Quê tôi ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh), cách Tiên Điền chỉ nửa giờ đi bộ. Non nửa thế kỷ trước, từ ngày lên học cấp 3, ngày nào tôi cũng đi qua Tiên Điền. Nhưng lạ, cứ mỗi lần đến Tiên Điền, cái cảm giác bâng khuâng, man mác cứ nao nao trong lòng tôi.
Mặc dù, thật lòng, cả thời “áo trắng, phượng hồng”, dù là dân Nghi Xuân xịn, tôi nào biết mộ cụ Đại thi hào ở đâu (!). Bây giờ thì, Khu Lưu niệm Đại thi hào đã được xây dựng khang trang, đường vào mộ cụ được rải nhựa phẳng phiu, chẳng còn “bàn chân cát bụi, lối mòn nhỏ nhoi” nữa.
Đứng trước khu lưu niệm, lạ, cái cảm giác ngày xưa cứ bám riết lấy tôi. Tự trong sâu thẳm ký ức, tôi nhớ ngày mình còn đi học ở ngôi trường bây giờ được mang tên Nguyễn Du. Ngày ấy, ở phía tây khu lưu niệm này, bên bờ sông Lam có một cồn cát vàng sừng sững như một dãy đồi.
Toàn cảnh lăng mộ Nguyễn Du ở Tiên Điền-Ảnh internet |
Chiều chiều tan học, cánh học trò chúng tôi cứ đứng trước cổng trường ngơ ngẩn nhìn cồn cát vàng rực lên dưới nắng chiều.
Chúng tôi đứa nào cũng “mê“ Kiều, vì thế cái cồn cát như gợi dậy trong lũ học trò lắm mơ, nhiều mộng một điều gì đó, giống như một hoài niệm.
Ngày xưa… có phải ngày xưa cũng những chiều hôm như thế này, cụ thường ngồi trên bến Giang Đình nhìn ra cửa Đan Nhai mà “trông vời con nước…?”. Cái cồn cát hiển hiện ngay trước mặt cụ, rực lên màu vàng u uất.
Phải chăng vì thế mà cụ bồi hồi: “Bốn bề bát ngát xa trông/Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia”(?), hay chính câu thơ đầy cảm hoài ấy đã sinh ra cồn cát?!
Trải qua vật đổi, sao dời, đã một thời, du khách đến Tiên Điền chẳng còn thấy nó nữa. Những hàng phi lao um tùm, những ngôi nhà lô nhô cái thấp, cái cao đã ngồi lên lưng nó, che mất nó.
Rất may là gần đây con đường chạy dọc sông Lam đang thi công, đã “đẩy“ những ngôi nhà ấy đi nơi khác, để cái cồn cát ngày xưa lại trở về; để cho cánh cựu học sinh chúng tôi không ít nỗi niềm…
Anh bạn nhà văn Đào Thắng từ Hà Nội về thắp hương mộ Đại thi hào, rủ tôi thả bộ ở Tiên Điền. Ngày đầu đông trời buôn buốt lạnh. Sương mai bảng lảng trên những con đường quanh khu mộ cụ.
Bên phải mộ Đại thi hào, có một nấm đất, nghe nói tự dưng mới trồi lên từ lúc khu lăng mộ cụ được tu thiết lại. Nấm đất hình tròn,“rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng, nửa xanh”.
Theo ông Nguyễn Xuân Bách, Phó Giám đốc Nhà lưu niệm Nguyễn Du, thì nhiều người cho rằng nấm đất này là mộ Đạm Tiên (?!). Thực hư chưa biết ra sao, chứ nắm đất này giống hình ngôi mộ thật! Tôi và anh bạn nhà văn tần ngần bước qua cái tường bao thấp tè, tới thắp cho “Đạm Tiên” mấy nén nhang mà lòng không khỏi ngậm ngùi.
Rời khu lăng mộ cụ, chúng tôi cứ theo đường nhựa mà đi. Cũng theo lời ông Nguyễn Xuân Bách, ngày xưa Tiên Điền rộng hơn bây giờ nhiều. Cái lúc mang tên là Xuân Tiên, xã này còn gồm cả một nửa làng Uy Viễn của cụ Nguyễn Công Trứ.
Khi thị trấn Nghi Xuân thành lập, Tiên Điền co mình lại, nhường hai thôn cho thị trấn. Diện tích Tiên Điền hiện chỉ còn 395 ha. Điền là ruộng, thế đủ biết người dân ở đây nghề nghiệp chủ yếu làm ruộng.
Ấy vậy mà diện tích trồng trọt hiện nay của đất quê này chỉ vẻn vẹn chưa đầy 120 ha. Càng đi sâu vào các thôn xóm, chúng tôi càng biết thêm, từ ngày có công cuộc đổi mới của Đảng, cuộc sống người Tiên Điền đã giàu lên trông thấy.
San sát hai bên đường là những ngôi nhà mới xây đủ kiểu, đủ dáng, cảnh quan như một thị tứ. Trên đường làng, đang giữa vụ gặt, người nông dân không còn “đòn gánh tre chín dạn hai vai” nữa, mà họ chở lúa về nhà bằng xe máy và cả xe ô tô.
Tôi vừa đi vừa làm một con tính nhỏ với anh bạn nhà văn Hà Nội: Dễ thường gần như tất cả đường đi, lối lại trong xã Tiên Điền đã được bê tông và nhựa hóa.
Ngay con đường nối thôn Minh Quang đến thôn Tiên Thanh, một thôn “vùng xa” của xã, vốn lầy lội, cát bụi nhất, cũng đã được nhân dân tự đóng góp làm nên con đường bê tông mấy năm nay rồi.
Tính ra đã có hơn 6.000 m đường nhựa, chưa kể đường bê tông cho một xã nhỏ chưa đầy 4.000 km2.Tiên Điền đã và đang nỗ lực cải tạo cơ cấu kinh tế, khuyến khích người dân làm kinh tế phụ, kể cả xuất khẩu lao động ra nước ngoài.
Đã xa lâu rồi cái thời Tiên Điền hoang vu lau lách. Cái thời còn mang cái tên hoang sơ Vô Điền (có tài liệu gọi là U Điền). Dòng họ Nguyễn đã tìm đến đây khai phá, lập ấp, dựng nghiệp, rồi cùng các dòng họ khác lập nên một Tiên Điền.
Nhưng cũng như các vùng quê khác của huyện Nghi Xuân, của cả tỉnh Hà Tĩnh, đất đai ở đây cằn cỗi, thời tiết ở đây khắc nghiệt, đã mưa là mưa thối đất, đã nắng là nắng cháy trời. Anh bạn nhà thơ Yến Thanh của tôi một đời gắn bó với Tiên Điền, phải thốt lên: “Bão xô nghiêng mảnh ruộng gầy/Nắng nung đến cái diệp cày cũng cong”.
Đến cái diệp cày bằng thép, bằng gang mà cũng bị nắng nung cho cong vẹo đi, chả trách ngay trước khu lưu niệm Đại thi hào có “ngọn tiểu khê”, từ thế kỷ XVI đến nay vẫn không sao đắp nổi cái đập giữ nước để dân làng cấy cày.
Bởi vừa đắp xong, mưa lũ tràn về lại lở, nên đành phải mang cái tên muôn đời: Khe Hói Lở! Làm giàu ở đất này bằng thuần nông, đâu có dễ dàng gì. Vậy mà, mấy năm gần đây, cuộc sống người Tiên Điền không ngừng khởi sắc.
Nhiều nghề phụ như kinh tế dịch vụ, đan lát, thợ nề, thợ chạm khắc, thợ mộc… được mở mang, làm cho bộ mặt của xã không ngừng đổi mới. Thu nhập bình quân đầu người Tiên Điền không ngừng tăng theo mỗi năm.
Người Tiên Điền đang nỗ lực nghĩ cách làm mới, tạo hướng đi mới để làm giàu chính đáng cho mình, cho quê hương; xứng đáng với tầm vóc của vùng đất sinh ra Đại thi hào.
Tiện đường tôi và anh bạn nhà văn rẽ vào nhà ông nghệ sĩ sân khấu Nguyễn Ban, nguyên Trưởng phòng Văn hóa huyện. Ông Ban là hậu duệ đời thứ 13 của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền.
Ông Ban rất mê Kiều, rất tâm huyết xây dựng những đội trò Kiều cho các đội văn nghệ các xã và của huyện Nghi Xuân. Ông vui vẻ nói với chúng tôi:
- Người Tiên Điền hiếu học lắm, các anh ạ. Như thể họ đã mang cái chí học hành từ trong bụng mẹ rồi vậy. Ngày xưa, những người đỗ đạt cao ở Nghi Xuân hầu hết ở Tiên Điền. Cái câu: ”Tiên Điền, Tiên Bào sinh ra anh hào thông thái”, hay “Lúa Xuân Viên, quan Tiên Điền” có lẽ từ đó mà ra.
Thời nào Tiên Điền cũng có người học hành, đỗ đạt thành danh. Số giáo sư, tiến sĩ ở đây thời nào cũng nhiều nhất huyện.
Dân gian lại có câu ca: “Bao giờ Ngàn Hống hết cây/ Sông Rum hết nước, họ này hết quan”. Họ này là họ Nguyễn Tiên Điền đó! Vùng đất từng trải qua biết bao thăng trầm, biến cố, 6 lần đổi tên từ Vô Điền (U Điền), Tân Điền, Phú Điền, Tiên Điền, Xuân Tiên rồi cuối cùng vẫn trở về với Tiên Điền.
Vùng đất đã sinh ra một Đại thi hào, người đã để lại cho hậu thế đồ sộ những tác phẩm cả chữ Hán lẫn chữ Nôm.
Hán văn có: “Thanh Hiên tiền hậu tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc Hành tạp lục; Văn Nôm có: Văn tế thập loại chúng sinh, Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu, Thác lời trai phường nón Tiên Điền…vv…”.
Đặc biệt là Truyện Kiều, một kiệt tác được viết ra từ cái TÂM, từ trái tim nhân hậu, mang nặng nỗi đau nhân thế. Một tác phẩm đã trở thành tài sản văn hóa của nhân loại.
Tôi nhớ, ngay đến Giôn Xơn - một Tổng thống hiếu chiến của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ - kẻ đưa máy bay ném bom miền Bắc ngày 5/8/1964, kẻ đã đem quân viễn chinh xâm lược Việt Nam, về cuối đời, ông ta chua chát nói, đại ý: “Nếu chúng ta (Mỹ) đã đọc Truyện Kiều thì chiến tranh (chỉ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam) đã không xẩy ra(!)”.
Thấy chúng tôi chăm chú lắng nghe, ông cựu Trưởng phòng Văn hóa huyện mỉm cười:
- Ngày xưa, hồi còn nhỏ, tôi nhớ hình như có ông nhà văn, nhà thơ gì đó viết một điều rất thật rằng: Khi về Tiên Điền, ông hỏi thăm “ông Truyện Kiều” thì ai cũng biết, nhưng hỏi Nguyễn Du thì ai cũng lắc đầu.
Chuyện có đấy, nhưng xưa rồi. Hôm nay ư? Các anh cứ hỏi một cháu bé đang học tiểu học mà xem. Cháu sẽ kể vanh vách về Nguyễn Du, về Truyện Kiều bằng sự tự hào rõ trên nét mặt. Trước đây nhiều người tìm đến Tiên Điền lập nghiệp, tạo nên một Tiên Điền hôm nay, tạo nên những dòng họ lớn: Nguyễn, Đặng, Hà, Trần, Lê…
Từ ngày đất nước thống nhất, người nhập cư về Tiên Điền càng nhiều. “Đất lành, chim đậu” mà! Người tứ xứ đến nhiều, Tiên Điền lại có trường cấp 3 Nguyễn Du, có Bệnh viện huyện, gần thị trấn, gần chợ Giang Đình, bãi tắm Xuân Thành gần cả thành phố Vinh… nhưng Tiên Điền “yên” lắm! Có lẽ do con em được học hành đến nơi, đến chốn; được dạy dỗ chu đáo, nên lớp trẻ sa vào các tệ nạn cũng có, nhưng không nhiều.
Tiên Điền là một trong số ít xã được cấp “Bằng Làng xã Văn hóa” đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh từ năm 1998. Trong 10 thôn của Tiên Điền thì 8 thôn đã thành thôn Văn hóa. Điều đó minh chứng rằng đời sống vật chất, đời sống văn hóa và dân trí của người dân Tiên Điền ngày một cao.
Cuộc sống không hề có nghịch lý giữa sự học với đời sống ấm no và tệ nạn xã hội. Rồi xoa hai tay vào nhau, ông nói đầy tự hào: Thế mới là quê hương Đại thi hào, phải không các anh?
Rời nhà ông nghệ sĩ sân khấu, tôi cùng anh bạn nhà văn trở về với Khu Lưu niệm Nguyễn Du. Khu Lưu niệm Đại thi hào vừa được xây xong mấy năm nay rất khang trang. Thấy anh bạn nhà văn cứ chăm chú nhìn những hàng cây trong các khu vườn, tôi lấy làm lạ, đang định hỏi thì anh đã lắc đầu:
- Đất nước mình đang nghèo mà đã đầu tư xây dựng nên một khu lưu niệm bề thế thế này quả là đáng quý lắm! Tôi có nghe hình như ngày xưa người Nghi Xuân có ý định tìm những thứ cây có trong Truyện Kiều về trồng ở khu lưu niệm này.
Cái ý định tuyệt vời hay và tuyệt vời nghệ sĩ ấy, chỉ cần có cái TÂM thì dần dà người Nghi Xuân cũng làm được cả. Nhưng có những thứ cây đơn giản, mà bất kỳ ai đã đọc Kiều rồi vẫn không quên được, chẳng hạn… giá như “đầu tường” kia có thêm mấy đốm “lửa lựu lập lòe đâm bông”; giá như bên “chiếc cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang” “ngọn tiểu khê” trước lối vào khu lưu niệm có mấy cành “tơ liễu bóng chiều thướt tha”; hay thay vì những cây phượng vĩ trong vườn là những cây lê để mỗi mùa xuân đến lại “trắng điểm một vài bông hoa”…? Mà lựu, liễu và lê ngay ở vùng quê ta đây tìm có khó gì!
Anh bạn nhà văn ngừng lời. Là người bản địa, tôi chẳng biết nên nói gì cho phải. Tôi dắt tay anh về với cồn cát vàng một thuở của mình. Chiều rồi, mặt trời đang xuống, treo lơ lửng trên sông Lam, tãi ánh nắng vàng hanh hao lên cồn cát.
Chúng tôi ngồi bệt xuống. Anh bạn nhà văn họ Đào vốc từng nắm cát vàng mát rượi lên tay. Tần ngần mãi anh mới cất giọng:
- Anh thật hạnh phúc được sống ngay trên quê hương ông Tổ thi ca Việt Nam. Ở Hà Nội, những khi tâm hồn mình trống vắng, tôi lại đem Truyện Kiều ra đọc, và ngồi lặng lẽ ngẫm ngợi về Nguyễn Du, về nàng Kiều, về cái đẹp vĩnh hằng, về nhân tình thế thái. Thế mà lạ lùng, tự dưng cảm hứng lại dạt dào trong tôi, anh ạ!
Vâng! Tôi là một người hạnh phúc! Cũng như ông Nguyễn Xuân Bách, ông nghệ sĩ sân khấu Nguyễn Ban; cũng như những người dân Tiên Điền mà chúng tôi gặp hôm nay.
Nhìn ánh mắt, nụ cười của họ, tôi tin rằng, cũng như tôi, họ đang hạnh phúc. Bởi khi dừng lại ở một thửa ruộng đang gặt dở, ríu rít tiếng cười nói của những người nông dân chất phác, tôi nghe vọng lên tiếng lẩy Kiều trong trẻo của một cô gái trẻ.
Gần hai thế kỷ rưỡi rồi mà những câu Kiều vẫn bén rễ, xanh cây với cuộc đời. Nàng Kiều bước ra từ trang sách, đến với từng cuộc đời, hóa thân cùng họ, ở mãi trong lòng họ. Tôi thì tôi tin, cả ngàn năm sau nữa, khi soi bóng mình trong những câu Kiều, con cháu chúng ta vẫn thấy thấp thoáng nỗi niềm, thấp thoáng cuộc đời mình trong đó; con cháu chúng ta vẫn mê say, vẫn thổn thức với nàng Kiều.
Nghĩ đến đó, giữa hun hút chiều đông lạnh giá, lòng tôi bỗng dưng ấm lạ…!
Tiên Điền một ngày đầu đông.
Bút ký của Xuân Diệu