Bậc thềm ấu thơ

Mỗi lần, dọ dẫm từng bước cầu thang chung cư tối om, hay chậm rãi từng bước cầu thang cơ quan chật chội, hoặc thảnh thơi từng bước cầu thang cao ốc hiện đại, tôi thường chợt nhớ bậc thềm ngôi nhà tuổi nhỏ của mình.


Rất nhiều năm đã trôi qua, ký ức hạn hẹp của đời sống tất bật đã buộc tôi phải lãng quên nhiều thứ. Chỉ trừ bậc thềm ấu thơ vẫn vẹn nguyên, vẫn đậm nét trong cồn cào thương nhớ riêng tôi!


Người miền Trung vốn chịu đựng lũ lụt, từ lâu đã hình thành thói quen nhà nào cũng có thềm rất cao. Thềm nhà tôi cao hơn mặt đường khoảng nửa mét. Ba tôi nói: “Vì nhà có người già và trẻ em, nên phải thêm một bậc thềm cho dễ đi ra đi vào!”.


Tôi và bà nội chính là đối tượng thụ hưởng bậc thềm ấy. Hàng ngày ba mẹ đi làm, hai bà cháu quẩn quanh bậc thềm trông chừng nhau. Khi bà nội nấu cơm, thì tôi vẩn vơ chơi một mình và phát hiện có một tổ kiến dưới bậc thềm. Có lẽ đấy là niềm ngạc nhiên lớn nhất của thằng - nhóc - tôi 5 tuổi.


Tôi thích thú ngắm nghía những con kiến bò dọc bò ngang để cảm thấy không bị lẻ loi. Từ đó, ngoài bà nội hiền hậu, lủi thủi xóm công chức luôn vắng hoe vào giờ hành chính, tôi có thêm những người bạn vừa bé bỏng vừa có nhiều chân.


Và mùa đông, nước lũ mấp mé bậc thềm, tôi hốt hoảng hỏi: “Con kiến có biết bơi không? Lỡ nó chết đuối thì sao?”.


Bà nội cười móm mém: “Con kiến nó khôn lắm, nó biết đoán trước thời tiết, nước lũ chưa kịp đến thì nó chuyển chỗ khác rồi!”.


Trả lời chưa hết thắc mắc của tôi, bỗng nhiên bà nội hạ giọng: “Không biết nước lũ vô nhà, thì ai lượm dép dùm bà cháu ta!”.


Suốt mấy năm tôi khờ dại, cứ nước lũ vượt qua bậc thềm thì hai bà cháu nhấp nhổm trên cái giường kê thật cao, và mỗi người theo đuổi một nỗi sợ. Tôi sợ con kiến đi lạc, còn bà nội sợ lũ cuốn trôi mất dép của chúng tôi!


Lớn một chút, tôi đi học. Bà nội tiễn tôi khỏi bậc thềm và đón tôi nơi bậc thềm. Bao giờ tôi tan trường, cũng thấy bà nội ngồi chờ.


Có khi tôi ham chơi, rời khỏi lớp học lại mải mê lang thang cùng bạn bè, chập tối mới về nhà, bà nội mắng: “Bà đợi cháu bóng nhẵn cả bậc thềm rồi!”.


Thế nhưng, bà nội không muốn tôi bị đánh đòn, vì vậy chẳng bao giờ mách chuyện tôi lêu lổng với ba tôi. Năm 10 tuổi, tôi ngơ ngác nhìn mẹ tôi ngồi khóc nơi bậc thềm ấy, ngày bà nội mất!


Tôi ngây ngô có hiểu gì về sự chia biệt đâu. Tôi không còn cơ hội cầm lược chải mái tóc trắng như cước cho bà nội những buổi trưa hè nữa.


Bậc thềm cũ, mình tôi ngồi lại với những ước mơ đầu tiên của một cậu học trò tỉnh lẻ. Tôi ước mơ những đám mây bay thấp. Tôi ước mơ những dòng sông êm ả sương mờ. Tôi ước mơ những vạt áo dịu dàng nắng sớm. Tôi ước mơ những chuyến đi xa. Tôi ước mơ những chân trời lạ…


Bao ước mơ thấp thoáng thuở đó, thỉnh thoảng hồi tưởng tôi chợt nghe đuôi mắt cay xè, vì không có ước mơ nào dành tặng bà nội!


Năm 18 tuổi, tôi khăn gói vào Sài Gòn lập thân, lập nghiệp. Hành trang đáng tin cậy nhất mà tôi mang theo, là dáng mẹ đứng nơi bậc thềm bùi ngùi vẫy tay khi chiếc xe chở tôi lăn bánh khuất dần.


Hơn 10 năm bôn ba chốn đô thị nhộn nhịp, tôi đã đặt chân đến nhiều khách sạn nguy nga, tôi đã đặt chân đến nhiều biệt thự lộng lẫy, nhưng chưa từng nguôi ngoai hoài niệm ngôi nhà đơn sơ ở cố hương.


Ngôi nhà đơn sơ ngày xưa đã được sửa sang nhiều lần, đã thay nhiều màu sơn khác, tôi vẫn mường tượng được bậc thềm cũ với khuôn mặt mẹ tôi hiu hiu chiều gió bấc.


Bậc thềm cũ hôm nay mẹ tôi ngồi đúng chỗ hôm nao bà nội tôi thường ngồi. Tấm lưng mẹ cũng gần giống tấm lưng bà nội, đôi lúc hiện lên trong giấc chiêm bao lảo đảo của kẻ tha phương cầu thực là tôi như một điểm tựa bình yên!


Bây giờ mỗi khi có dịp, tôi đều thu xếp về thăm quê nhà. Bậc thềm ấu thơ không còn tổ kiến ấu thơ nữa, nhưng bậc thềm ấu thơ vẫn nhắc nhở tôi giá trị tình thân độ lượng bất tận.


Bậc thềm ấu thơ lặng lẽ góc phố nghèo vẫn tỏa ra một vùng sáng bao dung, để những bon chen và xô đẩy không thể khiến tôi ngả lòng. Có phút giây nao núng tôi nghĩ, những người cùng mình đi qua cõi đời này, không phải ai cũng chìa bàn tay dìu dắt như bà nội, không phải ai cũng chìa bàn tay chở che như mẹ.


Tuy nhiên, dẫu gặp nghiệt ngã chừng nào, dẫu gặp bội bạc đến đâu, tôi vẫn ngoảnh lại bậc thềm ấu thơ để được kiêu hãnh làm người lương thiện!


Theo TGPN


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN