Càng về sáng, tiếng chó đuổi ma cứ gong gỏng từ phía đầu bản, có lúc im ắng, lúc thì dữ dằn khiến lòng cụ Phà thấp thỏm, lo âu. Cụ đang trông ngóng con cháu trở về. Bọn nó nghe lời kẻ xấu xúi giục bỏ nhà ra đi. Nó tin vào một ông Đế Vương nào đó, sẽ ban phát phép màu để mọi người được trường sinh bất lão. Đến nơi ở mới, con người không làm cũng có cái ăn, được hưởng giàu sang, phú quý. Những thứ ấy là do Đế Vương nhân từ ban cho. Ngàn đời, người Mông chỉ thờ cúng tổ tiên, ông bà và bố mẹ, vậy mà giờ đây không hiểu vì sao họ lại về nhà dỡ bỏ bàn thờ, bỏ tất cả luật tục truyền thống của dân tộc để theo một giáo lý tận đẩu, tận đâu. Trên đời này làm sao có chuyện không làm mà lại có ăn, có mặc, sống an nhàn. Ai sinh ra đều phải tuân theo quy luật "sinh, lão, bệnh, tử" chứ làm sao không chết. Vậy mà con cụ tin, cả bản đều tin để bỏ bố mẹ già ở lại mà ra đi...
Gần một tuần rồi, hơn hai chục hộ gia đình trong bản vẫn biệt vô âm tín. Bản tan hoang, im ắng. Lâu lâu mới thấy tiếng ho húng hắng của mấy cụ già. Lợn gà bán, trâu bò bán, chó mèo cũng bán nốt. Chỉ mấy con chó sổng được nên từng đêm kêu dữ để gọi chủ về cho ăn. Nó đói, mà đâu chỉ có nó đói, những con người ở lại cũng đang đói. Gạo hết, mọi thứ đã hết. Cụ Phà cũng chắt bóp được ít tiền giắt lưng, nhưng lúc con cháu quyết tâm ra đi thì cụ đưa cho nó hết. Cụ Phà nghĩ mình ở nhà ăn cũng được, mà nhịn cũng được. Con cháu ở nơi đất khách quê người lỡ có chuyện không may thì biết nhờ cậy ai. Ban ngày, cụ Phà vào rừng tìm đào củ sắn, củ mài, hái rau rừng... rồi về nhà chia bớt cho mấy cụ yếu không đi lại được cùng ăn qua bữa. Các cụ thủ thỉ to nhỏ với nhau: Sống được ngày nào hay ngày ấy, lo gì, tiếc gì cái thân già nữa. Chỉ mong con cháu mình tỉnh ngộ để trở về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi đã sinh và nuôi dưỡng bọn nó trưởng thành để bám đất, bám làng mà sống.
Ngoài trời đổ giông, sấm chớp ầm ầm. Con cháu cụ và anh em trong bản sẽ ra sao. Họ đang ở đâu? Mọi người có được ăn no, ngủ ấm không. Đôi tay run run, đôi mắt đỏ ngầu. Cụ Phà vịn vào bàn thờ tổ tiên lẩm bẩm cầu nguyện. Chiếc bàn thờ do tay cụ mới đi rừng chặt tre ghép làm lại. Con cháu dại dột phá bỏ, nhưng cụ biết mà không lập chỗ thờ cúng mới thì sẽ bị tổ tiên quở trách. Đó là đạo làm con, làm cháu. Cụ là người cha, người cao tuổi nhất trong gia đình thì phải biết lấy điều ấy để dạy bảo, khuyên răn con cháu. Khổ cái thân già, cụ nói sùi cả bọt mép mà bọn nó vẫn bỏ ngoài tai.
Mọi người rồng rắn, tay xách nách mang đi vào rừng sâu giữa đêm khuya. Tiếng trẻ con khóc om sòm như thời chạy giặc. Các cụ nước mắt rưng rưng, đứng nhìn ánh đèn pin, bóng con cháu khuất dần. Cụ Phà cố giấu nước mắt, cổ họng nghẹn cứng. Theo kinh nghiệm cụ biết, khi tiễn đưa người thân lên đường mà khóc lóc thì báo hiệu điềm gở nào đó sẽ xẩy ra. Thế là cụ không rơi một giọt nước mắt nào. Mọi người thấy vậy thì cho rằng cụ không thương con cháu. Có người độc miệng hơn thì nói:
- Ông ấy giết vợ, giết con thì có tính người đâu mà thương với xót.
Nhưng có người thì gạt phắt đi:
- Ông ấy bất đắc dĩ mới làm vậy, chứ sau lần ấy ông ta đã ăn năn, hối lỗi làm lại cuộc đời rồi đấy thôi. Phải chăng đứa con ấy là do ông nhặt được ở ngoài rừng, khi người ta mới sinh và vứt lại. Con nuôi, ông ấy không đau xót thì cũng là phải lẽ...
Nghe người ta nói vậy, cụ cúi đầu lẳng lặng đi thẳng. Người ta thích nói gì thì mặc. Mọi người thừa sức thì cứ nói, nói chán rồi thì thôi. Cụ Phà không để ý ai nghĩ gì, nói gì về mình. Cuộc đời cụ đáng để người ta nói và phán xét lắm chứ. Họ nói đúng. Họ nói thật. Nhưng không một ai hiểu nỗi lòng của người làm cha như cụ. Người đã từng lầm lỗi và trở về từ lầm lỗi...
* *
*
Mười tám tuổi, Phà cùng lũ bạn trong bản rủ nhau đi cướp vợ. Mấy đêm liền đi khắp bản, cuối cùng thì Phà cũng cướp được một cô khá xinh, hơi hơi duyên và ít hơn Phà tầm năm tuổi. Phà đưa về nhà trong đêm. Sáng ra, Phà dắt tay cô gái đến trước bố mẹ nói nó là vợ mình. Thế là Phà có vợ, có một gia đình hạnh phúc như bao gia đình khác. Nhưng được một thời gian, Phà ỷ lại mọi việc cho vợ, rồi sinh ra hư hỏng, đua bạn bè hút thuốc phiện. Một năm sau, khi vợ đang mang bầu sáu tháng, nửa đêm Phà chạy xồng xộc từ đâu về xin tiền hút thuốc phiện. Vợ nói không có tiền. Cơn thèm thuốc khiến Phà không còn tính người. Cầm con dao nhọn, Phà hằm hằm dọa nạt. Phà vấp vào ghế và đổ nhào đè lên người vợ. Một lúc sau thấy vợ nằm bất tỉnh, trên ngực cắm con dao nhọn thì Phà mới giật mình kêu cứu. Tất cả đều quá muộn, Phà lãnh án mười lăm năm tù vì tội giết vợ.
Vào tù, Phà lầm lì không nói không rằng. Cán bộ trại giam tâm lý, gần gũi động viên Phà cai nghiện và cố gắng cải tạo tốt để làm lại cuộc đời. Được sự giúp đỡ tận tâm của các cán bộ trại giam nên Phà đã dứt hẳn được cơn nghiện. Phà hòa nhập, tham gia các hoạt động của trại giam tổ chức. Nhưng khuôn mặt của Phà vẫn có điều gì đó u uất và trầm tư. Cải tạo tốt, Phà được ra tù sớm trước ba năm. Theo truyền thống của trại giam, anh em người có ít thì góp ít, có nhiều thì ủng hộ nhiều để giúp Phà về nhà làm ăn và khuyên cậu cố gắng trách xa nơi tù tội này. Khổ lắm!
Về đến bản, ai cũng nhìn Phà bằng con mắt xa lạ, xoi mói. Nhìn Phà khỏe mạnh, da dẻ hồng hào đã khiến mọi người khó hiểu rồi, đằng này, trên tay nó còn ôm cả một đứa bé đang đỏ hỏn. Mấy đứa bạn chơi thân đến thăm hỏi, mới biết đó là đứa bé trai bị bỏ rơi ở bìa rừng được Phà nhặt về. Âu đó cũng là cơ duyên trời sắp đặt, để quãng đời còn lại Phà phải chăm bẵm con người. Bố mẹ đã mất lúc Phà còn trong tù, nên anh trai cả thay mặt tiến hành họp gia đình để từ cậu. Họ nghĩ: "Có Phà ở trong nhà thì gia đình sẽ bị tai tiếng, vả lại với hai bàn tay trắng cộng thêm đứa bé thì nó sẽ ăn bám nhà mình thôi". Phà ôm đứa bé trên tay, từ biệt anh chị rồi lấy túi đi ra khỏi nhà. Giữa đêm tối, Phà biết đi đâu, về đâu. Nếu một mình cái thân Phà cô độc thì ngả đâu mà chẳng được, thêm đứa bé là cả một gánh nặng. Đứa bé khóc. Phà hát ru "à ơi, à ơi" rồi đút ngón tay vào mồm nó. Đứa bé đón nhận bầu sữa thô kệch, chai sần mút chùn chụt. Dừng chân ở gốc đa đầu bản, Phà lấy áo ấm trong túi quấn thêm vào cho đứa bé. Ngồi bệt xuống, tựa lưng vào gốc đa già suy tính xem mình phải làm gì cho ngày mai và những ngày kế tiếp. Trong tù, Phà đã học được sự can đảm để vượt qua mọi khó khăn. Giờ đây, con người anh mới đủ mạnh mẽ để đối diện với sự thật "bị người thân ruồng bỏ", như đứa trẻ vừa bị mẹ nó rắp tâm bỏ rơi mà anh đang ẵm trong lòng. Lúc này, Phà lại nhớ về mẹ. Nếu có mẹ thì anh không phải hứng chịu cảnh sương gió thế này. Mẹ sẽ đón nhận, dù anh đã lớn, dù anh có lỗi lầm. Nỗi nhớ mẹ chệch choạng khỏi tiềm thức, thì nỗi ám ảnh giết vợ, giết con lại ùa về. Cố quên, đâu dễ để quên. Quá khứ cứ đeo đuổi, muốn giết anh bằng nỗi nhớ. Phà không chạy trốn và chối bỏ quá khứ. Anh đang nhớ đến nó đấy chứ. Nhưng quá khứ đau lòng sẽ khiến anh day dứt, rồi gục ngã. Trời đất à! Nó sẽ giết chết Phà mất thôi. Hơn lúc nào hết, Phà cần sống. Anh không thể chết! Chết thì ai nuôi đứa bé? Phà cố nhắm mắt và thiếp ngủ lúc nào hay biết. Trong mơ, Phà thấy mẹ giang rộng vòng tay để ôm anh vào lòng. Hơi ấm của mẹ lan tỏa khắp cơ thể, xoa dịu cái lạnh của trời đông. Theo phản xạ bản năng, Phà ôm chặt đứa bé, đầu thì dúi sát vào thân cây đa già.
Sáng sớm tỉnh dậy, Phà đến nhà cô bạn thân gửi đứa bé, rồi vào rừng chặt cây, chặt nứa về dựng một cái lều nhỏ ở bìa rừng cạnh bản. Từ đó, Phà ở vậy nuôi con khôn lớn. Nhiều lần, nghe tiếng kèn lá gọi bạn tình say đắm sau vách của các cô gái bản, anh tỉnh bơ. Ánh đèn dầu lập lờ trong đêm, Phà với tay cầm thổi tắt. Giữa đêm khuya, chỉ còn lại tiếng dế, tiếng mọt kẽo kẹt bên vách nhà. Phà nghiêng người về phía đứa bé, tay cầm quạt nan phe phẩy.
* *
*
Ngồi bên ngách cửa, cụ Phà chăm chăm nhìn về phía rừng già, nơi con cháu cụ đã đi vào và cụ đang mong ngóng bọn nó sẽ trở ra. Ngoài trời đổ mưa tối đen như mực, thỉ thoảng có mấy tia chớp giáng xuống làm lộ rõ cây đa thiêng hàng trăm năm tuổi ở đầu bản trụi lá, giang cành trơ khấc. Mấy hôm trước, đám thanh niên hùng hổ vác dao, cưa máy ra để hạ cây đa này. Bọn nó cho rằng đã theo Đế Vương thì không cần thờ cúng thần bản nữa. Để tỏ lòng sùng kính Đế Vương, chúng bàn nhau phải chặt ngã cây đa thiêng mà cả bản đã tôn sùng, kính trọng. Các cụ già thấy vậy thì ra sức ngăn cản. Chúng liền nói: "Nếu không chặt cây đa thì Đế Vương sẽ không bảo vệ mình đâu và bắt mình phải chết đấy". Các cụ già lo sợ cây đa thiêng sẽ trừng phạt sự hỗn xược của con cháu mình, nên cùng nhau nằm quanh gốc tuyệt thực cả ngày không một miếng ăn, hớp nước uống. Thấy ông bà, bố mẹ quyết tâm như vậy thì bọn nó mới chịu tha.
Suy nghĩ một lúc, cụ Phà đứng phắt dậy, đội mưa đi về phía cây đa. Bất chợt cụ sững người lại. Không tin vào mắt mình, cụ Phà lấy tay vuốt nước mưa trên mặt rồi trợn mắt nhìn sửng sốt: "Trời ơi! Những người còn lại trong bản đang quỳ bên gốc đa thiêng để cầu nguyện cho con cháu mình được bình yên trở về". Trong lòng như thắt lại, cụ Phà nghĩ: "Mình không thể để mọi người thấy! Không thể...". Cụ Phà tìm lùm cây bên đường rồi ngồi nấp ở đó. Bốn mươi năm, kể từ ngày ra tù vì tội cố giết vợ, cụ nghĩ gì, muốn gì thì cũng chỉ có mình cụ biết. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày giỗ của vợ thì chờ đêm khuya, cụ Phà đều ra quỳ dưới gốc cây đa để cầu xin cho vợ và đứa con chết yểu trong bụng mẹ sớm được siêu thoát. Hôm nay không phải ngày kị của vợ, mà cụ Phà ra gốc đa để cầu xin thần bản che chở cho con cháu và người thân mạnh khỏe trở về.
Sáng sớm, đoàn công tác của tỉnh, của huyện về bản để xem tình hình và động viên, hỗ trợ những người già neo đơn. Khi đến đầu bản, người ta thấy một cụ già tầm bảy mươi tuổi đang cúi lạy gốc cây đa liên hồi, tình trạng sức khỏe suy kiệt. Nhanh chóng, cụ được đưa đến trạm xá xã cấp cứu. Trong cơn mê man, cụ Phà vẫn nghe người ta nói với nhau: "Phải lo chu đáo cho các cụ già; vận động, tuyên truyền đưa họ về bản, rồi hỗ trợ để người dân yên tâm, ổn định đời sống...". Cụ Phà vui và nở nụ cười tươi, rồi chìm sâu vào giấc ngủ...
Việt Hoàng