Theo Bộ Công Thương, kể từ năm 2009, hai nước ngày càng phát triển và làm sâu sắc hơn nữa "mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược", trên cơ sở những nét tương đồng về văn hóa, lịch sử và cơ cấu kinh tế mang tính bổ trợ lẫn nhau, hai nước đã phát triển mối quan hệ hợp tác trở thành kiểu mẫu trên thế giới.
Hiện nay, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam (sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, trao đổi thương mại giữa hai nước tăng nhanh chóng sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực từ cuối năm 2015.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước đã tăng 123 lần, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao lên 61,5 tỷ USD vào năm 2017. Đặc điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung rõ nét, cơ bản không cạnh tranh trực tiếp.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2017 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Hàn Quốc đạt 61,5 tỷ USD, tăng 41,3% so với năm 2016; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 14,8 tỷ USD, tăng 30%; kim ngạch nhập khẩu đạt 46,7 tỷ USD, tăng 45,3% so với năm 2016.
Trong 10 tháng năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Hàn Quốc đạt 54,4 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 15,2 tỷ USD, tăng 25,3%; kim ngạch nhập khẩu đạt 39,2 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2017.
Về xuất khẩu, cơ cấu hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Hàn Quốc trong các năm gần đây chuyển dần từ nhóm các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, và công nghiệp nhẹ có giá trị gia tăng thấp sang nhóm các sản phẩm có hàm lượng chế biến cao hơn như các mặt hàng cơ khí chế tạo, điện tử viễn thông và công nghiệp nặng, thực phẩm chế biến cao cấp, hàng thời trang, nông thủy sản chế biến...
Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã và đang dần xây dựng được thương hiệu tại thị trường Hàn Quốc; trong đó kể đến mặt hàng dệt may.
Hiện Trung Quốc và Việt Nam là hai nhà cung cấp hàng may mặc lớn nhất vào thị trường Hàn Quốc với thị phần chiếm lần lượt là 34,46% và 32,67%.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng Việt Nam sẽ sớm vượt qua Trung Quốc trở thành nhà cung cấp hàng may mặc lớn nhất tại thị trường này. Cách đây 3 năm, khoảng cách thị phần dệt may tại Hàn Quốc của Trung Quốc và Việt Nam chênh lệch nhau khá lớn, lần lượt là 40% và 30%, tuy nhiên, hiện nay con số này đã thu hẹp khoảng cách xuống lần lượt là 34% và 33%.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2018, măt hàng dệt may đã có sự bứt phá mạnh mẽ tại thị trường này, dự báo đến hết năm nay tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 3,2 tỷ USD.
Về đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam, ông Trần Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia cho biết, Hàn Quốc hiện đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Cụ thể, trong số 115 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong năm 2017, Hàn Quốc xếp thứ hai với tổng vốn đăng ký 8,49 tỷ USD, chiếm 23,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam (xếp sau Nhật Bản đứng thứ nhất với tổng vốn đầu tư 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư; Singapore đứng thứ ba với tổng vốn đăng ký 5,3 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư).
Đến tháng 8/2018, trong số gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 61,08 tỷ USD, Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 55,84 tỷ USD; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 45,89 tỷ USD.
Ông Park Bun-soon (Đại học Sejong, Hàn Quốc) cho biết, Việt Nam là điểm đến quan trọng về FDI của các công ty Hàn Quốc, Hàn Quốc đã đầu tư vào các ngành sử dụng nhiều lao động tại Việt Nam. Điển hình là đầu tư vào ngành dệt may và giày dép nhằm tận dụng nguồn lao động của Việt Nam. Gần đây đầu tư của Hàn Quốc đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, với các doanh nghiệp lớn đầu tư rất nhiều vào Việt Nam như Tập đoàn Samsung, LG, Hyosung, Lotte, CJ đang hoạt động tại Việt Nam. Xuất khẩu của Samsung chiếm 20% tổng xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Park Bun-soon nhấn mạnh, Việt Nam là một đối tác kinh tế quan trọng trong vòng 2 thập kỷ qua, Hàn Quốc liên tục có thặng dư thương mại với Việt Nam, thặng dư thương mại với Việt Nam chiếm trên 70% tổng thặng dư của Hàn Quốc với ASEAN, Việt Nam chiếm một nửa xuất khẩu và 40% đầu tư của Hàn Quốc sang ASEAN.
Trong thời gian tới, mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc hứa hẹn sẽ tiếp tục được mở rộng trên trên nhiều lĩnh vực hơn nữa . Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn làm sâu sắc quan hệ đối tác hớp tác chiến lược với Hàn Quốc
Đối với Chính phủ Hàn Quốc, Việt Nam là một đối tác quan trọng trong Chính sách Hướng Nam của Tổng thống Moon Jae-in.
Có rất nhiều yếu tố để đưa Việt Nam trở thành đối tác trọng tâm trong việc thực hiện chính sách Hướng Nam mới. Đầu tiên, Việt Nam là một trong những nước có dân số đông nhất trong ASEAN, đạt gần 100 triệu người. Vậy nên tiềm năng kinh tế của Việt Nam trong tương lai là rất cao.
Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. Trong tương lai, xu thế này sẽ ngày càng gia tăng mạnh mẽ hơn nữa, những kết quả như vậy chỉ ra rằng Việt Nam - Hàn Quốc đến nay đã trở thành đối tác không thể thiếu của nhau. Mối quan hệ song phương Việt Nam - Hàn Quốc cũng dần trở nên vô cùng đặc biệt.
Những số liệu rất cụ thể chỉ ra rằng Việt Nam là đối tác hết sức quan trọng của Hàn Quốc trong khu vực ASEAN, đặc biệt là quy mô trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Hàn Quốc chiếm hơn 40% tổng quy mô trao đổi thương mại giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN.