Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng

Hoàn thành 96% mục tiêu kế hoạch đề ra chỉ trong 11 tháng đầu năm, lĩnh vực xuất khẩu đang ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong bức tranh kinh tế của cả nước. Bộ Công Thương dự báo, với những tín hiệu khả quan của nhiều mặt hàng, xuất khẩu cả năm 2013 có thể cán đích 133,5 tỷ USD, tăng 16,6% so với kế hoạch năm.


Vượt dự kiến 16,2%


Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, kim ngạch xuất khẩu tháng 11 ước đạt 12,3 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 11 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 121 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Như vậy, so với mục tiêu đã đề ra cho cả năm 2013 là 126,1 tỷ USD thì kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước hiện chỉ còn cách đích hơn 5 tỷ USD.

Dây chuyền sản xuất điện thoại di động Samsung Việt Nam. Ảnh: Đức Tám - TTXVN


Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang tăng trưởng rất mạnh, trong tổng số 121,023 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu chung thì khối này đã đạt hơn 74,56 tỷ USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ. “Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục khởi sắc, nếu không kể dầu thô khu vực FDI xuất siêu khoảng 5,6 tỷ USD," ông Vỵ cho hay.


Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì kết thúc năm 2013, kim ngạch xuất khẩu cả nước có thể đạt khoảng 133,5 tỷ USD, tăng 16,6% so với kế hoạch đề ra từ đầu năm và nhập siêu có thể quanh mức 300 triệu USD.


Nếu dự báo trên trở thành hiện thực, sẽ dẫn đến nhiều kết quả tích cực: Đó là quy mô xuất khẩu sẽ đạt mức lớn nhất từ trước đến nay, vượt khá xa so với kế hoạch đề ra, giúp nâng mức xuất khẩu bình quân đầu người đạt khoảng 1.460 USD, cao nhất từ trước đến nay và hệ số giữa tốc độ tăng xuất khẩu/tốc độ tăng GDP (đạt gần 2,8 lần), chứng tỏ xuất khẩu là động lực của tăng trưởng kinh tế, góp phần làm cho tăng trưởng kinh tế thoát đáy vượt dốc đi lên.


Tạo động lực cho phát triển kinh tế


Điểm lưu ý trong bức tranh xuất khẩu 11 tháng qua là cơ cấu xuất khẩu đang có sự chuyển dịch tích cực. Theo ông Vỵ, xuất khẩu nhóm nhiên liệu, khoáng sản giảm dần trong khi nhóm công nghiệp chế biến tăng trưởng mạnh. Cụ thể, nhóm khoáng sản ước đạt 8,7 tỷ USD, giảm 18,7%. Trong đó: Than đá giảm 28,7%; dầu thô giảm 14,4%; xăng dầu các loại giảm 34,9%; quặng và khoáng sản khác tăng 10,1%.


Trong khi đó, đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu là nhóm hàng công nghiệp chế biến khi đem về tới 85,5 tỷ USD. Riêng mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, qua 11 tháng xuất khẩu mặt hàng này đã đem về 20,2 tỷ USD, tăng 78,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực (vượt qua cả dệt may) đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.


Với kết quả nổi bật của nhóm hàng công nghiệp chế biến, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu đã có sự chuyển dịch theo hướng các mặt hàng thô, mới qua sơ chế hoặc bị giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước (như cà phê, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, than đá, dầu thô, cao su...), nên tỷ trọng các nhóm hàng này đã giảm xuống (năm 2005 chiếm tới 49,7%, năm 2010 chiếm 34,8%, năm nay sẽ còn xuống thấp nữa). Các mặt hàng chế biến hoặc đã tinh chế (như điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, túi xách, ví, va li, mũ và ô dù, hàng dệt may, giày dép, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng...) tăng cao hơn, nên tỷ trọng các nhóm hàng này đã tăng lên (năm 2005 mới chiếm 50,3%, năm 2010 đã chiếm 65,1%, năm nay sẽ còn tăng cao hơn).


Hiện nay, các chỉ số quan trọng khác của nền kinh tế không mấy khả quan. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng sau khi loại trừ yếu tố giá chỉ tăng thấp 5,54%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng tăng 5,6%, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP sụt giảm mạnh (từ 30,5% xuống 29,1%)... Theo các chuyên gia thương mại, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao trong khi các ngành, lĩnh vực khá sụt giảm mạnh giúp cho xuất khẩu đang trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước.


Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến kế hoạch đề ra trong các năm tiếp theo, do vậy theo Bộ Công Thương, trong tháng còn lại của năm cũng như trong năm 2014, các bộ, ngành, địa phương cần có những chính sách ưu tiên cao nhất để giải quyết những khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.


Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN