Vì sao ly hôn tăng?

Không thể phủ nhận ly hôn đã trả lại tự do cùng cơ hội xây dựng gia đình cho nhiều người. Nhưng không phải ai cũng đủ tỉnh táo để nhận ra rằng nhiều khi gia đình họ chưa đến mức phải ly tán nếu các thành viên có kỹ năng sống tốt hơn, và ít muốn “thể hiện” cái tôi hơn.

Ly hôn ở Việt Nam tăng mạnh

Theo những cuộc điều tra nghiên cứu mới đây, tình trạng ly hôn ở các nước châu Á trong đó có Việt Nam có xu hướng tăng mạnh. PGS.TS Nguyễn Hữu Minh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới (Viện Khoa học xã hội VN) cho biết gần đây có trên 60.000 vụ ly hôn/năm ở VN và xu hướng này đang tiếp tục tăng. "Ly hôn nhiều, khi đi sâu phân tích các nguyên nhân để làm giảm tỉ lệ này, chúng tôi thấy các cặp vợ chồng đang rất thiếu kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử trong cuộc sống chung khó khăn, nhiều khác biệt trong sinh hoạt", ông Minh nói.

Ly hôn ở Việt Nam có xu hướng tăng mạnh.

Nghiên cứu quốc gia về gia đình mới nhất cho thấy mâu thuẫn về lối sống là nguyên nhân hàng đầu (27,7%) dẫn đến ly hôn. Các yếu tố tiếp theo là ngoại tình (25,9%), nguyên nhân kinh tế (13%), bạo lực gia đình (6,7%), lý do sức khỏe (2,2%) và do xa nhau lâu ngày (1,3%). Tỉ lệ ly hôn, ly thân cao nhất là ở Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là hai vùng có xu hướng ly hôn sớm nhất nước với số năm sống chung trước ly hôn là 8,7 năm (Đông Nam bộ) và 7,5 năm (đồng bằng sông Cửu Long).

Hiện tượng ly hôn đang tăng lên này chủ yếu là do áp lực về kinh tế, khác biệt về lối sống và sự không chung thuỷ của hai giới. Kết quả nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ ly hôn là 2,6% với lứa tuổi từ 18-60 và cao hơn ở thành thị.

Mặc dù vậy, nghiên cứu này cũng cho thấy mức độ hài lòng về hôn nhân khá cao. Chỉ có 1,5% người được hỏi cho rằng họ không hài lòng về hôn nhân của mình. Nhưng theo các chuyên gia, điều này có thể phản ánh cá tính người Việt thường không thích "vạch áo cho người xem lưng", gia đình có mâu thuẫn nhưng không muốn sự can thiệp của bên thứ ba, đồng thời chỉ số hài lòng về hôn nhân cũng mâu thuẫn với tình hình ly hôn đang có xu hướng tăng cao.

Biểu hiện bình đẳng giới hay thiếu kỹ năng sống

Hiện tỷ lệ ly hôn của những cặp vợ chồng trẻ không chỉ gia tăng ở các thành thị mà còn có dấu hiệu tăng nhanh tại những vùng nông thôn. Điều đáng buồn là trên 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình mà vợ, chồng trong độ tuổi từ 22-30. Trong đó, có trên 60% ly hôn khi mới kết hôn từ 1-5 năm và hầu hết đã có con.

Ông Minh nhận xét, nếu trước kia, nữ giới rất sợ khi ly hôn do phải đối mặt với sự lên án của dư luận; họ cũng ít dám chủ động ly hôn thì hiện nay, thực trạng này đã có nhiều thay đổi. Tỷ lệ phụ nữ đứng đơn ly hôn cũng cao gấp đôi so với nam giới. Lý do chính là giá trị cá nhân được đề cao hơn, người phụ nữ chủ động hơn trong hạnh phúc của mình và cũng chứng tỏ nhận thức của nữ giới về quyền và địa vị của họ đã thay đổi.

“Việc thiếu kỹ năng sống là một trong những nguyên nhân khiến các đôi vợ chồng trẻ đưa nhau ra tòa ly dị. Tôi đã gặp khá nhiều trường hợp vợ chồng trẻ ly hôn là con một trong gia đình. Những người này luôn được đặt ở vị trí trung tâm, được chiều chuộng nên thiếu sự chịu đựng, lòng vị tha. Khi hôn nhân không như mong đợi, họ ít ngồi nói chuyện bình tĩnh mà vội vã chia tay để tìm hạnh phúc mới”. ông Minh phân tích.

Một nhà tâm lý cho biết một số cặp vợ chồng trẻ ngày nay chưa cảm nhận được hết giá trị của gia đình thậm chí còn thường xuyên sử dụng từ “ly hôn” để “dọa nhau” mỗi khi xảy ra mâu thuẫn. Bên cạnh đó, giới trẻ ngày nay nghiêng về lối sống cá nhân nhiều hơn. Họ chủ động kết hôn, chia tay và không ít đôi kết hôn do tìm hiểu vội vã, mới chỉ rung động chứ chưa phải tình yêu. Đến khi khó khăn, sợi dây tình cảm liên kết hai vợ chồng không đủ mạnh để giúp họ vượt qua hoàn cảnh.

Ngoài ra, vợ chồng trẻ ngày nay có đủ điều kiện kinh tế để sống tự lập, nên khi mâu thuẫn, họ rất dễ có tư tưởng ly hôn. Họ không muốn dung hòa mối quan hệ, không biết hy sinh vì nhau và vì con cái. Đến với cuộc sống gia đình, không ít bạn trẻ phải đối mặt với những khó khăn của cuộc sống khi chưa được chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt, dễ bị chi phối bởi lối sống thực dụng, nên khi mâu thuẫn phát sinh không biết giải quyết.

“Hiện ở Việt Nam có những lớp học về tiền hôn nhân do các trung tâm tư vấn tâm lý giáo dục tổ chức. Nhưng những lớp học này chỉ là những buổi thảo luận nhỏ lẻ, mang tính tự phát, chưa phổ biến. Các lớp học trang bị cho giới trẻ những kiến thức về hôn nhân, nuôi dạy trẻ, về giao tiếp trong gia đình. Bên cạnh đó, trước khi kết hôn, các bạn trẻ cần trang bị kiến thức nghề nghiệp, thu nhập ổn định”, TS xã hội học Trịnh Hòa Bình nêu giải pháp.

Mặc dù vậy, điều cốt lõi của cách ứng xử trong gia đình lại nằm ở chính gia đình và chức năng giáo dục của nó. Nếu như gia đình có nền giáo dục căn bản, truyền thống đạo đức thì nguy cơ đổ vỡ phần nào sẽ được ngăn chặn. Và điều quan trọng nhất là bản thân mỗi cặp vợ chồng phải biết nghĩ về nhau, tôn trọng nhau, tôn trọng những giá trị của truyền thống gia đình.

C.T

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN