TP Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp chữa bệnh đùn đẩy trách nhiệm khi thực hiện công vụ

Trong 3 năm gần đây, TP Hồ Chí Minh luôn phải đối mặt với tình trạng quá tải công việc, trong khi tiền lương thấp, môi trường làm việc nhiều áp lực, tâm lý bị soi xét, xử lý... khiến một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý lo ngại, e dè, đùn đẩy trách nhiệm khi thực thi công vụ.

 

Chú thích ảnh
Nhiều địa phương ở TP Hồ Chí Minh có khối lượng công việc cao gấp 2 - 3 lần so với ở các tỉnh khác.

Khối lượng công việc tăng gấp 3 - 4 lần

Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, vì vậy công chức, viên chức tại đây cũng phục vụ số lượng người dân lớn nhất cả nước. Nếu như một cán bộ công chức, viên chức một quận, huyện ở các tỉnh, thành trên cả nước bình quân phục vụ khoảng 137.000 người dân thì ở TP Hồ Chí Minh phải phục vụ đến 441.000 người. Nghĩa là một biên chế của TP Hồ Chí Minh phải phục vụ người dân gấp 3,2 lần so với các tỉnh, thành khác trên cả nước.

Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, trung bình mỗi ngày xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) tiếp nhận khoảng 400 hồ sơ các loại. Trong khi đó, số lượng cán bộ được phân công nhiệm vụ trên các lĩnh vực chỉ từ 1 - 2 người, điều này đã tạo nên áp lực không nhỏ đối với cán bộ xã.

Chị N.T.N.A, cán bộ bộ phận tiếp nhận hồ sơ hành chính tại xã Vĩnh Lộc A cho biết, từ khi áp dụng quy định tinh giản biên chế, cả bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hành chính đang từ 35 người giảm xuống còn 5 người, vì vậy khối lượng công việc tăng lên gấp 3 - 4 lần so với trước kia. Cũng vì công việc tăng nên ngoài việc tiếp nhận hồ sơ của người dân, chị N.T.N.A còn kiêm thêm việc báo cáo cải cách hành chính hàng tháng để giảm bớt công việc cho các cán bộ, công chức khối văn phòng.

"Công việc quá nhiều, cán bộ thiếu, hệ quả là người dân phải chờ hàng giờ chỉ để làm thủ tục sao y - chứng thực, nhà đất... Cụ thể, tại xã chỉ có hai cán bộ nhập dữ liệu, kiểm tra pháp lý hồ sơ, đóng dấu vuông, đối chiếu, sao lưu, rồi trình lãnh đạo ký, đóng dấu tròn, sau đó thu phí, trả hồ sơ cho dân. Vì vậy, có hồ sơ hành chính có hạn ba ngày phải trả hồ sơ cho dân nhưng các cán bộ đều phải tranh thủ tăng ca tối để xử lý cho xong công việc trong ngày. Nếu để công việc hôm nay tồn đọng sang hôm sau thì khối lượng công việc các ngày sau lại tăng lên gấp 2 - 3 lần, như vậy sẽ càng vất vả hơn. Cũng vì làm việc nhiều hơn nên khi nào thấy tôi về nhà trước 18 giờ là người thân của tôi bảo đó là "chuyện lạ", chị N.T.N.A cho biết.

Chú thích ảnh
Người dân, doanh nghiệp mong muốn cán bộ hoàn thành công việc để tiết kiệm chi phí.  

Bà Lại Thị Bích Trâm, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A thừa nhận, trước đây xã có hơn 60 cán bộ nhưng từ đầu năm 2021 áp dụng chính sách tinh giản biên chế, đến nay xã chỉ còn 36 người. Do khối lượng công việc quá nhiều, cán bộ, công chức xã thường xuyên phải làm thêm việc. Hiện nay, đa phần mọi người tại xã làm việc đến 19 - 20 giờ, thậm chí 22 giờ phòng làm việc vẫn sáng đèn và nhiều cán bộ chưa làm xong việc, vẫn còn làm tăng ca cả ngày thứ bảy, chủ nhật.

“Chưa kể, nếu trong quá trình làm việc sai phạm sẽ quy trách nhiệm cho từng cán bộ, trong khi thu nhập lại thấp, việc nhiều, trách nhiệm cao nên vừa qua, nhiều cán bộ công chức, viên chức đã xin nghỉ việc. Điều này đang khiến cho xã rất khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và xã phải chật vật tìm kiếm nhân sự thay thế các nhân sự do quá tải công việc", bà Lại Thị Bích Trâm cho biết thêm.

Tình trạng này không chỉ diễn ra ở các xã, phường tại TP Hồ Chí Minh mà ngay ở các cấp quận, huyện và TP Thủ Đức cũng chịu nhiều áp lực vì quá tải công việc và trách nhiệm nặng nề.  Chị Vũ Thị Nguyệt, cán bộ công chức tại quận Tân Bình cho biết, từ sau giai đoạn bình thường, các cán bộ công chức cơ sở tại TP Hồ Chí Minh bị cắt giảm nên khối lượng công việc đổ lên vai các cán bộ, viên chức hiện hữu gấp 3 - 4 lần so với trước. Đó là chưa kể, cán bộ công chức còn bị “bủa vây” bởi các chính sách, pháp luật, quy định trong khi còn nhiều quy định, quy tắc, chính sách, pháp luật chưa cụ thể, còn chồng chéo, mâu thuẫn nhau. 

Bên cạnh đó, sự gia tăng đáng kể số lượng tổ chức Đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật trên cả nước, trong đó có TP Hồ Chí Minh, đã tạo áp lực vô hình đối với cán bộ công chức. Chính vì vậy, gần đây tâm lý "nhìn đâu cũng thấy sai phạm" khiến người dân trở nên xét nét, cảnh giác đối với cán bộ công chức trong thực thi công vụ. Trong nhiều trường hợp, cán bộ công chức có cảm giác rơi vào thế bị cô lập trong sự giám sát chặt chẽ của người dân.

Sớm giải quyết hệ lụy

Thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hồ Chí Minh... đã nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành, phân công việc cụ thể nhưng kết quả chưa đạt như mong muốn, trong đó có nhiều nguyên nhân. "Không phải chúng ta làm việc không có trọng tâm, không hiệu quả hay bị rối mà phải xem xét ở góc độ thành phố có độ mở rất cao, độ nhạy cảm lớn với kinh tế thế giới, nên bất kỳ biến động nào của thế giới thì TP Hồ Chí Minh là nơi chịu ảnh hưởng trước và nặng nề", ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Chú thích ảnh
Từ sau giai đoạn bình thường mới, các cán bộ công chức, viên chức cơ sở tại TP Hồ Chí Minh bị cắt giảm nên khối lượng công việc nhiều hơn. 

Mặt khác, một phần khó khăn của TP Hồ Chí Minh gặp phải có nguyên nhân từ một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức e ngại, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan nhất thì sự lo ngại ấy không phải không có cơ sở khi hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện nhưng vẫn có sự chưa đồng bộ, bất cập và chưa theo kịp thực tiễn cuộc sống.

Theo các chuyên gia hành chính, cũng vì phục vụ số dân quá đông, khối lượng công việc nhiều nhưng thu nhập của một công chức, viên chức cấp phường không cao... nên đã xảy ra những hệ lụy như: Cán bộ có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm khi thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân, "tham nhũng vặt", nộp đơn xin nghỉ việc hàng loạt, kéo theo đó các hồ sơ, thủ tục hành chính kéo dài vài tháng vẫn chưa được xử lý…

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết,  qua  khảo sát doanh nghiệp về độ hài lòng khi làm thủ tục hành chính của các sở, ban ngành thành phố, phần lớn đều cho rằng chưa cải thiện rõ rệt và chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhiều nơi "chia trách nhiệm", đùn đẩy trách nhiệm, sợ trách nhiệm; một khi cán bộ chờ đợi xin ý kiến thì hồ sơ hành chính của doanh nghiệp sẽ bị kéo dài vô thời hạn.

Chú thích ảnh
Người lao động mong muốn tìm công việc lương cao và ít áp lực. 

Liên quan đến tình trạng chậm trễ hồ sơ do cán bộ có tâm lý đùn đẩy trách nhiệm, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, tháng 3/2019, Công ty Lê Thành gửi hồ sơ lên Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh xin điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/2000 đối với dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên (giai đoạn 1). Hơn 3 năm, hồ sơ chưa được xử lý dù đã nộp lên 2 lần, trong khi chỉ tiêu điều chỉnh quy hoạch đã được UBND thành phố chấp thuận từ tháng 4/2021.

Trước đó, doanh nghiệp này cũng mất rất nhiều thời gian để làm thủ tục chấp nhận đầu tư dự án trên khi xin ý kiến các sở, ngành liên quan. "Nhiều khi lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, các sở, ban, ngành rất quyết tâm nhưng các chuyên viên - những người trực tiếp xử lý hồ sơ của doanh nghiệp lại làm chậm. Nguyên nhân của việc hồ sơ của đơn vị bị ngâm hơn 3 năm xuất phát từ tâm lý đùn đẩy, sợ trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức của thành phố”, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành nói.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh đối mặt với nguy cơ dịch chồng dịch
TP Hồ Chí Minh đối mặt với nguy cơ dịch chồng dịch

Trước thực trạng số ca mắc bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang có xu hướng gia tăng, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định, nguy cơ dịch chồng dịch đang hiện hữu nếu không có các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu cũng như sự chung tay của các Sở, Ngành, đoàn thể và người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN