Tiểu thuyết Xơ Carrie (ra đời năm 1900) là câu chuyện về số phận của một cô gái quê chuyển đến thành phố lớn, nơi cô bắt đầu nhận thức được giấc mơ Mỹ của mình. Ban đầu, cô trở thành tình nhân của những người đàn ông mà cô ngỡ là thượng đẳng, rồi sau đó cô trở thành một nữ diễn viên nổi tiếng. Tồn tại hơn một thế kỷ, cho đến nay Xơ Carrie được coi là một trong những tiểu thuyết hay nhất về thị thành nước Mỹ, khai thác được những chi tiết táo bạo trong bản chất con người, cũng như ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa đến toàn bộ dân Mỹ vào cuối thế kỷ 19.
Theodore Dreiser là nhà văn rất độc đáo và có cảm xúc sâu sắc. Bức chân dung chân thật, sống động về cuộc đời Carrie được coi là sự nỗ lực dũng cảm, giúp bạn đọc có cái nhìn hiện thực về cuộc sống của phụ nữ Mỹ cuối thế kỷ 19. Trong Xơ Carrie, Theodore Dreiser miêu tả sinh động sức mạnh tàn bạo của những quyết định sai lầm - hoặc thiếu kiên quyết - đã hủy hoại cuộc đời con người ra sao. Từ quyết định bỏ quê lên Chicago, mong ước đổi đời của Caroline Meeber (được cả nhà thân mật gọi là xơ Carrie vì cô xinh đẹp và bẽn lẽn), đến cuộc tình tay ba với anh chàng chào hàng Charles Drouet và viên quản lý khách sạn George Hurstwood, rồi sau nhiều thăng trầm, Carrie trở thành một ngôi sao sân khấu, thành đạt, giàu có và được săn đón, nhưng vẫn cô đơn. Cuộc sống quay cuồng, đầy bất trắc trong xã hội và giới nghệ thuật Mỹ khiến cô hiểu ra rằng tiền bạc và danh tiếng không thể đáp ứng những nguyện vọng mãnh liệt của cô, cũng không đem lại cho cô hạnh phúc, và mọi thèm muốn của cô trở nên vô nghĩa.
Các nhân vật khác cũng không thoát khỏi vòng xoáy tương tự: Drouet mãi mãi vẫn chỉ là anh chàng bảnh trai, khá tốt bụng song phù phiếm và hời hợt, còn Hurstwood sau những sai lầm: Bỏ gia đình, thụt két, trốn chạy cùng Carrie, cờ bạc, nên đã rơi từ cảnh thành đạt và khá giàu có xuống thành người thất nghiệp và nghèo túng. Trải qua nhiều tháng ngày khốn khó, làm đủ mọi việc cực nhọc để nuôi thân, Hurstwood bị viêm phổi nặng và trở thành kẻ ăn xin, xếp hàng đợi phát chẩn ở các cơ sở từ thiện. Cuối cùng, ông tự tử trong một quán trọ rẻ tiền.
Vợ con Hurstwood, cô bạn đồng nghiệp Lola Osborne của Carrie đều thực dụng và muốn leo cao trong xã hội, những người giàu có, nổi tiếng hầu hết đều có “mặt trái” trong đời, những ông bầu hách dịch, quyền uy và sàm sỡ, những thủ đoạn quảng cáo trắng trợn, biến ảo đầy quyền phép… đã vẽ nên chân dung xã hội Mỹ cuối thế kỷ 19 rất hiện thực, tàn nhẫn, và sắc sảo, để lại ấn tượng sâu sắc trong trí nhớ bạn đọc.
Năm 1998, Xơ Carrie đứng thứ 33 trong 100 tiểu thuyết hay nhất viết bằng tiếng Anh của thế kỷ 20 (do Modern Library xếp hạng).
Năm 1952, Xơ Carrie đã được đạo diễn William Wyler đưa lên màn ảnh do các nghệ sĩ danh tiếng Laurence Olivier và Jennifer Jones đóng vai chính.
Tiểu thuyết Xơ Carrie do Thanh Vân dịch, Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt phối hợp với Nhà xuất bản Văn học phát hành.
Thanh Vân