TP Hồ Chí Minh: Tháo gỡ khó khăn trong xây dựng, phát triển trường lớp

Áp lực về trường, lớp để đảm bảo chỗ học cho học sinh đối với Thành phố Hồ Chí Minh ngày một tăng.

Thiếu trường, thiếu lớp nhưng đến nay thành phố mới thực hiện được 57% tổng diện tích quy hoạch đất dành cho giáo dục đến năm 2020. Ngành giáo dục thành phố đang rà soát mạng lưới trường lớp để làm cơ sở điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với thực tế.

Chú thích ảnh
Một giờ học của học sinh Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú. Ảnh minh họa: T.Hoài/TTXVN

Áp lực trường, lớp

Chuẩn bị cho năm học 2021-2022, quận Bình Tân đang rà soát, thống kê số học sinh trên địa bàn. Đây là một trong những địa phương có số học sinh hàng năm tăng cao, nhất là bậc tiểu học. Như năm học 2020-2021, quận có hơn 14.000 học sinh vào lớp 1, tăng hơn 4.000 học sinh. Dự kiến, năm học 2021-2022, quận Bình Tân chỉ có thêm một trường Tiểu học mới với 30 phòng học nên không thể kéo giảm áp lực về trường, lớp. Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân cho biết, quy hoạch đất giáo dục đã có nhưng đến nay quận thực hiện chưa tới 50%. Khó khăn lớn nhất là công tác đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng để xây dựng trường, lớp.

Cũng là một trong những quận có số học sinh tăng cơ học cao của thành phố, năm học 2021-2022, Quận 12 dự báo tiếp tục gặp khó khăn về cơ sở vật chất. Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 12 cho biết, năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1 nên quận thực hiện nhiều giải pháp để ưu tiên phòng học cho học sinh khối lớp này đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình. Tuy nhiên, cũng chỉ có 38% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày. Năm học 2021-2022, quận dự kiến có thêm một trường Trung học cơ sở mới, bậc Tiểu học không có trường mới. Do đó để đảm bảo chỗ học cho mọi học sinh quận phải tăng sĩ số học sinh/lớp, giảm số học sinh học 2 buổi/ngày. Thực tế này khiến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình ở lớp 2 và lớp 6 trong năm học tới khá khó khăn.

Quận Gò Vấp cũng đang tiến hành rà soát, thống kê số học sinh dự kiến cho năm học tới. Theo đó, từ ngày 22/3-30/4, tất cả phụ huynh trên địa bàn sẽ đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Trên cơ sở số liệu phụ huynh đăng ký và tình hình trường, lớp, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận sẽ xây dựng kế hoạch phân tuyến tuyển sinh phù hợp. 

Ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp cho biết, năm học tới quận sẽ phải tiếp tục tính toán, ưu tiên phòng học cho những khối lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Năm học 2020-2021, khối lớp 1 của quận có tỷ lệ học hai buổi/ngày đạt 76%, lớp 2 đạt 62%, lớp 6 đạt 90%. Dự kiến, năm học tới tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày khối lớp 1 là 70%, lớp 2 là 68%, lớp 6 là 70%. Thực tế trong nhiều năm qua quận cũng gặp khó khăn trong xây dựng trường lớp do còn vướng mắc trong việc thỏa thuận bồi thường với người dân để giải phóng mặt bằng. Hiện nay quận đang xúc tiến các thủ tục, công việc để xây dựng 2 trường Tiểu học ở Phường 12, Phường 9 và một số phòng học mới ở các Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Phường 16).

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm thành phố tăng từ 50.000 - 60.000 học sinh, nhiều quận, huyện rất khó khăn để đáp ứng trường lớp so với nhu cầu thực tế. Thành phố vẫn bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh nhưng không thể giảm sĩ số học sinh/lớp, có nơi 40-50 học sinh/lớp. Việc thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới cũng gặp khó.

Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đất dành cho giáo dục

Theo quy hoạch phát triển mạng lưới trường học của UBND thành phố, đến năm 2020, quỹ đất thành phố dành cho phát triển giáo dục là 1.904 ha. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, các quận huyện đều đã triển khai, xác định điểm trường theo quy hoạch. Tuy nhiên, cho đến nay toàn thành phố mới chỉ thực hiện được 57% so với tổng diện tích được quy hoạch. Số còn lại còn vướng mắc do thiếu vốn, khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc đất trong khu vực kho bãi hiện hữu.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, hiện thành phố đã đạt được 292 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học so với mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân vào năm 2025. Kết quả chung là khá tốt nhưng không đồng đều giữa các quận, huyện. Thực tế, ở những quận trung tâm không khó khăn, nhưng ở những quận, huyện ngoại thành lại rất áp lực do gia tăng dân số rất nhanh. Có những quận, huyện chỉ đạt 220-230 phòng học/10.000 dân như huyện Bình Chánh, quận Tân phú, Quận 12…; có xã có đến 3 trường tiểu học nhưng vẫn không đủ.

Do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố kiến nghị UBND thành phố tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo từng quận, huyện triển khai thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân. Đây là giải pháp nền tảng giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp diễn ra cục bộ ở các địa phương, gây thiệt thòi cho học sinh ở vùng ven, ngoại thành. Nếu không tháo gỡ được, việc thực hiện yêu cầu học sinh học 2 buổi/ngày của theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ rất khó khăn.

Mặt khác, theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, việc xây dựng, phát triển trường ngoài công lập cũng gặp khó. Hiện nay nhiều chủ đầu tư xây dựng trường mới hoặc thuê đất mở trường nhưng vướng quy hoạch sử dụng đất. Vì thế, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đề xuất các sở, ngành nghiên cứu phương án tạo điều kiện cho các chủ đầu tư xây dựng trường. Nếu chủ đầu tư đảm bảo các điều kiện về diện tích, cam kết đất được sử dụng lâu dài và hoạt động giáo dục ổn định thì cho phép mở trường. Qua đó, góp phần chia sẻ áp lực về trường, lớp với hệ thống trường công lập.

Về vấn đề này, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, mục tiêu và quan điểm của thành phố là tạo điều kiện cho 100% trẻ trên địa bàn trong độ tuổi đi học có chỗ học. Thành phố đang chuẩn bị cho kỳ quy hoạch đất giai đoạn 2021-2030, đây là cơ hội để các ngành điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phù hợp với thực tiễn. Vì thế, ngành giáo dục thành phố cần chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện rà soát tổng thể quy hoạch mạng lưới trường lớp, làm cơ sở điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho giai đoạn mới.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức nhấn mạnh, việc xây dựng quy hoạch mạng lưới trường lớp cần sát với thực tế, mang tính khả thi để không gặp vướng mắc như hiện nay. Đồng thời, khi đặt chỉ tiêu về quy hoạch đất cũng như số lượng phòng học phải theo từng địa phương, chứ không tính trên diện rộng toàn thành phố. Bởi mỗi khu vực có đặc thù khác nhau, có nơi có thể thực hiện vượt chỉ tiêu nhưng có nơi còn rất khó khăn.

T.Hoài (TTXVN)
Những điểm sáng của ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh
Những điểm sáng của ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh

Nhờ dự đoán trước tình hình tăng dân số cơ học để chủ động xây thêm trường lớp, năm học 2017 - 2018, mọi trẻ em kể cả trẻ chuyên biệt ở Thành phố Hồ Chí Minh đều được đến trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN