Thị trấn nhỏ hơn một lòng bàn tay, đó là cách ví von của Hương khi khăn gói đặt chân đến nơi này làm cô giáo. Quả thật là cuộc sống chẳng hề dành cho Hương một sự lựa chọn nào, ngay cả khi nhận được thư của chú Quý gửi nhanh ra Hà Tĩnh từ Phan Thiết “Vẫn còn một chỗ dạy văn ở trường Lạc Tánh, cháu muốn vào đây dạy học thì gửi hồ sơ vào gấp cho chú”. Tốt nghiệp cao đẳng xong, chỗ nào cũng chật. Chẳng lẽ công học ba năm trời lại đem cất vào trong tủ áo, thế là gửi hồ sơ cho chú Quý và chẳng bao lâu là lên đường. Nghĩ cho cùng thì cuộc sống khiến cho con người luôn thích nghi với hoàn cảnh mà mình có được. Hương vẫn không quên nét mặt của Tần ngày đầu tiên tiếp xúc ở Lạch Tánh này. Gương mặt anh chàng có một vẻ gì đó như là cao ngạo, bộ ria con kiến mờ mờ trên cằm và mái tóc để tỉa vài cọng trước trán theo kiểu một diễn viên Hàn Quốc.
- Cô bé thất tình hay sao mà vào tận xứ voi gầm này dạy học?
Ngôi trường nằm ngay trục lộ chính của thị trấn, nhưng hôm Hương tới để xem trường thì hôm đó lại rơi vào ngày Chủ nhật. Tất cả các lớp đều đóng cửa, cũng chẳng thấy ông cai thường trực, chỉ thấy toàn những chiếc lá vàng của những cây bạch đàn cao lêu nghêu như với lên tận trời, rụng xuống. Cách hỏi của Tần khiến cho Hương ấp úng:
- Anh có thể chỉ dùm tôi bác cai trường ở đâu không?
Rồi Hương lại hỏi tiếp:
- Anh là bác cai trường à?
Tần cười vang, anh cười thoải mái giống như vừa nghe kể một câu chuyện vui:
- Cô là cô giáo Nguyễn Thị Hương, cô dạy môn văn và quê cô ở chỗ “Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh”.
Họ quen nhau trong cái ngẫu nhiên của buổi chiều chủ nhật lá bạch đàn rụng đầy sân trường như thế. Bởi khi cuộc hành trình của một con tàu đã đi qua. Hương giống như một hành khách ngoái nhìn lại đoạn đường mình đã qua, mới biết rằng nếu không có Tần giúp đỡ thì dù cần một chỗ dạy học, Hương đã leo lên lại chuyến xe đò ọc ạch đưa người từ thị trấn xa xôi này trở về lại Phan Thiết nói với chú Quý:
- Chú Quý ơi, buồn quá. Thôi con về lại quê mình đây.
Ra trường, rồi lên đường đến Lạc Tánh, Hương vẫn còn vẹn nguyên sự hồn nhiên của một cô gái mới lớn, chưa từng nếm mùi nhớ nhung bởi một người con trai nào đó hoặc cũng chưa hề cảm nhận được sự đau đớn khi người mình yêu thương đã có một bóng hình khác. Hôm đó, Tần được phân công ở lại trường đợi Hương đến để đưa Hương đến khu nội trú. Tần là giáo viên dạy Anh văn, cũng lưu lạc đến nơi này sau khi ra trường. Anh là người quê gốc Quảng Nam, nói cụ thể hơn thì anh sinh ra và lớn lên ở Hội An, nơi có khu phố cổ mỗi tháng vào đêm trăng tròn nhà nhà đều không thắp đèn điện mà chỉ đốt những ngọn đèn lồng và cùng đi dạo chơi qua những hiên nhà. Hôm đó, Tần đã dắt Hương đi đến khu nội trú, là khu kho của một đơn vị bỏ trống, bước chân vào căn phòng, lòng Hương đã tràn đầy thất vọng bởi mùi ẩm mốc vẫn còn vương vất đâu đây. Tần nheo mắt:
- Hôm tôi tới đây, căn phòng còn có gián, nhện và chuột. Còn căn phòng của cô tôi đã bỏ ra hai ngày để dọn dẹp, dọn rửa. Dù sao thì cô Hương cũng là con gái, hai người tha phương, người đi trước giúp đỡ người đi sau cũng là chuyện bình thường, cô Hương há.
Rồi những ngày đầu cũng quen dần. Sau đó có nhiều giáo viên tới. Hà ở chung với Tần, con nhỏ Ngà dân Phan Thiết ở chung với Hương. Ở mãi rồi quen, quen với con đường ôm vòng lòng phố đêm nhấp nháy những ngọn đèn vàng. Quen quán cà phê nằm trong con hẻm nhỏ có hồ nước tung tăng phun nước. Và đôi khi, trộn trong giấc mơ là tiếng cười của nhau.
Vậy mà đã 4 mùa nắng mưa. Bốn mùa nắng đó có một người con gái và một người con trai không đến với nhau bằng tình yêu mà bằng một tình bạn đến lạ lùng. Trong trường có nhiều giáo viên nữa, mỗi người mỗi tính, mỗi người mỗi hoàn cảnh sống gia đình khác nhau, nhưng họ đều là người Tánh Linh hoặc ở Hàm Tân, là những nơi gần nhà. Người ở xa lắm là Ngà thì chỉ có leo lên chuyến xe đò chiều là có thể tới Phan Thiết. Duy chỉ có Hương là tha phương, nếu tính luôn giáo viên nam nữa thì cũng chỉ có Tần. Cô giáo Hiền có khi nói với Hương: “Bao năm trời mà bà không yêu được ông Tần sao?”. Hương lắc đầu: “Làm sao giải thích được, nhưng mỗi lần ở gần anh Tần, mình có cảm giác như ở gần anh trai hơn là một người tình”. Còn Tần thì hồn nhiên lo lắng cho Hương trăm điều. Mỗi lần đi Phan Thiết, Tần đều ghé phòng Hương:
- Cô Hương có gửi mua gì không?
Mỗi lần đi đâu đó về, anh mua cho Hương những thứ Hương thiếu mà anh biết được:
- Cô Hương thích ăn thanh long. Thanh long trái vụ mà rẻ kinh khủng, tôi mua mười ngàn đồng chất đầy giỏ xe.
Hương hồn nhiên đón nhận tình cảm ấy, dẫu rằng đôi lúc Hương đã xao lòng trước sự chăm sóc tận tình của Tần. Cho đến một đêm trăng tròn vằng vặc, những con đường của thị trấn như chìm ngập trong ánh trăng. Buổi cơm tối vừa xong thì Tần đã đến gõ cửa phòng Hương:
- Hương ơi, đi uống cà phê ngắm trăng với tôi không?
Phòng chỉ có một mình Hương, bởi Ngà đã đi chơi với người yêu của nó.
Hai người cùng sánh từng bước nhỏ xuống con dốc, vòng qua chiếc cầu sắt, nơi công viên duy nhất của thị trấn nằm kế bên. Nơi đó có một quán cà phê mới mở, những chiếc ghế xếp hàng nhìn ra công viên, ánh trăng như tràn vào quán.
Tần đã kể cho Hương nghe một câu chuyện tình. Câu chuyện tình của một thầy giáo yêu một cô gái con của một người thợ tài hoa chuyên sản xuất những chiếc lồng đèn bán cho du khách đến chơi phố cổ. Họ yêu nhau như thể chẳng tách rời nhau, nhưng chàng trai cứ mãi ra đi như con thuyền cứ chông chênh xuôi theo dòng sông Thu Bồn mà chẳng nghĩ chuyện cắm sào neo bến đậu. Cứ mỗi mùa trăng tròn, hai người thường mang hai chiếc lồng đèn thắp nến, rồi ra bờ sông, ngồi trên một vạt cỏ mà nhìn ra những con sóng nhuộm ánh trăng vàng. Cô gái ấy là Thùy, còn chàng trai ấy là Tần.
Nhưng cuộc sống dường như luôn giễu cợt với những trái tim yêu nhau. Tần đã không về kịp Hội An trong một mùa trăng hẹn ước. Thùy đã qua đời sau một cơn bệnh nặng, chỉ để lại cho Tần một lá thư, chữ viết run run vì đang lên cơn sốt “Tần ơi, anh có biết là em lạnh lắm không? Trước khi vĩnh biệt cuộc đời tươi đẹp này em chỉ muốn được anh ôm chặt em vào lòng…”.
Ly cà phê đã nguội, mặt trăng tròn hơn khi lên cao trên vòm trời chỉ gờn gợn một ít mây. Tần nói:
- Thôi mình về, không khéo thì cả khu nội trú đồn ầm lên
*
* *
Hương chuyển công tác về Hà Nội. Con đường 34 cây số từ thị trấn Lạc Tánh ra quốc lộ dường như mỗi ngọn cây còn đẫm ướt sương đêm. Tần vẫn ở lại nơi này cho đến hết niên học này.
Hương không ngoái đầu nhìn lại người tiễn mình ra sân ga. Người đàn ông kia chắc đang đứng nhìn theo xe cho đến khi xe khuất qua một vòng cua. Không có một sợi tơ hồng nào cột chân Hương sau 4 năm trời ở miền đất này, chẳng có sợi tơ hồng nào cột chân Hương với chàng trai đất Quảng. Sự thân thiết giữa Hương và Tần người ta gọi là gì? Hương bỗng nghĩ vu vơ vậy. Hương cứ nghĩ về bóng hình một đôi trai gái đợi trăng lên rồi mỗi người cầm một chiếc lồng đèn đã được thắp sáng ngồi kề sát vai nhau bên bờ sông Thu Bồn. Tần đã dự phần trong trái tim Hương một sự xôn xao đến lạ kỳ. Hương chưa hề yêu ai, nhưng một ngày nào đó sẽ có một người đàn ông đến đánh thức trái tim Hương. Họ sẽ đến làm cho Hương hân hoan hay có thể sẽ làm cho Hương đau khổ. Nhưng với Tần, đó là thứ tình cảm khác, không ai thay thế và chẳng bao giờ làm cho Hương hờn giận hay đau khổ. Anh mãi mãi là người bạn lớn trong cuộc đời cô giáo Hương.
Khuê Việt Trường