Xóa kỳ thị “kép” để giảm nguy cơ lây nhiễm HIV

Kỳ thị, phân biệt đối xử sẽ làm cho những người nhiễm HIV/AIDS trở thành nhóm người sống ẩn trong xã hội; việc giấu giếm bệnh tật sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền HIV cho cộng đồng. Thế nhưng, tình trạng kỳ thị, phân biệt vẫn đang diễn ra hết sức nặng nề ngay ở gia đình, trường học, nơi làm việc...

Hơn 40% người nhiễm HIV mà không biết

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện có khoảng 260.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng; trong đó, chỉ khoảng 56% số người bệnh biết mình nhiễm HIV. Trong lĩnh vực điều trị, tính đến tháng 6/2014, toàn quốc có hơn 86.700 bệnh nhân (cả người lớn và trẻ em) đang được điều trị ARV, tương đương 32% số người nhiễm HIV trong cộng đồng. Ngoài những khó khăn về nguồn lực, độ bao phủ các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế, thì sự kỳ thị và phân biệt đối xử đang là một trở ngại lớn ngăn cản các nhóm quần thể nguy cơ, người nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV.

Cán bộ y tế huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, tuyên truyền phòng, chống HIV tại hộ gia đình.Ảnh: Hoàng Cầu - TTXVN



Đánh giá về tình trạng kỳ thị người nhiễm HIV, chị Phạm Thị Huệ, Trưởng phòng Truyền thông, Trung tâm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và phòng chống HIV/AIDS Hải Phòng, cũng là một người nhiễm HIV, từng được Tạp chí Time bầu chọn là "Anh hùng châu Á" năm 2004 vì nỗ lực nhằm xóa bỏ sự kỳ thị của cộng đồng đối với người nhiễm HIV, cho biết: “So với hơn 10 năm trước, tình trạng kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng đã giảm rõ rệt. Song thực tế, vẫn còn nhiều bệnh nhân đang bị kỳ thị, nhất là tại các vùng ngoại thành, vùng khó khăn”.

Giọng buồn rầu, chị Huệ chia sẻ: “Mới tuần trước, tôi và các bạn trong câu lạc bộ Hoa phượng đỏ đi dự đám tang của 1 người bạn nhiễm HIV ở 1 huyện ngoại thành Hải Phòng. Đám tang ấy rất hiu quạnh, chỉ có vợ con của người đã khuất và mấy người bạn chứ không hề có những người thân khác trong gia đình; cũng vì kỳ thị, không muốn nhiều người biết, bàn tán… nên việc tổ chức đám tang diễn ra vô cùng chóng vánh, bạn tôi mất lúc 16 - 17 giờ nhưng phải hỏa táng ngay lúc 22 giờ và tới 1 - 2 giờ sáng thì tang lễ kết thúc. Ra về, chúng tôi ai nấy đều nặng trĩu tâm sự, không thể ngờ cho đến bây giờ, sự kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn nặng nề đến vậy”.

Là “người trong cuộc”, chị Phạm Thị Huệ cho rằng, việc xóa bỏ sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS cần đến từ hai phía, đó là từ cộng đồng và chính người bệnh. Hiện nay, không ít người bệnh vẫn tự kỳ thị chính mình, vì thiếu kiến thức, mặc cảm nên họ dễ bị tổn thương, không dám công khai danh tính để tiếp nhận dịch vụ điều trị từ các cơ sở y tế.

Đồng tình với quan điểm này, BS Cao Thanh Thủy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, người nhiễm HIV cần phải tự vượt qua sự tự kỳ thị và sự kỳ thị của cộng đồng. Thực tế cho thấy, vì sợ kỳ thị và phân biệt đối xử, còn có những người nhiễm HIV đã và đang tự túc điều trị, rất có thể sẽ gặp phải những BS chưa đủ kinh nghiệm theo dõi và điều trị HIV theo như quy định của Bộ Y tế.

Trong quá trình làm việc, BS Thủy và đồng nghiệp đã tiếp nhận một số người bệnh tự điều trị hoặc được bác sĩ kê đơn và theo dõi không đúng phác đồ… nên đã dẫn đến hiện tượng kháng thuốc. Có trường hợp đã thất bại điều trị nhưng khi đến BV vẫn khăng khăng tự túc mua thuốc và mong được BS kê đơn, theo dõi. Tất cả chỉ vì họ sợ lộ danh tính nên không muốn khai họ tên, không sử dụng thẻ BHYT và không dùng thuốc miễn phí trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Có “hiểu” mới “thương”

Lý giải về nguyên nhân tình trạng kỳ thị và phân biệt còn tồn tại khá phổ biến, ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, cho rằng: Kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS là vấn đề nhạy cảm; trong đó, có nguyên nhân do nhiều người chưa hiểu biết đầy đủ về căn bệnh này. Từ đó, dẫn đến cách phòng vệ quá mức như không ngồi chung bàn, không ăn chung, làm việc chung với người nhiễm HIV. Nhiều chủ lao động còn cho rằng người nhiễm HIV không có khả năng lao động và sáng tạo nên khó có thể duy trì được công việc/nhiệm vụ được giao. Bởi vậy, đã xảy ra tình trạng người nhiễm HIV bị kỳ thị, phân biệt đối xử trong môi trường làm việc, thậm chí bị mất việc làm. Đặc biệt, sự kỳ thị còn xuất phát từ chính bản thân người nhiễm HIV. Khi rơi vào tình trạng tuyệt vọng, có người đã nảy sinh ý định "trả thù đời", cố tình gây lây nhiễm HIV cho người khác, làm cho vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử càng trở nên trầm trọng hơn…

Trong khi đó, các nghiên cứu trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã chỉ ra rằng: Kỳ thị và phân biệt đối xử là nguyên nhân làm hạn chế những người có hành vi nguy cơ cao, cũng như những người nhiễm HIV tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị. Người nhiễm HIV không điều trị hoặc điều trị muộn khi hệ miễn dịch suy giảm mạnh sẽ là nguồn lây hết sức nguy hiểm… Để sớm chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS và Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (từ 10/11 đến 10/12) tại Việt Nam năm nay tập trung vào chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”.

“Ngành y tế sẽ phối hợp với các ban ngành, cùng các địa phương, tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS không chỉ theo chiều rộng mà phải hướng tới chiều sâu. Tập trung vào việc giải thích cho mọi người dân hiểu về khả năng lây truyền của HIV... Khi hiểu rõ về HIV/AIDS thì người dân chắc chắn sẽ tin và không còn sợ lây nhiễm khi tiếp xúc với người nhiễm HIV nữa”, ông Nguyễn Hoàng Long khẳng định.

Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ rà soát, thay thế các thông điệp, hình ảnh, nhất là các pano, áp phích có tính chất “hù dọa”, làm cho người dân ghê sợ HIV/AIDS một cách quá mức. Đồng thời, tăng cường các thông tin tích cực về đóng góp của người nhiễm HIV/AIDS cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Tạo điều kiện cho các nhóm người nhiễm HIV/AIDS tổ chức các hoạt động truyền thông trong cộng đồng, trong nhà trường, tại nơi làm việc, làm thay đổi cách nhìn và đổi quan niệm của xã hội đối với người nhiễm HIV/AIDS…

Phương Liên
Mở rộng điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS
Mở rộng điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS

Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị mở rộng điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS bằng ARV hướng đến mục tiêu thanh toán HIV/AIDS vào năm 2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN