Xung lực mới trong quan hệ giữa Việt Nam với Indonesia và Myanmar

Các chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Indonesia và Myanmar tạo dấu mốc mới và xung lực mới, góp phần củng cố nền tảng chính trị quan trọng và tăng cường chiều sâu hợp tác trên tất cả các lĩnh vực trong quan hệ của Việt Nam với hai nước.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Theo đặc phái viên TTXVN, nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Htin Kyaw, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Cộng hòa Indonesia từ ngày 22-24/8/2017, thăm cấp nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar từ ngày 24-26/8/2017.

Kết thúc chuyến thăm, đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương đã trả lời phỏng vấn báo chí đi theo đoàn về ý nghĩa và những kết quả nổi bật của chuyến thăm.

Sau đây là nội dung phỏng vấn:

Thưa đồng chí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Indonesia và thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar. Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của các chuyến thăm này?

Các chuyến thăm lần này là các hoạt động đối ngoại quan trọng của Tổng Bí thư trong năm nay, tiếp ngay sau chuyến thăm cấp Nhà nước rất thành công tới Vương quốc Campuchia tháng 7 vừa qua. Năm nay là năm kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN. Do đó, cùng với chuyến thăm Campuchia, hai chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Indonesia và Myanmar có ý nghĩa sâu sắc, khẳng định đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng các nước láng giềng khu vực, coi trọng ASEAN.
 
Về chuyến thăm chính thức tới Cộng hòa Indonesia, đây là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử bởi lẽ đây là lần đầu tiên người đứng đầu Đảng ta tới thăm Indonesia kể từ chuyến thăm năm 1959 của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là Chủ tịch nước. Chuyến thăm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường tin cậy chính trị - Củng cố quan hệ hữu nghị - Thúc đẩy hợp tác thực chất - Tạo lập bước phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam với Indonesia.
 
Về chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar, đây là chuyến thăm tạo “dấu mốc mới, tầm cao mới, xung lực mới” cho quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, hai nước đã chính thức xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện. Việc xác lập khuôn khổ quan hệ giữa hai nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là vào thời điểm Myanmar bước sang thời kỳ mới.
 
Tựu trung lại, về tổng thể, các chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Indonesia và Myanmar tạo dấu mốc mới và xung lực mới, góp phần củng cố nền tảng chính trị quan trọng và tăng cường chiều sâu hợp tác trên tất cả các lĩnh vực trong quan hệ của Việt Nam với hai nước.

Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật đạt được trong các chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư?

Chuyến thăm Cộng hòa Indonesia và Cộng hòa Liên bang Myanmar đã thành công rất tốt đẹp, đạt được tất cả các mục tiêu đề ra ở mức độ cao. Cả hai nước đều rất coi trọng chuyến thăm, đã dành cho Tổng Bí thư và đoàn sự đón tiếp trọng thị theo nghi thức cao nhất và với những đặc biệt lễ tân, bố trí chương trình làm việc rất thiết thực, phong phú.

Tổng Bí thư đã hội đàm, hội kiến với Tổng thống Cộng hòa Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Htin Kyaw và hầu hết tất cả các nhà lãnh đạo hai nước. Các cuộc hội đàm, hội kiến, gặp gỡ diễn ra rất tin cậy, chân thành, cởi mở và thiết thực; các nhà lãnh đạo đã trao đổi rất sâu sắc, thực chất về quan hệ song phương trên các lĩnh vực cũng như phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
 
Tại Indonesia, trong hơn 2 ngày, Tổng Bí thư đã có 17 cuộc làm việc và các hoạt động, trong đó có: Gặp riêng và hội đàm với Tổng thống Joko Widodo, gặp riêng và hội kiến chung với Chủ tịch đảng Dân chủ đấu tranh Megawati Sukarnoputri (Mê-ga-oa-ti Xu-các-nô-pu-tờ-ri); hội kiến các nhà lãnh đạo các cơ quan lập pháp; nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia; đến dự và phát biểu tại chiêu đãi của Diễn đàn Doanh nghiệp Indonesia – Việt Nam.
 
Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh những điểm tương đồng giữa hai nước về lịch sử, văn hóa, truyền thống, về tình bạn giữa Tổng thống Sukarno và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trao đổi sâu rộng và đã đạt được nhận thức chung quan trọng về định hướng lớn thúc đẩy quan hệ hai nước nhằm góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị, thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển thực chất và hiệu quả hơn.

Hai bên cho rằng mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno đặt nền móng và các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp, đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trở thành mối quan hệ Đối tác chiến lược; khẳng định Việt Nam và Indonesia sẽ tiếp tục là những người bạn tin cậy, gắn bó bởi tình cảm hữu nghị, chia sẻ các giá trị và lợi ích tương đồng. Indonesia khẳng định rất coi trọng quan hệ với Việt Nam, cho đến nay Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN mà Indonesia lập quan hệ Đối tác chiến lược.
 
Hai bên cũng nhất trí cho rằng kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2013, hợp tác trên các lĩnh vực đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song còn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư; nhất trí về các phương hướng và biện pháp nhằm thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước trong thời gian tới. Nhân chuyến thăm, hai bên đã ký kết 6 văn kiện hợp tác.
 
Về các vấn đề quốc tế và khu vực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các nhà lãnh đạo Indonesia đã thống nhất khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); nhất trí phối hợp và hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên khác của ASEAN trong việc duy trì đoàn kết, thống nhất nội khối, phát huy vai trò trung tâm và dẫn dắt của ASEAN trong cấu trúc khu vực, hiện thực hóa các mục tiêu của Cộng đồng và góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
 
Tại Myanmar, trong thời gian hơn 2 ngày, Tổng Bí thư và đoàn đã có 21 cuộc làm việc và hoạt động, trong đó có: Gặp riêng và hội đàm với Tổng thống Htin Kyaw; gặp riêng và hội kiến chung với Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi (Oong Xan Xu Chi); hội kiến chủ tịch lưỡng viện và các nhà lãnh đạo khác của Myanmar; gặp gỡ lãnh đạo các chính đảng của Myanmar…
 
Hai bên nhất trí cho rằng Việt Nam và Myanmar có mối quan hệ láng giềng gần gũi, hữu nghị truyền thống rất đáng trân trọng, gìn giữ và phát huy. Vượt qua không gian, thời gian, mối dây liên kết tinh thần và tình cảm giữa Tướng Aung San (Oong Xan) và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho mối quan hệ giữa hai nước; khẳng định, trải qua những năm tháng đầy biến động của lịch sử, đến nay hai nước rất tin tưởng vào triển vọng tốt đẹp của mối quan hệ hai nước trên cơ sở những thành tựu hợp tác đạt được những năm qua; những điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa; những tiềm năng to lớn có thể bổ sung cho nhau về thị trường, thương mại, đầu tư, nguồn nhân lực, tài nguyên phong phú và sự gần gũi về địa lý; và những chia sẻ lợi ích và nhận thức chung về các vấn đề quốc tế và khu vực. Với các cuộc hội đàm, hội kiến cởi mở, thực chất, hai bên đã đạt được những nhận thức quan trọng, thống nhất những phương hướng, biện pháp lớn thúc đẩy toàn diện quan hệ hai nước.

Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, hai bên đã ra Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Myanmar và ký kết 4 văn kiện hợp tác.
 
Lãnh đạo hai bên khẳng định trong nhiều năm qua Việt Nam và Myanmar chia sẻ nhiều quan điểm và lợi ích tương đồng, luôn tích cực phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; nhất trí cần tiếp tục phối hợp trao đổi thông tin, quan điểm trong các tổ chức như: Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Hành lang Kinh tế Đông-Tây (EWEC) và Tổ chức Hợp tác kinh tế 3 dòng sông Ayeyarwady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) nhằm hợp tác sử dụng bền vững và hiệu quả nguồn nước sông Mekong.
 
Về vấn đề Biển Đông, Tổng Bí thư và các nhà lãnh đạo Myanmar cho rằng các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để gìn giữ hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực.
 
Trong cuộc gặp giữa Tổng Bí thư với bà Aung San Suu Kyi và lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ, hai bên cũng nhất trí cho rằng, việc xây dựng và thúc đẩy quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ, với vị thế là hai đảng cầm quyền, sẽ tăng cường sự hiểu biết, tin cậy chính trị và là nền tảng chính trị cho sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia (CSIS), thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Xin đồng chí cho biết nhận xét, đánh giá về cuộc nói chuyện này?

Tổng Bí thư đã có bài phát biểu quan trọng tại CSIS với chủ đề “ASEAN 50 năm hình thành, phát triển và chặng đường phía trước”. Đây là sự kiện được giới học giả và công chúng Indonesia rất mong đợi. Trong phát biểu của mình, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh một số thông điệp quan trọng.
 
Thứ nhất, Tổng Bí thư khẳng định ASEAN sau 50 năm hình thành và phát triển là một tổ chức khu vực thành công, đóng góp rất tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. 'Từ một khu vực đối đầu, chia rẽ, Đông Nam Á đã xây dựng được một Cộng đồng ASEAN "thống nhất trong đa dạng", xây dựng và phát huy được vai trò trung tâm trong cơ chế hợp tác khu vực’. Nhờ có ASEAN, các cựu thù trở thành bạn bè, thành đối tác hợp tác trên mọi lĩnh vực. Mỗi nước thành viên ASEAN, ở những mức độ khác nhau, đều đạt được những lợi ích quan trọng. ASEAN cũng mang lại nhiều lợi ích và tranh thủ được sự hợp tác của các nước ngoài khu vực Đông Nam Á, nhất là các nước lớn. Đây có thể coi là một thành quả, một tài sản quan trọng mà các nước Đông Nam Á cần tiếp tục giữ gìn và phát huy.
 
Thứ hai, Tổng Bí thư đã rút ra một số bài học quan trọng qua 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN, trong đó đặc biệt nhấn mạnh bài học về giữ vững "độc lập, tự cường" và "đoàn kết, thống nhất". Đây một vấn đề rất quan trọng, đồng thời cũng là đòi hỏi cấp thiết để bảo đảm sự vững mạnh và vai trò, vị thế của ASEAN. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình khu vực và quốc tế diễn biến hết sức phức tạp, "độc lập, tự cường" và "đoàn kết, thống nhất" lại càng đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Tôi cho rằng, đây là một thông điệp mạnh mẽ của chúng ta về ASEAN.
 
Thứ ba, Tổng Bí thư nêu ra một số mong muốn đối với ASEAN trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải có thái độ "hướng tâm" và trách nhiệm đóng góp của tất cả thành viên trong việc tăng cường đoàn kết, thống nhất và liên kết nội khối, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích chung của khu vực và lợi ích riêng của các nước thành viên. Đây cũng chính là mấu chốt của vấn đề đặt ra hiện nay đối với ASEAN trong việc duy trì ‘đoàn kết, thống nhất’, nhất là trong thái độ đối với những gì ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định trong khu vực. Tổng Bí thư đã nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình: ‘Giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo là trách nhiệm của các nước trực tiếp có liên quan, nhưng cách ứng xử và hành động của các nước trong quá trình xử lý tranh chấp có tác động trực tiếp đến lợi ích chung của cộng đồng khu vực và quốc tế’. Có thể nói, đây cũng là một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng của chúng ta đối với bối cảnh, tình hình khu vực hiện nay.
 
Tổng Bí thư cũng khẳng định chính sách nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là đặc biệt coi trọng và dành ưu tiên cao cho ASEAN; nỗ lực hết mình tham gia với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm; luôn coi ASEAN là ngôi nhà chung, đặt ưu tiên cao quan hệ với các nước thành viên, gắn bó hài hòa lợi ích quốc gia của Việt Nam với lợi ích của cả khu vực.
 
Đồng thời, trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh, khẳng định quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Indonesia, đó là mối quan hệ vốn được bắt nguồn từ rất sớm, được nuôi dưỡng, vun đắp bởi tình cảm sâu sắc, hiếm có giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno, được phát huy đến ngày nay khi hai nước đã trở thành đối tác chiến lược của nhau. Việt Nam và Indonesia có vị trí quan trọng ở khu vực, cùng chia sẻ nhiều quan điểm và lợi ích chung, cần cùng nhau chung tay đoàn kết cùng các nước ASEAN khác, phấn đấu vì một ASEAN “lấy người dân làm trung tâm”, ngày càng lớn mạnh, góp phần xứng đáng vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
 
Bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia – Cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Indonesia và khu vực, trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN vừa có ý nghĩa biểu tượng quan trọng vừa có giá trị thiết thực để lại ấn tượng rất sâu sắc đối với các nhà nghiên cứu và công chúng. Các đại biểu tham dự rất chăm chú theo dõi và nhiều lần vỗ tay tán thưởng. Các hãng thông tấn quốc tế cũng đưa tin rộng rãi và đậm nét về bài phát biểu và những thông điệp lớn của Tổng Bí thư.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp thân mật Tổng thống Myanmar Htin Kyaw. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Một trong những điểm nhấn của chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Liên bang Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là việc hai nước chính thức xác lập khuôn khổ quan hệ “Đối tác hợp tác toàn diện”. Xin đồng chí có một số đánh giá về sự kiện này?

Trong chuyến thăm, hai nước đã chính thức xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện. Đây là một “dấu mốc mới, tầm cao mới, động lực mới”, cho quan hệ hai nước. Lãnh đạo hai nước kỳ vọng việc xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện sẽ tạo khuôn khổ cụ thể để quan hệ hai nước tiếp tục phát triển toàn diện trong thời gian tới.

Để xác định rõ nội hàm cho khuôn khổ quan hệ mới, hai bên đã ra Tuyên bố chung về thiết lập Quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam – Myanmar, theo đó xác định năm trụ cột hợp tác lớn, đó là: Quan hệ chính trị; Hợp tác quốc phòng và an ninh; Hợp tác kinh tế; Hợp tác văn hóa, xã hội, giao lưu nhân dân và các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm; và Hợp tác khu vực và quốc tế. Có thể thấy năm trụ cột hợp tác lớn bao hàm khá toàn diện tất cả các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, sẽ tạo thành nền tảng căn bản để các cơ quan hữu quan của hai bên tập trung triển khai, tạo bước chuyển cụ thể trong quan hệ hai nước thời gian tới.
 
Việc xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam – Myanmar trong chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần định hướng cho quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Myanmar tiếp tục vươn lên tầm cao mới với chiều sâu hiệu quả và kết quả thực chất hơn nữa trong giai đoạn phát triển tiếp theo, nhất là thời điểm Myanmar đang thúc đẩy cải cách kinh tế và chính trị.

TTXVN/Báo Tin Tức
Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện Việt Nam - Myanmar
Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện Việt Nam - Myanmar

Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar Htin Kyaw, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thăm cấp nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar từ ngày 24 - 26/8/2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN