Chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của TP Hồ Chí Minh

Mặc dù nhiều ngành nghề, dịch vụ bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch COVID-19, tuy nhiên TP Hồ Chí Minh xác định chống dịch như chống giặc. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh luôn cố gắng làm tốt công tác này nhằm đảm bảo an toàn an sinh xã hội.

Kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Thành phố được triển khai tốt. Thành phố xác định đây là cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển dài hạn. Vì vậy, UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục quán triệt sâu sắc phương châm “chống dịch như chống giặc”, thực hiện “Thần tốc, quyết liệt, đồng bộ, chủ động”, kiên trì nguyên tắc chống dịch “Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch”.

Chú thích ảnh
 TP Hồ Chí Minh phong tỏa kịp thời các ổ dịch nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan ra cộng động.

Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, có những thời điểm TP Hồ Chí Minh xuất hiện các ổ dịch COVID-19 lớn, diễn biến phức tạp. Nhưng với quyết tâm cao của ngành y tế cùng với sự phối hợp với các lực lượng khác, Thành phố đã nhanh chóng phát hiện, xét nghiệm chẩn đoán, truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch hiệu quả. Cụ thể, tháng 1/2020, TP Hồ Chí Minh là nơi phát hiện 2 ca mắc COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam (bệnh nhân số 1 và 2, nhập cảnh từ Trung Quốc). Ngay khi dịch bệnh xuất hiện, TP triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19 với quyết tâm cao như xét nghiệm chẩn đoán, truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch hiệu quả.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh, tổng số ca nhiễm phát hiện tại TP Hồ Chí Minh từ tháng 1/2020 đến nay là 267 trường hợp. Trong đó, 69 trường hợp nhiễm trong cộng đồng (chiếm 25,8%), 194 trường hợp nhập cảnh (chiếm 72,6%), 4 trường hợp lây trong khu cách ly Vietnam Airlines (chiếm 1,5%). Ngoài ra, liên quan các chuỗi lây nhiễm đang bùng phát ở nước ta, từ ngày 27 /4/ 2021 đến nay, Thành phố chỉ ghi nhận 1 ca nhiễm tại cộng đồng, liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại tỉnh Hà Nam. Tính đến nay, Thành phố đã điều trị khỏi cho 244 trường hợp, chiếm 91%; còn 23 trường hợp đang điều trị, không có trường hợp tử vong.

“Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, Thành phố luôn kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công đối với phòng, chống dịch. Trong đó, tấn công là chính. Từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021, Thành phố đã thực hiện xét nghiệm tầm soát 45.000 người, bao gồm tiểu thương, công nhân, nhân viên trung tâm xã hội, hành khách tại sân bay, ga tàu lửa, bến xe, nhân viên phục vụ nhà hàng, quán ăn, khách sạn, cơ sở tôn giáo.... Tất cả đều có kết quả âm tính”, ông Nguyễn Thành Phong cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh thực hiện các biện pháp phun xịt khử khuẩn các nơi ở có ca nghi nhiệm COVID-19. 

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, từ ngày 30/4/2021 đến ngày 10/5/2021, Thành phố tiếp tục triển khai giám sát dựa vào xét nghiệm các nhóm, các khu vực nguy cơ cao như: chợ, trung tâm thương mại, cơ sở vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn, khu lưu trú công nhân, khu dân cư, khu công nghiệp, cơ sở tôn giáo… Cụ thể, đã lấy 15.254 mẫu, trong đó 13.434 mẫu âm tính và 1.820 mẫu đang chờ kết quả. Lũy kế đến nay, tổng số mẫu xét nghiệm đã thực hiện cho tất cả các nhóm đối tượng giám sát trên địa bàn là 431.846 mẫu.

Ngoài ra, công tác tổ chức tiêm phòng vaccine COVID-19 được TP Hồ Chí Minh triển khai nhanh chóng. Hiện Thành phố đã tiêm vaccine COVID-19 cho 59.900 người. Các trường hợp có phản ứng sau tiêm đều được theo dõi và hiện nay, tất cả đều ổn định. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất Chính phủ cho phép Thành phố chủ động mua vaccine để tiêm cho người dân từ nguồn vận động, quyên góp của người dân và xã hội hóa.

Quyết liệt triển khai các giải pháp phù hợp

Sau khi xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, TP Hồ Chí Minh xác định 6 nhóm nguy cơ có thể bùng phát dịch trên địa bàn và sẽ tập trung các giải pháp như: Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch. Giữ mức cảnh giác cao nhất với dịch bệnh, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã kích hoạt toàn bộ các Bộ chỉ số an toàn phòng chống dịch và tổ chức hậu kiểm việc thực hiện các Bộ chỉ số an toàn; các đơn vị không bảo đảm an toàn, đình chỉ hoạt động, xử lý theo quy định.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh đã tiêm vancine COVID-19 cho 59.900 người.

"TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các đơn vị, sở ngành, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức cần quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung và định kỳ giám sát các đối tượng cách ly tại nhà. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước Thành phố nếu người cách ly tại nhà nhưng ra khỏi nhà; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong công tác quản lý nhập cảnh. Phát huy mạnh mẽ vai trò Tổ dân phố, Tổ Covid-19 cộng đồng đối với các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân khai báo y tế, tăng cường phát hiện nhập cảnh trái phép, truy vết ca nhiễm và phát hiện các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, rút giấy phép những cơ sở lưu trú cho đối tượng nhập cảnh trái phép lưu trú; Chuẩn bị sẵn sàng năng lực ứng phó cho tình huống dịch lan rộng, triển khai thêm 4 khu cách ly tập trung, nâng tổng công suất toàn Thành phố lên trên 10.000 giường", ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nói.

Còn theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, để tiếp tục phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả, TP Hồ Chí Minh cũng xác định tiếp tục thực hiện tầm soát dịch bệnh chủ động, tổ chức xét nghiệm trên diện rộng đối với các đối tượng nguy cơ, nhất là hành khách tại sân bay, nhà ga xe lửa, bến xe liên tỉnh; học sinh, sinh viên tại ký túc xá; nhân viên phục vụ nhà hàng, khách sạn. Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các đơn vị, sở ngành phối hợp kiểm soát dịch bệnh đồng bộ, chủ động trên cả 3 đường. Đối với đường hàng không: rà soát, hoàn chỉnh các phương án phòng chống dịch bệnh trên máy bay và tại sân bay; đối với đường bộ: thiết lập lại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên các tuyến đường cửa ngõ vào Thành phố. Đối với đường thủy: ban hành quy trình phối hợp từng cơ quan, đơn vị trong phòng, chống dịch tại các bến cảng; nâng mức kiểm soát, sàng lọc dịch bệnh lên mức cao nhất tại Bệnh viện, khu chế xuất, khu công nghiệp và xét nghiệm định kỳ hằng ngày, hàng tuần, hằng tháng đối với các đối tượng có nguy cơ cao

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho hay, để chuẩn bị tốt cho công tác điều trị khi dịch bệnh bùng phát, TP Hồ Chí Minh cũng đã sẵn sàng triển khai ngay phương án tổ chức điều trị cho 50 - 100 người bệnh theo kế hoạch có sẵn của Thành phố, đồng thời dự trù sẵn kế hoạch đảm bảo điều trị đến 500 người bệnh. Đặc biệt, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thêm bệnh viện dã chiến trên địa bàn với quy mô 5.000 giường, chuẩn bị cho tình huống cả nước có 30.000 ca bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dự trữ đầy đủ sinh phẩm, test kit xét nghiệm; đảm bảo công suất xét nghiệm 15.000 mẫu đơn trong 24 giờ, khi cần thiết có thể huy động lên đến 50.000 mẫu đơn. Tổ chức 2-3 đội lấy mẫu tại mỗi cơ sở y tế trên địa bàn, đảm bảo công suất lấy mẫu đạt 50.000 mẫu/ngày...

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Người đứng đầu đơn vị sẽ bị kỷ luật nghiêm khắc nếu lơ là, chủ quan để lây lan dịch bệnh
Người đứng đầu đơn vị sẽ bị kỷ luật nghiêm khắc nếu lơ là, chủ quan để lây lan dịch bệnh

Ngày 12/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với 6 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh để bàn các giải pháp tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN