Cuộc trò chuyện cuối cùng

Tôi không ngờ lại gặp ông Hồng Lĩnh trong hoàn cảnh ấy.

Hồng Hoa ngồi cạnh cha. Cô mặc một chiếc áo khoác màu huyết dụ, gương mặt mảnh mai vẫn còn nét kiêu sa nhưng đã hằn bao dấu ấn của thời gian. Cô nhận ra tôi ngay lúc mới bước vào dù đã rất lâu rồi chúng tôi không gặp nhau:

- Anh Quyền vào đi! Sao anh biết tin? Mấy bữa nay bố em mệt lắm, lúc mê lúc tỉnh..

- Chú Hy nhắn với tôi. Hai chú cháu hẹn nhau từ hôm qua. Chắc lát nữa chú ấy sẽ tới !

Minh họa: Trần Thắng.


- Thiêng thật. Vừa hôm qua bố em nhắc đến mọi người… Dạo này cụ hay nhắc đến chuyện cũ…

Câu chuyện giữa chúng tôi xoay quanh về bệnh tình của ông Hồng Lĩnh. Ung thư đã di căn ở giai đoạn cuối. Sức lực đã suy kiệt. Thời gian không còn nhiều. Tất cả những điều đó ông Hồng Lĩnh đều hiểu và rất bình tĩnh trong mọi chuyện… Hồng Hoa sang phòng y vụ xem lịch điều trị và trao đổi với bác sĩ. Mình tôi ngồi với ông Hồng Lĩnh. Ông vẫn nằm thiêm thiếp, hai mắt nhắm nghiền.

Những câu chuyện của một thời trở về trong tôi.

Hơn ba mươi năm trước, rời trường đại học, tôi về tỉnh công tác. Hồng Hoa ngày ấy đang tuổi học trò với tiếng cười vô tư tinh nghịch. Đã có lúc với một xao xuyến bất chợt tôi viết một câu thơ vào sổ tay: “Trong veo tiếng em cười, thủy tinh rơi đâu đây trên nền đá…”. Hoa học cùng với Liên, em gái tôi.

Tôi học kinh tế nhưng có lẽ trong người có chút máu lãng mạn, đôi khi nổi hứng làm vài bài thơ; dù thơ ấy chỉ ở mức báo tường. Nhưng tuổi trẻ nhiều huyễn hoặc, ảo mộng lắm. Đúng lúc tờ báo tỉnh cần tuyển phóng viên, tôi làm đơn và được nhận thử việc. Thế là tôi theo nghề báo.

Làm báo được mấy năm, theo dõi mảng kinh tế, mọi việc đối với tôi có vẻ ổn thỏa. Tôi được biết đến như một người viết trẻ, năng động và xông xáo. Bút danh Đại Quyền dần quen thuộc với người đọc. Tôi có mặt ở những hội nghị có lãnh đạo tỉnh tham dự. Tôi theo ông Hồng Lĩnh đi về cơ sở. Những năm ấy ông không chỉ là thần tượng của tôi mà của cả cái tỉnh đồng bằng đất chật người đông này. Một đôi lần ông thân mật gọi tôi là “ cây bút trẻ”. Ông Hồng Lĩnh là một người lãnh đạo có những tố chất bẩm sinh. Dáng người thấp, bệ vệ, điệu bộ khoan thai, giọng nói tuy không thoát được cái âm nằng nặng của vùng đồng chua nước mặn những vẫn có sức lôi cuốn. Khi ông đứng trên bục, tay chém vào không khí, cặp mắt nhìn thẳng đầy vẻ quyền uy, nói về đưa nông nghiệp tỉnh nhà lên sản xuất lớn, cả hội trường ngồi im phăng phắc. Mấy ông chủ nhiệm hợp tác thí điểm quy mô toàn xã ngồi trên cắm cúi ghi chép lia lịa. Người nghe như bị thôi miên và nuốt từng lời của ông.

- Các đồng chí có biết nông nghiệp tỉnh nhà có vị trí như thế nào đối với công nghiệp không?- Ông Hồng Lĩnh hỏi giọng sang sảng. Cả hội trường im phăng phắc. Rồi ông tự trả lời: - Một là… hai là… ba là…

Bài tường thuật “Chuyển nhanh nền nông nghiệp lên sản xuất lớn“ của tôi đăng trên trang nhất, chữ to, chạy hết cả năm cột. Hôm giao ban đầu tuần, nghe Tổng Biên tập nói Văn phòng Tỉnh ủy khen bài viết đó truyền đạt đầy đủ chỉ đạo của Bí thư, tôi sướng phổng cả mũi. Công bằng mà nói, cũng có lúc ngồi trong hội trường, nhận ra rằng ông Hồng Lĩnh đang nói lại những điều trong giáo trình về kinh tế nông nghiệp mà tôi đã học. Và nếu là một người làm báo có kinh nghiệm hơn, tôi chỉ cần đặt một câu hỏi: Những luận điểm từ nhiều năm trước ở Liên Xô về đến nước ta, rồi về đến tỉnh tôi, có gì khác biệt? Nhưng đấy là điều tôi nhận ra những năm sau này. Còn lúc đó tôi như đang ở trên mây.

Sau đó, tôi còn viết nhiều bài khác ca ngợi sự chuyển động của nền nông nghiệp tỉnh nhà, từ việc đưa hợp tác xã lên quy mô lớn, sắp xếp lại ruộng đồng, xây dựng các vùng chuyên canh, những cánh đồng cao sản mẫu, những trại chăn nuôi “ngàn đầu lợn”… Tôi đi nhiều, viết khỏe và say sưa với những bài viết của mình.

Người đứng đầu, tác giả của những chuyển động ấy không ai ngoài Bí thư Hồng Lĩnh.

Những năm đó, phong trào ở tỉnh tôi nổi như cồn. Lãnh đạo Trung ương liên tục về thăm các đỉển hình về tổ chức lại sản xuất. Tiêu biểu nhất là hợp tác xã Ánh Dương, nơi ông Hồng Lĩnh đổ nhiều tâm huyết gây dựng. Ông luôn bảo: “Cách mạng cần có những ngọn cờ. Ánh Dương là ngọn cờ của giai cấp nông dân tỉnh ta trong thời kỳ mới!”. Tôi đã nhìều lần đi về Ánh Dương và thực lòng thán phục tài điều hành của ông Trần Hoắc, Chủ nhiệm kiêm Bí thư Đảng ủy. Ông chỉ là thợ cắt tóc, rồi có dạo làm nghề xe bò chở cát, học chỉ hết lớp năm. Thế mà hồi ấy chẳng hiểu sao ông điều hành nổi một hợp tác xã quy mô toàn xã theo phương pháp điều khiển học do ông Hồng Lĩnh khởi xướng. Ông thuộc tình hình trong xã đến từng thửa ruộng, từng gia đình, tiếp khách cứ nói vo mà bao nhiêu con số ở trong đầu đưa ra chẳng sai chút nào. Có nhà báo ở trung ương viết bài ca ngợi ông là “một người nông dân thông minh”. Đồng đất không có gì đặc biệt mà Ánh Dương mấy năm liền năng suất lúa đều trên 10 tấn, lại mở ra phong trào làm vụ đông tiếng tăm lừng lẫy cả nước. Hồi đó, đi đâu người ta cũng thấy ông Hồng Lĩnh và ông Trần Hoắc bên nhau như một cặp bài trùng. Thậm chí có tin đồn ông Trần Hoắc kỳ đại hội tới thế nào cũng vào tỉnh ủy. Tôi cũng viết bài ca ngợi ông.

Mọi chuyện có lẽ sẽ rất ổn đối với nếu như không có một ngày tôi có cuộc trò chuyện với chú Hy, cán bộ nghiên cứu ở Ban Nông nghiệp tỉnh. Chú Hy dáng người nhỏ bé, gương mặt gầy, cặp mắt nhỏ thông minh lúc nào cũng xăm soi như muốn cật vấn người ta. Chẳng thế mà chú có biệt danh là “người hay cãi”. Cũng vì vậy mà nghe nói, cái ghế phó ban đã lơ lửng trên đầu chú mấy năm nhưng vẫn chưa hạ xuống. Hình như số phận đã sắp đặt chú Hy để lại một dấu ấn trong cuộc đời tôi. Câu chuyện bắt đầu từ một lần chúng tôi về Ánh Dương cùng một đoàn tham quan của trung ương. Lúc ra thăm đồng, ông Hồng Lĩnh cùng đông đảo quan khách rất say sưa với những cánh đồng cải bắp, su hào, khoai tây của vụ đông đang mở ra khả năng quay vòng, nâng cao hệ số sử dụng của đất đai. Tình cờ, tôi đi ở phía sau với chú Hy. Vẫn giọng nói nhẹ nhàng và có chút đùa vui, chú hỏi tôi:

- Nhà báo trẻ nhìn cánh đồng vụ đông thấy thế nào?

- Đẹp quá chú ạ! Tỉnh mình chỉ cần một nửa số hợp tác xã làm được thế là giàu to rồi!

