Chúng tôi ăn Tết chiến trường

Áp Tết năm 1972, sau những trận đánh liên miên ở chiến trường Bắc Quảng Trị, đại đội đặc công chúng tôi hành quân về hậu cứ ở sườn tây dãy Sa Mù. Chẳng biết ai đặt tên cho núi mà suốt ngày đêm quanh đỉnh cứ mờ mịt sương bay. Những thân cây đại ngàn lù xù rêu đứng thấp thoáng trong màn sương, trông như những người khổng lồ mặc áo tơi khi ẩn, khi hiện. Họa hoằn lắm mới có một tia nắng nhợt nhạt loe lóe trên vòm lá dày dịt, làm cho muôn vàn hạt sương chợt sáng lên như những hạt ngọc đủ màu sắc. Những hạt ngọc ấy chuyển màu rất nhanh và cũng tan biến rất nhanh. Mỗi khi có làn gió ào qua, tán lá rung động, những vệt sáng sương rơi dày xuống, tiếng rơi rất mềm và lạnh rồi mất hút trên nền đất nâu sẫm, ẩm ướt như một tấm đệm lò xo, ken bằng rễ cây…

Ngày ấy, tôi còn là anh lính mới tò te ra trận lần đầu. Một sáng, tò mò, tôi chui ra khỏi hầm xách súng đi về hòn đá đầu sư cuối bìa rừng. Nơi đó, tôi biết khi nắng lên, mây núi và sương mù tan đi, có thể nhìn rõ cả khu vực núi non, sông suối bao quanh núi. Quả thật, vừa đến nơi, ngồi xuống hòn đá, như có phép thần, mà sương đột ngột tan hẳn. Tôi ngẩn ngơ thấy trước mặt, như ngay dưới chân mình những cánh rừng hôm trước còn cháy trụi, xác xơ vì bom, pháo, chất độc hóa học, sớm nay bỗng biêng biếc một màu xanh non tơ, mát rượi. Dòng Xêbănghiêng mỏng tang như một sợi khói lam chiều bay lên từ cái màu xanh ấy, ngoằn ngoèo uốn lượn. Và bên dòng - sông - khói ấy, lốm đốm màu vàng lấp lóa của những rừng mai, ngỡ như những vầng mây ấm rừng rực sà xuống, đậu lại.

- Kỳ vĩ quá, phải không cậu? Không ngờ giữa vùng bom đạn hủy diệt này mà mùa xuân lại đẹp lạ lùng!

Đang ngất ngây với cảnh sắc núi non, có tiếng nói sau lưng làm tôi bừng tỉnh. Quay lại, thì ra Cù Trọng Hòa, chiến sĩ “bê” 2. Hòa quê huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, nhưng mẹ là người Vĩnh Linh. Hòa hay làm thơ. Cậu ta lấy hai chữ đầu của quê mẹ, quê cha làm bút danh Quảng Hà, nên được cánh lính trong đại đội tấn phong là “Quảng Hà thi sĩ”! Ngồi xuống bên tôi, tiếng Hòa như thầm thì:

- Gần Tết rồi, mình thấy nhớ nhà quá, cậu ạ. Quê mẹ mình ở gần đây, nhưng mình nào có về thăm được. Mà mình nghe nói ông bà ngoại đã tản cư ra tận ngoài Tân Kỳ, Nghệ An, các cậu, dì thì bận đánh giặc túi bụi, mình có về cũng đâu gặp được ai. Quê nội xa lăng lắc, cũng bom đạn rùng rùng. Cả tháng nay ngày ngủ, đêm xuất kích, bom đạn bời bời, mình chẳng còn cảm giác thời gian nữa. Bây giờ thấy mùa xuân đến ngay trước mặt, tự dưng lòng bỗng nôn nao…

- Ờ Tết mà! Là người Việt Nam mình khi Tết đến, ai chẳng nghĩ về sự sum họp, về nguồn cội, về gia đình, người thân… Ai mà chẳng nhớ… Dù sao so với cánh mình, cậu còn hạnh phúc chán vì được trở về chiến đấu trên quê mẹ của mình!

- Với người lính chúng ta, ở đâu trên Tổ quốc Việt Nam chẳng là quê hương! Cậu triết lý chán bỏ mẹ! - “Quảng Hà thi sĩ” hùng hồn - Lại nói chuyện Tết, không biết ở Nghi Xuân nhà cậu thế nào, chứ ở Vĩnh Linh hay Hương Sơn quê mình cứ đến ngày ông Táo chầu trời là nhộn nhịp cả lên rồi. Nào sắm sanh quần áo mới cho lũ trẻ, nào vào rừng hái lá dong, dựng cây đu, giã giò, gói bánh… Khi gói bánh chưng thế nào bố cũng gói riêng cho hai anh em mình mỗi đứa một chiếc bánh con, gọi là bánh đầu đày. Bánh này được mở ra ăn ngay lúc đón giao thừa. Đang đói, được ăn miếng bánh nóng hôi hổi, thơm phưng phức, úi giời ôi, cứ là lịm cả người. Sáng mồng một, vào cái thời khắc thiêng liêng ấy, mẹ mình pha một ấm trà thật đặc. Bố chuẩn bị bút, giấy, chọn giờ tốt, nghiêm trang ngồi vào bàn, thắp một nén hương rồi khai bút. Đã thành lệ, anh em mình cũng theo bố, khai bút lấy may. Mẹ mình là người Vĩnh Linh, nhưng từ khi bọn Mỹ gây chiến chưa bao giờ mình được ăn Tết ở quê mẹ cả. Giờ đang giặc giã, Tết chiến trường ra sao cậu nhỉ?

Có tiếng máy bay vè vè rất gần. Một chiếc OV10 trông như chiếc bừa xuất hiện, bay ngang qua dưới chỗ chúng tôi ngồi, trông rõ đầu thằng lái nghiêng nghiêng, ngó ngó. Thằng trinh sát vừa bay qua, một đàn phản lực 5 chiếc rú rít, hùng hổ theo sau. Phía những cánh rừng mai nhoáng nhoàng chớp đỏ. Những cuộn khói dựng lên thẳng đứng. Ngồi ở đây chúng tôi cũng trông rõ những cành mai bị bom nổ hất tung lên cao, lả tả, chấp chới rơi xuống. Tôi nhún vai bảo Hòa:

- Tết chiến trường đấy! Thôi ta về đi cậu. Ở đây nhìn nóng ruột quá đi mất!

***

Thế rồi, Tết đến thật! Cả đại đội như sôi lên. Tiêu chuẩn Tết Mặt trận cấp về từng trung đội. Cứ 2 người một gói Điện Biên bao bạc, cộng thêm một gói Rubi chiến lợi phẩm, cứ là tha hồ mà nhả khói um trời đất. Lại thêm 4 người một gói trà Thanh Tâm, loại bao hồng. Thịt lợn, Mặt trận cấp cho đại đội một con, nhưng phải đi nửa ngày đường lên bản đồng bào Vân Kiều bên sườn đông bắt về. Nếp tiêu chuẩn và dân các bản dưới chân núi mang đến ủng hộ bộ đội đủ gói mỗi người 2 chiếc bánh chưng. Đại đội trưởng Trần Quốc Cang, vốn xuất thân từ tiểu đội trưởng du kích Cam Lộ là một chỉ huy tài ba, gan lì đến mức cả lính ta và lính địch đều gọi bằng cái tên “Đại đội trưởng Cóc Tía”, hùng hồn tuyên bố:

- Nói chung, Tết nhất rứa là khá, nhưng chưa thiệt hoành tráng. Vui Tết, đón Xuân nhất quyết như xung trận, phải đầy khí thế! Bọn miềng đều là dân Khu Tư cả, mỗi tỉnh có nét ẩm thực riêng. Chừ ri, mỗi người cần nghĩ ra một món ăn mang đậm hương vị quê nhà, góp vô cỗ Tết. Miềng nói đúng chứ, phỏng?

Nghe đại đội trưởng phán thế, Hòa nháy mắt với tôi: “Ý tưởng tuyệt vời! Mình sẽ vào cuộc đầu tiên. Rồi cậu xem!”

Chiều ấy, Hòa kéo mấy tay lính Hướng Hóa đến. Cả bọn xách dao găm vào rừng chặt mấy cây luồng về đan đan, vót vót. Lại kiếm đâu được mấy đoạn dây cao su vốn để dùng làm quai dép dự phòng về. Thấy cả bọn mắt tròn xoe, mồm chữ O cả, Hòa ta giảng giải:

- Các cậu là lính mới, lạ lắm phỏng? Này nhé: luồng để chẻ nan đan đó bắt cá, làm bẫy bắt gà rừng. Dây cao su làm súng… cao su bắn chim cu xanh. Gà rừng ở đây mình đã quan sát kỹ, chúng kiếm ăn từng đàn, từng lũ, chỉ cần mấy cái bẫy là bắt ngon ơ! Còn cá suối, vùng này giáp ranh, ai mò đến nơi bom rơi, đạn nổ này bắt con cá làm chi. Tận mắt mình thấy có con cá bọp dễ thường nặng đến dăm ký, bơi quanh chân mình như chỗ không người. Chỉ cần chặt mấy cây ngọt, bóc vỏ ra, bỏ vô mũ sắt giã nát vứt xuống là chúng say đứ đừ, tha hồ bắt. Còn chim cu xanh, cái lũ không mật ấy, nó coi người bằng… vung, thấy người đếch chịu bay. Thời con nít, mình từng là thiện xạ súng… cao su lừng danh khắp làng. Mình đã ra tay thì… Rồi cậu xem!

Sáng 30 Tết, mặc kệ “thằng” L19 cứ è è trên đầu, chõ loa xuống réo: “Hỡi các cán binh Việt cộng...” rồi xập xình, ập ọe những bài ca não nề; ngoài bộ phận trực chiến, tuần tra, còn lại lính ta tấp nập gói bánh chưng. Bên bờ suối, tổ nuôi quân đang kỳ cạch mài dao, lại còn ngâm thơ: “Dao” mài đá, đá núi cũng mòn, và chuyện trò tá lả. Chú “lợn tiêu chuẩn” được khiêng về, nhìn mà hãi. Lợn đồng bào Vân Kiều có khác. Nó to đùng, lông lá dựng ngược, mõm dài như mõm lợn rừng, dễ thường ngót nghét tạ thịt, nằm thở ồng ộc, chờ lên “đoạn đầu đài”. Mấy chàng lính đang tỉ mẩn đẽo đẽo, gọt gọt mấy cái chày bằng gỗ táu, chuẩn bị giã giò trong mấy cái mũ sắt dùng làm cối. Trên bàn Ban chỉ huy “xê” và các “bê”, gọi là bàn cho oai, thực ra chỉ là mấy hòm đạn B40 ghép lại, bên cành mai vàng đến mê mẩn, lừng lững một bi đông trà cùng 4, 5 cái “chén” bằng bát “B52” cùng vài đòn bánh tét, dân bản vừa mang lên úy lạo. Trên các thân cây cổ thụ đã đẽo sạch vỏ vuông vắn, khẩu hiệu viết bằng lõi pin giã nhuyễn trộn với nước suối, nét chữ bay bướm: “Vui Tết, đón Xuân, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”. Tôi đang hí húi viết đôi câu đối “Hòa thi sĩ” sáng tác, thì tổ đánh bẫy của cậu ta trở về. Đại đội chộn rộn lên như có đám mổ bò khi thấy cả bọn vừa khiêng, vừa xách lủng lẳng hơn chục con cá bọp. Có con đuôi quét sát đất. Cu xanh cũng có dễ bắn được 3, 4 chục con. Gà rừng cũng nhiều, hơn 10 con cả trống lẫn mái. Đi đến bên tôi, “thi sĩ Quảng Hà” vênh mặt, nói hết sức kẻ cả:

- Cậu sợ chưa? Tết đầu tiên ở chiến trường cứ phải “xôm” chứ cậu! Giờ nghe mình phân công đây: Cậu cùng mấy tay lính Vĩnh Linh đạo diễn món thịt chim, thịt gà kha khá vào để bọn mình thưởng thức coi. Còn số cá, giao cánh lính Vĩnh Quang. Bọn chúng ắt biết cách nấu cháo cá, làm nồi cháo chén lúc giao thừa.

Tôi giãy nảy:

- Chúng tớ nấu thịt chim, rõ rồi! Nhưng rừng rú thế này, kiếm đâu ra gia vị? Cậu chẳng biết quái gì về nấu nướng cả. Thịt chim, thịt gà, cả cháo cá nữa, thiếu “anh” hành tăm, coi như vứt!

- Ơ hơ! - “Thi sĩ” cười rộ - Thế mà cũng mang danh là lính trinh sát đặc công! Các thứ gia vị đó ở các bản đồng bào Vân Kiều quanh đây vô thiên lủng. Người Vân Kiều tốt bụng, mang họ Bác Hồ, một lòng đi theo Cách mạng đến cùng. Đồng bào có tiếc gì với bộ đội giải phóng. Cậu cứ vào đó mà xem. Chẳng những hành tăm mà cậu cần thứ gì dân bản có là cho tất!

Nói xong, nhác thấy bóng đại đội trưởng, hắn cười khìn khịt, lủi mất. Đại đội trưởng Trần Quốc Cang đi đến, cười tuế tóa:

- Cái thằng “Quảng Hà thi sĩ” bố láo quá cậu ạ. Lúc sáng lên Ban chỉ huy đại đội xin đi bẫy chim, cá, thấy miềng ngồi hút thuốc lá, uống trà với chính trị viên, hắn cười nụ. Chẳng là hắn biết miềng chỉ khoái “anh” rượu. Mà cậu thấy đấy, ở Quảng Trị miềng, cái “anh” rượu Cùa nút lá chuối thì thôi rồi, nhấp tí cứ là cháy lưỡi! Ba cái thứ trà, thuốc lá, Tết nhất thì ngậm một điếu, húp vài chén trà chơi, cho có phong trào, chứ nhằm nhò chi! Vậy mà vừa nhìn thấy miềng, hắn vờ làm mặt lạnh, vờ làm bâng quơ, đọc váng lên rất véo von: “Đón Tết đến, hút thguốc lá Cóc Tía ngậm trùn (giun)/ Mừng Xuân sang, uống nước trà chuột chù húp mắm.”. Mẹ khỉ! Hắn chọc miềng đó! Chẳng gì, xét về bên ngoại, miềng và hắn cũng là đồng hương, đồng khói với nhau, mà hắn dám đối điếc rứa, cậu bảo có láo toét không!?

Chẳng đợi tôi trả lời, đại đội trưởng rảo bước đi. Tiếng cười khơ khớ của anh đã ầm ĩ phía tổ nuôi quân. Non chiều, lại thấy Hòa cùng các cha lính Hướng Hóa và mấy thanh niên Vân Kiều xuất hiện. Trong tay mỗi người xách lu lơ mấy con sóc sập bẫy. Lại còn lỉnh cà, lỉnh kỉnh nào bắp chuối, rau thơm, hành, ớt chỉ thiên… Vứt đám sóc xuống đất, Hòa phẩy tay: “Cậu đã từng chén món dê thui Hương Sơn quê mình chưa? Chưa phỏng? Cũng phải, dưới biển Nghi Xuân nhà cậu có dê đếch đâu mà chén! Úi giời ôi! Dê thui thái mỏng, cuốn lá sung non, chấm ruốc hay nước mắm ớt tùy thích, thêm vài “quai cuốc lủi ”, thì… chậc, cứ là hết xẩy con cú mèo! Lũ sóc này, cánh thợ săn đồng bào Vân Kiều dạy cho cách đánh bẫy đấy. Bây giờ các cậu nấu nước sôi lên, làm cho sạch lông, sạch ruột, dùng que xiên cả con mà nướng trên than củi cho vàng rộm. Úi giời ôi, mùi thơm cứ là điếc mũi! Rồi thì thái mỏng bắp chuối ra, rồi thì trộn rau thơm, hành, ớt vô… làm món lạp sóc. Úi giời ôi, mình đảm bảo món dê thui Hương Sơn còn phải gọi nó bằng cụ kỵ!

Bữa cỗ tất niên ấy, khỏi phải nói, tuyệt vời! Tôi dám chắc gần 20 cái xuân xanh đời mình, chưa bao giờ được ăn bữa cỗ Tết “linh đình” đến thế! Có thịt lợn, dưa hành; có cá rán, thịt chim, thịt gà, lạp sóc. Lại còn được tráng miệng bằng chuối rừng. Úi giời ôi…!

Tối 30, dưới bầu trời cháy rực hỏa châu, chằng chịt đạn lửa, chúng tôi ung dung ngồi trên nóc hầm đón giao thừa bằng món cháo cá Vĩnh Linh ngon tuyệt. Ngoài các “gia vị đặc trưng” của cháo cá, cánh lính Vĩnh Quang còn cẩn thận cho vào mỗi bát cháo nửa muỗng hành tăm của đồng bào Vân Kiều biếu, đã chần qua nước sôi cùng một nắm lá thì là thái nhỏ. Ấy dà! Cứ là húp đến đâu, biết đến đấy!

***

Sáng mồng một, đại đội tập trung bình thơ Xuân do mọi người tự sáng tác đón mừng năm mới, do “Quảng Hà thi sĩ” chủ tọa. Các “nhà thơ đại đội” đang cao hứng ngâm nga thì có lệnh báo động chiến đấu. Phái viên Mặt trận xuống cho biết, lợi dụng Tết cổ truyền, địch tung một tiểu đoàn dù đánh chiếm cao điểm 354 nằm ngay trên hành lang vận tải quân ta. Đơn vị phải hành quân gấp đến vị trí tập kết để tối nay đột nhập, tấn công chiếm lại cao điểm. Đại đội chuẩn bị xuất kích. Nhớ chuyện Hòa kể bữa trước, tôi ghé tai cậu ta hỏi nhỏ:

- Mồng một Tết này, cậu đã chọn giờ khai bút chưa?

- Chưa, cậu ạ! Chẳng phải chúng mình đang hành quân đi “khai… súng” diệt địch đây sao? Đất nước mình còn giặc, đồng bào mình, quê hương mình chưa được đón Tết bình yên, chúng mình còn phải đi “khai súng”. Mà cậu này, được về chiến đấu giải phóng quê mẹ, không hiểu sao lâu nay lòng mình cứ nhức nhối không yên. Quảng Trị mình anh hùng quá mà cũng đau thương quá. Là con của mẹ, tự dưng mình cứ ao ước, ngày chiến thắng, mình được về đây góp sức xây dựng lại đất này. Hết giặc, nếu còn sống, nhất định mình sẽ về đây, cậu ạ!

Sương vẫn sa như mây, như khói quanh đỉnh Sa Mù. Chúng tôi lên đường. Dáng những người lính đi như bay bay trong bồng bềnh sương khói. Ai đó khe khẽ hát hành khúc “Cùng hành quân giữa mùa Xuân”. Lời ca hào hùng quyện trong sương mây, giữa sớm xuân ra trận, nghe rạo rực lạ lùng…


Bút ký Nguyễn Xuân Diệu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN