Xây dựng nông thôn mới (NTM) ở vùng đồng bằng vốn đã khó, xây dựng NTM vùng núi, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống lại càng khó hơn. Tuy nhiên, nếu biết cách vận động bà con, thì việc khá dễ dàng. Câu chuyện về sự thành công trong xây dựng NTM tại xã vùng cao Mai Hạ, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình là một minh chứng.
Khi đồng bào chưa tỏ
Dọc đường dẫn vào xã Mai Hạ - xã điểm xây dựng NTM của tỉnh Hòa Bình, chúng tôi chứng kiến từng tốp người dân đang mải miết đào đất, kè đá... để làm đường nội đồng, phục vụ sản xuất nông nghiệp, cho kịp thời vụ sau Tết Nguyên Đán.
Giao đất, giao rừng để đồng bào phát triển kinh tế. |
Nhớ lại những ngày đầu khi tuyên truyền, vận động đồng bào xây dựng NTM trên địa bàn xã, ông Khà Thái Sàu, Chủ tịch xã Mai Hạ, vẫn không thể quên được sự gian nan, vất vả trong việc thay đổi nhận thức của người dân. Khi ấy, bà con trong xã chẳng ai mặn mà với phong trào xây dựng NTM, bởi lẽ từ trước đến nay, tâm lý thụ hưởng, trông chờ nhận hỗ trợ từ Nhà nước mỗi khi có chính sách về đến xã, đã ăn sâu vào cách nghĩ của bà con. Mỗi năm, có thể kể ra hàng loạt các khoản mục được hỗ trợ như: Tiền điện sinh hoạt, tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống lúa, giống ngô, cho đến con trâu, con bò...
“Năm này qua năm khác, mãi thành quen, nên tâm lý thụ động, trông chờ vào Nhà nước càng khó thay đổi. Hơn nữa, nhận thức của bà con càng khó chuyển biến hơn vì thực chất của phong trào NTM là khơi dậy nội lực của người dân, lấy sức dân xây dựng quê hương, làng bản. Theo đó, Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, hỗ trợ một phần và người dân phải chủ động tham gia cùng làm trong tất cả 19 tiêu chí NTM”, Chủ tịch Sàu giải thích.
Tuyên truyền bằng loa phát thanh không có hiệu quả, đến tận nhà dân cũng không xong. Người thì viện cớ phải đi làm ăn xa, người thì kêu gia đình neo người, muốn tham gia cũng khó. Kế hoạch xây dựng NTM có nguy cơ thất bại. Điều này bắt buộc lãnh đạo xã Mai Hạ phải ngồi lại họp bàn để tìm ra phương án triển khai hiệu quả, và điều quan trọng nhất là làm thế nào để thay đổi nhận thức của người dân, vốn đã ăn sâu bám rễ qua nhiều năm, để mở ra một cách nghĩ, cách làm mới.
Mưa dầm thấm đất
Lãnh đạo xã Mai Hạ đã yêu cầu tất cả đảng viên đi đầu trong việc triển khai xây dựng NTM. Đồng thời, các trưởng bản, người có uy tín với bà con, được triệt để huy động để tuyên truyền về mục đích, cũng như lợi ích của phong trào xây dựng NTM trên địa bàn xã.
Nói đi đôi với làm, lãnh đạo xã Mai Hạ, từ bí thư, chủ tịch cho tới các đoàn thể thanh niên, hội phụ nữ... các trưởng thôn, xóm đã vừa trực tiếp tham gia chỉ đạo, vừa hiến đất, và vận động người thân trong gia đình góp ngày công làm đường. Chỉ trong vòng nửa năm, hơn 3 km đường bê tông liên thôn, cùng gần 1 km đường kè bờ ruộng được hoàn thiện, khiến bộ mặt của thôn xóm, đồng ruộng khang trang, sạch đẹp.
Cùng với đó, các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng như mô hình trồng dưa hấu, trồng rau súp lơ, bắp cải vụ đông, trồng đậu tương... cũng được các đảng viên triển khai hiệu quả, thu hàng chục triệu đồng/ha mỗi vụ. Ông Vi Văn Hiền, trưởng thôn Chiêng Hạ, cho biết: Vừa qua, thôn tổ chức làm đường nội đồng, cả 240 hộ dân của thôn, nhà nào cũng có người tham gia.
Công cuộc xây dựng NTM của xã tới thời điểm hiện tại đã đạt được nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên, đảng bộ xã Mai Hạ vẫn chưa lúc nào bớt trăn trở. Nỗi lo lớn nhất hiện nay chính là việc chuyển dịch cơ cấu lao động với việc đào tạo nghề cho bà con nông dân sao cho hiệu quả. Hay như việc tìm đầu ra ổn định cho những sản phẩm rau màu ngắn ngày cũng là nỗi lo không nhỏ...
Mùa Xuân mới đã đến, cho dù phía trước vẫn còn rất nhiều việc ngổn ngang cần giải quyết, nhưng chắc chắn, Tết này sẽ thật ý nghĩa đối với người dân Mai Hạ, bởi một "Nông thôn mới" đang dần hiện hữu trong từng ngõ xóm.
Bài và ảnh: Minh Đức