Cần có cơ chế đặc thù
Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư vào vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng nhằm hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người dân và ưu tiên tạo việc làm cho lao động nghèo và lao động là người dân tộc thiểu số. Có chính sách hỗ trợ cho các địa phương có dân di cư tự do (địa phương có dân đi) để hỗ trợ cho người dân yên tâm làm ăn, không di cư vào các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, đồng thời, cần có chính sách và nguồn lực hỗ trợ mạnh hơn cho các địa phương có dân di cư tự do đến để sớm ổn định dân cư, yên tâm sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện một số chính sách, như hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo chuẩn mới, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 49 của Chính phủ về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên, đồng thời tăng mức hỗ trợ cho phù hợp với tình hình thực tế như hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ hộ nghèo vùng khó khăn… Cần sớm có cơ chế, chính sách trong công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ là dân tộc thiểu số, nhất là cần ưu tiên sử dụng đội ngũ học sinh dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp để góp phần tạo điều kiện cho đồng bào thoát nghèo bền vững…
Trong những năm qua, chương trình mục tiêu giảm nghèo của tỉnh Đắk Lắk đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bình quân mỗi năm giảm được 3% hộ nghèo, nhất là tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ có tốc độ giảm nhanh. Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh Đắk Lắk vẫn còn 53.094 hộ nghèo, chiếm 12,97% dân số; trong đó, số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số có 35.618 hộ, chiếm 60,09% tổng hộ nghèo và chiếm gần 30,83% tổng số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà Mai Hoan Niê Kdăm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk
Cái nghèo luôn dai dẳng
Thực tế cho thấy, nhiều hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng khó khăn cái nghèo luôn dai dẳng, kinh niên. Nhiều chuyên gia đã có những nghiên cứu cho rằng tỷ lệ hộ nghèo cao và dai dẳng của các nhóm dân cư này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bị cách biệt về địa lí và hạn chế trong tiếp cận thị trường. Cùng với việc đã triển khai nhiều chương trình giảm nghèo mang tính chất chiều rộng, đã đến lúc Chính phủ cần triển khai thêm và mạnh mẽ các chương trình giảm nghèo mang tính chất chiều sâu.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông |