Tại hội nghị, bà Mai Thị Ngọc Mai, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của mỗi gia đình mà còn của toàn xã hội. Việc phối hợp giữa hai đơn vị thực hiện Chương trình hỗ trợ học bổng và dinh dưỡng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2023 là việc làm hết sức có ý nghĩa.
"Đặc biệt hơn, báo cáo đánh giá dự án đã thành công, 100% các chỉ tiêu đề ra từ đầu đều đạt và vượt, trong đó, có những chỉ số vượt rất xa. Thành công đó là sự nỗ lực của Ban quản lý dự án, thể hiện dự án hướng tới đúng vấn đề, đúng nhu cầu thực tế của trẻ em”, bà Mai Thị Ngọc Mai chia sẻ.
Tổng kinh phí dự án đã chi cho các hoạt động hơn 1,7 tỉ đồng; trong đó, dự án tập trung phối hợp quận Tân Phú hỗ trợ dinh dưỡng cho 1.570 lượt trẻ; phối hợp Bệnh viện Nhi đồng 2, Trung tâm y tế quận Tân Phú tổ chức khám dinh dưỡng cho 549 lượt trẻ. Qua đó, xác định hơn 64% trẻ suy dinh dưỡng, nguy cơ suy dinh dưỡng và có các vấn đề về dinh dưỡng.
Dự án cũng đẩy mạnh truyền thông thực hành dinh dưỡng; mô hình vãng gia, lập hồ sơ và tư vấn can thiệp; kết hợp khảo sát về nhu cầu, những khó khăn của trẻ và gia đình, qua đó kết nối tới các cơ quan, đơn vị xem xét hỗ trợ. Đặc biệt, dự án đã phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Tân Phú thành lập Văn phòng tham vấn và cung cấp dịch vụ hỗ trợ trẻ em tại Ban điều hành khu phố 3, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh.
Theo Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, các chương trình can thiệp và hỗ trợ hướng tới nhóm trẻ em dưới 6 tuổi, trong đó tập trung nhiều nhất là nhóm dưới 3 tuổi, với các hoạt động như: Hỗ trợ dinh dưỡng, khám sinh dưỡng, truyền thông và thực hành dinh dưỡng có ý nghĩa quan trọng. Các hoạt động vừa giúp nâng cao chất lượng dinh dưỡng, kéo giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em, vừa góp phần nâng cao kiến thức và kỷ năng trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ em một cách hiệu quả nhất.