TP Hồ Chí Minh: Tìm nhiều nguồn cung vaccine COVID-19 để mở rộng đối tượng được tiêm

TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp đang tìm nguồn cung vaccine để có thể mở rộng đối tượng được tiêm, mục tiêu đến cuối năm 2021, sẽ có khoảng 2/3 dân số của thành phố được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Cần chuẩn bị các điều kiện

Việc tiêm vaccine COVID-19 đang được nhiều doanh nghiệp, người dân TP Hồ Chí Minh quan tâm, tuy nhiên việc tiếp cận nguồn cung vaccine đang gặp khó.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, để đảm bảo an toàn sản xuất, công tác phòng dịch của doanh nghiệp được tăng cường rất mạnh. Tuy nhiên, dù thực hiện nhiều biện pháp an toàn, nhưng doanh nghiệp vẫn rất lo lắng vì tất cả người lao động chưa được tiêm vaccine. "Doanh nghiệp rất mong muốn được tiếp cận nguồn vaccine để tiêm cho người lao động", ông Nguyễn Đặng Hiến cho biết.

Chú thích ảnh
Người dân TP Hồ Chí Minh đang mong được tiêm vaccine COVID-19 để phòng dịch COVID-19.

Chia sẻ thông tin về vấn đề nguồn cung vaccine COVID-19, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, người dân đang rất quan tâm đến vấn đề vaccine và nhu cầu tiêm vaccine đang tăng cao. Đây cũng là vấn đề “hot” tại các tỉnh, thành khi muốn duy trì thành quả của công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, để tìm nguồn cung vaccine, Sở và đại diện UBND TP Hồ Chí Minh đã làm việc với các doanh nghiệp có nguồn cung cấp vaccine, trong đó có một doanh nghiệp đã có nguồn cung 5 triệu liều vaccine COVID-19.

Hiện, doanh nghiệp đang chờ Bộ Y tế thẩm định kho bảo quản vaccine. Tuy nhiên, do TP Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách nên Bộ Y tế vẫn chưa thể thẩm định. "Ngay khi Bộ Y tế thẩm định xong, doanh nghiệp sẽ chuyển vaccine về để tiêm cho người dân", ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết. 

"Thực tế, để có nguồn cung vaccine hiện nay cũng không phải dễ. Gần đây, nhiều doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã đi đàm phán mua vaccine của các nước. Tuy nhiên, các đơn vị cung cấp  vaccine nước ngoài không chấp nhận đàm phán với doanh nghiệp mà chỉ đàm phán với Chính phủ. Điều này rất khó nếu muốn có nhiều nguồn vaccine khác nhau cho người dân TP Hồ Chí Minh", ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, khi có được nguồn cung vaccine, TP Hồ Chí Minh cũng phải có các kho trữ lạnh đủ tiêu chuẩn để bảo đảm chất lượng vaccine nhập về. Hiện tại, TP Hồ Chí Minh mới chỉ có một kho của Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam đạt tiêu chuẩn. Do đó, các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh cũng đang đẩy nhanh việc kiểm định các kho trữ lạnh nhằm chuẩn bị sẵn sàng khi vaccine được nhập về. Các kho trữ lạnh cũng không phải dễ thực hiện bởi mỗi kho trữ lạnh bảo quản vaccine lại có các mức nhiệt độ khác nhau, như - 20 độ C, - 70 độ C, -80 độ C… nên các tiêu chuẩn thẩm định cũng khác nhau.

Nói về công tác chuẩn bị khi có vaccine, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu nguồn cung và nhu cầu về vaccine đang rất bức bách. Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có đầu mối tiếp nhận thống kê nhu cầu tiêm vaccine của người dân. "Sở Y tế TP Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch trước, trong đó thống kê người dân thành phố thực hiện khai báo y tế trước để phân loại người dân thuộc nhóm nào về mặt nghề nghiệp, hay thuộc nhóm nào về mặt sức khỏe để được ưu tiên tiêm trước mỗi khi có nguồn vaccine nhập về; hoặc những ai bị dị ứng, có bệnh nền thì được ưu tiên tiêm tại bệnh viện tuyến trên", ông Võ Văn Hoan đề nghị.

Ngoài ra, ông Võ Văn Hoan cũng yêu cầu Sở Y tế và Sở Thông tin Truyền thông TP Hồ Chí Minh cần xây dựng thông tin mã vạch quản lý người dân đã được tiêm vaccin để dễ quản lý. Theo đó, sau này, những ai đã tiêm vaccine sẽ áp dụng đi qua lối xanh, ai chưa tiêm vaccine sẽ đi qua lối đỏ, từ đó Thành phố dễ thống kê kiểm soát dịch bệnh, vừa tiến tới phủ sóng việc tiêm vaccine trong toàn dân.

Mở rộng tối đa đối tượng được tiêm

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội TP Hồ Chí Minh trong 5 tháng qua vào chiều 11/6, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, TP Hồ Chí Minh sẽ thành lập tổ công tác mua và phân phối vaccine COVID-19, bởi đây không phải vấn đề đơn giản. 

Theo ông Nguyễn Thành Phong, mục tiêu của TP Hồ Chí Minh là tiêm vaccine COVID-19 cho toàn bộ người dân thành phố. Tuy nhiên, do nguồn cung không thể có một lúc nên cần phải theo lộ trình. TP Hồ Chí Minh đang cố gắng trong năm 2021 phải tiêm được 2/3 người dân thành phố đang trong độ tuổi được tiêm vaccine. Hiện nay, nguồn cung vaccine COVID-19 đang được đàm phán với nhà cung ứng, tùy loại vaccine được quy định tiêm cho từ độ tuổi nào.

Chú thích ảnh
Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại cuộc họp.

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, dù mục tiêu của TP Hồ Chí Minh là tiêm vacine cho toàn dân, nhưng sẽ có ưu tiên đối tượng tiêm vì số lượng hạn chế. Vì vậy, ngay từ bây giờ, TP Hồ Chí Minh cần lên danh sách thống kê, phân loại đối tượng để chuẩn bị sẵn sàng; khi có vaccine về là tiêm ngay cho người dân, tránh để vaccine không phân bổ đồng đều trong dân. 

Theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên, chủ trương của TP Hồ Chí Minh là mở rộng tối đa đối tượng được tiêm để người dân ai cũng được tiêm vaccine phòng COVID-19. Để đa dạng hóa cơ hội tiếp cận vaccine, Chính phủ cũng đã mở rộng cơ chế cho các doanh nghiệp được tiếp cận vaccine, khi doanh nghiệp tiếp cận được nguồn đảm bảo, đủ tiêu chuẩn là sẽ triển khai ngay. Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ kiểm tra chất lượng và kế hoạch tiêm.

"Vì vậy, doanh nghiệp cần mở rộng và tăng cường hợp tác, liên kết để tìm nguồn vaccine cho người dân thành phố.  Ai có nguồn cứ báo thẳng đến UBND TP Hồ Chí Minh với tinh thần mang vaccine về càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt để tiêm cho người dân",  Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.

Theo Nghị quyết 21 về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19, trong đợt 1 với nguồn vắc xin AstraZeneca, Thành phố được phân bổ 1,6 triệu liều, đợt 2 được phân bổ 56.250 liều. Từ ngày 3/6, TP Hồ Chí Minh tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đợt 3 với tổng số 71.900 liều do Bộ Y tế cung cấp, dự kiến hoàn tất vào ngày 15/8 theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh đã tiêm cho 6.070 người (mũi 1), gồm: 4.722 nhân viên y tế, 1.101 thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 các cấp, 311 sinh viên và giáo viên hỗ trợ công tác chống dịch, 247 người làm việc tại các khu cách ly mới thành lập.

Chia sẻ thêm về công tác chống dịch của TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, trong đợt dịch này, TP Hồ Chí Minh đã huy động tối đa lực lượng nhân viên y tế, sinh viên các trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Đại học Y Phạm Ngọc Thạch… lập những tổ lấy mẫu xét nghiệm. Trung bình mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh xét nghiệm 50.000 mẫu, thậm chí có ngày 70.000 - 80.000 mẫu, chi phí lên đến 7 tỉ đồng. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh ưu tiên lấy mẫu nguồn lớn như các khu công nghiệp - khu chế xuất và khu công nghệ cao.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, đến nay, Thành phố đã có 105 doanh nghiệp, cá nhân đăng ký ủng hộ kinh phí mua vaccine COVID-19 với số tiền 2.293 tỷ đồng và đã tiếp nhận đóng góp thực tế gần 122,76 tỷ đồng.
Chú thích ảnh

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Khi công nghệ 'tiếp sức' cho vaccine
Khi công nghệ 'tiếp sức' cho vaccine

Trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đang được triển khai ở khắp nơi trên thế giới, công nghệ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, qua đó giúp nhiều người tiếp cận được với vaccine COVID-19 và sớm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN