Đây là tầm nhìn và sự mệnh kể từ khi KCNC TP Hồ Chí Minh thành lập năm 2002. Ngày nay, với yêu cầu phát triển đất nước nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng và trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, KCNC đã định hướng, chọn lọc và hướng đến thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến gắn với khai thác thế mạnh của các hệ sinh thái ngành đã hình thành tại KCNC.
Trong năm 2022, KCNC tập trung thu hút các dự án theo danh mục kêu gọi đầu tư và thu hút thành công dự án trung tâm logistics KCNC, với chức năng ga hàng không nối dài nhằm góp phần tiết giảm chi phí logistics của doanh nghiệp. Dự kiến, từ 2022 đến năm 2030, KCNC sẽ phấn đấu trở thành một khu công nghệ cao đạt trình độ thế giới, hoạt động theo mô hình của khu công viên khoa học và công nghệ, trong đó KCNC sẽ bổ sung chức năng Khu công viên Khoa học và Công nghệ có quy mô 197 ha, là nhiệm vụ mang tính chiến lược.
Từ năm 2030 đến năm 2045, KCNC TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành tiểu đô thị khoa học - công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và là hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố, động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nói về vai trò của KCNC trong phát triển kinh tế, xã hội của TP Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm này, KCNC TP Hồ Chí Minh đã phát triển 20 năm, có nhiều nhà đầu tư thành công theo đúng định hướng phát triển công nghệ cao để dẫn dắt kinh tế TP Hồ Chí Minh và đất nước.
“Trọng tâm của KCNC trong giai đoạn tới là phát triển năng lực nội sinh, tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tính đột phá, có tính lan tỏa cao ở tầm quốc gia gắn với các hệ sinh thái ngành mạnh đã hình thành tại KCNC. Mặt khác, KCNC cần tận dụng triệt để các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên cơ sở khai thác các thế mạnh về nguồn nhân lực trình độ cao, tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho KCNC. Song song đó, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai mạnh mẽ hơn nữa cải cách thủ tục hành chính tại KCNC để giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư, doanh nghiệp nhanh hơn và tốt hơn để sớm triển khai các dự án đầu tư vào KCNC... ”, ông Phan Văn Mãi cho biết thêm.
Theo Ban quản lý KCNC TP Hồ Chí Minh, tính đến nay, KCNC TP Hồ Chí Minh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 163 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 12,068 tỷ USD. Trong đó, nguồn vốn nước ngoài (FDI) là 10,107 tỷ USD, các doanh nghiệp trong nước là 1,961 tỷ USD. Trong đó, có nhiều dự án của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ cao như: Intel (Hoa Kỳ), Samsung (Hàn Quốc), TTI (Đức), NTT (Nhật Bản)… Ngoài ra, KCNC TP Hồ Chí Minh lấp đầy hơn 85% đất thương phẩm. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng dần hằng năm. Cụ thể, năm 2021 đạt 20,9 tỷ USD (chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu TP Hồ Chí Minh); dự kiến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 23 tỷ USD.