TP Hồ Chí Minh phát triển vùng sản xuất lúa, gạo ST25 hữu cơ

TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 5.000 ha diện tích canh tác lúa, tập trung ở các huyện ngoại thành. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang phát triển và hình thành vùng sản xuất lúa, gạo ST25 hữu cơ, nhằm giúp nâng cao giá trị sản phẩm cho nông dân, với quy mô ban đầu là hơn 220 ha tại huyện Bình Chánh.

Chú thích ảnh
Mô hình mẫu sản xuất lúa, gạo ST25 hữu cơ đầu tiên trên địa bàn xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Nhiều thửa ruộng đang chín rộ, đến ngày thu hoạch.

Ông Mai Ngươn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Từ diện tích đầu tiên 7 ha, với 7 nông hộ tham gia sản xuất lúa, gạo ST25 hữu cơ tại xã Hưng Long, đến nay huyện đã phát triển và hình thành vùng sản xuất lúa, gạo hữu cơ với quy mô hơn 220 ha trên địa bàn xã. Mô hình mẫu sản xuất lúa, gạo ST25 hữu cơ được ứng dụng canh tác với quy trình 6 bước; trong đó, phân bón được dùng là thủy phân enzyme với vitamin từ ABZ Organic, do chính một thành viên câu lạc bộ sản phẩm OCOP Bình Chánh sản xuất. Đến thời điểm này, mô hình mẫu có kết quả rất khả quan, nhiều nông hộ đã bắt đầu thu hoạch, sản lượng ước khoảng 5 - 5,5 tấn/ha".

Chú thích ảnh
Huyện Bình Chánh đang phát triển và hình thành vùng sản xuất lúa gạo ST25 hữu cơ với quy mô ban đầu hơn 220 ha.

“Mục tiêu việc phát triển vùng lúa, gạo ST25 hữu cơ là nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường và đảm bảo sức khỏe người dân. Không chỉ thế, Hội còn định hướng nông dân sản xuất "xanh" theo quy trình khép kín, từ khâu lựa chọn giống tốt, bón phân hữu cơ theo tiêu chuẩn an toàn và đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp nói chung, cây lúa nói riêng, từ đó từng bước xây dựng thương hiệu và tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP lúa ST25 của huyện Bình Chánh”, ông Khánh cho biết thêm.

Hiện nay, mô hình mẫu sản xuất lúa, gạo ST25 hữu cơ tại xã Hưng Long đang bước vào thu hoạch vụ hè thu. Nhiều nông dân trồng lúa ST25 vui mừng vì lúa được mùa, giá cả cao hơn so với trồng lúa thông thường. Anh Võ Văn Khôi (Ấp 4, xã Hưng Long), thành viên của Tổ hợp tác lúa cao sản tham gia canh tác thử nghiệm ngay từ mùa đầu tiên phấn khởi cho biết: “Tôi có hơn 7.000 m2 đất trồng lúa ST25 hữu cơ và áp dụng theo quy trình trồng mới. Hiện cây lúa đang đang cho hạt đều, ít bệnh và khỏe mạnh, cứng cáp hơn so với trồng lúa thông thường. Bên cạnh đó, đất trồng tơi xốp, không bị chai đất như xài thuốc hóa học. Với diện tích này, dự kiến sản lượng thu hoạch lúa của tôi đạt khoảng 3,5 tấn, cao hơn so với trồng lúa thông thường”.

Chú thích ảnh
Đặc trưng của lúa ST25 là hạt lúa dài, tròn và vàng óng. Mô hình mẫu sản xuất lúa, gạo ST25 hữu cơ đang đem lại kết quả rất khả quan, nhiều nông hộ đã bắt đầu thu hoạch, sản lượng ước khoảng 5 - 5,5 tấn/ha.
Chú thích ảnh
Anh Võ Văn Khôi kiểm tra ruộng lúa ST25 chuẩn bị thu hoạch.

Theo ông Khôi, mấy năm trước trồng giống bình thường năng suất chỉ đạt 2,6 tấn, giá bán chỉ khoảng 4 - 5.000 đồng/kg, đầu ra không ổn định, trong khi giá lúa giống ST25 thì cao hơn, được doanh nghiệp thu mua với giá 9.000 đồng/kg. 

Cách đó không xa là rộng lúa ST25 rộng 3.600 m2 của anh Trần Văn Nhã (Ấp 4, xã Hưng Long), vừa thu hoạch. Anh Nhã cho biết: “Những năm trước trồng lúa, tôi thường bón phân hóa học. Nhưng năm nay, khi tham gia Tổ hợp tác trồng lúa ST25, tôi chuyển qua dùng phân bón enzyme thấy lúa đạt hiệu quả rất cao, ít bệnh, đất lại tơi xốp. Qua vụ đầu tiên thu hoạch, sản lượng đạt 1,7 tấn, cao hơn so với trồng lúa thông thường, giá bán cũng cao hơn nên tôi rất là mừng. Đến vụ sau, tôi sẽ tiếp tục sử dụng phân hữu cơ và giới thiệu thêm cho các hộ nông dân khác tham gia bón phân hữu cơ và trồng lúa ST25”.

Chú thích ảnh
Máy cắt thu hoạch ruộng lúa ST25 của anh Trần Văn Nhã
Chú thích ảnh

Theo ông Khánh, ngoài địa bàn xã Hưng Long đang triển khai sản xuất lúa, gạo ST25 hữu cơ, còn có xã Tân Nhựt với quy mô quy hoạch 350 ha đất lúa. Hội nông dân huyện dự kiến triển khai trồng giống lúa ST25 khoảng 10 - 15 ha ứng dụng bón phân hữu cơ.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, bà Lê Thị Mai, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Hưng Long, huyện Bình Chánh cho biết: “Trên địa bàn xã Hưng Long có 220 ha đất trồng lúa, trong đó có 7ha đang trồng lúa ST25 hữu cơ. Hiện nay, các hộ sản xuất còn nhỏ lẻ, không tập trung, lợi nhuận thấp và đầu ra của sản phẩm cũng rất khó khăn. Vì vậy, Hội nông dân xã cũng định hướng và xin phép chủ trương của Đảng và chính quyền để cùng xây dựng cánh đồng mẫu ST25 dùng phân hữu cơ. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng vận động bà con, tuyên truyền cơ chế, chính sách về các giống lúa, trong đó có giống lúa ST25 để mang đến giá trị cao. Đồng thời, Hội nông dân cũng là cầu nối để liên kết với doanh nghiệp thu mua bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân”.

Chú thích ảnh
Bà Lê Thị Mai, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Hưng Long (ở giữa) đi thăm lúa ST25 hữu cơ của nông dân trên địa bàn xã chuẩn bị thu hoạch.

Theo bà Mai, Tổ hợp tác trồng lúa cao sản trên địa bàn xã có 7 thành viên với 7ha, trong đó người có diện tích ít nhất là khoảng 3.200m2, người nhiều nhất là 1,2 - 1,5 ha. Trong thời gian thí điểm trồng lúa ST25 cũng được các nhân viên, kỹ sư phía Công ty phân bón ABZ đến theo dõi quá trình của đất trong việc bón phân, chăm sóc lúa để có định hướng theo đúng quy trình 6 bước. Trong thời gian tới, Hội nông dân sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình trồng lúa ST25 và trồng các giống lúa mới ở từng khu vực để so sánh kết quả đạt được, sau đó triển khai ra toàn bộ diện tích trồng lúa trên địa bàn xã.

Bài, ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức
Trồng lúa hữu cơ ở xã đảo Long Hoà lãi đến 45 triệu đồng/ha
Trồng lúa hữu cơ ở xã đảo Long Hoà lãi đến 45 triệu đồng/ha

Hàng trăm hộ nông dân chuyên sản xuất mô hình lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh ở xã đảo Long Hòa, Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh phấn khởi vì mùa vụ trồng lúa ST.24 năm nay trúng mùa, được giá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN