Xử lý nghiêm việc “ngâm” hồ sơ người có công

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vẫn đang rất nỗ lực giải quyết chế độ cho những trường hợp người có công còn tồn đọng lâu nay. Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã khẳng định trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, phát sóng trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.


Đẩy mạnh giải quyết những trường hợp tồn đọng


Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều quy định, văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách đối với những người có công nói chung và những trường hợp còn tồn đọng nói riêng, đặc biệt là với những trường hợp còn tồn đọng do thiếu hồ sơ gốc và không còn người làm chứng.“Hiện cả nước có 8,8 triệu người có công được hưởng chính sách của Nhà nước, trong đó có gần 1,5 triệu người được hưởng trợ cấp thường xuyên”, Bộ trưởng cho biết.


Tuy nhiên, đến cuối năm 2009, vẫn còn trên 8.000 hồ sơ tồn đọng, chủ yếu do thiếu hồ sơ gốc theo quy định. Trước thực tế này, Bộ LĐ,TB&XH đã có Kế hoạch 611, hướng dẫn việc tiếp tục giải quyết những trường hợp trên. Nhờ đó, đến nay đã giải quyết được cho trên 3.000 trường hợp và một số trường hợp đang được tiếp tục xem xét. "Chính phủ cũng đã giao cho Bộ LĐ,TB&XH phối hợp với Bộ Quốc phòng, cùng các cơ quan chức năng, tiếp tục có những quy trình hướng dẫn giải quyết với những trường hợp tồn đọng do không còn hồ sơ gốc và không còn người làm chứng. Để triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Bộ LĐ,TB&XH đã xây dựng xong Thông tư hướng dẫn liên ngành, đang xin ý kiến các bộ, ngành. Dự kiến, trong tháng 9 thông tư này sẽ ra đời, khi đó những trường hợp tồn đọng còn lại sẽ tiếp tục được xem xét giải quyết”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định.


Bộ trưởng cũng cho biết, theo dự thảo Thông tư này, vai trò của tổ chức cơ sở xác nhận hồ sơ ban đầu rất quan trọng. Theo đó, địa phương của những trường hợp này phải lập và công khai danh sách các trường hợp người có công của địa phương mình. Ngoài ra, để tránh tình trạng gian lận đã từng xảy ra lâu nay, từ nay hồ sơ của người có công sẽ do Hội Cựu chiến binh của địa phương xem xét và xác nhận, thay vì trước đây là chỉ cần cựu chiến binh tự xác nhận cho nhau...


Xử lý nghiêm trường hợp gian lận


“Việc gian lận hồ sơ để hưởng chính sách người có công là vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Những năm qua, Bộ đã chỉ đạo thanh tra 37 tỉnh và đã cắt, giảm trên 7.000 trường hợp, thu hồi trên 75 tỷ đồng về cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng gian lận hồ sơ để hưởng chính sách của Nhà nước vẫn chưa chấm dứt. Tới đây Bộ LĐ,TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, nhằm phát hiện những trường hợp gian lận để xử lý”, Bộ trưởng khẳng định.


Siết chặt khâu xem xét hồ sơ, nhưng đồng thời, theo Bộ trưởng Hải Chuyền, với những trường hợp đã có hồ sơ thì các cơ quan chức năng cần xem xét nhanh chóng để công nhận, nếu chưa đủ hồ sơ cũng phải có trả lời để bổ sung. “Bộ sẽ kiểm tra, xử lý những địa phương nào để xảy ra tình trạng chậm xem xét, trả lời những trường hợp đã gửi đủ hồ sơ hoặc thiếu hồ sơ mà không hướng dẫn bổ sung…”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.

Trọng Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN