Vụ án "heo đất'

Chị Hương không có thói quen cho con nhiều tiền vì chị sợ chúng tiêu tiền phung phí, sẽ ảnh hưởng đến lối sống của chúng sau này. Ăn sáng chị lo ở nhà, con cần gì chị mua cho, không để con thiếu thốn.

Về giải trí, thỉnh thoảng chị cho con đi xem phim ở rạp, mua đĩa ca nhạc hay phim hoạt hình, sách báo phù hợp với lứa tuổi về nhà cho con xem.

Mỗi tuần chị cho con gái lớn (17 tuổi) từ 50 đến 70 ngàn đồng gọi là dằn túi, khi có việc cần như gọi điện thoại về nhà, sửa xe đạp hay mua chút ít quà vặt, đồ dùng cá nhân.

Còn cậu con trai út mới 8 tuổi thì chị cho ít hơn, mỗi ngày thằng bé được nhận 5 ngàn đồng từ tay mẹ. Thằng bé ít xài tiền, nên mỗi ngày khi đi học về, nó đều bỏ vào con heo đất của mình số tiền từ 3 đến 4 ngàn đồng.

Đi chợ về có tiền lẻ, chị Hương cũng cho con để... nuôi heo; chồng chị đi làm về có tiền lẻ cũng nhét vào ống heo cho con, nhằm khuyến khích con tiết kiệm.

Và cứ mỗi ngày bỏ ống như vậy, cộng thêm với tiền lì xì hồi Tết, con heo đất đã “nặng ký” thấy rõ.

Thằng bé dự tính nghỉ hè sẽ đập con heo đất ra để lấy tiền đi du lịch cùng các bạn trong lớp, khỏi phải xin tiền ba mẹ. Thế nhưng, hôm qua trong lúc “cho heo ăn”, thằng bé phát hiện con heo có vẻ “gầy guộc” đi, liền cầm vào nhà bếp hỏi mẹ: “Mẹ ơi, mấy ngày trước, con heo của con nặng lắm, sao giờ nhẹ hều vậy mẹ?”.

Chị Hương cầm lấy con heo và cũng đồng tình với thắc mắc của con trai mình. Thế là “vụ án” con heo đất đã được thằng bé điều tra trong chớp nhoáng.

Nó nhanh chân chạy đi hỏi chị, chị nó lắc đầu: “Chị không biết”. Nó đến bên bàn làm việc hỏi ba, ba nó cau có: “Ba cho tiền con còn không hết chứ lấy tiền của con làm gì?”.

Chị Hương suy đi nghĩ lại, trong nhà chỉ có 4 người, ai vào đây lấy? Và chị đã quay sang nghi vấn con gái lớn của mình.

Dạo gần đây, chị thấy nó ra vẻ người lớn hơn, nhí nhảnh hơn. Chị còn thấy con hay mua nhiều báo về điện ảnh, đĩa phim, kẹp tóc... Với số tiền chị cho như vậy, chắc chắn nó không thể nào đủ tiền mua được.

Sau bữa ăn tối, chị Hương lên phòng con gái, nhẹ nhàng hỏi: “Có phải con đã lấy tiền của em không?”.

Ban đầu con bé chối bay chối biến nhưng sau thấy mẹ làm căng quá nên nó cúi đầu nhận tội. Nó lí nhí: “Con lớn rồi, mà ba mẹ xem con như còn con nít. Bạn bè con, mỗi tuần ba mẹ nó cho từ 100 đến 200 ngàn, nên bọn chúng mua được nhiều thứ đồ, kể cả đồ dùng con gái. Còn con, với số tiền ấy, thật ngại mỗi khi đi chung với bạn và càng không dám giao thiệp với bạn bè nhiều. Vả lại, nhiều lúc xe đạp bị hư nặng, không đủ tiền trả, con buộc lòng phải mượn bạn. Chính vì vậy con đã lỡ...”.

Chị ôm con vào lòng nhưng vẫn nghiêm khắc nói: “Con không nên làm như vậy nữa, nếu con cần gì thì nói với mẹ, nếu là lý do chính đáng, mẹ sẽ cho tiền con mua những thứ con cần dùng. Con tuyệt đối không được lấy tiền của em, như thế sẽ thành thói quen xấu, khó bỏ. Gia đình chúng ta không khá giả lắm, trong khi giá cả thị trường đang tăng vùn vụt, con phải biết thương ba mẹ, biết đồ nào cần mua, đồ nào không để tránh lãng phí”.

Khuya đó, chị không ngủ được. Nhìn chồng cũng đang nằm thao thức, chị thở dài: “Con gái mình đã lớn rồi, anh ạ!”.

Theo TGPN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN