Đã tám mươi lăm tuổi trời cho, bà ngoại già lắm rồi! Đi lại chẳng được, người sồ sề, chân xưng khớp tấy đỏ liên miên, đầu năm lại bị xuất huyết não, nên giờ bà chỉ có thể ngồi được trong cái ghế độn rơm ở góc nhà. Bữa cơm, mẹ bưng riêng một mâm đến cho bà ăn. Bà nhai móm mém, hạt được, hạt rơi ra ngoài. Ăn xong, thui thủi ở góc nhà, bà ngồi gà gật, nửa ngủ nửa thức. Nửa ngủ nửa thức, nhưng xem ra bà biết hết. Kể cả khi bà ngáy rờn rờn. Có lần cả nhà ngủ tít, có thằng kẻ trộm quen mò vào bếp, bắt hai con ngan, rón rén đi ra. Tưởng trót lọt, bỗng cậu chàng giật thót mình vì nghe tiếng bà gọi: “Này anh kia, anh còn quên một thứ!”. Thứ gì? Cậu chàng đạo tặc quay lại, ngơ ngác. Bà thản nhiên: “Lấy thêm cái nồi gang về nữa mà luộc ngan chứ !”. Thế là cậu nọ sợ quá, vứt hai con ngan lại, chạy són đái ra quần.
Bà ngồi ở góc nhà gà gật, nhưng bà biết không sót một việc gì. Bà gọi:
- Cái Hồng đâu rồi, bát đũa ăn từ buổi sáng sao chưa rửa? Mẹ mày đi làm ở nhà ga sắp về rồi, khéo không lại nhừ đòn!
- Hải ơi, nồi rửa chưa mà mày nhóm bếp dầu để nó cháy đùng đùng ở ngoài sân thế kia à!
- Thằng Tuất đâu, trời sắp mưa rồi không cất quần áo đi à! Sao chúng bay đi đâu cả rồi, chẳng thấy học hành gì cả là thế nào?
- Đứa nào để máy nước chảy tong tỏng thế kia mà không khoá lại, phí của giời mười đời không có mà ăn đâu, con ạ.
Con cái lớn lên, bố mẹ già đi. Bà thành bé nhỏ và như là người thừa. Bà có vẻ như thừa ra, hơn nữa còn là người cản trở lũ trẻ con. Chúng mải chơi bời nên sinh ra lười biếng. Hết trò chơi điện tử lại đàn đúm bạn bè, chơi nhẩy dây, chơi tam cúc ăn búng, quên cả rửa bát, khóa nước máy. Học không học, sểnh cái là nhót ra phố, bếp không đóng cửa, để gà vào bới lộn lung tung.
Thành ra bà cứ phải nhắc nhở chúng liên tục. Và như vậy là bà gây phiền cho chúng. Chúng lập tức khó chịu với bà. Thoạt tiên là chúng cứ lờ đi khi nghe bà nhắc nhở. Sau đó, nếu bà còn tiếp tục nhắc nhở thì chúng cãi lại bà. Thằng Tuất đang học bài, nghe bà nhắc, liền cau mặt, xì một hơi: Bà giỏi thì bà làm đi, lắm chuyện! Tệ hơn là cái Hải. Cái Hải mười ba tuổi, nghịch ngợm và hỗn láo lắm. Bảo nó cất quần áo cho bố mẹ, rồi đi học bài, nó như điếc, cứ chơi nhẩy lò cò với bạn bè. Bà nhắc lần thứ hai, thứ ba, thứ tư, nó liền giậm chân, quát:
- Bà chỉ lắm mồm!
Bà nhìn nó, khe khẽ:
- Bà nói cho ấm thân mày!
Nó lại vênh mặt:
- Bà chỉ lắm điều, điếc tai!
Hấp háy hai con mắt kèm nhèm, bà gật đầu hiền lành:
- Ừ, bà già rồi, bà chỉ còn có cái mồm nói được thôi.
Cái Hồng đang chơi nhảy dây, thấy vậy, liền ngoái lại:
- Bà ơi! Bà hãy lo cho thân bà đi! Anh Tuất anh ấy nói đúng đấy: Bà giỏi thì bà đi làm đi!
Bà chùi nước mắt lăn trên má, thều thào:
- Bà làm được thì bà làm rồi, các cháu à!
Tối ấy, bọn trẻ con hàng xóm mách bố cái Hải hỗn láo với bà. Bố gọi cái Hải lại, hỏi tội nó và dang tay tát cho nó một cái. Nhận cái tát vẹo cả mặt, cái Hải lủi vào bếp, im thít. Còn oan nỗi gì mà khóc với lóc!
Chiều hôm sau, đang ngồi ở góc nhà , bỗng bà nghển lên rên rẩm: “Thôi, đừng chấp chúng nó”. Bâng quơ cứ như bà nói trong cơn mê ngủ vậy. Rồi bà đặt bát cơm xuống, nhìn ra ngoài trời đêm đang vi vút ngọn gió mùa lạnh lẽo, run rẩy:
- Rét rét lạ nhỉ! Không hiểu thằng cả Tèo đi bộ đội ở biên giới giờ có quần áo ấm không? Ngồi ở góc nhà ấm cúng thế này, nghĩ mà thương nó quá!
Lần này thì không phải bà nói bâng quơ nữa. Câu nói của bà khiến mọi người, kể từ mẹ đến thằng Tuất lớn tướng, cái Hải bướng bỉnh, cái Hồng bé xíu, đang ăn cơm đều im lặng, ngẩn ngơ.
Mẹ đặt bát xuống rìa mâm, sụt sịt:
- Chỉ có bà là nhớ thằng Tèo thôi. Còn chúng bay, chúng bay có nhớ đến người khác khổ sở đâu. Sống mà chỉ nghĩ đến mình thì sống sao được!
Nói rồi, bỗng nhiên mẹ sa hai hàng nước mắt. Ngẩng lên, hai mắt giàn giụa, mẹ nấc nghẹn từng hơi ngắn ngắn. Như bị oan ức. Mẹ khóc từ đó cho đến lúc đồng hồ buông tám tiếng chuông, khi mấy đứa ngồi vào bàn học bài. Thấy vậy, thằng Tuất liền đến bên mẹ, vừa định khe khẽ hỏi mẹ làm sao thế, thì mẹ bật khóc thành tiếng, rồi như không kìm được giận dữ, mẹ gào lên càng lúc càng thống thiết:
- Tôi khóc trước để khỏi khóc sau, có hiểu không, hở lũ bất hiếu, bất nghĩa kia! Bây giờ, chúng bay còn hỗn, còn vô ơn với bà thế. Hỏi rằng sau này, ai dám đảm bảo con cháu chúng bay sẽ không đối xử với tao như chúng hiện đang đối xử với bà? Hỡi thằng Tuất kia! Mày bây giờ bằng sào bằng gậy, mày dám ngoạc mồm ra thách đố bà, mày có biết lúc mày lên chín tuổi, mày bị đau ruột thừa, tao và bố mày đi vắng, nếu không có bà cõng mày, lội trong mưa gió hơn cây số đến bệnh viện cấp cứu, thì mày còn được đến bây giờ để hỗn láo với bà không? Còn con Hồng, con Hải, nỏ mồm cãi lại bà kia! Chúng bay có biết...