Chú Hy nghe tôi trả lời chỉ nói lấp lửng:

- Thế à? – Rồi ông nói thêm:

- Khi nào về thị xã, đến mình chơi nhé!

Buổi tối cuối tuần ấy, tôi tìm đến chỗ chú Hy ở khu tập thể dành cho cán bộ của tỉnh. Chú ở một mình, vợ con vẫn ở dưới quê. Câu chuyện liên quan đến tình hình ở Ánh Dương. Chú Hy nói với tôi vẫn với ánh mắt như xoáy vào người nghe để tìm sự chia sẻ:

- Hôm trước mình hỏi Quyền có nhận xét gì khi đi thăm đồng ở Ánh Dương không? Tinh ý một chút có thể thấy là các mảnh ruộng trên cùng một cánh đồng mà mảnh nào ra mảnh ấy, tốt xấu khác nhau, như được từng nhóm người gieo trồng chăm sóc riêng biệt… Mình đã tìm hiểu và cắt nghĩa được rằng sở dĩ như vậy là ở Ánh Dương người ta đã khoán ruộng cho từng gia đình. Tay Trần Hoắc này ghê thật. Hắn nói rằng quy mô xã, vẫn điều hành các khâu theo sơ đồ nhưng trên thực tế, hộ nào nhận ruộng khoán cho hộ ấy để làm, hợp tác xã chỉ là đầu mối phối hợp chung thôi.

Tôi băn khoăn:

- Nhưng tỉnh cũng đồng ý việc thí điểm khoán một số khâu canh tác cho các gia đình?

Chú Hy trầm ngâm:

- Hai việc khác hẳn. Khoán một số khâu vẫn còn sự chủ trì điều hành của hợp tác xã, của các đội sản xuất. Giao ruộng cho các gia đình thì hợp tác xã chỉ còn là hình thức thôi… Nhưng cách làm này thì người nông dân gắn được với đất đai, đói no của họ là ở từng mảnh ruộng. Họ làm cho họ nên động lực ấy ghê gớm, chẳng cần đi làm theo kẻng, chẳng cần ai phải nhắc nhở cả! Chỉ có điều đây là vấn đề lớn liên quan đến chính sách hợp tác hóa nông nghiệp, sẽ động đến nhiều chuyện khác và đụng chạm đến tận trung ương đấy!

Tôi nảy ra ý nghĩ:

- Chú cháu mình cùng nghiên cứu vấn đề này ở Ánh Dương được không? Mình chỉ điều tra, nêu tình hình thực tế, còn đánh giá thế nào là ở cấp trên chú ạ!

Sau một hồi lưỡng lự, chú Hy nhận lời.

Một tuần sau đó, tôi và chú Hy về Ánh Dương. Hai chú cháu đến từng đội sản xuất, gặp bà con ở các thôn, gặp cán bộ hợp tác xã. Sự thật đúng như lời chú Hy nói. Tại buổi gặp riêng, ông Trần Hoắc cũng thừa nhận điều đó. Tôi nhớ mãi lời của ông đầy băn khoăn, chia sẻ:

- Từ thực tế của địa phương, chúng tôi thấy thế. Nghe đâu bên Vĩnh Phú, ông Bí thư Kim Ngọc còn bật đèn xanh cho cả tỉnh làm. Thế này dân mới no, nông nghiệp mới phát triển. Nhưng xin các anh đừng nói vội vì lúc này ở tỉnh ta chưa phù hợp!

Sau này tôi cứ băn khoăn mãi. Giá như chú Hy và tôi nghe lời ông Trần Hoắc thì cơ sự đã khác. Số phận mỗi người cũng khác. Nhưng hồi ấy tuổi trẻ với nhiều khát vọng, tôi không ngờ được mọi chuyện. Bài phóng sự điều tra “Cội nguồn màu xanh ở Ánh Dương”, chú Hy và tôi ký tên chung đăng trên báo tỉnh như một tiếng sét giữa trời quang. Ông tổng biên tập là một người có tâm nhưng khôn ngoan. Ông chỉ xem và đưa thư ký tòa soạn duyệt vì lý do chiều đi công tác vắng. Hai hôm sau, Văn phòng Tỉnh ủy cho mời cả ban biên tập, chú Hy và tôi sang gặp. Khỏi phải nói, ông Hồng Lĩnh nóng giận như thế nào. Ông khẳng định như đinh đóng cột:

- Các anh đã bóp méo tình tình. Sáng nay tôi vừa về Ánh Dương, cậu Hoắc nói rằng sự thật không phải như vậy. Đây, có cả thư của cậu ấy gửi cho tỉnh ủy đây!

Có bức thư ấy thật. Trong đó, ông Trần Hoắc khẳng định rằng, bài viết không đúng sự thật, rằng Ánh Dương chỉ khoán một số khâu canh tác, có thể năm rồi nhiều hơn mọi năm nhưng không giao ruộng cho các hộ xã viên. Chú Hy và tôi đứng như trời trồng và nhận khuyết điểm. Hôm sau, trên trang nhất, báo đăng thư của ông Trần Hoắc và lời xin lỗi của ban biên tập. Ông tổng biên tập phải kiểm điểm nhưng có lý do không duyệt bài vì vắng mặt nên chỉ bị khiển trách. Một tuần sau, Chú Hy nhận quyết định đi thực tế ở nông trường Tây Yên. Tôi cũng nhận kỷ luật treo bút một năm. Đúng lúc ấy, có đợt tuyển quân tăng viện cho chiến trường miền nam, tôi tình nguyện nhập ngũ.

Trước hôm lên đường, chú Hy gặp tôi nói tuần sau chú cũng lên đường về nông trường, động viên tôi đừng buồn vì dù sao bài báo ấy cũng rung một tiếng chuông về tình hình để mọi người quan tâm. Bữa cơm chia tay có ly rượu chanh mậu dịch mà hai chú cháu vẫn thấy đắng miệng. Chú Hy nói rằng, ông Trần Hoắc bữa trước về tỉnh trình bày có gặp riêng chú xin lỗi:

- Anh và cậu Đại Quyền thông cảm. Tôi không thể làm khác vì nồi cơm của hơn một ngàn dân Ánh Dương!

Tối hôm trước khi lên đường, Hồng Hoa đến chơi với Liên và cũng là để chia tay tôi. Cô và Liên đều đang chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp. Cô đem đến cho tôi cuốn “Người con gái viên đại úy” của Puskin mà tôi rất thích. Lúc ra về, cô không còn vẻ tinh ngịch như mọi khi, cô chúc tôi lên đường may mắn, rồi ngập ngừng định nói điều gì nữa nhưng lại thôi. Một cảm giác bâng khuâng mà cả hai cùng cảm thấy…

Khi tôi lên đường vào chiến trường miền Nam, trong một bức thư, Liên kể rằng Hoàng Hoa đỗ đại học và được đi học ở Liên Xô. Tỉnh chỉ có hai người được may mắn ấy. Sau năm 75, tôi vẫn ở biên giới Tây Nam. Khi tôi từ chiến trường Campuchia trở về thì biết tin Hoàng Hoa đã về nước, lập gia đình với một người bạn học ở bên ấy. Cô làm ở Viện Khoa học xã hội quốc gia với chuyên ngành văn học Nga mà cô yêu thích từ nhỏ. Một đôi lần, tôi có gặp cô khi đến thăm Liên. Vẫn có sự chân thành từ buổi thiếu thời nhưng chúng tôi đã khác xưa rồi. Tôi kể rằng cuốn “Người con gái viên đại úy” đã bị mất trong một đêm hành quân bơi qua sông. Hoàng Hoa liền nói rất ý nhị rằng, có nhiều cuốn sách còn hay hơn thế trong cuộc đời nhưng dù sao cuốn sách ấy cũng đáng đọc.

Sau chiến tranh, tôi chuyển ngành, về tỉnh, lấy vợ và đi làm ở một công ty xây dựng. Ít lâu sau, tôi lại xin đi làm đội trưởng lao động ở Nga, rồi phiêu bạt làm ăn ở bên ấy cho đến khi có chút vốn liếng mới về nước. Câu chuyện về Ánh Dương đã xa rồi mặc dù sau đấy, việc giao đất cho các gia đình nông dân được thừa nhận và thành một chủ trương lớn. Ông Hồng Lĩnh sau câu chuyện Ánh Dương đã chuyển lên trung ương rồi về hưu. Chú Hy lên nông trường một thời gian, đến khi đổi mới, đã xin ra khỏi biên chế để thành lập một trang trại riêng. Khi tôi ở Nga về và lập công ty để làm ăn, chú cháu hay gặp nhau. Đất trang trại của chú trở thành một khu đô thị mới. Với kinh nghiệm và hiểu biết của mình, chú Hy đã làm cố vấn cho công ty của tôi.

Có lần trong bữa rượu, chú bảo với tôi:

- Ông Hồng Lĩnh bây giờ ở Hà Nội, ít về tỉnh. Nhưng có lần gặp mình ông ấy nhắc đến chuyện Ánh Dương. Ông ấy tỏ ra băn khoăn vì cách ứng xử hồi đó với mình và Quyền, cũng có hỏi thăm về cậu. Hình như ông ấy cũng biết Hồng Hoa mến Quyền…

Sau đấy một thời gian, chú Hy và tôi có dịp gặp ông Hồng Lĩnh mấy lần khi ông về thăm quê. Ông đã yếu rồi những vẫn còn minh mẫn. Chỉ có điều ông không nhắc gì đến sách kinh điển nữa mà say sưa về kinh tế thị trường như một “phát minh của toàn nhân loại “. Ông còn tỏ ra quan tâm khi công ty xây dựng và đầu tư của chúng tôi làm ăn có tiếng ở tỉnh.

*
* *

Tôi ngồi một lát thì chú Hy đến, tay xách theo một túi cam tươi từ vườn nhà. Ít lâu sau ông Hồng Lĩnh tỉnh lại. Ông nhận ra hai chúng tôi, khẽ nở một nụ cười nặng nhọc, cặp mắt trĩu xuống dù đã cố nhìn lên, bàn tay có ống dịch truyền ngọ nguậy như muốn bắt theo thói quen. Ông hỏi Hồng Hoa đâu và tỏ ý muốn uống nước. Chúng tôi đỡ ông ngồi dậy. Chú Hy vắt cam mời ông.

Giọng khan và yếu, ông Hồng Lĩnh hỏi thăm công việc làm ăn của chúng tôi. Ông bảo:

- Thế hệ của mình có những đóng góp nhưng cũng có không ít sai lầm… Một trong những điều mình băn khoăn mãi là việc kỷ luật các cậu về câu chuyện ở Ánh Dương…

Chú Hy ân cần:

- Thưa anh, chuyện qua lâu rồi. Thời ấy là như vậy. Bây giờ nghĩ lại cũng chỉ còn là một kỷ niệm. Anh là một người lãnh đạo nhiệt tâm, hết lòng vì công việc. Chúng em hiểu điều ấy.

Ông Hồng Lĩnh trầm ngâm:

- Hồi đó mình có hai cái sai. Thứ nhất thiếu sự nhạy cảm để hiểu tình hình, sự thật của đời sống. Không phải mình không nghe điều này tiếng khác trong cách làm của anh em ở Ánh Dương, nhưng vì quá lo ngại cho phong trào của tỉnh và… cũng lo cho uy tín cá nhân nữa, mình đã tránh né không đi đến ngọn nguồn mọi chuyện. Việc kỷ luật các cậu là vội vã và không đúng. Sau này mình đã hiểu, không phải chỉ Ánh Dương mà nhiều nơi khác trong tỉnh đã âm thầm làm việc khoán ruộng ấy cho các gia đình. Giá như mình sát cơ sở, bớt lý thuyết chung chung đi thì sẽ nhìn thấy mọi việc sớm hơn. Cái sai thứ hai: Mình không đủ dũng cảm để đưa ra những quyết định phù hợp khi đã hiểu rõ tình hình… Mình không đủ dũng khí như ông Kim Ngọc bên Vĩnh Phú, dám làm và dám chịu trách nhiệm… Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy buồn!

Tôi đỡ lời:

- Dạ thưa bác, chúng cháu rất quý trọng thế hệ các bác ở tinh thần hết lòng vì công việc chung và cũng ở sự trong sạch nữa ạ...

Ông Hồng Lĩnh nén một cơn đau rồi nói như một tiếng thở dài:

- Tụi mình có cái hay cái dở gì thì cũng đều từ anh nông dân mà ra cả. Chúng ta cứ bảo là phải có thế giới quan của người công nhân nhưng chuyện ấy không hề đơn giản… Có ông nhà văn nào nói rất hay rằng, sờ vào bụng anh lãnh đạo nào ở nước ta cũng thấy vết sẹo chăn trâu ngày bé… Cho nên quá trình đổi mới còn nhiều gian nan và không thể một sớm một chiều… Cũng không phải là câu chuyện ở bên ngoài mà chính là ở bên trong mỗi con người…

Câu chuyện đang dở thì ông Hồng Lĩnh lên một cơn đau, Hồng Hoa phải chạy đi gọi bác sĩ vào tiêm gấp. Sau mũi tiêm ông nằm thiêm thiếp và rồi lại đi vào giấc ngủ triên miên.

Chúng tôi ngồi thêm một lát nói chuyện động viên Hồng Hoa rồi ra về. Tôi không ngờ đó là cuộc trò chuyện cuối cùng với ông.

Trần Mai Hưởng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN