Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 225 hợp tác xã nông nghiệp (chiếm hơn 35% số lượng hợp tác xã) với tổng số hơn 83.000 thành viên; trong đó có 159 hợp tác xã tổng hợp; 42 hợp tác xã chăn nuôi; 22 hợp tác xã trồng trọt và 2 hợp tác xã thủy sản. Doanh thu bình quân của một hợp tác xã nông nghiệp đạt khoảng 930 triệu đồng/năm.
Là một trong những hợp tác xã đầu tiên trong cả nước ứng dụng triển khai phần mềm VietGAP điện tử trong trồng trọt, Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội Xanh, xã Vân Hội, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc là một mô hình về phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao phát huy hiệu quả khá tích cực.
Chị Dương Thị Quỳnh Liên, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội Xanh cho biết, cuối năm 2018, hợp tác xã bắt đầu ứng dụng phần mềm VietGAP điện tử vào sản xuất. Nhờ ứng dụng phần mềm VietGAP điện tử trên máy tính hoặc trên điện thoại thông minh mà giờ đây hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã trở nên khoa học, thuận lợi hơn trước.
Thành viên hợp tác xã không còn phải lo ghi chép nhật ký sản xuất bằng tay, bởi chỉ cần tra cứu trên điện thoại là tất cả quy trình sản xuất, tiêu thụ đều được hiển thị. Bên cạnh đó, không chỉ việc quản lý vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) và việc giám sát quy trình sản xuất của từng thành viên cũng thuận lợi hơn.
Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội Xanh hiện có quy mô gần 12 ha sản xuất rau an toàn, mỗi tháng cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng chục tấn rau, củ, quả an toàn các loại. Nhờ phần mềm này mà sản lượng rau của hợp tác xã trong 2 tháng nay đều tăng hơn từ 5 - 10% so với trước đây.
Tuy mới được thành lập vào tháng 6/2018 nhưng Hợp tác xã Sản xuất rau an toàn Thành Lợi, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường đã tìm được hướng đi ổn định cho nông sản của hợp tác xã nhờ vừa áp dụng quy trình VietGAP, vừa đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để đảm bảo tiêu chuẩn.
Anh Đào Văn Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất rau an toàn Thành Lợi cho biết, ban đầu hợp tác xã có hơn 10ha diện tích trồng rau màu, phần lớn diện tích canh tác của hợp tác xã bị ngập úng. Từ thực trạng đó, hợp tác xã đã tìm kiếm đối tác liên kết cùng thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao nhằm gia tăng giá trị sản xuất rau màu trên cùng một diện tích đất.
Hiện nay, Hợp tác xã Sản xuất rau an toàn Thành Lợi có gần 3.000 m2 trồng rau mồng tơi trong nhà lưới để cung cấp rau cho Công ty VinEco và 1,5 ha trồng khoai lang Nhật được một công ty ký hợp đồng bao tiêu, toàn bộ diện tích còn lại được Hợp tác xã bố trí trồng giống khoai tây Alantic theo hợp đồng đã ký kết với Công ty Pepsico Việt Nam.
Anh Đỗ Văn Đạt, cán bộ kỹ thuật Hợp tác xã Sản xuất rau an toàn Thành Lợi cho biết, trồng rau trong nhà lưới, từ khâu chọn giống, gieo trồng, tới chăm sóc, thu hoạch các loại rau muống, mồng tơi, cải, cà chua,… Hợp tác xã đều phải tuân thủ và làm theo quy trình VietGAP. Việc canh tác rau màu theo quy trình VietGAP trong nhà lưới giúp tránh được sâu bệnh, năng suất và chất lượng rau đạt cao hơn so với bên ngoài. Nhờ đó, rau màu của hợp tác xã được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn so với giá thị trường.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều mô hình hợp tác xã nông nghiệp được triển khai phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ liên kết, nông dân được tiếp nhận hỗ trợ về đầu tư, các biện pháp kỹ thuật, đầu ra ổn định, thu nhập từng bước được nâng lên. Một số hợp tác xã thực hiện tiếp nhận và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật tạo điều kiện cho thành viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tăng thu nhập như: Hợp tác xã Rau an toàn ViSa; Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội Xanh; Hợp tác xã Rau an toàn Vĩnh Phúc…
Để hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn, cuối năm 2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020”.
Tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2020 có 256 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. Theo đó, Vĩnh Phúc sẽ dành 9 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực và tư vấn cho các hợp tác xã tham gia thí điểm mô hình áp dụng công nghệ cao; hỗ trợ thiết bị, in nhãn mác, bao bì xuất xứ sản phẩm hàng hóa.
Vĩnh Phúc hỗ trợ 100% chi phí tổ chức thực hiện áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ các hợp tác xã xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường .Đặc biệt, trong Đề án, Vĩnh Phúc sẽ thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng về làm việc tại 5 hợp tác xã nhằm nâng cao nguồn nhân lực cho các hợp tác xã.