Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

Thế là từ thế kỷ 21, gia đình tôi không còn phải băn khoăn với việc chọn mua cây đào “đạt chuẩn” để đón năm mới.

Cái thời “bao cấp”, “gạo châu củi quế”, một nhánh đào khẳng khiu với vài nụ hiếm hoi như mấy con ruồi ốm đậu hờ hững cũng mang lại cả một mùa xuân rộn ràng cho cái căn hộ chật hẹp, vừa là nhà bếp, vừa là phòng khách và buồng ngủ. Còn chuyện chơi “đào thế” thì cứ như nghe các nhà triết học tranh cãi về chuyện vật chất hay tinh thần, cái nào có trước cái nào.

Minh họa: Trần Thắng


Ấy là vào những ngày cuối tháng Giêng của năm 2001, tôi đang ngồi suy nghĩ miên man để tưởng tượng ra “hình dáng” của cây đào “lý tưởng” mà mình phải chọn bằng được để “ăn mừng căn nhà mới” trong một mùa xuân mới của thiên niên kỷ mới. Tôi có nghe nói, đâu gần 50 năm trước, trong lúc nhân dân cả nước đón xuân với niềm hy vọng cháy bỏng sẽ có Hiệp thương để Tổng tuyển cử thống nhất đất nước, Hồ Chủ tịch đã gửi cho tổng thống miền Nam lúc bấy giờ là Ngô Đình Diệm một cành đào rất đẹp. Đáng tiếc là không có một tư liệu nào có thể giúp người ta hình dung được vẻ đẹp của cành đào đó… Còn cành đào mà Nguyễn Huệ ra lệnh cho lính khinh kỵ tức tốc đưa vào Phú Xuân cho Ngọc Hân công chúa kịp vào dịp Tết, thì than ôi, chỉ là sự “hư cấu” của thiên tài kịch trường Tào Mạt.

Dòng suy tưởng của tôi bị cắt ngang khi một chiếc Mẹc lộng lẫy đỗ xịch trước nhà. Từ trong xe, một thiếu phụ sang trọng bước ra. Cậu lái xe, cũng trong bộ âu phục đắt tiền, nhanh nhẹn mở cốp và lấy ra một cây đào được buộc và bọc cẩn thận trong giấy bóng.

Tôi chưa kịp “click” bộ nhớ kém cỏi của mình để nhận dạng người “đàn bà xa lạ” thì bà ta đã khe khẽ gõ cửa. Tôi vội vã đứng dậy.

- Cô còn nhận ra cháu không? - Một giọng nói rất quen. Một tiếng nói như vọng về từ quá khứ. Tôi còn đang lúng túng vì tình trạng “quê một cục” của mình thì nụ cười ròn rã nổi lên:

- Cháu là Thúy Hoa đây mà… Gần 20 năm rồi phải không cô!

Tiếng cười ròn rã vừa hồn nhiên vừa đượm chút khinh bạc đã đánh thức ký ức của tôi như một ngọn roi sắt quất vào mông con thiên lý mã từ lâu chỉ được thong thả phi nước kiệu.

Chao ôi, Thúy Hoa, cô bé tóc đuôi sam, xinh xắn và rụt rè ngày nào, giờ đã là một bà hoàng lộng lẫy hiện ra trước mắt tôi như nàng tiên trong chuyện cổ tích.

Sự xúc động đã làm tôi không còn giữ được bình tĩnh. Tôi kéo “người đàn bà xa lạ” ngồi lên chiếc ghế vẫn còn thơm mùi vecni mà quên mất rằng chiếc áo pac-dơ-xuy len cao cấp có thể bị ố vì chiếc ghế rẻ tiền.

Hình như Thúy Hoa không hề quan tâm đến việc chiếc áo đắt tiền bị dây bẩn, cô ngồi xuống không chút e dè.

Thúy Hoa ngập ngừng: - Cháu tìm đến căn hộ cũ của cô thì người ta bảo cô đã dọn về nhà mới. Không ai biết địa chỉ mới. Cháu đánh bạo gọi tới cơ quan cô thì may mắn có được địa chỉ.

Thực ra tôi cũng phong phanh không ít chuyện về cuộc đời “chìm nổi” của Thúy Hoa trong gần 20 năm qua. Tôi còn được biết, Thúy Hoa đã từ lâu vượt qua cái đẳng cấp tỷ phú tiền Việt Nam, hay triệu phú đôla. Nhưng chưa hẳn đã đạt đẳng cấp tỷ phú đôla.

Với giọng trầm tĩnh, Thúy Hoa kể: Cháu đang chuyển một phần cơ nghiệp về làm ăn ở Việt Nam vì làm ăn ở Việt Nam bây giờ cũng hay ra phết. Năm 89, cháu bỏ học ở Nga, sang làm ăn ở Ba Lan. Rồi từ Ba Lan lại phiêu bạt sang Đức. Cái nghề “mua đầu chợ, bán cuối chợ”, dân Việt mình giỏi hơn bọn Tây rất nhiều. Họ sống trong một xã hội công nghiệp nên lúc thay đổi chế độ, bị hẫng, cứ “thơ lơ tháo láo như cáo trông trăng”. Vì vậy, một số người Việt tháo vát đã giàu lên rất nhanh.

Trong lúc Thúy Hoa thao thao bất tuyệt về những dự định của mình trong tương lai thì tâm trí của tôi quay về những chuyện của mấy mươi năm trước.

Gia đình Thúy Hoa và gia đình tôi, tuy không đi lại thân thiết nhưng vẫn “biết tiếng nhau” vì đều thuộc loại “danh gia vọng tộc” và sau cuộc kháng chiến chống Pháp đều công tác ở Hà Nội. Tài sản của trí thức kháng chiến “trở về thành” chẳng có gì ngoài cái balô con cóc. Vốn liếng quý giá của họ chỉ là “tri thức” và lòng yêu nước.

Cường, con trai đầu lòng của ông anh cả tôi lại là bạn học của Thúy Hoa. Hai đứa trẻ nhanh chóng thân thiết vì cùng gốc gác xa vời là quê hương miền Trung “nước mặn đồng chua” và “đất cày lên sỏi đá”. Hai đứa trẻ lại cùng một sở thích là ca hát và thơ ca. Ngoài những cuộc trò chuyện tâm sự “trên ghế đá” hay trên đường đi học, hai đứa trẻ thường hay đến nhà tôi, nói là để “thăm cô” nhưng thực ra là để tự do trò chuyện. Ông anh cả tôi vốn tính nghiêm khắc nên có thể Cường và Hoa thấy ngần ngại…

Đất nước đã hoàn toàn giải phóng và thống nhất. Những kỷ niệm hãi hùng của 30 năm chiến tranh đang nhạt dần trong ký ức. Lúc Cường và Hoa tốt nghiệp trung học phổ thông thì hai đứa phải xa nhau. Như một sự bình thường lúc bấy giờ, Hoa đi học nước ngoài và Cường nhập ngũ “để hoàn thành nghĩa vụ quân sự”. Đơn vị của Cường chuyển dần về phương Nam, còn Hoa thì âm thầm đèn sách ở một trường đại học nào đó của một vùng băng tuyết quanh năm. Ròng rã mấy năm trời, tôi là cái trạm trung chuyển “thư đi từ lại” của một mối tình dai dẳng mà vô vọng. Tôi cũng “dỗi hơi” khi đọc kỹ từng bức thư qua tay mình. Thậm chí, còn ghi chép cẩn thận ngày nhận được và ngày gửi đi. Qua các bức thư của Cường, tôi biết đứa cháu cưng của mình đã vào giải phóng vùng Xiêm-Riệp. Cuộc chiến ác liệt và gian khổ. Tính mạng lúc nào cũng như “ngàn cân treo trên sợi tóc”. Còn Hoa, việc học hành trở nên bê trễ vì tình hình “lộn xộn” ở Liên Xô. Tôi cũng phải đắn đo rất nhiều khi phải báo cho Hoa biết tin Cường đã hy sinh, trong một trận đánh trên một cánh đồng lúa vô danh nào đó thuộc tỉnh Bát-Tam-Boong, Campuchia.

Tôi không hề nhận được hồi âm của Hoa từ đó. Mãi sau này, tôi mới nhận được một lá thư ngắn ngủi của Hoa. Hoa cho biết cô đã bỏ học và sang sinh sống ở Đức. Ở Đức cô đã kết hôn với một sinh viên Đức. Hoa viết ở cuối lá thư: “Cháu biết đây là cuộc hôn nhân không có tình yêu. Nhưng cháu không như Kiều Nguyệt Nga trong truyện cụ Đồ Chiểu ôm tượng Lục Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn… Dầu sao Cường vẫn là mối tình đầu sâu đậm của cháu. Hình bóng của Cường không bao giờ phai mờ trong trái tim cháu. Cháu sẽ bắt cuộc đời này bù đắp lại cho cháu sự mất mát to lớn này…”.

Từ đó Hoa hoàn toàn bặt tin. Một vài người bạn cũ của Cường và Hoa, thành đạt hoặc “khuynh gia bại sản” trên thương trường của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây, trở về Hà Nội và kể lại cho tôi vài “hành tung” của Hoa. Tôi cũng bán tín bán nghi vì tất cả đều thuộc loại “buôn dưa lê”. Tôi chỉ áy náy lúc nghe nói rằng thằng chồng người Đức của Hoa rất vũ phu và thỉnh thoảng lại lừa vợ đi “dã ngoại” ở nơi thanh vắng để đấm đá cho hả giận. Ở Đức, đánh vợ là chuyện bị pháp luật nghiêm trị và xã hội lên án. Cuối cùng Hoa đã “hê” hắn như vứt bỏ một cái sơ mi đã hết mốt. Cách đây mấy tháng, tôi nghe nói Hoa đã về nước làm ăn và là chủ nhân của mấy cửa hàng nổi tiếng của Hà Nội.

Tôi như bừng tỉnh mộng lúc Hoa vỗ vai và cười ròn rã:

- Ủa cô mơ màng ngủ gật hay sao mà thừ ra vậy? Chuyện cũ buồn làm gì cho nặng nề cuộc đời. Trong chiến tranh, người “xanh cỏ, kẻ đỏ ngực”. Trong thương trường, “người bóc lịch trong tù, kẻ sống trên đống vàng”.

Rồi bằng giọng thân mật, Hoa tiếp tục:

- Cháu tới thăm cô và biếu cô một cây đào chính hiệu Nhật Tân. Ông chủ vườn đào là chỗ quen biết cũ, chỉ trồng mấy chục gốc để làm quà cho những người thân thiết. Chơi Tết xong, cô gọi điện thoại, ông ta sẽ tới mang về trồng lại trong vườn. Sang năm cô lại lên vườn ông ta, ngó qua cây đào cũ, nếu vừa ý, với sự chăm sóc của ông ta thì bảo ông đưa tới nhà. Muốn chọn cây khác cũng được. Mọi việc cháu sẽ thu xếp ổn thỏa.

Rồi Hoa vụt đứng dậy, nắm lấy tay tôi và giọng run run:

- Tối rồi, cháu phải về thôi. Ra giêng cháu sẽ lại tới thăm cô. Nếu cô chú có thời gian rỗi, cháu sẽ lo liệu để cô chú đi du lịch một vài nước châu Âu vì bây giờ giấy tờ dễ dàng lắm. Còn tiền bạc thì cô chú không phải lo.

Dứt lời, Hoa bước ngay ra xe. Mùi nước hoa chanel phảng phất trong phòng. Chiếc Mẹc lao đi, không nghe tiếng máy nổ và không để lại một gợn khói…
Tôi quay nhìn cây đào. Một cây đào tuyệt vời. Ngắm đào, tôi bỗng nhớ đến bài thơ mà Hoa từng chép trong sổ tay của Cường: “Một mùa xa lắm hoa đào nở. Cô gái ngày xưa đẹp ảo huyền…”.

Mấy năm nay, tôi không còn canh cánh trong lòng chuyện chọn một cây đào ngày Tết. Cuối tháng Chạp tôi lên Nhật Tân, tìm lại cây đào cũ và hẹn ngày giờ để bác chủ vườn đưa đến tận nhà.

Năm nay, tôi lên Nhật Tân sớm hơn thường lệ. Trời ấm, có những nụ hoa chớm nở. Có những nụ xòe hết cánh. Ông chủ vườn cười phúc hậu “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” đấy cô ạ.

Nguyễn Đức Giáp
Chuyện kể đêm Giáng sinh
Chuyện kể đêm Giáng sinh

Đêm Giáng sinh. Không khí trở nên ấm ấp lạ thường. Truớc đó, không khí đột ngột giảm xuống còn 18 độ làm cả thành phố nhốn nháo do cái lạnh tê cóng đến thật bất ngờ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN