TP Hồ Chí Minh: Các KCX - KCN đóng góp hiệu quả trong công nghiệp và xuất khẩu

Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, sau 30 năm xây dựng, các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX - KCN) trên địa bàn thành phố hoạt động rất hiệu quả, đóng góp tỷ trọng lớn trong công nghiệp và xuất khẩu của địa phương. Sắp tới, TP Hồ Chí Minh sẽ phát triển KCX - KCN theo hình thái mới, có trọng tâm, trọng điểm.

Ngày 27/10, Hepza tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển các KCX - KCN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của các KCX-KCN, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho những năm tiếp theo.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển các KCX - KCN.

Mô hình hiệu quả

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn đầu thực hiện chính sách đổi mới, Chính phủ chủ trương làm thí điểm một mô hình kinh tế nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. KCX Tân Thuận đã ra đời vào ngày 25/11/1991 trở thành mô hình KCX đầu tiên của cả nước.

"Vượt qua những khó khăn thử thách, từ thành công của mô hình KCX Tân Thuận, lần lượt các KCX, KCN tại TP Hồ Chí Minh, cũng như tại hầu hết tỉnh, thành trong cả nước được thành lập. Sau 30 năm, TP Hồ Chí Minh có 3 KCX và 14 KCN đi vào hoạt động, góp phần thực hiện các mục tiêu thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Từ đó giải quyết việc làm, du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh phát triển", ông Hứa Quốc Hưng cho biết.

Theo thống kê đến tháng 9/2022, các KCX, KCN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 12,5 tỷ USD; trong đó, vốn đầu tư nước ngoài chiếm 45%. Bình quân hàng năm, các KCX, KCN thu hút hơn 260 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 58% vốn đầu tư nước ngoài của TP Hồ Chí Minh trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm của các KCX, KCN đạt 7 tỷ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP Hồ Chí Minh. Trung bình các KCX, KCN hàng năm nộp ngân sách Nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng, chiếm 6% thu ngân sách Thành phố (không kể dầu thô); giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động, chiếm 6% lực lượng lao động của TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Người lao động tìm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7, TP Hồ Chí Minh).

Tuy nhiên, sau 30 năm hình thành và phát triển, các KCX, KCN cũng bộc lộ nhiều vướng mắc, hạn chế như: hiệu quả thu hút đầu tư, sử dụng đất chưa cao; mô hình tổ chức hoạt động KCX chậm được đổi mới; hạ tầng một số KCN thiếu đồng bộ; một số KCN đã được thành lập hoặc có quyết định đầu tư mở rộng chậm được triển khai…

"Hiện nay, nhiều KCX, KCN đã hoạt động được hơn một nửa thời hạn của dự án như: KCX Tân Thuận, Linh Trung 1 và 2; KCN Bình Chiểu, Tân Thới Hiệp, Vĩnh Lộc, Tân Bình, Tân Tạo, Tây Bắc Củ Chi, Hiệp Phước giai đoạn 1, vì vậy có không ít doanh nghiệp FDI băn khoăn, do dự đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị do thời gian còn lại ngắn, chỉ còn hơn 20 năm; thậm chí một số KCX-KCN còn chưa tới 20 năm...", ông Hứa Quốc Hưng cho biết.

Xu hướng phát triển mới

Theo ông Hứa Quốc Hưng, một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định cho sự phát triển các KCX, KCN của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung là cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ”. Cơ chế này ra đời và vận hành lần đầu tiên cùng với việc ra đời và phát triển của KCX Tân Thuận đã có đóng góp thiết thực trong việc xây dựng, phát triển thành công các KCX - KCN. "Đề nghị Thành phố và Trung ương tiếp tục duy trì, cho phép Hepza thực hiện cơ chế “một cửa, tại chỗ” trong giai đoạn phát triển mới, tạo môi trường và các điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư, là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thành công Đề án "Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2040" sau khi được phê duyệt", ông Hứa Quốc Hưng đề nghị.

Để thu hút đầu tư FDI, TP Hồ Chí Minh cũng cần tập trung xây dựng mới các KCN theo mô hình KCN chuyên ngành như công nghiệp dược, công nghệ thông tin, điện điện tử, cơ khí chế tạo, lương thực thực phẩm… gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo nhằm phát triển bền vững các KCX, KCN. Các KCX, KCN cần tăng dần tỷ suất thu hút đầu tư bình quân trên 1 ha đất, từ trung bình 6,23 triệu USD/ha lên 15 triệu USD/ha vào năm 2025; đồng thời nâng cao năng suất lao động và trình độ chuyên môn kỹ thuật của công nhân, người lao động trong các KCX - KCN.

Trong khi đó, ông Trần Tựu, Tổng Giám đốc Công ty Savipharm (KCX Tân Thuận) cho biết, để giữ chân các nhà đầu tư với các dự án hiệu quả hiện có, đồng thời khuyến khích, mời gọi các nhà đầu tư mới với các dự án được ưu tiên lựa chọn, TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư thuận lợi và các chính sách khuyến khích đầu tư. Trước hết, cần nghiên cứu đơn giản tối đa các thủ tục hành chính; hoàn thiện các quy trình đầu tư, danh mục các dự án đầu tư ưu tiên lựa chọn; công bố các chủ trương của Thành phố về việc ổn định và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện có, sớm hoàn thiện và công bố Bản quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2040…

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, trong suốt 30 năm hình thành và phát triển KCX - KCN có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ công nhân, người lao động đang làm việc trong các KCX - KCN của thành phố. "Anh chị em công nhân đã nỗ lực làm việc, kề vai, sát cánh cùng doanh nghiệp lao động sản xuất, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19 vừa qua. Cũng chính từ sự chung vai vượt khó đó, đã tạo nên mối quan hệ lao động giữa chủ doanh nghiệp và người lao động ngày càng gắn bó hơn", ông Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh cho biết.

Theo Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh, Thành phố không có chủ trương bỏ hay “xóa sổ” KCX - KCN nào mà đang có định hướng chuyển đổi KCX - KCN cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội hiện nay. Theo đó, ngoài việc giữ lại các KCX - KCN hiện hữu, Thành phố cũng sẽ mở rộng và linh hoạt cho các ngành nghề khi đáp ứng các tiêu chí, không gói gọn nhóm ngành từng khu như hiện nay để doanh nghiệp không phải qua khu vực khác; tiếp tục thu hút nhà đầu tư có năng lực mạnh về tài chính và có kinh nghiệm đầu tư quốc tế vào các KCX - KCN; quy hoạch các KCX - KCN có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục áp dụng mô hình cơ chế "một cửa, tại chỗ"...

Chú thích ảnh
KCX Tân Thuận là mô hình đầu tiên của cả nước. Tính đến nay, KCX Tân Thuận đã thu hút được 233 dự án đầu tư đến từ 25 quốc gia và khu vực với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 2,1 tỷ USD. 

"Sau 30 năm hình thành và phát triển, các KCX, KCN đã đạt được thành quả nhất định, hoàn thành sứ mệnh của giai đoạn đầu và tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo. Trong giai đoạn phát triển mới, các KCX - KCN của thành phố sẽ góp phần từng bước hiện thực hóa quan điểm, tầm nhìn của Bộ Chính trị về vị trí, vai trò của TP Hồ Chí Minh trong vùng Đông Nam Bộ; là thành phố hiện đại, thông minh, năng động sáng tạo. TP Hồ Chí Minh trở thành nơi thu hút nhân tài, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và cả nước", ông Nguyễn Văn Nên cho biết thêm.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Đầu tư vào khu công nghiệp – khu chế xuất: Cần hệ sinh thái dịch vụ đồng bộ
Đầu tư vào khu công nghiệp – khu chế xuất: Cần hệ sinh thái dịch vụ đồng bộ

Thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất không chỉ có mặt bằng và nhà xưởng mà cần phát triển đồng bộ các dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất cũng như đời sống cho đội ngũ lao động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN