Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, việc được tiêm vaccine với họ là niềm vui lớn, giúp họ an tâm hơn trong cuộc sống hằng ngày và nỗ lực vượt qua thời gian khó khăn.
Ngày vui của nhiều người
Trong đợt tiêm phòng COVID-19 lần thứ 5, TP Hồ Chí Minh được phân bổ hơn 930.000 liều gồm 3 loại vaccine AstraZeneca, Moderna và Pfizer, tiêm cho 15 nhóm đối tượng theo quy định. Trong đó, người mắc bệnh mãn tính (100.000 liều); người già trên 65 tuổi (50.000 liều); người thuộc diện chính sách, có công và đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế (62.000 liều) là 3 nhóm đối tượng ưu tiên đầu tiên trong đợt tiêm lần này.
Ghi nhận tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, nhiều người dân, nhất là những người thuộc diện ưu tiên đều vui mừng, háo hức, chờ đợi đợt tiêm lần thứ 5. Tại các điểm tiêm vaccine, các hoạt động diễn ra trong trật tự, an toàn, khoa học, bảo đảm giãn cách phòng, chống dịch COVID-19. Các đối tượng ưu tiên như người mắc bệnh mãn tính (bệnh thận, tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính), người trên 65 tuổi, người có tình trạng béo phì sẽ được bố trí tiêm ở bệnh viện để tiện theo dõi; các đối tượng ưu tiên còn được bố trí tiêm tại các trung tâm y tế, điểm tiêm cộng đồng.
Có tên trong danh sách tiêm đợt này, ông Nguyễn Minh Hải, gần 60 tuổi, hành nghề xe ôm ở huyện Bình Chánh, bớt lo lắng vì tuổi tác, dịch bệnh, công việc luôn ở ngoài đường và tiếp xúc nhiều người. Khi được cán bộ địa phương thông báo chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19, không chỉ gia đình ông mà cả hàng xóm, láng giềng cũng vui lây bởi sự quan tâm của các cấp chính quyền; vaccine được chia sẻ đồng đều, không phân biệt tuổi tác hay giữa người giàu, nghèo. Ông Hải cho biết, trong những ngày dịch bệnh kéo dài, kiếm bữa cơm hằng ngày còn khó, làm sao dám nghĩ đến việc tiêm vaccine phòng dịch đang khan hiếm. “Do đó, được tiêm đợt này thật sự là món quà lớn cho tôi, cho những người nghèo ở cái xóm này”, ông Hải chia sẻ.
Tương tự, ông Lê Văn Danh, 62 tuổi, ngụ tại Phường 11, Quận 3, hằng ngày gắn với chiếc xe bột chiên, cũng không giấu được niềm vui khi nhận được thông tin từ Ủy ban nhân dân phường, chuẩn bị cho đợt tiêm phòng dịch lần này. Ông Danh cho biết, dịch bệnh khiến việc buôn bán ế ẩm suốt thời gian dài, rồi đến thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16, khiến chiếc xe bột chiên “trùm mền” suốt gần 2 tháng nay.
“Đang lo vì việc mua bán phải tạm dừng, khu vực nhà tôi ở bị phong tỏa do trong xóm có ca dương tính với SARS-CoV-2. Nay được tiêm vaccine, tôi vui lắm, cảm giác nhẹ cả người... Tuy đã từng trải qua chiến trường ở biên giới Tây Nam khốc liệt, nhưng tôi vẫn thấy nôn nao, bồn chồn, chờ đợi một liều vaccine phòng dịch từ các cấp chính quyền”, ông Danh vui mừng cho biết. Mừng là cả xóm đã “ngoáy mũi” 3 lần đều âm tính, mừng là chuẩn bị tiêm phòng dịch, nhưng cũng nhiều lo lắng do ông mắc bệnh tim mạch, đau dạ dày từ nhiều năm qua. Ông Danh chia sẻ, mong sao thành phố có thêm nhiều nguồn vaccine để tiêm phòng cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Ghi nhận tại điểm tiêm vaccine Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (Quận 1) cho thấy, không chỉ người nghèo, người cao tuổi, mà còn có người khuyết tật cũng được tiêm trong đợt này. Tuy nhiên, trường hợp anh Minh Trung ở phường Cô Giang, Quận 1, do khuyết tật nặng từ nhỏ nên đã được các nhân viên y tế hướng dẫn, chuyển hồ sơ lên Trung tâm y tế để được thăm khám sàng lọc sâu hơn; tại đây cũng có đầy đủ phương tiện để theo dõi sức khỏe cho anh.
Tuy việc di chuyển đi lại nhiều khó khăn, nhưng gia đình anh Trung thật sự an tâm hơn khi đội ngũ y, bác sỹ quan tâm, hướng dẫn tận tình, chu đáo. Gia đình anh Trung cho biết, từ khi Ủy ban nhân dân phường thông báo, lập danh sách cho đợt tiêm vaccine lần này, cả nhà rất vui. Đây không chỉ là liều thuốc phòng dịch, mà còn là liều thuốc tinh thần giúp người nghèo khó, khuyết tật vượt qua khó khăn dịch bệnh.
Tại Trung tâm Y tế Quận 3 cũng đã triển khai tiêm vaccine Moderna phòng COVID-19 cho người dân trên 65 tuổi đang sống ở địa phương. Danh sách người dân được thống kê, cập nhật từ tuyến phường thuộc nhóm đối tượng này khoảng 5.000 người. Để bảo đảm an toàn phòng dịch, công tác tiêm chủng được thực hiện đúng quy định, người đến tiêm chủng được nhân viên y tế hướng dẫn khai báo y tế, khám sàng lọc và chờ theo thứ tự để test nhanh SARS-CoV-2. Người được tiêm được hướng dẫn tuân thủ quy trình một chiều, khám sức khỏe, ký phiếu đồng thuận tiêm, theo dõi sức khỏe 30 phút sau tiêm và giữ khoảng cách an toàn tại khu vực chờ. Quy trình tiêm chủng này được thực hiện đồng loạt trên 615 điểm tại 312 trạm y tế phường, xã, thị trấn; bình quân mỗi điểm sẽ tiêm cho 120 – 200 người/ngày.
An tâm làm đúng quy định
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong 15 nhóm đối tượng theo quy định được tiêm phòng dịch COVID-19 lần này, các đối tượng được ưu tiên đợt này cần được đặc biệt quan tâm, bởi phần lớn có liên quan các yếu tố đến thể trạng, sức khỏe. Do đó, để bảo đảm công tác an toàn tiêm chủng cho các đối tượng trên, tại mỗi điểm tiêm chủng sẽ được bố trí xe cấp cứu ở vị trí thuận lợi, có thể tiếp cận bệnh nhân trong vòng 3 phút.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, các nhân viên y tế sẽ dành nhiều thời gian cho việc khám sàng lọc trước tiêm và theo dõi sau tiêm. Riêng các trường hợp huyết áp cao từ 170 trở lên đều được nhân viên y tế hướng dẫn đến ngay phòng cấp cứu để kiểm tra lại tình trạng sức khỏe, nghỉ ngơi, chờ khi huyết áp ổn định sẽ trở lại tiêm phòng dịch.
Ghi nhận tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, ông Văn Bản, 70 tuổi, cán bộ hưu trí, ngụ tại thành phố Thủ Đức bày tỏ sự phấn khởi khi được tiêm vaccine đợt này. Dù huyết áp không ổn định nhiều năm qua, nhưng ông Bản không cảm thấy lo lắng mà còn tin tưởng việc tiêm vaccine sẽ giúp bản thân an toàn hơn trước dịch COVID-19. "Do đó, tôi mong nhà nước, thành phố mình có thêm nhiều nguồn, nhiều vaccine để mọi người dân đều được tiêm phòng dịch", ông Bản chia sẻ.
Tương tự, khi biết mình sẽ được tiêm vaccine đợt này, bà Hoàng Thị Lan, 83 tuổi, ở quận Gò Vấp dù mắc nhiều bệnh nền, huyết áp cao cũng không giấu được niềm vui. Bà Lan cho biết, nhiều người cao tuổi trong xóm cũng được Ủy ban nhân dân phường gọi đi tiêm trong mấy ngày qua nên cả xóm vui lắm.
Tâm trạng hồi hộp khiến huyết áp của nhiều người cao tuổi cứ thay đổi lên, xuống, nhưng đều nhận được sự hỗ trợ của các nhân viên y tế, bác sỹ. Tại điểm tiêm, có cụ ông, cụ bà phải chờ 30 – 45 phút, đo huyết áp 3 - 4 lần mới được tiêm. "Lo lắng nhiều, nhưng tôi vẫn tin tưởng đội ngũ y, bác sỹ, chính quyền sẽ tạo điều kiện tốt nhất để nhiều người hơn, nhất là người cao tuổi được tiêm vaccine phòng dịch trong những ngày tới", bà Lan nói.
Cùng tâm trạng, ông Lương Văn Ngọc, 72 tuổi, ngụ ở thành phố Thủ Đức hay cụ Đào Thị Kim Cúc, 102 tuổi ngụ ở Phường 10, quận Phú Nhuận, đều an tâm, phấn khởi và nghỉ ngơi chờ ổn định huyết áp trước khi tiêm phòng dịch.
Tại nhiều điểm tiêm, ngoài việc bố trí các khu vực khám sàng lọc, đo huyết áp, khu vực trước và sau tiêm vaccine tách biệt còn chuẩn bị các điều kiện cần thiết để cấp cứu kịp thời nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp. Để bảo đảm sức khỏe cho người tiêm, nhiều địa phương như Quận 1, 3, 5, 11, Phú Nhuận, Gò Vấp còn tổ chức đăng ký online, sắp xếp chọn lọc, phân bổ danh sách theo tuổi tác, bệnh nền, sau đó gọi điện trực tiếp, hẹn giờ tiêm, mỗi đợt tiêm từ 10 - 12 người để tránh chờ đợi, đồng thời bảo đảm phòng dịch.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong những trường hợp đặc biệt sau khi tiêm, với các cụ ông, cụ bà lớn tuổi, có bệnh nền, các địa phương còn tổ chức gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe, hướng dẫn, ổn định tâm lý bởi các triệu chứng phản ứng nhẹ sau tiêm. Việc làm này không chỉ động viên, mà còn thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Đến thời điểm hiện tại, TP Hồ Chí Minh đã tiêm hơn 170.000 liều vaccine phòng COVID-19 đợt 5, đạt 60% so với công suất dự kiến. Trong đó có 189 người có phản ứng sau tiêm, phần lớn là những người trên 65 tuổi và có bệnh lý nền, nhưng đều ở mức độ nhẹ và đã được các y, bác sỹ xử lý ổn định.