Đây là dịp để các cử tri là công nhân, đại diện người lao động trao đổi, góp ý để các văn bản trên phù hợp với yêu cầu phát triển của giai cấp công nhân; xu hướng phát triển kinh tế, xã hội, nhất là trong bối cảnh quan hệ lao động và môi trường hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Trên cơ sở dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Tân bày tỏ sự đồng tình Điều 26 (dự thảo) tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức Công đoàn chủ động bố trí lực lượng. Tuy nhiên, ông đề xuất bổ sung quy định vào Luật Công đoàn về việc bố trí cán bộ chuyên trách công đoàn tại các doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên; bổ sung thêm cơ chế ngoài phân bổ số lượng cán bộ chuyên trách công đoàn nên có thêm cơ chế cho thuê cán bộ hợp đồng; quy định rõ việc phân bổ số lượng cán bộ chuyên trách để Công đoàn cấp trên quản lý trực tiếp theo từng đơn vị phù hợp.
Tương tự, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam đề xuất tăng cường đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, công trình văn hóa, thể thao, hạ tầng kỹ thuật có liên quan phục vụ đoàn viên công đoàn và người lao động (Điều 11 và 21); các chính sách chăm lo phúc lợi thì đoàn viên công đoàn, nhất là thuê nhà ở xã hội; các vấn đề liên quan đến bảo đảm điều kiện hoạt động Công đoàn (Điều 27).
Để xây dựng, phát triển tổ chức Công đoàn, bà Huỳnh Thị Liên, Công ty trách nhiệm hữu hạn Tỷ Hùng cũng đề nghị dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của cán bộ công đoàn; các chế độ, chính sách, trợ cấp, xác định vị trí việc làm cho cán bộ công đoàn.
Đối với dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), bà Lê Thị Ngọc Bích, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Top Royal Flash Việt Nam đề xuất ở Điều 9 nên quy định cụ thể “doanh nghiệp có từ bao nhiêu lao động trở xuống” thuộc đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm, không nên dùng cụm từ “doanh nghiệp nhỏ và vừa” vì hiện không có tiêu chí rõ ràng để phân loại “doanh nghiệp vừa và nhỏ” với “doanh nghiệp lớn”; cần bổ sung thêm đối tượng được vay vốn là “Người lao động bị mất việc làm”.
Ông Lê Văn Lắm, Công nhân, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên dịch vụ công ích huyện Bình Chánh đề xuất bỏ quy định điểm a, Khoản 1, Điều 94 quy định trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp: “Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định Bộ luật Lao động; người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức”. Đề nghị điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Điều 95 trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) từ 60% lên 75% nhằm đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động khi không có việc làm.
Ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định những ý kiến trên là rất xác đáng, phản ánh đúng những trăn trở và khó khăn mà người lao động đang gặp phải trong thực tế. Ông cũng thể hiện quan tâm đến các chính sách đào tạo nghề cho người thất nghiệp, người lao động; hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động và hỗ trợ phát triển thị trường lao động trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Các chế độ chính sách liên quan đến đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thủ tục đăng ký hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp; mức đóng, thời gian đóng, mức hưởng và thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp…
Đồng thời, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến để báo cáo, thảo luận và đóng góp ý kiến vào quá trình sửa đổi Luật Công đoàn và Luật Việc làm thời gian tới...