Đây là dịp để các đại biểu tổng kết, đánh giá những khó khăn, vướng mắc khi đưa Luật Việc làm năm 2013 áp dụng vào thực tiễn đời sống, đặc biệt trong giai đoạn ảnh hưởng bởi COVID-19 vừa qua (2020 - 2021); đề xuất, kiến nghị những giải pháp xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Đại diện cho đoàn viên, người lao động, ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ những khó khăn, thách thức của người lao động thất nghiệp; nhấn mạnh điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay đã có thay đổi, nhiều chính sách không còn phát huy hiệu quả thực tế.
Ông Trần Đoàn Trung cho rằng từ thực tiễn mức hưởng trợ cấp thất nghiệp dành cho người lao động hiện nay (quy định khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm 2013) bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp là chưa đủ để người thất nghiệp đảm bảo đời sống, nhất là tại các thành phố lớn.
Ông Trung kiến nghị Quốc hội điều chỉnh nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhằm giúp người lao động thất nghiệp đảm bảo mức sống trước khi tìm việc làm mới.
Ngoài ra, quy định mức hỗ trợ tối đa cho người lao động thất nghiệp học nghề hiện nay chỉ 1,5 triệu đồng/tháng, thời gian hỗ trợ ngắn (tối đa 6 tháng) là rất thấp, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh. “Với mức hỗ trợ này, người lao động khó có thể học những ngành nghề trình độ trung cấp trở lên, những nghề chất lượng cao, có tính thu hút lớn”, ông Trần Đoàn Trung nhận định.
Cùng quan điểm, bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh thông tin nhanh về thị trường lao động và việc thực hiện Luật Việc làm trên địa bàn, giai đoạn 2020 - 2024; nêu những vướng mắc, tồn tại trong việc phân tích, dự báo, tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề, vay vốn hỗ trợ tạo việc làm…
Hiện chính sách hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp chủ yếu giải quyết nhu cầu học nghề, chưa có giải pháp hỗ trợ họ tham gia đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, hoặc nâng cao trình độ. Do đó, chính sách chưa thu hút sự quan tâm cũng như hỗ trợ người thất nghiệp học nghề, dẫn đến người lao động gặp khó khăn trong việc tham gia học nghề. Bản thân người lao động phải tự trang trải nhiều khoản chi khác cho cuộc sống trong thời gian học nghề... bà Lượng Thị Tới chỉ rõ.
Tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội cũng chất vấn nhiều vấn đề liên quan đến hiệu quả việc dự báo nguồn nhân lực; về kết nối việc làm cho người lao động thất nghiệp; về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài… Một số ý kiến cho rằng quy định về hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm hiện còn nhiều vướng mắc, nhiều người muốn vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, khởi nghiệp… nhưng không được.
Một số bạn trẻ có trình độ, trí thức rất muốn khởi nghiệp với nông nghiệp công nghệ cao. Họ đang tâm huyết, hồ hởi với ý tưởng nhưng khi muốn triển khai vào tổ chức sản xuất, tiếp cận vốn thì gặp khó. Quy trình hướng dẫn còn dài và khó - ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh nhấn mạnh vấn nạn người lao động Việt Nam vi phạm pháp luật khi ra nước ngoài làm việc, bị lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài cũng như khi tìm việc qua các trang mạng online…
Phát biểu tại buổi giám sát, ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố ghi nhận những kết quả đạt được, các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Luật Việc làm trên địa bàn, từ đó có báo cáo đến các cơ quan, bộ ngành Trung ương liên quan để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung Luật thời gian tới.
Ông Hà Phước Thắng đánh giá cao, các sở, ngành thành phố đã phối hợp thực hiện các chính sách, giải pháp lao động việc làm, nhất là giai đoạn khôi phục kinh tế sau COVID-19, góp phần ổn định thị trường lao động việc làm, thúc đẩy kinh tế xã hội thành phố phát triển.
Ông Hà Phước Thắng đề nghị trong khi chờ sửa đổi Luật Việc làm, các cơ quan chuyên môn thành phố tiếp tục tập hợp, kiến nghị những vướng mắc, khó khăn để giải quyết tạm thời; đồng thời thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao…