Buổi chữa bệnh

Vào một buổi chiều đẹp trời, tại phòng mạch tư của bác sĩ Cao, giáo sư chuyên khoa tâm thần học có tay nghề cao nhất thành phố này, xuất hiện hai người khách.

Ông bác sĩ già mỉm cười:

- Tôi là bác sĩ Cao, có thể giúp được gì cho anh chị?

Người đàn ông trẻ với vóc dáng cao ráo, đôi mắt thông minh nhưng có vẻ hoảng hốt, tiến lại gần bác sĩ nói nhỏ:

- Tôi đưa vợ tôi đi chữa bệnh.

Người phụ nữ có khuôn mặt xinh xắn nhưng không trang điểm nên hơi nhợt nhạt, rầu rĩ nhìn bác sĩ:

- Tôi đưa chồng tôi đi chữa bệnh.

Minh họa: Trần Thắng


Bác sĩ Cao khoát tay:

- Về mặt nguyên tắc, tôi phải tiếp xúc với cả người nhà bệnh nhân lẫn bệnh nhân. Mời anh theo tôi trước.

Người đàn ông theo bác sĩ vào một căn phòng nhỏ trắng toát, chỉ có hai chiếc ghế tựa con để ở giữa phòng và một cỗ máy như máy chụp X-quang với màn hình trước mặt.

- Triệu chứng của vợ anh thế nào?

Người đàn ông thì thào:

- Cứ buổi sáng là cô ấy biến thành con người hoàn toàn khác, hung dữ và nanh ác. Mắt quắc lên trợn tròn và tóc tai dựng đứng trông rất đáng sợ. Còn tối đến thì ngược lại, rầu rĩ, ủ ê, hỏi gì cũng không nói rồi có lúc lại rấm rứt khóc mà nhà tôi có ai chết đâu. Chỉ thỉnh thoảng cô ấy mới trở lại là chính mình, nhưng ít lắm. Vì vậy tôi đoán cô ấy bị mắc bệnh đa nhân cách. Hơn nữa vợ tôi còn luôn tưởng tượng rằng mình là một cô gái đẹp tuyệt trần, có lúc thì cho rằng mình là nhà hùng biện đang đứng trước một đám đông ở hội nghị cơ quan và thuyết trình hăng hái đến nỗi nồi cá kho cháy khét mà không hay biết gì. Thậm chí cô ấy còn luôn bị ám ảnh về người vợ hai và lũ con riêng đông đúc nào đó của tôi. Và tệ hơn, gần đây cô ấy còn khẳng định rằng tôi bị thần kinh. Nên có lúc tôi còn cho là cô ấy bị chứng hoang tưởng.

Ở phòng ngoài, bác sĩ hỏi người vợ:

- Biểu hiện của chồng chị thế nào?

Người phụ nữ rơm rớm nước mắt:

- Anh ấy có đầy đủ triệu chứng của người mắc bệnh tự kỷ. Luôn thu mình một chỗ với những đồ vật quen thuộc. Cả ngày lầm lì chẳng nói chẳng rằng, không giao tiếp, và hễ cứ thấy người lạ là tỏ ra tránh né, khó chịu. Luôn nhắc đi nhắc lại một câu vô nghĩa “Làm sao chịu nổi, làm sao chịu nổi”. Ðặc biệt nếu thấy ai đụng vào những đồ vật riêng là anh ấy lại nổi xung lên. Hai tay nắm chặt, mắt vằn tia máu, hung dữ vô cùng. Có lúc anh ấy còn muốn tự tử, vì thế tôi cho rằng chồng tôi bị trầm cảm giai đoạn ba. Hơn nữa gần đây anh ấy còn mắc luôn chứng trì độn, nói mãi một điều vẫn chưa hiểu.

Kể xong người vợ bật khóc. Bác sĩ gật đầu thông cảm rồi mời người phụ nữ sang phòng bên cạnh.

- Anh chị ngồi đây chờ tôi một chút.

Người vợ chợt thấy một luồng gió mát lạnh như thể có ai đó vừa bật công tắc điều hòa nhiệt độ. Nàng nhìn theo ông bác sĩ dẫn anh chồng ra ngoài mà khoan khoái nghĩ “Thôi, liệu mà chữa bệnh cho chóng khỏi, ông ấy giỏi lắm đấy”. Bất chợt cửa phòng bật mở, nàng ngạc nhiên nhìn thấy anh bạn học cũ thời phổ thông mà hôm nọ tình cờ gặp trong một cuộc hội thảo. Anh này hồi đi học là thần tượng của lũ con gái trong lớp và trái tim nàng cũng đã không ít lần xao xuyến. Nàng ấp úng:

- Anh làm gì ở đây vậy?

- À, anh mời bác sĩ Cao đi dự hội thảo. Thế còn em?

- Em… tưởng đây là phòng mạch nha sĩ nên vào nhầm – Nàng nói dối.

- Em có bận gì không?

- Có, à… không.

- Vậy mình đi làm tách cà phê chứ, nhân tiện bàn về chuyện họp lớp.

Anh bạn học kéo ghế mời nàng ngồi rồi xúc một thìa đường vào tách cà phê cho nàng, lại còn hỏi nàng có uống ngọt được không, đường không tốt cho sức khỏe và có thể sẽ làm phụ nữ tăng cân. Nàng luống cuống đánh rơi một giọt cà phê và anh vội vàng lấy giấy cho nàng, còn cẩn thận lót thêm một tờ giấy vào tách sợ nàng bị bỏng tay. Nàng thoáng nghĩ người phụ nữ nào lấy được anh sẽ thật tốt số. Ðây sẽ là người đàn ông chăm chỉ, biết chăm sóc và thông cảm với vợ chứ đâu có như chồng nàng. Sáng nào nàng cũng cuống lên với trăm thứ việc vặt cho kịp giờ làm còn anh ta chỉ biết nhắm tịt mắt “Cho anh ngủ thêm tí nữa”. Dậy rồi thì cắm cúi ăn sáng, không thèm khen ngon câu nào và xách túi đi thẳng ra cửa, để lại một đống chăn chiếu còn vo viên.

Anh bạn học bất chợt hỏi khiến nàng giật mình:

- Công việc của em thế nào?

Nàng kể về những cạnh tranh ở cơ quan, về trận tranh luận gay gắt ở hội nghị ngày hôm qua rồi sau cùng là về lời khen thưởng mới nhất của sếp khiến trưởng phòng cũng phải ghen tị. Anh bạn học ngồi nghe như uống từng lời nàng nói, thỉnh thoảng lại bình luận một câu rất hợp ý, cứ y như đọc được ý nghĩ trong đầu nàng vậy.

Nàng nhớ đến anh chồng cứ ngồi im thin thít suốt bữa ăn mà giận sôi lên. Ðã thế hôm nào cũng để nàng chờ cơm đến khuya, người nồng nặc mùi bia, thấy vợ khóc không an ủi một câu lại tròn mắt lên nhìn cứ như người bị đao. Và nàng tưởng tượng ra cảnh anh bạn học sẽ là chồng nàng, sẽ về nhà rất sớm, thơm nhẹ lên má nàng và hỏi “Em đi làm về có mệt không?” rồi bất ngờ rút ra đôi vé xem phim, bộ phim hài lãng mạn mới nhất có diễn viên mà nàng hâm mộ. Nàng mải nghĩ đến nỗi suýt sặc vì ngụm cà phê ngậm lâu trong miệng. Anh bạn học vội rụi điếu thuốc.

- Anh xin lỗi, có lẽ em sợ khói thuốc.

Nàng nhủ thầm “Người ta lịch sự thế chứ, đâu có như…” và liên tưởng đến cái phòng ăn mờ mịt khói như nông dân đốt rạ cuối vụ. Tàn thuốc thì rụi cả vào bát cơm lẫn cốc uống nước. Ðồ đạc thì bề bộn như cửa hàng đồng nát, từ còi xe máy hỏng cho đến bít tất cũ và giấy lộn. Thế mà ngày xưa mỗi lần nàng đến thăm đều thấy phòng anh sạch sẽ, thơm tho như phòng em bé. Lại còn vứt ngay bao thuốc vào sọt rác và tuyên bố “Anh sẽ bỏ thuốc vì em”.

Anh bạn học gợi ý.

- Mình đi bơi thuyền đi. Anh nhớ ngày xưa em rất thích bơi thuyền.

Nàng ngại ngần.

- Nhưng đó là trò cho bọn trẻ.

- Em nói cứ như mình là bà già ấy. Xem kìa, trông em chả khác nào cô bé còn học lớp 12.

Nàng lim dim mắt thích thú. Người ta ga lăng thế chứ. Ðâu có như… về đến nhà là chúi mắt vào máy vi tính hoặc cái ti vi, vợ có mặc chiếc váy mới cũng chẳng thèm liếc mắt. Ngày chủ nhật, nàng luôn phải giải khuây bằng cách rủ mấy cô bạn đồng nghiệp chán ngắt về nhà chơi. Anh ta đã thay đổi rồi. Có lẽ có người khác rồi cũng nên.

Trên chiếc thuyền con vịt, anh bạn học hỏi nàng:

- Em có nhớ hôm nay là ngày gì không?

- Ngày gì nhỉ?

- Ngày cô bé xinh nhất lớp 12A cất tiếng khóc chào đời ấy.

Nàng suýt bật khóc. Có lẽ đây mới chính là người đàn ông đích thực của cuộc đời nàng. Chứ không như.... để đến lúc vợ phải nhắc “Anh có nhớ hôm nay là ngày gì không?”. Mặt đần ra như học sinh trả lời môn triết rồi nửa tiếng sau mới à lên “Ngày phòng chống ma túy phải không em?”.

Nàng lâng lâng trong niềm hạnh phúc khi anh bạn học quỳ xuống chân nàng.

- Em có đồng ý lấy anh không?

Nàng và anh bạn học nhanh chóng tổ chức đám cưới. Ngày đầu tiên bắt đầu cuộc sống mới, nàng thấy anh chồng mới vừa lạ lại vừa quen. Sáng ra anh ta cũng lè nhè “Ðể mặc anh ngủ thêm tí nữa”. Tệ hơn là anh ta còn ngước đôi mắt lờ đờ nhìn nàng rồi lại há mồm ngáy những âm điệu đa dạng như một bản nhạc jazz ngẫu hứng.

Anh ta về nhà lúc nửa đêm và ngủ trong toa lét vì nhầm đó là quán rượu quen. Anh ta cũng ôm lấy cái tivi, cũng lầm lì ít nói và thậm chí khi nàng đụng vào đồ đạc riêng, anh ta không những chỉ nắm chặt nắm đấm mà còn tát nàng một cái. Một lần nàng còn bắt gặp anh ta nói chuyện với cô đồng nghiệp mặt lưỡi cày ở cơ quan nàng “Trông em chả khác nào cô bé còn học lớp 12…”.

Người chồng khoan khoái nhìn theo ông bác sĩ dẫn cô vợ ra ngoài.

- Thôi cố gắng chữa trị em ạ. Ông ấy có kinh nghiệm lắm đấy.

Chưa nói hết câu thì cửa phòng bật mở và chàng nhìn thấy cô bạn đồng nghiệp mới xin vào cơ quan thực tập. Cô gái có mái tóc quăn từng lọn, khuôn mặt ngây thơ, đôi mắt mơ màng và chàng đã tự đặt tên cho cô là Mimi vì cô đáng yêu chả khác nào một cô mèo con bé bỏng. Chàng buột miệng:

- Mimi đến đây làm gì vậy?

- Em là cháu bác sĩ Cao. Thế còn anh?

- À ... anh cứ tưởng đây là phòng tim mạch nên vào nhầm?

- Tim anh bị sao à? - Mimi hỏi với giọng lo lắng.

Có thế chứ, một người con gái tinh tế và nhân hậu. Ðâu có như vợ chàng. Ðược ngày nghỉ thư giãn, muốn vợ chăm sóc tí chút lại còn làm đau đầu thêm bằng cách đưa một lũ bạn lạ hoắc về nói cười rúc rích mà chàng biết thừa mình là đề tài hấp dẫn nhất trong câu chuyện. Ðã thế lại còn lôi hết quần áo trong tủ ra thử như thể thổ dân trên đảo lần đầu tiên nhìn thấy vải vóc không bằng. Những cô bạn của vợ chàng cô nào cô nấy bôi son đỏ choét và chẳng biết nói chuyện gì hơn ngoài kể về mấy chàng trai hấp dẫn mới quen.

Mimi hất mái tóc một cách quyến rũ để lộ cái cổ cao trắng ngần mà bất kỳ đấng mày râu nào cũng đều muốn đặt lên đó một nụ hôn.

- Bác em đang bận. Anh có muốn sang quán bên cạnh ăn chút gì không? Nhân tiện em hỏi anh mấy thứ về chuyên môn.

Chàng vội vàng gật đầu.

- Ừ, anh cũng đang định bàn với em về cách tổ chức hội thảo tuần tới.

Mimi mở chai bia rồi rót vào cốc điệu nghệ đến nỗi không sánh ra ngoài giọt nào. Cô cẩn thận lấy giấy lau cốc cho khỏi ướt rồi mới đưa mời chàng bằng hai tay, lại còn gỡ thịt từ chiếc đùi gà đặt vào đĩa của chàng, không quên rắc lên đó vài sợi rau mùi và hạt tiêu. Chiếc váy hồng mỏng manh bó sát vào thân hình có dáng chiếc đồng hồ cát. Chàng có thể cảm thấy cái viền đăng ten cổ áo kia chạm vào mặt chàng, buồn buồn và dễ chịu. Chàng tưởng tượng ra cảnh Mimi trong chiếc váy ngủ gợi cảm đứng cạnh giường đón chàng vào buổi sáng, tay bê chiếc khay trên có bát bún thang bốc khói, món ăn mà chàng yêu thích, và một tách cà phê thơm lựng. Mimi dụi đầu vào ngực chàng và hỏi chàng có muốn massage một chút cho dễ chịu không. Ðâu có như ... đúng lúc đang mơ được tuyên dương trước hội nghị cuối năm thì một bàn tay lạnh toát luồn vào chăn và cứ thế cù vào gan bàn chân. Ðầu tóc thì bù rối, ở nhà mà quần chùng áo dài y như đang cưỡi lạc đà ngoài sa mạc. Lúc phải đi đâu thì ăn mặc diêm dúa, hở hang cứ như phụ nữ chưa có chồng. Sáng nào cũng biết tỏng sẽ có một món đang chờ ngoài bàn là mì tôm rắc tương ớt.
Mimi lại gắp cho chàng một miếng nem cua bể.

- Em đề nghị thế này, ở công ty anh là người có chuyên môn giỏi nhất, vì vậy anh sẽ hướng dẫn em trong công việc, còn đổi lại em sẽ đánh máy tất cả các bản báo cáo và công văn cho anh.

Chàng ngả người vào thành ghế một cách khoan khoái. Có thế chứ, lâu lắm rồi chàng mới được nghe những câu dễ chịu như thế. Chả bù cho vợ chàng suốt ngày chỉ lặp lặp đi lặp lại mỗi điệp khúc như thể chàng đang phải đeo máy điếc.

- Tôi chẳng hiểu anh làm được cái trò trống gì ở cơ quan mà tối ngày dúi vào đó - Rồi lại dùng phương pháp suy luận rất phi logic, câu sau không ăn nhập vào câu trước - Con bạn mình thế mà sướng.

Tối nào chàng cũng phải bù đầu đánh báo cáo, một công việc mà chàng ghét nhất, vậy mà vợ chàng lại cứ lảm nhảm:

- Cái Hồng Hoa sướng thế, chủ nhật này chồng nó lại cho đi Nha Trang đấy.

Lúc chàng không phải soạn báo cáo và ngồi đánh đàn, cô ta lại van xin:

- Anh có thể nghỉ một chút cho em thở được không. Em đau đầu quá.

Thế mà ngày xưa cô ấy luôn ca ngợi rằng chàng đúng là một nhà kinh doanh nghệ sĩ, rằng cô ấy yêu chàng vì sự thông minh, tài hoa, tháo vát. Cô ấy đúng là đã thay đổi rồi. Hay là có kẻ thứ ba đã xuất hiện? Nghĩ đến đó chàng giận sôi lên. Mimi rót thêm bia vào cốc cho chàng.

- Hôm qua em xin được một cặp vé đá bóng đấy. Em đoán là anh thích.

Sao lại có người phụ nữ tuyệt vời nhường ấy, biết tôn trọng sở thích và tự do cá nhân của người khác. Ðúng là trận bóng mà chàng tìm cách mua vé suốt một tuần nay mà không được. Ðâu có như… đang xem trận đấu mà cả hành tinh đều chiêm ngưỡng thì đột ngột trên màn hình hiện ra cảnh đôi trai gái tóc vàng, mắt một mí đang đưa nhau đi tự tử. Có lẽ cô ta chỉ có thú vui duy nhất là xem phim Hàn Quốc và làm biến mất mọi đồ đạc. Có hôm chàng bị muộn làm vì tìm mãi không thấy đôi bít tất, hôm thì bị sếp quở vì đánh mất bản báo cáo, mãi tuần sau mới phát hiện ra chúng nằm trong sọt rác cùng đống giấy lộn. Hóa ra ngày xưa cô ta đã lừa chàng khi mở to cặp mắt long lanh.

- Anh kể chuyện bóng đá nữa đi.

Chàng choáng váng vì phát hiện ra mình bị lừa đến nỗi mặt đỏ tía lại. Mimi hốt hoảng:

- Anh say rồi, để em đánh gió cho anh nhé.

Chàng khóc òa lên. Ðây mới đích thực là nửa còn lại của chàng. Mimi sẽ là vợ chàng, cô sẽ đón chàng những lúc đi làm về, đỡ cho chàng cái cặp và lấy chiếc khăn mặt ấm áp vào trán chàng, lại cằn nhằn một cách đáng yêu:

- Em ghét ông sếp của anh lắm, cứ ép anh uống nhiều. Khổ thân anh, phải làm việc quá sức đây mà.

Chàng ngỏ lời cầu hôn và Mimi nhanh chóng đồng ý. Nhưng ngay ngày đầu tiên, chàng đã thấy Mimi có những câu nói mà chàng nghe ở đâu rồi. Mimi chẳng đón chàng lúc ngủ dậy bằng chiếc váy ngủ viền đăng ten trắng mà mái tóc quyến rũ được vấn ngược lên tua tủa. Tệ hơn, Mimi còn đi làm trước để mặc chàng với cái bụng đói meo. Mimi không những nghiện phim Hàn Quốc mà còn nghiện phim của tất cả các quốc gia làm ra điện ảnh. Sau những lần dọn dẹp của Mimi, chàng còn tìm thấy cái áo sơ mi để lẫn vào khay rau trong tủ lạnh. Thậm chí vào các ngày chủ nhật, mấy cô bạn của Mimi còn dẫn theo vài anh chàng mặt mày lấc cấc. Và có lần chàng nghe thấy Mimi nói với một tên mắt lồi như mắt cua.

- Cô nào được làm vợ anh thật tốt số.

Bác sĩ Cao giật bắn mình vì hai tiếng rú kinh hoàng. Hai vị khách đứng bật dậy. Chị vợ rụt rè.

- Anh ấy khỏi bệnh rồi ạ.

Anh chồng nắm chặt tay vợ kéo đi.

- Tôi... à chúng tôi khỏi bệnh rồi ạ.

Bác sĩ Cao ngăn lại.

- Thế anh chị không hỏi về phương pháp chữa trị của tôi à? - Bác sĩ chỉ chiếc máy trong góc phòng. - Đây là loại máy tính công nghệ siêu việt nhất với các thiết bị giúp tạo ra không gian ảo. Ví dụ đối với các bệnh nhân bị ám ảnh về nỗi sợ độ cao thì thiết bị này sẽ khiến họ cảm thấy mình đang đứng trên ban công của tòa nhà 20 tầng để họ biết là không có gì đáng sợ cả. Còn đối với những bệnh nhân mắc bệnh ảo tưởng về một điều gì đó thì tôi sẽ làm theo quy trình ngược lại. Anh chị hiểu chứ?

- Chúng tôi hiểu ạ, xin phép bác sĩ cho thanh toán viện phí?

Bác sĩ Cao chìa tờ hóa đơn.

- Cái gì vậy? 20 triệu đồng cho nửa tiếng chữa bệnh. Ông có còn lương tâm không đấy?

Hai vị khách tái mặt. Còn bác sĩ Cao khoan thai:

- Tôi mới chữa bệnh cho anh chị chứ chưa kê đơn thuốc. Tờ hóa đơn này cũng chính là một đơn thuốc. Vì mỗi khi bệnh tái phát, anh chị sẽ nghĩ ngay đến nó và bệnh sẽ lập tức thuyên giảm.

DiLi
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN