Giới thiệu đôi nét về kinh tế - xã hội của Thành phố, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm của cả nước về nhiều mặt, đóng góp khoảng 22% GDP quốc gia, nguồn thu ngân sách chiếm gần 30% ngân sách quốc gia. Thành phố đang có khoảng 12.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng đầu tư khoảng 85 tỷ USD; có 450.000 doanh nghiệp, chiếm 50% số doanh nghiệp của cả nước.
Riêng về công nghiệp, Thành phố đang hướng tới các tiêu chí tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ số và phát triển đầu tư chiều sâu, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, phục vụ cho công nghệ cao. Thành phố có định hướng thu hút nhà đầu tư vào chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, sản xuất hình thành chuỗi.
Cùng với những điều kiện đang có, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh, Thành phố đã nỗ lực để có “4 sẵn sàng” để đón doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn. Đó là sẵn sàng về đất đai, cơ chế chính sách, nguồn nhân lực và tạo dựng được niềm tin với nhà đầu tư.
Gợi ý một số định hướng hợp tác đầu tư, ông Võ Văn Hoan cho rằng, doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể hình thành khu công nghệ Hoa Kỳ ở Thành phố Hồ Chí Minh để chủ động trong thực hiện đầu tư hạ tầng cũng như thuận lợi trong quản trị. Thành phố sẵn sàng có khu đất đủ lớn để các doanh nghiệp hình thành khu này hoặc tùy nhu cầu của mình, từng doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư. Chính quyền Thành phố luôn lắng nghe để có những điều chỉnh về chính sách, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hợp tác đầu tư.
Giới thiệu về hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) John Neuffer cho biết, các doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ hiện đang hoạt động mạnh ở khu vực phía Nam của Việt Nam. Trước tác động của đại dịch cũng như bối cảnh chung thế giới, các doanh nghiệp đang phải cân đối lại chuỗi cung ứng của mình theo hướng đa dạng để đảm bảo cho hoạt động và phát triển. Chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ tập trung ở trong nước mà phải thiết lập, liên kết với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Việc có cơ chế thu hút, khuyến khích đầu tư tốt cùng với sự đáp ứng tốt về nhân lực là những điều kiện, yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp Hoa Kỳ cân nhắc, lựa chọn đầu tư vào chuỗi cung ứng của mình.
Theo ông John Neuffer, trên bản đồ ngành công nghiệp bán dẫn thế giới, Việt Nam hiện có vị thế về khâu kiểm thử - đóng gói cũng như về thiết kế back-end (thiết kế đoạn code và chương trình để vận hành ứng dụng, website). Thời gian tới, Việt Nam có thể thúc đẩy phát triển thêm các khâu khác trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn; trong đó, việc tập trung đầu tư vào khâu thiết kế có nhiều thuận lợi hơn.
Trong bối cảnh mối quan hệ hợp tác chung giữa hai nước, ông John Neuffer tin tưởng quan hệ hợp tác lĩnh vực công nghiệp bán dẫn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nói chung, với Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng sẽ được thúc đẩy, thành công hơn nữa trong thời gian tới.