Vườn cà của mẹ

Tháng tư về, những cái nắng đầu tiên báo hiệu mùa hạ đã đến. Cây cối trong vườn nhà đâm chồi nảy lộc, xanh tươi nõn nà. Vườn rau của mẹ cũng theo cái nắng và những cơn mưa đầu hạ mà tốt mơn mởn. Và mỗi khi tháng tư về, chuyên chở theo bao kí ức nơi khu vườn đơn sơ mà ấm áp ấy. Tôi nhớ về vườn cà của mẹ trong màu tím tự thuở nào.

Mẹ tôi sinh ra ở nông thôn, nơi quê nghèo lam lũ nên bông lúa củ khoai cứ thế mà nặng trĩu vai gầy. Mẹ bảo, ở quê, phải trồng nhiều rau quả để tự cung tự cấp, chứ ở nông thôn mà ngày nào cũng đi mua rau ăn thì người ta cười cho. Vì thế, năm nào mẹ tôi cũng dành vài luống đất tốt để trồng cà. “Tháng hai trồng cà, tháng ba trồng đỗ”, mẹ cứ theo thế để gieo hạt giống khi tháng hai về. Sau khi làm đất tơi mềm, mẹ mang hạt cà trong ống bầu khô trên gác bếp gieo vào từng hố, sau đó cho nhiều tro bếp và tưới nước đều để hạt giống nhanh cựa mình. Chỉ một thời gian sau, hạt đã nhanh chóng nảy mầm và chẳng bao lâu mọc thành cây xanh tốt. Cả khu đất thành những luống cà xinh xắn, mát rượi.

Sau hai tháng gieo trồng, đúng lịch tháng tư, cà đơm hoa kết trái. Chỉ sau một tuần, từ nách nơi ngọn cây, hoa cà thi nhau nở rộ. Hôm đầu chỉ thưa thớt một vài bông, hôm sau nhiều dần và rồi nở cho kỳ hết. Cả luống cà khi ấy toàn hoa và lá xanh mướt.

Thú nhất là lúc cà rụng rốn ra quả. Vào những lúc ấy, mẹ dặn chúng tôi không được xuống vườn cà nhiều bởi sợ những chú cà con “phải vía” không mọc thành quả được. Từ những cuống hoa xanh ngắt, ló ra những quả cà non ngộ nghĩnh, đáng yêu. Hôm đầu chỉ bằng đầu đũa, mấy hôm sau bằng đầu ngón tay và chỉ hơn một tuần sau, quả cà đã lăn lóc trên cây. Mỗi cây mọc tới gần chục quả, lố nhố trong những cuống lá xanh.

Vườn cà của mẹ tôi trồng nhiều giống khác nhau. Mẹ bảo, mỗi loại ăn một vị ngon khác nhau và chế được các món cũng khác nhau nên phải trồng nhiều loại trên cùng một luống đất. Có cà pháo ăn giòn tan, quả nhỏ, tròn. Có cà dừa thân bẹt, có sọc xanh trắng như những trái dừa tí hon rồi cả giống cà tím quả dài, cà bát quả to như những chiếc bát con ăn cơm thường ngày. Rồi có năm, mẹ trồng thêm cả giống cà dúm, quả nhỏ, màu xanh, lõi đặc, ăn giòn. Quả nào quả nấy tròn vo, da căng bóng. Bấy nhiêu giống cà đã làm cho vườn cà của mẹ tôi phong phú và hấp dẫn biết bao.

Tháng tư về, dưới cái nắng đầu hè oi ả, mẹ hái những quả cà đã đủ lớn về làm thức ăn cho những bữa ăn hàng ngày. Bữa cơm vùng quê nghèo ngày ấy không thể thiếu được món ăn dân dã mà đậm đà này. Mẹ lấy những quả cà pháo, cắt bỏ núm, phơi tái qua một nắng cho quả cà săn giòn, sau đó cho vào vại muối. Mẹ còn dùng hòn đá cuội nhẵn thín mà chúng tôi kì công tìm ở ven suối để nén vại cà cho thật chặt. Mẹ tôi bảo, phải nén như thế quả cà mới ngấm đều muối, trắng nõn nà và giòn. Mẹ còn dạy các chị gái tôi cách muối cà, vì theo mẹ, người phụ nữ nào khi đi lấy chồng cũng phải biết muối dưa, muối cà sao cho khéo. Quả cà còn được chế biến thành nhiều món hấp dẫn khác như cà xào với lá lốt, lá tía tô trong vườn nhà, cà luộc chấm mắm tép, cà nấu canh hến ăn vừa thơm vừa ngọt. Bữa cơm ngày hè quê tôi chẳng mấy khi thiếu đĩa rau muống luộc, bát tương bần thơm lựng, và đặc biệt là món cà muối giòn tan. Rồi cả bát canh mùng tơi nấu cua ăn với cà muối làm cho bữa cơm thêm phần vui vẻ và đầm ấm. Ẩm thực chốn quê nhà từ bao đời nay vẫn dân dã và đậm đà như thế.


Vào mỗi chợ phiên, dưới gốc đa làng, mẹ tôi lại gồng gánh hai rổ cà đi bán. Mẹ bảo, dân mình nhà ai cũng trồng cà, biết thế những chợ phiên ngày nào mẹ cũng góp vui bằng sản vật do chính mình làm ra.

Xa tuổi thơ, xa quê đã lâu, biết bao mùa vườn cà của mẹ nở hoa kết quả, tôi vẫn nhớ dáng hình mẹ tần tảo sớm khuya. Mỗi khi ăn cơm dù ở nhà hay ở quán, tôi đều chuẩn bị và gọi ra bát cà muối. Dù không phải là cà quê mẹ trồng, dù không được giòn và thơm ngon nhưng vẫn có sức ám ảnh lớn và gọi về trong tôi kí ức xa xăm khó nói thành lời vườn rau, vườn cà của mẹ và cái chân chất, dân dã nơi quê nhà.

Nguyễn Thế Lượng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN