Xem xét khả năng virus H7N9 lây từ người sang người

Chỉ trong vòng 1 ngày (2/4), tỉnh Giang Tô của Trung Quốc đã xuất hiện 4 trường hợp nhiễm virus cúm H7N9, cả 4 trường hợp này xảy ra không cùng địa phương và có người không tiếp xúc với gia súc gia cầm. Vì vậy, có chuyên gia cho rằng cần phải xem xét khả năng virus H7N9 lây từ người sang người.


Sau khi tỉnh Giang Tô xác nhận thêm 4 trường hợp nhiễm mới, theo truyền thông chính thức của Trung Quốc, tính tới tối 2/4, tổng số ca nhiễm virus cúm gia cầm H7N9 ở nước này đã tăng lên 7 trường hợp, trong đó 2 bệnh nhân ở thành phố Thượng Hải đã chết, các ca nhiễm còn lại ở An Huy và Giang Tô đều đang nguy kịch.


Tiêu hủy nguồn gây bệnh cũng là biện pháp phòng chống cúm gia cầm lây lan. Ảnh: Internet.

Tờ Tin tức Thế giới dẫn lời của Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Đài Loan (Trung Quốc) Trương Thượng Thuần cho biết xem xét diễn biến tình hình hiện nay có thể thấy bệnh cúm gia cầm ở Trung Quốc đã bị khuếch tán tương đối rộng.

Đặc biệt, trong số 7 ca nhiễm virus cúm gia cầm H7N9, có người không hoạt động trong ngành chăn nuôi, cũng chưa từng tiếp xúc với gia cầm hay chim, cho nên cần phải xem xét liệu có tồn tại hay không nguồn truyền bệnh từ một loại động vật khác, thậm chí là khả năng người lây sang người.

Nếu có nhiều chứng cứ cho thấy virus H7N9 có thể lây từ người sang người, ông Trương Thượng Thuần cho rằng cần phải cân nhắc đưa Trung Quốc đại lục vào danh sách cảnh giới cao độ về du lịch

Theo ông Hoàng Lập Dân, Chủ nhiệm khoa Bệnh truyền nhiễm trẻ em thuộc bệnh viện trên, diễn biến bệnh dịch ở Trung Quốc không chỉ là virus truyền từ gia cầm sang người, mà còn bùng phát đồng thời ở nhiều địa điểm, thậm chí có thể đã lây nhiễm từ người sang người ở mức độ hạn chế kiểu một người truyền bệnh cho một người. Tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng nếu cơ chế lây nhiễm từ người sang người phát triển lên mức hiệu quả, tức là một người có thể lây nhiễm cho 2 người.

Ông Hoàng Lập Dân dự đoán vịt nuôi ven bờ sông Trường Giang ở Trung Quốc có thể mang virus cúm H7N9. Vì nơi ở của vịt không cố định, cho nên, virus có thể lây lan trong phạm vi rộng.

Những cảnh báo trên của giới chuyên gia là rất đáng chú ý vì hiện nay trên thế giới đều chưa có vắc-xin phòng chống virus cúm gia cầm H7N9. Vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng viêm hô hấp cấp như sốt, ho… đặc biệt là sốt cao và hô hấp khó khăn, lời khuyên của các bác sĩ là mọi người cần phải đi khám bác sĩ kịp thời.

Bên cạnh việc cần phải tránh tiếp xúc và ăn gia cầm chết, giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay, đeo khẩu trang và không khạc nhổ bừa bãi sẽ có thể phòng ngừa hữu hiệu các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như cúm.



Hà Ngọc

Trung Quốc: Số ca nhiễm cúm H7N9 tăng hơn 200%
Trung Quốc: Số ca nhiễm cúm H7N9 tăng hơn 200%

Tính tới tối 2/4, với việc tỉnh Giang Tô xác nhận thêm 4 trường hợp nhiễm vi rút cúm gia cầm H7N9, tổng số ca nhiễm H7N9 ở Trung Quốc đã tăng lên con số 7, trong đó 2 người đã chết và số còn lại trong tình trạng nguy kịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN