Viện phí sẽ còn tăng từ nay đến năm 2018

Từ nay đến năm 2018, viện phí sẽ tiếp tục tăng theo hướng tính đúng tính đủ 7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ (hiện mới tính 3/7 yếu tố). Vậy vì sao lại phải tăng viện phí? Như vậy, liệu có giảm được quá tải bệnh viện?


PGS.TS Phạm Lê Tuấn (ảnh), Thứ trưởng Bộ Y tế, đã trao đổi với Tin Tức.

 

Viện phí vừa mới tăng vào tháng 9/2012, đến nay vẫn còn TP Hồ Chí Minh chưa áp dụng viện phí mới. Vậy tại sao từ năm 2014 lại tiếp tục tăng viện phí, thưa ông?


Bộ Y tế đã trình và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, đây là một trong những nội dung của Nghị định 85/2012/NĐ - CP về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Trước đó, NQ 46 năm 2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới cũng khẳng định rõ chủ trương: “Xây dựng và thực hiện chính sách viện phí phù hợp trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp phục vụ bệnh nhân”.


Thực tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế năm 2012 mới tính 3/7 yếu tố cấu thành viện phí (tiền thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế để thực hiện dịch vụ; tiền điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng cho dịch vụ). Về nguyên lý thì 4/7 cấu phần chưa tính sẽ được ngân sách bổ sung, nhưng thực tế thì bổ sung không đủ, các BV đang phải tự lo rất nhiều khoản (tiền lương, chi phí vận hành BV...).

 

Khi tính đúng, tính đủ, giá một số dịch vụ y tế tại BV công và tại BV tư có thể sẽ tương đương nhau. Như vậy sẽ tạo sự cạnh tranh, đòi hỏi BV công và tư đều phải nâng cao chất lượng, thậm chí phải hạ giá dịch vụ để thu hút người bệnh.

(PGS.TS Phạm Lê Tuấn,
Thứ trưởng Bộ Y tế)

Do vậy, dự kiến từ năm 2014 - 2018, viện phí sẽ được điều chỉnh theo lộ trình mà Chính phủ đã phê duyệt. Theo đó, năm 2014, viện phí sẽ tính thêm chi phí chi trả phụ cấp thường trực (tính vào giá ngày giường điều trị nội trú), chi phí chi trả phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật. Năm 2015, sẽ tính thêm chi phí khấu hao trang thiết bị trực tiếp thực hiện dịch vụ; Chi phí quản lý, vận hành BV, chi phí tiền lương (20 - 30% Quỹ tiền lương cơ bản đối với các BV tuyến tỉnh ở khu vực miền núi, Tây Nguyên và các BV quận thuộc Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 30 - 50% Quỹ tiền lương cơ bản đối với các BV tuyến TW và của các tỉnh, thành phố trực thuộc TW còn lại). Giai đoạn 2016 - 2017, tính 100% quỹ tiền lương cơ bản đối với các BV tuyến tỉnh, tuyến TW và các BV quận thuộc Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 50% quỹ tiền lương cơ bản đối với các BV tuyến huyện còn lại. Sau năm 2018 sẽ tính đầy đủ chi phí để thực hiện dịch vụ y tế.

 

Bệnh nhân sẽ được quyền lợi gì sau khi viện phí tính đúng, tính đủ?


Khi viện phí tính đủ, BV sẽ có đủ kinh phí để triển khai các dịch vụ theo đúng chất lượng, quy chuẩn do Bộ Y tế quy định. Đồng thời, sẽ phải tuyển dụng viên chức theo đúng định mức nhân lực để phục vụ, chăm sóc người bệnh được tốt nhất.


Lúc này, BV không được ngân sách cấp kinh phí hỗ trợ hoạt động thường xuyên như hiện nay. Nguồn ngân sách này sẽ chuyển dần sang hỗ trợ người thụ hưởng dịch vụ y tế, thông qua việc mua hoặc hỗ trợ một phần chi phí mua thẻ BHYT cho các đối tượng: Người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi... Do đó, sẽ bắt buộc các cơ sở y tế công lập phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; nếu người bệnh không đến KCB hoặc cơ quan BHXH không ký hợp đồng thì BV không có bệnh nhân và sẽ không có kinh phí hoạt động.

 

Vậy liệu tới khi đó, tình trạng quá tải BV có được khắc phục triệt để chưa, thưa ông?


Quá tải BV có nhiều nguyên nhân: Nhu cầu chăm sóc tăng, giao thông thuận lợi, cơ chế tài chính chưa hợp lý (bệnh nhân vượt tuyến cũng được thanh toán BHYT nên tự ý vượt tuyến cho dù vẫn có thể điều trị tại tuyến dưới), thiếu lòng tin ở y tế cơ sở, tỷ lệ giường bệnh thấp... Để hạn chế tình trạng quá tải BV, Bộ Y tế đang và sẽ triển khai tổng thể nhiều giải pháp như: Triển khai Đề án giảm quá tải; trình Bộ Chính trị phê duyệt Đề án tăng cường cho y tế cơ sở...

 


Vậy chất lượng dịch vụ y tế có tăng cùng đà tăng của viện phí không?


Tôi khẳng định chất lượng dịch vụ sẽ từng bước được nâng lên theo lộ trình tăng giá viện phí. Thực tế sau 1 năm thực hiện tăng viện phí vừa qua (2012 - 2013) cho thấy đã có những chuyển biến rất tích cực tại các cơ sở y tế. Ví như, sau khi được tăng viện phí, các BV đã dành 15% kinh phí thu được để cải tạo cơ sở vật chất, nhất là khoa khám bệnh.


Để nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã tiến hành xây dựng và ban hành nhiều hướng dẫn điều trị và quy trình chuyên môn để các BV thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý, của bản thân đơn vị thông qua hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị của BV. Thành lập các hội đồng chuyên môn, tiến tới thành lập đơn vị độc lập để đánh giá hiệu quả và chất lượng hoạt động chuyên môn của các BV. Về lâu dài, sẽ chuyển việc thanh toán theo phí dịch vụ sang thanh toán trọn gói theo ca bệnh để hạn chế việc cung ứng một số dịch vụ không cần thiết...


Xin cảm ơn ông!


Phương Liên (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN