'Xây dựng ngành y tế công bằng, hiệu quả'

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (ảnh) đã trao đổi với Thông tấn xã Việt Nam về những sự kiện nổi bật của ngành trong năm 2012 và những ưu tiên trong năm 2013. Báo Tin tức trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc trao đổi này.

 

´Với cương vị là người đứng đầu ngành y tế, xin Bộ trưởng đánh giá công tác của ngành trong năm 2012?


- Năm qua, ngành y tế đã hoàn thành được các chỉ tiêu mà Quốc hội và Chính phủ giao, trong đó nổi bật là 4 chỉ tiêu quan trọng về: số giường bệnh trên 1 vạn dân, chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng; mức giảm tỷ lệ sinh và tỷ lệ các cơ sở y tế xử lý chất thải đúng quy định.


Đối với những chỉ tiêu còn lại, ngành y tế đã đạt được 17/18 chỉ tiêu, trong đó 1 chỉ tiêu không hoàn thành là cân bằng giới tính khi sinh. Việt Nam được quốc tế đánh giá là 7 nước hàng đầu trong số 74 nước được xếp hạng về giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh.


Nhiều thành tựu khoa học tiên tiến về y học của thế giới đã được ngành y tế triển khai hết sức thành công. Bên cạnh đó, ngành y tế đã phát hiện ra căn nguyên và khống chế thành công bệnh “lạ” viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam tại huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi. Bộ Y tế cùng các bộ, ngành và sự hậu thuẫn ủng hộ về chính sách, nguồn lực của Đảng, Nhà nước đã giúp trên 65% dân số tham gia bảo hiểm y tế; bổ sung thêm 1.350 giường ở các chuyên ngành ung thư, nội tiết… từng bước giải quyết quá tải bệnh viện.

 

´Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng có những mong muốn gì về sự phát triển của ngành y tế trong thời gian tới?


- Tôi vẫn trăn trở nhiều về vấn đề giảm tải bệnh viện, đầu tư nguồn lực tài chính cho phát triển y tế, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế và đặc biệt là về xây dựng quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế. Dù rất ít cán bộ y tế có thái độ không đúng, nhưng “con sâu làm rầu nồi canh” đã làm cho người dân nghĩ không tốt về người thầy thuốc.


Có lẽ, ước mơ và khát vọng của tôi về sự phát triển của ngành y tế hơi nhiều. Theo tôi, để làm được những việc trên thì Bộ Y tế phải có nhiều nỗ lực hơn nữa. Bên cạnh đó, ngành y tế mong muốn Đảng, Nhà nước đầu tư nhiều hơn nữa cho y tế, như cấp kinh phí để xây dựng thêm nhiều bệnh viện.


Chúng tôi mong muốn xã hội, những nhà hảo tâm và mỗi người dân tăng cường tham gia bảo hiểm y tế. Tham gia bảo hiểm y tế chính là đảm bảo quyền lợi của bản thân mỗi người, gia đình trong những lúc ốm đau, bệnh tật.


Ngành y tế cũng mong muốn ngày càng có nhiều những người thầy thuốc có tâm, có đức, giỏi cả lý luận và thực tiễn để đóng góp hơn nữa cho các tuyến vùng sâu vùng xa nhằm đáp ứng ngày càng cao hơn sự hài lòng của người bệnh. Bộ Y tế sẽ cố gắng phấn đấu để cải thiện chất lượng dịch vụ, trước mắt là thái độ ứng xử của thầy thuốc.

 

´Trong năm 2013 này, ngành y tế cần tập trung ưu tiên những nhiệm vụ nào, thưa Bộ trưởng?


- Năm 2013, ngành y tế cũng đề ra những giải pháp trên cơ sở 7 nhiệm vụ trọng tâm của ngành đặt ra trong giai đoạn 2012 - 2016.


Trong đó, ngành y tế tiếp tục thực hiện đề án giảm tải bệnh viện, triển khai quyết định về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn với người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh. Bộ Y tế cũng sẽ thí điểm đề án bác sỹ trẻ tốt nghiệp loại giỏi tình nguyện xuống công tác tại 62 huyện nghèo theo nhu cầu chuyên khoa tại các cơ sở y tế ở đó.


Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam để giúp giảm chi phí và tăng điều kiện cho công nghiệp dược trong nước phát triển; tiếp tục thực hiện đề án đổi mới cơ chế tài chính; tiến tới thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.


Ngành y tế cũng mong muốn ứng dụng nhiều công nghệ cao, đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực có trình độ để thực hiện tốt các kỹ thuật cao trong khám, điều trị bệnh. Mục tiêu của ngành y tế là xây dựng những trung tâm y tế chất lượng cao với chất lượng dịch vụ tốt, giá cả phải chăng.


Một vấn đề nữa Bộ Y tế đang tập trung giải quyết là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh và sẽ làm quyết liệt cả bằng giải pháp hành chính, giáo dục tư tưởng và giải pháp về kinh tế để tăng cường đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của cán bộ y tế. Những việc làm trên sẽ dần dần cải thiện sự hài lòng của người dân về đội ngũ y, bác sỹ từ đó xây dựng hình ảnh người thầy thuốc trong lòng người dân hướng tới sự công bằng, hiệu quả và phát triển.

 

´Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp ngành y tế đang triển khai để nâng cao ý thức trách nhiệm người sản xuất và người tiêu dùng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm?


- Thông tư 30 quy định an toàn thức ăn đường phố có hiệu lực từ ngày 20/1/2013 là hành lang pháp lý cơ bản để tiến tới việc thức ăn đường phố phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.


Bên cạnh đó, trong đợt này, sẽ áp dụng Nghị định xử phạt hành chính mới về vệ sinh an toàn thực phẩm, với hình thức nghiêm khắc hơn, mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng. Nếu mức xử phạt ấy chưa phù hợp thì sẽ thực hiện xử phạt cao gấp 7 lần giá trị số hàng hóa vi phạm. Ngoài ra, có thể rút giấy phép kinh doanh, đồng thời công bố trên thông tin đại chúng những cơ sở, mặt hàng không đạt tiêu chuẩn để người dân biết.


Đồng thời để giúp người dân có thể lựa chọn những thực phẩm an toàn, ngành y tế sẽ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ phát động phong trào, kết hợp với các bộ, ngành để đưa ra thị trường những sản phẩm có thương hiệu, có nhãn mác, tem an toàn, như vậy sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh. Ngoài ra những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn qua chọn lọc tự nhiên sẽ bị đào thải. Nhưng về lâu dài ngành y tế mong muốn có một đề án về bữa ăn an toàn. Theo đó, an toàn thực phẩm phải được đảm bảo từ trang trại cho đến bàn ăn. Các khâu từ nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh, phân phối phải được kiểm soát chặt chẽ. Đây là kế hoạch, quá trình lâu dài, cần sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành.


Xin cảm ơn Bộ trưởng!


Nhật Minh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN