Theo BS.CKII.Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP Hồ Chí Minh: Hiện nay, do tính chất lây lan của bệnh tay chân miệng, Cục Y tế dự phòng và các trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố đều hướng dẫn sử dụng Chloramin B để khử khuẩn bề mặt nhằm hạn chế việc lây lan mầm bệnh qua đường tiếp xúc (với bề mặt, các chất dịch tiết ra từ người mang mầm bệnh…).
Khi dùng Chloramin B với mục đích khử khuẩn nguồn nước uống, hồ bơi ở nồng độ thấp, không gây độc và có mùi đặc trưng của Clor mà chúng ta thường thấy. Tuy nhiên, khi khử khuẩn Chloramin B ở nồng độ cao hơn, có khả năng gây kích ứng với một số cơ quan như mắt, da, tiêu hóa và hô hấp và đặc biệt trong trường hợp uống nhầm với nồng độ cao có thể gây ngộ độc.
Các dấu hiệu ngộ độc đặc trưng gồm: Kích thích, la hét, hung dữ, da nổi mẩn đỏ, nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, chảy nước mắt, kích thích đường hô hấp trên và dưới gây ho, khó thở, khò khè…
Trường hợp người bệnh có các triệu chứng nêu trên, cần có cách xử trí kịp thời tùy theo phương thức tiếp xúc với Chloramin B:
Nếu nuốt phải Chloramin B, nên cho uống ngay với một ít nước ấm và dùng vài thìa than hoạt hoặc Natribicarbonate để uống trung hòa. Không nên cố gắng gây nôn.
Nếu hít phải không khí có chứa clor, phải đưa ngay người bị thương ra khỏi vùng không khí ô nhiễm, nhanh chóng đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.
Nếu bị bắn Chloramin B vào mắt phải được rửa sạch ngay bằng nước sạch nhiều lần và chuyển ngay đến cơ sơ y tế gần nhất.
Nếu bị bắn vào quần áo hoặc dính trên da: Tháo bỏ ngay quần áo bị bắn và rửa da vùng đó bằng nước ấm và xà phòng.
LBT