng Đất Mũi chợt nhìn không thấy ồn ào như biển, mà chỉ trầm lặng như rừng. Tôi vẫn không cảm nhận được gì gọi là chuẩn bị Tết của bà con. Nhưng khi tiếp xúc với người dân thì mới hiểu tường tận ngọn nguồn, từ sâu thẳm của lòng họ lúc nào cũng ồn ào như biển cả.


Từ mấy tháng nay, do biến đổi của khí hậu, triều cường tự dưng nổi trận lôi đình như tính khí thất thường của một con người không bình thường. Nhiều căn nhà bị chìm trong nước. Anh Trần Văn Công, một nông dân cho biết, gần Tết năm nào triều cường cũng lên cao, là chuyện bình thường, nhưng đặc biệt năm nay nước dâng gấp đôi các năm trước, vì vậy mà cuộc sống của bà con bị xáo trộn.


Để “chung sống” với nước biển dâng, nhà ở phải là nhà sàn mới bảo đảm an toàn. Đa số người dân sinh sống ven biển ở Đất Mũi Cà Mau điều phải ăn ở trong điều kiện khó khăn như vậy. Ban đêm nghe biển động là thức không dám chợp mắt, khi đài báo bão thì nơm nớp lo âu, đồ đạc thu gom có nơi có chỗ, sẵn sàng trên tinh thần đi di tản.

Để khắc phục tình trạng sinh sống tạm bợ cho người dân ven biển, chính quyền địa phương đã quy hoạch, phát triển nhiều khu tái định cư để bà con di dời tới đó định cư, ổn định cuộc sống. Thế nhưng số người tự giác di dời cho tới bây giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay.


Không hiểu vì sao bà con vẫn gắn bó với rừng với biển như vậy. Nhiều người nói với tôi, đã sinh ra trên đất này, thì nguyện suốt đời gắn bó với rừng với biển. Dù phải bám rễ cây đước mà sống thì vẫn phải chung thủy như bản chất của người dân xứ biển, nếu khi chết thì thả hồn về với biển. Tỉnh Cà Mau có trên 2.000 hộ dân hiện đang ăn ở, sinh sống ven biển như vậy đang đặt ra cho chính quyền bài toán nhiều năm nay chưa có đáp số.

Trở lại với câu chuyện về Tết ở Đất Mũi. Cho dù bận rộn, đối diện với bao bộn bề khó khăn trong cuộc sống thường nhật, bà con ven biển Đất Mũi Cà Mau vẫn không quên ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Nhưng họ chuẩn bị cái gì. Chủ yếu là dành dụm sắm cho con cái vài bộ đồ mới để đi chơi trong ba ngày Tết. Còn người lớn thì khỏi. Chỉ cần có mồi nhậu là được.


Tửu lượng của người Cà Mau nói chung, người dân Đất Mũi nói riêng, là câu chuyện đáng nể. Không phải chỉ có phái nam, chị em phụ nữ cũng nâng cốc trăm phần trăm, nhất là những ngày Tết, những ngày vui. Họ nhậu xỉn rồi dùng xoong, nồi làm trống, dùng lá cây thổi kèn, đệm đàn bằng miệng. Không khí thật vui vẻ, đặc trưng của người dân Đất Mũi trong sinh hoạt đời thường.

Tết nơi đây cũng rất ấm cúng, chan chứa tình làng nghĩa xóm. Đậm đà tình quân dân cá nước. Tết năm nào cũng có các anh bộ đội biên phòng đến thăm, tặng quà. Anh Trần Văn Vinh, một nông dân ở đây cho biết, chuyện bánh kẹo trong ba ngày Tết chúng tôi không phải lo. Vì năm nào cũng được Nhà nước, chính quyền đến tận nhà tặng quà, cho tiền, vì vậy mà không có gia đình nào không có Tết...


Quả thật là như vậy, mỗi năm tỉnh Cà Mau phải chi từ ngân sách hàng chục tỷ đồng để lo cho đồng bào nghèo ăn Tết. Tuy nhiên, nhiều lần trò chuyện với tôi, anh Trần Tuấn, Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cho biết, bà con ở Đất Mũi tuy không đói nhưng thiếu. Đó là thiếu điều kiện chăm sóc sức khỏe, thiếu trường lớp cho con cái học hành, thiếu nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao, đặc biệt là thiếu sách báo để xem.


Thậm chí có những nơi chưa có điện mà chỉ dùng đèn dầu. Trong điều kiện như vậy nên khi mặt trời vừa lặn là vợ chồng con cái sập mùng ngủ sớm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ sinh đẻ còn ở mức cao (!?).

36 năm trôi qua, kể từ ngày thống nhất đất nước, khoảng thời gian đủ làm cho con người từ trẻ trở thành một cụ già, làm thay đổi biết bao nhiêu điều theo biến thiên thời cuộc. Nhưng tấm lòng của người dân Đất Mũi Cà Mau là không thay đổi.


Họ vẫn sống trong những căn nhà đơn sơ, nhưng không thiếu mùa xuân, vẫn ấm áp và chan chứa tình người, vẫn một lòng thủy chung theo Đảng, xứng đáng là con cháu Bác Hồ.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin trích lời của ông Nguyễn Tuấn Khanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, nay là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Đó là mỗi lần đi cơ sở, gặp dân, thấy cuộc sống của bà con nghèo khổ, tự dưng thấy mình có lỗi.


Vâng, nếu mỗi vị lãnh đạo nghĩ về dân mình với tinh thần trách nhiệm như vậy thì dân sẽ hạnh phúc hơn vạn mùa xuân. Tin tưởng rằng tới đây Đảng bộ, chính quyền tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục hết lòng lo cho dân với một tinh thần như vậy.

Bút ký của Trần Thành Nên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN