Vì sao dịch HIV lây lan ra cộng đồng?

Công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã trải qua chặng đường 20 năm, nhưng đến nay nhiều người có HIV vẫn tiếp tục phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử.


Tại một số trường học ở phía Nam, tình trạng trẻ em nhiễm HIV không được nhận vào học vẫn diễn ra. Đặc biệt, còn rất nhiều người nhiễm HIV không dám công khai danh tính để tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết...

- “Giờ, mỗi khi đi xin học cho các con, tôi đều không dám ghi rõ về tình trạng sức khỏe của chúng. Trước đó, tôi cũng kê khai rõ ràng lắm nhưng rồi cô hiệu trưởng gọi tôi đến trường, “động viên” tôi cho cháu bé nhiễm HIV của trung tâm nghỉ học vì sợ phụ huynh khác biết sẽ bài xích trường”, bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu, cho biết.

Bà Phố, giám sát viên chương trình "Tiếp cận cộng đồng phòng chống HIV/AIDS" thuộc dự án LIFE-GAP tỉnh Bình Thuận truyền thông cho bệnh nhân AIDS tuân thủ phác đồ điều trị. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


Rất bất bình vì ngay một cô giáo hiệu trưởng của một trường công lập cũng phân biệt đối xử với trẻ em nhiễm HIV, bà Đài đã phải dọa kiện nhà trường và yêu cầu sự can thiệp của Trung tâm y tế tỉnh thì cháu bé nhiễm HIV nọ mới tiếp tục được đến lớp. “Tôi biết cô giáo chủ nhiệm vẫn phải giấu thông tin về cháu bé bị nhiễm HIV.


Nếu biết, hẳn những phụ huynh khác cũng sợ vì e trẻ con nghịch ngợm rồi lây bệnh sang nhau... Nguyên nhân dẫn đến sự kỳ thị chính là do người dân thiếu hiểu biết về HIV”, bà Đài khẳng định.

BS Bùi Văn Doanh, Trưởng khoa Điều trị, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng thừa nhận rằng: “Bởi sự kỳ thị trong cộng đồng còn rất nặng nề, nên nhiều người nhiễm HIV tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngại không dám tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tới nay, tại Vũng Tàu cũng chưa có một người nhiễm HIV nào công khai danh tính.


Việc thành lập các câu lạc bộ dành cho người nhiễm HIV đã được tính đến nhưng chưa thể đi vào hoạt động vì số người tham gia rất ít và thiếu kinh phí...”.

Trong quá trình quản lý, điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV, một số bệnh nhân đã chia sẻ với BS Doanh rằng họ cũng có nhiều bạn nhiễm HIV muốn được điều trị, muốn được mọi người chia sẻ nhưng sợ bị kỳ thị nên không dám đến các cơ sở y tế. Hoạt động chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV sẽ đạt hiệu quả cao nếu họ được tư vấn, chăm sóc ở cả phòng khám lẫn cộng đồng.


Tại phòng khám, bệnh nhân sẽ nhận được tư vấn, nhận thuốc ARV - loại thuốc giảm sự sinh sôi nảy nở của HIV trong cơ thể (nếu đủ điều kiện). Khi về cộng đồng, họ sẽ tiếp tục được nhân viên y tế tại đây tư vấn, nhắc nhở tái khám... “Nhưng hiện tại, chúng tôi chỉ có thể làm tốt việc tư vấn và điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV ở phòng khám.


Nguyên nhân chính là người nhiễm HIV vẫn rất sợ thái độ khinh rẻ của cộng đồng. Họ chỉ đồng ý khai điều trị với điều kiện là bác sĩ không được thông báo các thông tin đó cho cán bộ y tế địa phương”, BS Doanh cho biết.

Nhân viên tiếp cận cộng đồng "ngại" lộ diện

Tại tỉnh Bình Thuận, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV cũng diễn ra tương tự. Tại đây, cũng chưa có một câu lạc bộ nào dành cho người nhiễm HIV.


Ngay một số nhân viên tiếp cận cộng đồng (những người làm công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho nhóm đối tượng nguy cơ cao như người tiêm chích ma túy, hành nghề mại dâm), cũng không chịu lộ diện, yêu cầu phóng viên không chụp ảnh, ghi hình và không ghi rõ họ tên.

Theo một thành viên của Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm của TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, nhìn chung không có tỉnh phía Nam nào mà người nhiễm HIV vượt qua được sự kỳ thị, tự công khai danh tính để tiếp cận với các dịch vụ điều trị HIV (trừ TP Hồ Chí Minh). Và tỉnh Bình Thuận cũng không ngoại lệ.


Đối với bệnh nhân đến nhận thuốc ARV, cán bộ y tế phải thông báo xuống tuyến dưới là không hoặc hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân. Thực tế, đã có trường hợp không lâu sau khi các đoàn thể tới thăm, gia đình bệnh nhân HIV phải chuyển chỗ ở do sự khinh miệt của những người xung quanh.

Đến ngày 30/10/2010, lũy tích số nhiễm HIV tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 4.174 trường hợp; trong đó số chuyển sang giai đoạn AIDS là 1.713, chết do AIDS là 1.074 trường hợp. Trong đó, chiếm tỷ lệ cao nhất vẫn là người nghiện chích ma túy với 47,55%. Đặc biệt, HIV cũng được phát hiện ở những nhóm người được xem là “ít có hành vi nguy cơ” như thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự (1,3%), người tham gia hiến máu (0,42%) và thai phụ (1,47%)...

Theo lời kể của người cán bộ này, cán bộ y tế có thể biết tại TP Phan Thiết đã có 114 người tử vong vì AIDS nhưng ngay chính những người thân trong gia đình những người đã tử vong này cũng ít hay biết.


Những người nhiễm HIV đến nhận thuốc ARV thì chỉ đồng ý tiếp xúc với bác sĩ, không đồng ý tư vấn nhóm do sợ lộ danh tính. Một số bệnh nhân thì không dám điều trị tại địa phương mà vào tận các cơ sở y tế TP Hồ Chí Minh để điều trị. Thế nhưng, ai dám chắc với chặng đường dài hơn 200 km từ Bình Thuận - TP Hồ Chí Minh, mọi bệnh nhân nhiễm HIV đều tuân thủ đúng phác đồ điều trị?

Rõ ràng, sự kỳ thị đã cản trở người nhiễm HIV/AIDS bộc lộ danh tính và ngăn cản họ tiếp cận với sự chăm sóc, hỗ trợ của các cơ sở y tế cũng như cộng đồng.


Thực trạng này là một điều rất đáng lo ngại, nhất là đối với các tỉnh có nhiều khách du lịch như Vũng Tàu, Bình Thuận. Bởi lẽ, nhiều gái mại dâm tại đây cho biết việc dùng bao cao su hay không phụ thuộc vào khách hàng hoặc sự tin tưởng đối với bạn tình của họ. Ngoài ra, vì mưu sinh và cả vì trả thù... nên nhiều gái mại dâm đã giấu nhẹm về tình trạng bệnh tật của mình.

Vậy nên, việc tập trung mạnh vào công tác tuyên truyền có lẽ là “vắcxin” hữu hiệu nhất hiện nay để xóa bỏ sự kỳ thị nêu trên. Chỉ khi nào sự kỳ thị được xóa bỏ, người dân có thái độ bao dung hơn thì người nhiễm HIV mới dám bộc lộ danh tính, tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Có như vậy, mới góp phần chặn đứt được đường lây của dịch HIV/AIDS ra cộng đồng.

Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN