Hải quân Mỹ mới đây đã cải tiến thành công một loại tên lửa tấn công trên bộ Raytheon Tomahawk (TLAM) để có thể tấn công một mục tiêu đang cơ động trên biển.
Trong một cuộc thử nghiệm diễn ra ngày 27/1 ở gần Đảo San Nicolas, California, Hải quân Mỹ đã phóng một quả TLAM nhắm vào một mục tiêu đang di động trên biển thông qua sự định hướng của một chiếc máy bay Boeing F/A-18E/F Super Hornet bay ở phía trên. TLAM có khả năng thay đổi hướng bay hành trình.
TLAM tấn công mục tiêu di động trên biển. |
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng My Bob Work đã ca ngợi vụ thử nghiệm thành công của tên lửa này trong một bài phát biểu chủ đạo tại hội nghị "WEST 2015". Theo ông, tên lửa này là một phần trong "Chiến lược Bổ sung Thứ 3" của Lầu Năm Góc, một sáng kiến tập trung vào nghiên cứu các loại vũ khí tầm xa mới.
"Một phần lớn của Chiến lược Bổ sung Thứ 3 là tìm ra những cách thức sáng tạo mới để triển khai các công nghệ triển vọng. Tên lửa này (TLAM) có khả năng thay đổi cuộc chơi tiềm năng mà không tốn nhiều chi phí. Nó là một loại tên lửa hành trình chống tàu có tầm bắn khoảng 1.600km", ông Work nói.
TLAM đã từng được sử dụng cho các nhiệm vụ tấn công trên bộ chống lại các mục tiêu tĩnh. Thông qua một số điều chỉnh, tên lửa này có khả năng xuyên qua các tàu bọc thép mỏng trên biển, qua đó Hải quân Mỹ đã lấp vào một khoảng trống nghiêm trọng trong các khả năng vũ khí của họ. Tên lửa này có thể sẽ được trang bị trên các tàu khu trục tên lửa dẫn đường mới hơn của Hải quân Mỹ, vốn không thể sử dụng tên lửa chống tàu RGM-84 Harpoon cũ đang có trong biên chế.
Với tầm bắn khoảng 1.600km, TLAM cho phép Hải quân Mỹ duy trì ưu thế đáng kể trong các cuộc đối đầu giữa các cường quốc hải quân tiềm năng. Một trong những tiến bộ quân sự có tính đe dọa nhất của Trung Quốc là những tên lửa chống tàu hiện đại do chính nước này phát triển. Tuy nhiên, những tên lửa này chỉ có tầm bắn bằng nửa so với của TLAM.
Nếu được cải tiến để thích nghi hoàn toàn, những tên lửa TLAM mới này sẽ hoạt động như là một biện pháp lấp chỗ trống cho đến khi tên lửa chống tàu tầm xa thế hệ kế tiếp của Hải quân Mỹ sẵn sàng đi vào phục vụ.
Công Thuận (B.I)