Đây là nội dung được các chuyên gia thảo luận tại Hội nghị "Triển vọng và giải pháp thu hút nhà đầu tư trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu và các xu hướng mới" do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh (CIIS) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 14/3.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC nhận định, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu với nhiều biến động, giữa các căng thẳng địa chính trị, chiến lược "friend-shoring" và "near-shoring" (dịch chuyển sản xuất về gần nhà hơn) tiếp tục được dự đoán sẽ trở thành xu hướng nổi bật trong năm 2024.
Vấn đề các nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay chính là sự ổn định về chính sách và hiệu quả cải cách thủ tục hành chính nhằm đảm bảo sự an toàn cho khoản đầu tư của mình. Do đó, việc ban hành các biện pháp hỗ trợ về thuế cần tập trung vào xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, hạn chế các rủi ro tiềm ẩn từ việc thay đổi chính sách; tạo động lực để nhà đầu tư mạnh dạn rót vốn.
Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, Việt Nam chưa bao giờ có cơ hội như hiện nay trong thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư có chất lượng. Tuy nhiên, cần lưu ý các nhóm nhân tố nhà đầu tư quan tâm xem xét khi lựa chọn địa điểm kinh doanh.
Theo ông Võ Trí Thành, nhóm nhân tố này gồm hiệu quả kinh tế, dựa trên khả năng kết nối, mức độ tự do hoá thương mại, vận chuyển hàng hoá; lợi thế so sánh về nhân công, tài nguyên, thị trường; hiệu quả cải cách tục đầu tư kinh doanh; môi trường sống và làm việc cho các nhà đầu tư. Về tổng thể, Việt Nam có lợi thế về vị trí thuận lợi, có khả năng kết nối với khu vực và thế giới bằng cả đường biển và đường hàng không. Mức độ tự do hoá thương mại cao với hàng chục hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Việt Nam cũng đang nỗ lực chuyển đổi xanh hoá, số hoá ngành kinh tế, bắt nhịp xu hướng toàn cầu.
Tuy nhiên, việc hoàn thiện hệ thống khung khổ pháp lý đang được tiến hành từng bước nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Trong hoàn cảnh đó, TP Hồ Chí Minh cần làm tốt hai vấn đề là tiên phong trong xây xây dựng thể chế và thu hút nhà đầu tư chiến lược. Mục tiêu thu hút đầu tư phải dịch chuyển từ tối đa hoá số lượng sang tối ưu hoá chất lượng, kết nối trước sau, lan toả công nghệ và kỹ năng, phát triển bền vững, gia tăng sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào chuỗi cung ứng.
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh phân tích, năm 2024, tình hình còn khó khăn, nhưng đã có nhiều tín hiệu tích cực. Các đơn hàng đã quay trở lại với các nhà sản xuất, trong 2 tháng đầu năm thu hút FDI đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.
Các nhà đầu tư trong và ngoài nước rất nhanh chóng kết nối và đón đầu các xu hướng phát triển về công nghệ mới, vật liệu mới, năng lượng mới, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững… Với độ mở lớn về kinh tế, Việt Nam tiếp tục nâng cấp các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các đối tác lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia, năm 2024 hy vọng sẽ là năm đột phá trong thu hút đầu tư nước ngoài, hồi phục sản xuất và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, năm 2024 là năm bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, với mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%. Chính sách mới này có khả năng tác động trực tiếp tới chính sách thu hút đầu tư và môi trường đầu tư của Việt Nam, trong khi dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung, đang được xây dựng.
Theo ông Phạm Bình An, TP Hồ Chí Minh là trung tâm lớn về kinh tế, thương mại của vùng và cả nước, đang dẫn đầu cả nước về số dự án và vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với 12.520 dự án, vốn đăng ký là 57,64 tỷ USD. Hai tháng đầu năm 2024, TP Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu cả nước về số dự án mới, điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần. Để nâng cao chất lượng thu hút FDI, cuối năm 2023, TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt "Đề án Nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn 2030" với các mục tiêu cụ thể về nâng cao giá trị, số lượng dự án và các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư trong ngắn, trung và dài hạn, hướng đến các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia với quan điểm hợp tác cùng phát triển.
Đặc biệt, thành phố đang triển khai mạnh mẽ Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Trong đó đưa ra danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược về xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, công nghệ cao trong các lĩnh vực, công nghiệp vi mạch, bán dẫn, vật liệu mới, năng lượng sạch, cảng Cần Giờ… Nghị quyết cũng định hướng các ưu đãi hấp dẫn đối với nhà đầu tư chiến lược như thuế thu nhập doanh nghiệp thông qua tính chi phí nghiên cứu và phát triển bằng 150% chi phí thực tế, hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan, thủ tục về thuế… với tinh thần "chuẩn bị tổ cho đại bàng".
Dưới góc nhìn về nhà đầu tư chiến lược, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho rằng, chính sách công nghiệp vẫn là trung tâm của chính sách kinh tế quốc gia. Theo đó, trọng tâm của chính sách công nghiệp là phát triển công nghiệp chế biến chế tạo và Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng đã nhận diện, tập trung phát triển ngành vi mạch bán dẫn. Tuy nhiên, vấn đề của ngành công nghiệp Việt Nam hiện tại đang phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp FDI. Muốn tự chủ công nghiệp, Việt Nam phải đầu tư tự chủ về mặt năng lực công nghệ. Các khu công nghệ cao phải có vai trò dẫn dắt về khoa học công nghệ chứ không phải khu chế xuất công nghệ.
"TP Hồ Chí Minh phải tiên phong về xây dựng, hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư có thể cạnh tranh được với các trung tâm kinh tế khác trên thế giới mới tạo được sự bứt phá. Phải xác định nhà đầu tư chiến lược không chỉ là nhà đầu tư có quy mô vốn lớn mà là nhà đầu tư có khả năng giúp nâng cao năng lực công nghệ trong nước. TP Hồ Chí Minh cần xem thu hút vốn FDI là phương tiện chứ không phải cứu cánh để thực hiện mục tiêu phát triển năng lực trong nước. Thu hút đầu tư hiệu quả phải hấp dẫn được các nhà đầu tư trong chuỗi để hình thành hệ sinh thái, tạo ra lợi thế cạnh tranh không thể sao chép", ông Nguyễn Anh Thi nêu quan điểm.