Trong một năm trở lại đây, xưởng may của người Việt tại LB Nga xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông nước sở tại. Xấu có, tốt có song nhìn chung là những thông tin không mấy vui vẻ.
Xưởng may của Công ty Miami & Upsway ở Krasnodar. |
Hoạt động của xưởng may nói chung đem lại nhiều lợi ích. Đó là nơi có thể tiếp nhận số đông người Việt sang Nga lao động với thu nhập tốt, góp phần thúc đẩy lượng kiều hối về Việt Nam, mặt khác cũng tạo ra nhiều hàng hóa giá phải chăng, chất lượng hợp lý, phục vụ nhu cầu đại bộ phận người Nga bình dân. Tuy nhiên do tình trạng không đáp ứng đầy đủ các đòi hỏi pháp lý, chạy theo lợi nhuận huy động công nhân làm việc liên tục trong thời gian dài, nhiều xưởng may đã để lại "tiếng xấu" cho cộng đồng người Việt. Vì vậy, phương thức hoạt động của xưởng may luôn là vấn đề cấp thiết cần được quan tâm giải quyết, và câu hỏi này dường như đã có lời giải sau khi chúng tôi tới thăm xưởng may của công ty Miami & Upsway tại thành phố Krasnodar, miền nam nước Nga.
Xưởng may với gần 180 công nhân Việt làm việc tọa lạc trên khu đất rộng 4.000 m2 ở ngay trung tâm thành phố. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Triệu, Chủ tịch hội người Việt tỉnh Krasnodar, cho biết tiêu chí trước tiên cách đây gần 3 năm khi xưởng may bắt đầu hình thành là phải đáp ứng mọi đòi hỏi, qui định luật pháp địa phương. Đây chính là gốc rễ bền vững để xưởng may có thể hoạt động liên tục, lâu dài, và hướng tới tương lai. Chính vì thế, mọi công nhân trong xưởng đều được công ty đảm bảo giấy tờ về luật pháp ngay từ khi sang tới Nga. Ông Trần Đức Dũng, Giám đốc công ty, cho biết hiện toàn bộ người lao động được công ty lo đăng ký hộ khẩu 3 năm để họ có thể yên tâm đóng góp lâu dài.
Thu nhập trung bình hàng tháng của người công nhân thấp nhất là 500 USD, song do làm theo sản phẩm, vào thời điểm hàng bán chạy, thu nhập trung bình của người công nhân là 600 - 700 USD và thậm chí là 1.000 USD. Bên cạnh đó, theo ông Dũng, công ty cũng có chính sách hỗ trợ, nếu anh chị em làm thêm ngoài giờ thì mức lương ngoài giờ là từ 150 đến 200% lương cơ bản cũng như căn cứ theo khối lượng công việc và trách nhiệm.
Nhãn mác là vấn đề cũng rất được công ty quan tâm. Miami & Upsway hiện đã đăng ký 3 loại nhãn mác là Misatino, Upsway và Miami. Sau gần 3 năm, sản phẩm gắn các thương hiệu này đã được người tiêu dùng địa phương chấp nhận. Theo kế hoạch, dự kiến công ty sẽ tung ra một thương hiệu cao cấp mới, nhắm tới tầng lớp tiêu dùng rủng rỉnh hơn.
Mục tiêu của công ty trong thời gian tới là mở rộng năng lực sản xuất để đáp ứng cho hệ thống cũng như thị trường nước Nga. Theo ông Dũng, bắt đầu từ đầu tháng 2/2014, công ty sẽ có thêm hạn ngạch lao động và sẽ có một đợt tuyển khoảng 50 công nhân nữa từ Việt Nam.
Người lao động tại công ty làm việc từ 7 giờ 30 đến 18 giờ 30/ngày, có nghỉ trưa. Khu nhà trọ được công ty quan tâm săn sóc, có khu riêng dành cho nữ, nam và những buồng ngăn riêng dành cho các đôi vợ chồng. Bữa ăn trưa được phục vụ chu đáo, đảm bảo dinh dưỡng. Công ty cũng có phòng y tế và nhân viên y tế để phục vụ những người mệt hay đau ốm. Qua trao đổi, tất cả người lao động đều bày tỏ hài lòng về các điều kiện sống, làm việc và thu nhập tại công ty.
Buổi sinh hoạt ngắn vui vẻ và sôi nổi trong giờ nghỉ trưa của các công nhân đã nói lên nhiều điều về cuộc sống của người lao động tại đây. Tuy nhiên có thể kết luận, để tồn tại và phát triển lâu dài, các xưởng may của người Việt cần đáp ứng mọi yêu cầu pháp lý của nước sở tại, có chiến lược phát triển lâu dài, hướng tới người tiêu dùng. Đây cũng là những tiêu chí quan trọng để có thể đón thêm nhiều người Việt sang lao động ở LB Nga.
Bài và ảnh: Duy Trinh - Cao Cường (P/v TTXVN tại Nga)